Hotline 24/7
08983-08983

Phát hiện sớm bệnh đái tháo đường

Khi người bệnh ăn nhiều mà vẫn sụt cân, uống nhiều mà vẫn cứ khát nước liên tục kèm tiểu nhiều, đó là biểu hiện của bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh nội tiết chuyển hóa hay gặp nhất, có tỉ lệ phát triển nhanh trên toàn thế giới và cả ở Việt Nam. Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc ĐTĐ trên toàn quốc đã tăng từ 2,7% (năm 2002) lên 5,0% (2008)

và cao tới 7,2% ở các thành phố lớn. Bệnh ĐTĐ type 2 lại thường được chẩn đoán muộn hoặc không được chẩn đoán trong nhiều năm vì tình trạng tăng đường huyết phát triển một cách âm thầm mà không có triệu chứng gì.

Cách nhận biết bệnh ĐTĐ

Bệnh ĐTĐ thường biểu hiện triệu chứng như: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều (3 nhiều) và gầy nhanh. Ăn nhiều vẫn không tăng cân mà còn sụt cân, uống nhiều mà vẫn cứ khát nước liên tục kèm tiểu nhiều (ở đây là tiểu nhiều lần với số lượng nhiều). Người bệnh biểu hiện sụt cân rất nhanh trên 5 kg trong vòng 1-2 tháng.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng điển hình như trên mà bệnh diễn tiến một cách âm thầm không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xuất hiện biến chứng: Vết thương nhiễm trùng điều trị mãi không lành hoặc viêm nhiễm đường tiểu, nhiễm nấm âm đạo kéo dài uống thuốc lâu không khỏi.

Giảm thị lực do thoái hóa võng mạc hay đục thủy tinh thể sớm có thể dẫn đến mù lòa và khi đi khám mắt mới biết mình bị ĐTĐ hoặc bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não gây liệt nửa người hay nhồi máu cơ tim vào cấp cứu ở bệnh viện mới phát hiện mình bị ĐTĐ với kết quả xét nghiệm có đường huyết rất cao, có khi lên đến trên 200 - 300 mg/dL.

Xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường

Đừng nhầm lẫn ĐTĐ và rối loạn dung nạp đường

Có trường hợp bệnh nhân khi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng quát có kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói là 135 mg/dL (7,5 mmol/lít) và bệnh nhân thắc mắc với bác sĩ là họ có bị bệnh ĐTĐ hay không?

Với kết quả này mà vào ngày trước thời điểm người bệnh xét nghiệm máu có ăn ngọt (chè, nước ngọt, bánh kẹo, sô-cô-la…) thì có thể chỉ là rối loạn dung nạp đường khi đói vì một tuần sau không ăn đồ ngọt, người bệnh này xét nghiệm lại thì kết quả đường huyết trở về bình thường (đường huyết < 120 mg/dL) mặc dù không uống thuốc hạ đường. Cũng có trường hợp với kết quả xét nghiệm đường huyết như trên mà bác sĩ cho uống thuốc hạ đường thì người bệnh sẽ có triệu chứng hạ đường huyết ngay.

Do đó, để chẩn đoán chắc chắn trường hợp rối loạn dung nạp đường đói này, nói cách khác là “tiền ĐTĐ”, các bạn phải đưa người nhà của mình đến các bệnh viện có đầy đủ phương tiện chẩn đoán cũng như có bác sĩ chuyên khoa nội tiết để làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu hơn như: Nghiệm pháp dung nạp đường, HbA1c,… thì việc điều trị sẽ tốt hơn và an toàn cho người bệnh hơn.

Đa phần người bệnh bị ĐTĐ không có triệu chứng, do đó không biết mình bị bệnh. Trên 50% bệnh nhân ĐTĐ khi đã có một hay nhiều biến chứng mới biết mình bị ĐTĐ.

Do đó bệnh ĐTĐ cần phải được phát hiện sớm bằng cách tầm soát những người có các yếu tố nguy cơ, như trên 45 tuổi thừa cân hoặc nhỏ hơn 45 tuổi và có các yếu tố nguy cơ: thừa cân hay béo phì, tăng huyết áp (≥ 140/90 mmHg); rối loạn lipid máu (HDL-C < 40 mg/dL hoặc triglycerid ≥ 200 mg/dL); tiền sử gia đình có người trực hệ bị bệnh ĐTĐ; tiền sử sinh con trên 4 kg lúc mới sinh hoặc bị ĐTĐ thai kỳ; đã được chẩn đoán rối loạn đường huyết đói hoặc rối loạn dung nạp đường. 

AloBacsi.vn
Theo BS-CKI Vũ Thị Thu Hương - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X