Hà Nội: Bé gái 5 tuổi bị chó nhà 20kg tấn công
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tiếp tiếp nhận hai trường hợp bị chó nhà cắn, trong đó có một bé gái 5 tuổi bị thương nặng ở vùng đầu - mặt. Các ca bệnh này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan trong quản lý vật nuôi và cách xử trí khi xảy ra tai nạn.
Mới đây, một bé gái 5 tuổi tại Hà Nội đã nhập Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng đa chấn thương do bị chó nhà nặng hơn 20kg tấn công. Các vết thương tập trung ở vùng đầu - mặt, khu vực gần hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ lan truyền virus nếu con vật mang mầm bệnh.
Khi nhập viện, bé gái có hơn 10 vết thương, trong đó có vết sâu in rõ dấu răng chó. Các bác sĩ tiến hành xử trí cấp cứu, khâu hở khoảng 10 mũi để dẫn lưu dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

BS Phạm Văn Tỉnh - Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống cho biết, với vết cắn động vật, khâu hở sẽ giúp theo dõi và phòng ngừa biến chứng hiệu quả hơn so với khâu kín. Bé đang được tiếp tục theo dõi và hoàn tất phác đồ tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại.
Trong thời gian này, bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp người phụ nữ 45 tuổi, cũng ở Hà Nội, bị chó nhà nặng 5 - 6kg cắn vào tay. Điều đáng lo ngại là con chó đã chết ngay sau khi cắn, dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến bệnh dại.
Bệnh nhân lập tức được xử trí ban đầu và tiêm vắc xin, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương do có tiền sử lupus ban đỏ - một bệnh tự miễn dễ gây rối loạn miễn dịch, cần giám sát chặt chẽ trong quá trình tiêm phòng. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Theo TS.BS Ngô Thanh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, virus dại tồn tại trong nước bọt chó mèo, có thể lây sang người qua vết cắn, kể cả khi vật nuôi không có biểu hiện bệnh rõ ràng. Đặc biệt, mùa hè là thời điểm virus dại dễ bùng phát do thời tiết nắng nóng khiến động vật dễ kích động, hung dữ, cộng thêm thói quen thả rông chó mèo mà không tiêm phòng đầy đủ.
Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo; không thả rông vật nuôi; khi đưa chó ra ngoài phải đeo rọ mõm. Ngoài ra, không để trẻ nhỏ tiếp xúc gần với chó lớn khi không có người giám sát. Khi bị chó cắn, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí và tiêm phòng kịp thời, kể cả trong trường hợp chó đã tiêm vắc xin.
Virus dại là tác nhân truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối nếu không được xử trí trước khi phát bệnh. Việc chủ động phòng ngừa từ vật nuôi và xử lý kịp thời sau tai nạn là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình