GS.TS.BS Văn Tần: Người dành trọn đời đặt nền móng cho Ngoại khoa hiện đại Việt Nam, được TPHCM vinh danh
Gắn bó gần 60 năm với ngành ngoại khoa, cố GS.TS.BS Văn Tần không chỉ là "bàn tay vàng" trong hơn 30.000 ca mổ phức tạp mà còn là người thầy mẫu mực, đặt nền móng cho nhiều thế hệ ngoại khoa Việt Nam. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp y tế và giáo dục y học, ông đã được TPHCM vinh danh là cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố giai đoạn 1975-2025.
GS.TS.BS Văn Tần là một chuyên gia hàng đầu trong ngành ngoại khoa, ông từng đảm nhận các chức vụ quan trọng như: Phó Chủ tịch Hội ngoại Tim mạch, Lồng ngực Việt Nam; Chủ tịch Phân hội Nội soi Lồng ngực Việt Nam; thành viên ban chấp hành các hội ngoại khoa, ung thư, khoa học tiêu hóa, gan mật Việt Nam và một số hội quốc tế như Hội Ngoại khoa, Hội Ung thư, Hội Khoa học Tiêu hóa và Gan mật.
Ông cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp y khoa và sự nghiệp giáo dục, đào tạo của ngành y tế Thành phố và cả nước. Từ năm 1976 đến 1991, ông là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục sự nghiệp, ông được bổ nhiệm làm Phó Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Y Dược TPHCM từ năm 1992 đến 2006.
Từ năm 2007 đến nay, ông giữ chức vụ Giáo sư thỉnh giảng tại đây, khẳng định uy tín và chuyên môn cao trong ngành. Đồng thời, ông cũng có thời gian dài gắn bó với công tác quản lý, từng là Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Tổng quát tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1990 đến 2006.
Sau đó, từ năm 2007 đến 2012, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ông đã đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng tại các cơ sở y tế hàng đầu.
Từ năm 1976 đến tháng 6/2006, ông giữ chức Trưởng khối Ngoại tại Bệnh viện Bình Dân, đồng thời đảm nhận vai trò Phó Giám đốc chuyên môn của bệnh viện từ năm 1981 đến tháng 6/2006.
Với chuyên môn sâu rộng, ông là Tham vấn Ngoại khoa cho nhiều bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh miền Nam, miền Trung Việt Nam từ năm 1980 đến 2023.
Ông cũng là thành viên Ngoại trong Ban Bảo vệ Sức khỏe Thành ủy TPHCM từ năm 1990 đến 2018, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cấp cao của Thành phố.
Bên cạnh đó, ông còn là Chuyên viên Phẫu thuật cấp cứu thảm họa khối ASEAN từ năm 1990 đến 2018, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong khu vực.
Là chuyên gia Phẫu thuật Lồng ngực tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch từ tháng 02/2005 đến năm 2018, chuyên gia Phẫu thuật Ngoại Tổng quát & Mạch máu tại Bệnh viện 115 TPHCM từ ngày 17/01/2005 đến năm 2018, chuyên gia Phẫu thuật Ngoại chung và Mạch máu tại Bệnh viện 175 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện Thống Nhất (Bộ Y tế), Bệnh viện Triều An (Bộ Y tế) từ năm 2000 đến 2018. Từ năm 2009 đến 2018, ông là chuyên gia Phẫu thuật Ngoại chung và Lồng ngực - Mạch máu tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. Những vai trò này đã thể hiện sự tận tâm và đóng góp to lớn của ông cho ngành y tế Việt Nam.
Là một trong những bàn tay vàng trong ngành ngoại khoa Việt Nam, Giáo sư Văn Tần đã trực tiếp tham gia hơn 30.000 ca mổ khó, phức tạp và còn là người thầy mẫu mực với sự nghiệp giảng dạy trong suốt gần 60 năm. Một trong những ca mổ phức tạp nhất mà Giáo sư Văn Tần từng là phẫu thuật viên chính cùng Giáo sư Trần Đông A, Giáo sư Trần Thành Trai là ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh anh em dính nhau phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức vào năm 1988, trở thành dấu mốc son trong lịch sử y học Việt và được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Ông từng được vinh danh là bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam, phẫu thuật gan đứng thứ nhì trong nước, chỉ sau cố Giáo sư Tồn Thất Tùng.
Làm việc từ 5 giờ sáng để nắm được tình hình của bệnh nhân, biết được sau mổ bệnh nhân có khá hơn không. Theo ông, nếu 7 giờ mới tới bệnh viện, bác sĩ không đủ thời gian cho những việc này. Ông dành nhiều thời gian trong phòng làm việc để tập trung nghiên cứu, viết sách và ra về khi thành phố đã lên đèn. Ông vẫn duy trì thói quen này và luôn có mặt bất cứ lúc nào người bệnh cần, dù là ngày lễ, Tết hay đêm khuya.
Ông chỉ mổ ở bệnh viện, không mở phòng mạch tư, không nhận mổ dịch vụ. Ông từ chối chức Giám đốc bệnh viện, đến ngày về hưu vẫn chỉ làm Phó Giám đốc, tập trung chuyên môn phẫu thuật với các nghiên cứu, ứng dụng những kỹ thuật mới giúp người bệnh. Ngoài thời gian mổ, thăm khám bệnh, giảng dạy, ông dành nhiều thời gian trong phòng làm việc để viết sách, nghiên cứu.
Ông có hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, 450 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, chủ biên 13 quyển sách chuyên ngành và hướng dẫn khoa học cho 9 tiến sĩ, 14 bác sĩ chuyên khoa 2 và 17 thạc sĩ. Sau khi nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục làm việc tại Bệnh viện Bình Dân, truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm ngoại khoa cho nhiều thế hệ sinh viên và học viên tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TPHCM cho đến khi mất.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình