Hotline 24/7
08983-08983

Dừng thuốc Tiểu Đường Hoàn đột ngột có ảnh hưởng gì đến bệnh tiểu đường type 2?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, Vợ tôi 53 tuổi, có bệnh tiểu đường type 2, đã điều trị ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương 2 tuần (năm 2017), nay về điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên, song chỉ số đường huyết thất thường (dao động từ 7 đến 12 chấm). Gần đây nghe bà con tư vấn đã uống viên "Tiểu Đường Hoàn" và thấy đỡ hơn (đã dùng khoảng 4-5 tháng). Song xem tin trên báo về vấn đề bệnh nhân dùng thuốc trên có nhiều trường hợp bị biến chứng nguy hiểm. Vậy theo bác sĩ bây giờ vợ tôi dừng uống thuốc đó và phải làm gì ạ? Trân trọng cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Bệnh tiểu đường type 2. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bệnh tiểu đường type 2. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào chú,

Tiểu Đường Hoàn đã được chứng minh là có chứa phenformin, là một hoạt chất được dùng trong điều trị đái tháo đường trong Tây Y từ những năm 1950, nhưng sau đó bị cấm sản xuất và lưu hành do ghi nhận hàng loạt ca tử vong có liên quan đến nhiễm acid lactic sau khi dùng thuốc.

Tại Việt Nam cũng đã cấm lưu hành phenformin từ lâu nhưng đã bị nhiều cơ sở sản xuất thuốc đông y mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.

Chắc chắn để an toàn, vợ chú cần phải ngưng thuốc ngay. Việc ngưng thuốc đột ngột sẽ không gây nguy hiểm nhưng chú cần sắp xếp đưa vợ đi khám chuyên khoa Nội tiết.

Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân tuân thủ liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Như vậy, khi đường huyết không kiểm soát tốt với thuốc, cần tái khám để bác sĩ điều chỉnh.

Đường huyết khó kiểm soát một phần là do chế độ ăn của bệnh nhân chưa khoa học, thiếu tập luyện thể dục chứ không nên chỉ chăm chăm vào uống thuốc thì rất khó điều chỉnh được đường huyết.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Tiểu đường type 2, còn gọi là tiểu đường khởi phát ở người lớn hoặc tiểu đường không phụ thuộc insulin, cơ thể bạn vẫn sản xuất đủ lượng insulin hoặc sử dụng insulin đúng cách. Bệnh tiểu đường type 2 không giống như tiểu đường type 1. Ở tiểu đường type 1, tuyến tụy không thể tiết ra insulin. Đối với bệnh tiểu đường type 2, tuyến tụy vẫn hoạt động như bình thường, nhưng do một nguyên nhân nào đó các tế bào không thể sử dụng glucose trong máu làm nguồn năng lượng. Điều này sẽ dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao và có thể gây tổn thương đến cơ thể bạn.

90% đến 95% bệnh nhân tiểu đường là mắc tiểu đường
type 2. Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường khởi phát ở người lớn, ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ngày càng nhiều trẻ em và người trẻ tuổi mắc phải bệnh tiểu đường type 2 do bệnh béo phì ngày càng có xu hướng gia tăng ở trẻ em.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 thường không xuất hiện hoặc khá nhẹ nên bạn không nhận ra trong nhiều năm ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng thông thường có thể bao gồm:

- Nhìn mờ;
- Mệt mỏi;
- Ăn nhiều nhưng vẫn mau đói;
- Uống nước nhiều nhưng vấn mau khát;
- Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm;
- Vết thương lâu lành;
- Đau và tê ở chân hoặc tay;
- Sụt cân không rõ lý do.

Nhiều bệnh nhân kiểm soát bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Các quy định của chế độ ăn uống mới cho phép có nhiều lựa chọn về thực phẩm hơn. Tuy nhiên nên tránh các thức ăn có nhiều đường và nhiều chất béo, điều này rất quan trọng. Tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng và giữ lượng đường ở mức thấp và cơ thể sử dụng insulin tốt hơn.

Tuy nhiên với một số bệnh nhân, chế độ ăn và tập thể dục là chưa đủ mà họ còn cần phải dùng đến thuốc. Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2 thường là các loại thuốc giúp cơ thể sử dụng glucose tốt hơn.

Nếu sử dụng thuốc không hiệu quả, người bệnh cần phải được tiêm insulin để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Insuline không thể uống qua đường miệng vì acid trong bao tử sẽ phá hủy nó, mà phải được tiêm dưới da.

Lượng đường huyết cần phải được kiểm tra thường xuyên (thường là ít nhất một lần mỗi ngày). Ngoài sự chăm sóc của bác sĩ chính của bạn, còn có các chuyên gia (chuyên gia nội tiết, chuyên gia điều trị bàn chân và bác sĩ nhãn khoa) giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X