Bộ Y tế cảnh báo dịch sởi: Đã có hơn 54.000 ca mắc, người lớn cũng có nguy cơ tử vong
Tính đến đầu tháng 4, cả nước đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sởi. Mặc dù Bộ Y tế nhận định dịch có xu hướng chững lại, nhưng nguy cơ bùng phát và lan rộng vẫn còn hiện hữu, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn.
Đáng chú ý, sởi không còn là “bệnh của trẻ em” như nhiều người vẫn nghĩ. Hiện đã có nhiều ca bệnh ở người trưởng thành, trong đó đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên trong năm nay.
Thông tin từ Viện Y học Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người bệnh tử vong là một ca mắc sởi trên nền bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường. Đây là hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của bệnh sởi khi tấn công vào nhóm đối tượng có bệnh nền, miễn dịch suy giảm.
Sởi - bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh
Theo Bộ Y tế, sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm lây nhanh nhất, bất kỳ ai chưa tiêm ngừa đầy đủ đều có thể mắc bệnh. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, loét giác mạc, tiêu chảy nặng và thậm chí tử vong.
Hiện nay, trong cộng đồng đã xuất hiện những trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại nhiều địa phương, do đó, ngành y tế kêu gọi người dân không được chủ quan, đặc biệt là những người lớn chưa rõ tiền sử tiêm chủng.

Khuyến cáo khẩn với nhóm nguy cơ cao
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế diễn tiến nặng, Cục Phòng chống bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo những nhóm có nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp) cần:
1. Chủ động tiêm vắc xin phòng sởi, nhất là những người không rõ tiền sử tiêm hoặc chưa từng mắc sởi.
2. Thăm khám sớm khi có các triệu chứng nghi sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc sởi, nếu buộc phải tiếp xúc cần mang khẩu trang và vệ sinh tay kỹ lưỡng.
4. Tăng cường sức đề kháng bằng cách giữ gìn vệ sinh thân thể, giữ ấm, vệ sinh mũi họng mỗi ngày.
5. Đảm bảo môi trường sống, học tập, làm việc thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh các bề mặt tiếp xúc.
Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh sởi. Trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, việc tăng cường miễn dịch cộng đồng là yếu tố then chốt để chặn đứng nguy cơ lan rộng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình