Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tiểu đường bị run tay, mồ hôi nhiều do nguyên nhân gì?

Câu hỏi

Gởi bác sĩ, Bệnh tiểu đường: khi bị run tay, mồ hôi tuôn ra nhiều là vì sao? Cách xử lí khi gặp tình huống này? Bệnh nhân tiểu đường có bị huyết áp. Nếu hàng ngày uống thuốc tiểu đường và thuốc huyết áp thì có gây tác dụng phụ gì không? Có nên ngưng thuốc huyết áp không? Cảm ơn bác sĩ nhiều. Mong sớm nhận được phản hồi từ bác sĩ!

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Đổ mồ hôi do tiểu đường. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Đổ mồ hôi do tiểu đường. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào bạn,

Run tay, vã mồ hôi là những triệu chứng của tăng hoạt giao cảm, thường gặp khi hạ đường huyết. Nếu bấm đường huyết mao mạch vào lúc này dưới 70 mg/dL giúp khẳng định chẩn đoán. Lúc này, người bệnh chỉ cần uống sữa có đường hoặc ngậm kẹo ngọt, mức đường tăng lên, triệu chứng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên cần tìm nguyên nhân hạ đường huyết, thông thường là do nhịn đói quá mức hoặc dùng thuốc liều hơi cao. Bạn cần gặp bác sĩ Nội tiết để điều chỉnh lại.

Về vấn đề thuốc trị tiểu đường và thuốc hạ áp, đều có rất nhiều loại, nhóm thuốc với cơ chế tác dụng khác nhau. Tuy nhiên đa số các thuốc trị đái tháo đường và thuốc hạ áp thường dùng ít khi có tương tác đáng kể.

Bạn nên tái khám định kỳ để bác sĩ Nội tiết kiểm tra lại mức đường, xem xét điều chỉnh các thuốc đang dùng cho phù hợp bạn nhé!

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Người đái tháo đường bị mồ hôi nhiều là do:

- Tổn hại hệ thần kinh: Sự tiến triển của bệnh đái tháo đường theo thời gian có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ (hệ thần kinh thực vật). Khi hệ thần kinh thực vật bị rối loạn, nó có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa. Trong một số trường hợp, biến chứng thần kinh do đái tháo đường có thể khiến người bệnh bị đau đớn.

- Sự biến động lượng đường trong máu: Đổ mồ hôi có thể là một dấu hiệu của lượng đường huyết trong cơ thể tăng hoặc giảm đột ngột.

- Người bệnh đái tháo đường thường dễ gặp phải các biến chứng nếu không kiểm soát tốt lượng đường huyết như: Cường giáp, tim mạch... Khi gặp các biến chứng này, người bệnh dễ bị đổ mồ hôi nhiều, run rẩy, ớn lạnh, lo lắng, tim đập nhanh...

Khi bị đổ mồ hôi nhiều do đái tháo đường, bạn có thể sử dụng một số biện pháp dưới đây để giảm mồ hôi:

- Thuốc chống mồ hôi: Bạn có thể mua thuốc chống mồ hôi tại các hiệu thuốc. Cơ chế tác dụng của các thuốc này là làm sừng hóa gây tắc ống tiết mồ hôi và làm teo các tế bào tiết mồ hôi.

- Điện di ion: Dưới tác động của điện trường, các tuyến mồ hôi sẽ bị ức chế tạm thời, chúng không thể hoạt động để bài tiết mồ hôi tại chính vùng da được tiếp xúc trực tiếp với thiết bị này. Điện di ion đã được sử dụng để điều trị mồ hôi nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân.

- Tiêm Botox: Tiêm Botox có thể được áp dụng trong các trường hợp ra mồ hôi nhiều. Khi Botox được tiêm vào da, chúng sẽ ảnh hưởng đến các tín hiệu giữa các dây thần kinh và tuyến mồ hôi ở lớp hạ bì. Độc tố botulism làm tê liệt dây thần kinh, ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine khiến tuyến mồ hôi không nhận được tín hiệu cần “sản xuất” mồ hôi, từ đó mồ hôi sẽ tiết giảm.

- Phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm: Phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm (ETS) là biện pháp được rất nhiều người lựa chọn để trị tình trạng mồ hôi nhiều. Cắt hạch thần kinh giao cảm là một biện pháp làm phá hủy các hạch giao cảm. Các hạch giao cảm là nơi trung gian tiếp nhận thông tin từ hệ thống thần kinh thực vật và chỉ huy hoạt động của các tuyến ngoại tiết, trong đó có tuyến mồ hôi trải khắp bề mặt cơ thể.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X