Đau cổ vai gáy kéo dài, đến khi cứng cổ mới phát hiện viêm cột sống dính khớp
Nam bệnh nhân 49 tuổi, ở Đồng Tháp đến thăm khám tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh do dấu hiệu đau cổ vai gáy kéo dài, cứng cổ khó quay đầu. Bác sĩ chẩn đoán viêm cột sống dính khớp, phải uống thuốc điều trị và tập luyện lâu dài.
Nam bệnh nhân D.M.C. 49 tuổi (ở Đồng Tháp) có triệu chứng đau cổ vai gáy, đau lưng kéo dài hơn 1 năm nay. Bệnh nhân đã đi khám và tập vật lý trị liệu tại địa phương, chẩn đoán thoái hóa cột sống, đau vai gáy… Sau một thời gian tập, anh C. có giảm đau.
Tuy nhiên 2-3 tháng gần đây bệnh nhân xuất hiện thêm vấn đề cứng cổ, khó quay được cổ; triệu chứng đau không tiến triển, các dấu hiệu khiến bệnh nhân lo lắng. Khi đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thăm khám, bệnh nhân có dấu hiệu đơ cứng rõ, không quay, cúi ngửa được hết tầm của cột sống. Bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ và Xquang cột sống cổ, cột sống thắt lưng.
BS.CK2 Trần Khánh Phương - Chuyên khoa Lão khoa - Cơ Xương Khớp cho biết, kết quả chụp chụp cộng hưởng từ và Xquang cho thấy bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp, đây là bệnh lý không phải nguyên nhân do thoái hóa, lao động, tuổi tác… mà là bệnh tự miễn, cơ thể sinh ra chất chống lại cột sống và đi đến hậu quả cuối cùng là các đốt sống dính vào nhau, mất khoảng giữa các thân sống, khoang đĩa đệm hẹp lại, các đốt sống tạo gai nối liền dính vào nhau tạo thành một khối giống thân cây tre, bệnh nhân dần mất độ linh hoạt, cúi ngửa, xoay của khớp cột sống.
Theo BS Khánh Phương, tình trạng cứng cổ của anh C mới chỉ xuất hiện vài tháng nay, tuy nhiên qua phim chụp nhận thấy bệnh đã tiến triển khá lâu, do triệu chứng của bệnh nhân không bị cứng sớm nên không kịp thời phát hiện.
Một vấn đề khó để nhận biết ở bệnh nhân này là thông thường viêm cột sống dính khớp sẽ bị đau khớp cùng chậu, một dấu hiệu điển hình báo trước, nhưng bệnh nhân này ngược lại là đau cổ trước.
Điều khả quan là anh C. không bị các khớp ngoại biên, chỉ bị viêm cột sống thể trục. Qua khảo sát toàn bộ cột sống nhận thấy người bệnh bị nặng ở vùng cổ và ngực, và nhẹ ở phần lưng.
BS.CK2 Trần Khánh Phương khuyến cáo, khi bị đau cột sống kéo dài, điều trị bằng nội khoa và vật lý trị liệu không cải thiện, thậm chí xuất hiện thêm các triệu chứng như cứng khớp làm hạn chế vận động, người bệnh cần được thực hiện thêm xét nghiệm HLA-B27 (xét nghiệm chất điển hình của bệnh) để củng cố chẩn đoán.
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý tự miễn, hậu quả cuối cùng là người bệnh sẽ bị dính cứng toàn bộ cột sống, mất khả năng xoay, cúi, ngửa thân mình, và viêm dính gây cứng các khớp ngoại biên khác như khớp háng, gối, cổ chân…Đây là bệnh lý mạn tính cần điều trị bằng thuốc kết hợp tập luyện suốt đời nhằm làm chậm quá trình viêm và ngăn ngừa nguy cơ tàn phế.
Khi về nhà, người bệnh phải tuân thủ dùng thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc dù các triệu chứng có thuyên giảm, vì bệnh có tiến triển lâu dài và liên tục.
Nếu ở mức độ khả quan, người bệnh có thể kiểm soát bệnh bằng thuốc uống và tập luyện, nhưng nếu nặng hơn, người bệnh phải sử dụng thuốc truyền sinh học để khống chế bệnh.
Ngoài ra, chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, tránh căng thẳng, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, không hút thuốc, không uống rượu bia là những yếu tố quan trọng giúp hạn chế tình trạng bệnh tự miễn diễn tiến nặng hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm để giảm nguy cơ kích hoạt các phản ứng miễn dịch bất lợi trong cơ thể.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình