Phú Thọ: Nam bệnh nhân đột quỵ hồi phục toàn thân sau 3 tháng kiên trì phục hồi chức năng
Sau 3 tháng điều trị phục hồi chức năng theo phác đồ cá nhân hóa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, một nam bệnh nhân từng bị đột quỵ liệt nửa người trái đã hồi phục toàn thân, bắt đầu tập đi và có thể tự chăm sóc bản thân.
Theo thông tin từ Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân là nam giới, 60 tuổi, có tiền sử đột quỵ dẫn đến di chứng liệt nửa người trái. Một tháng sau đột quỵ, bệnh nhân xuất hiện đau nhức nặng vùng vai liệt, ăn ngủ kém, suy nhược cơ thể và sụt cân đáng kể.
Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân bị bán trật khớp vai trái, kèm teo cơ vùng vai và cánh tay, mất hoàn toàn chức năng tay trái. Trước tình trạng này, các bác sĩ đã xây dựng phác đồ điều trị phục hồi chuyên sâu tại khoa Phục hồi chức năng thần kinh - Đột quỵ của bệnh viện.

Điều trị đa phương pháp - Phục hồi toàn diện
Người bệnh được cố định khớp vai bằng đai chuyên dụng, kết hợp điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu hiện đại như: điện xung, hồng ngoại, siêu âm, sóng ngắn, băng dán… cùng robot tập tay hỗ trợ khôi phục chức năng bàn tay. Ngoài ra, bệnh nhân còn được hướng dẫn tư thế đúng trong sinh hoạt nhằm ngăn ngừa tổn thương thứ phát.
Đáng chú ý, người bệnh được kỹ thuật viên phục hồi chức năng theo dõi sát sao, đồng hành trong suốt quá trình điều trị.
Sau 3 tháng, bệnh nhân hồi phục tốt: hết đau vai, cơ vai và cánh tay phục hồi rõ rệt, có thể tự mặc áo, ăn uống ngon miệng và ngủ tốt trở lại. Đặc biệt, bệnh nhân đã bắt đầu tập đi, có thể sinh hoạt độc lập, hướng đến xuất viện trong thời gian tới.
Bán trật khớp vai sau đột quỵ: Biến chứng thường gặp
Theo BS.CK1 Vũ Thị Minh Thanh - Trưởng khoa Phục hồi chức năng thần kinh - Đột quỵ, bán trật khớp vai là biến chứng phổ biến sau đột quỵ, đặc biệt ở bệnh nhân liệt nửa người. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu hoặc liệt cơ vai, mất kiểm soát vận động, không được hỗ trợ đúng tư thế và không tập luyện đúng cách. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bán trật khớp vai có thể gây đau mạn tính, teo cơ và cản trở quá trình phục hồi vận động của người bệnh.

Phòng ngừa bán trật khớp vai sau đột quỵ - Yếu tố then chốt giúp phục hồi vận động
Để phòng ngừa biến chứng này, người bệnh cần:
- Tập vận động sớm: Duy trì tầm vận động khớp và tăng kiểm soát cơ qua các bài tập phù hợp với mức độ liệt.
- Sử dụng đai hỗ trợ: Giúp cố định, nâng đỡ khớp vai, giảm lực kéo không cần thiết.
- Áp dụng vật lý trị liệu: Các liệu pháp như điện xung, siêu âm, sóng ngắn… hỗ trợ tuần hoàn máu, giảm đau và phòng teo cơ.
- Tư thế sinh hoạt đúng: Nằm, ngồi và đi lại đúng cách sẽ giúp tránh tổn thương thêm cho khớp vai.
- Tập luyện với chuyên gia: Cần sự hướng dẫn sát sao từ đội ngũ phục hồi chức năng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Trường hợp bệnh nhân hồi phục toàn thân sau đột quỵ nêu trên là minh chứng cho hiệu quả của điều trị phục hồi chức năng sớm, đúng phác đồ và có sự đồng hành chặt chẽ từ các chuyên gia y tế. Đây cũng là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của phục hồi chức năng trong điều trị đột quỵ - một mắt xích không thể thiếu nếu muốn người bệnh thực sự quay lại cuộc sống thường nhật.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình