Mơ hồ... vệ sinh sạch "vùng nhạy cảm"
Nhiều phụ nữ và nam giới hiểu rất mơ hồ và thiếu kiến thức về vệ sinh thân thể, đặc biệt là cơ quan sinh dục.
Qua các số liệu khảo sát, thu thập hàng năm cho thấy ngay ở Hà Nội, tỉ lệ phụ nữ cũng mắc bệnh phụ khoa khá cao.
Cần vệ sinh cho cả nam giới
"Từ bé đến giờ chẳng ai dạy em phải vệ sinh thế nào là đúng cả. Em chỉ biết vệ sinh nghĩa là… rửa ở dưới thôi!". Phương Nga, phường Kim Giang, quận Đống Đa trả lời như vậy khi được hỏi về vấn đề vệ sinh phụ nữ. Các bạn của cô thì cười ré lên khi thấy chuyện này đơn giản mà buồn cười quá…
Qua các đợt khảo sát, truyền thông vận động về sức khỏe sinh sản tại các quận, huyện, hầu hết các bạn gái biết rất ít về cách vệ sinh thân thể sao cho đúng. Nhiều người cho hay thường dùng xà phòng, sữa tắm để vệ sinh chỗ kín và cho rằng như thế là ổn. Thậm chí, có em gái còn xức nước hoa cho chỗ đó để tránh bị "hăm".
Còn ở nhiều phụ nữ đã có gia đình, các kiến thức về vệ sinh thân thể cũng chưa được hiểu đúng nhất là phụ nữ nông thôn. Do thời gian lao động nhiều nên họ không có điều kiện để chăm sóc bản thân; nguồn nước nhiều nơi chưa được sạch.
Chị Kim Lan ở Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội cho biết có đến 12 năm chưa từng khám phụ khoa bao giờ cho đến khi được vận động tham gia Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
"Nhà không có nhà tắm, nên tôi quây tạm bợ một góc nào đó tắm, thay rửa quáng quàng. Tôi cũng có vệ sinh hàng ngày nhưng sau khi quan hệ vợ chồng, ông chồng lăn ra ngủ, vệ sinh làm gì?"
Một số người già ngại không dám nói với con cháu bị viêm nhiễm lâu ngày dẫn đến ngứa sần sùi cả bộ phận sinh dục. Từ sự thiếu hiểu biết nên nhiều phụ nữ, các em gái bị viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng và lan vào cả trong ổ bụng…
Người lớn đã vậy, ở những trẻ em gái thì việc vệ sinh lại càng khó hơn. Các em thường không được mẹ dặn dò phải thay quần áo bao lâu một lần, lúc làm vệ sinh cần thực hiện ra sao cho đúng cách để tránh viêm nhiễm.
Bộ phận sinh dục nữ là nơi có nhiều nếp gấp, khe kẽ, âm đạo lại nằm giữa niệu đạo và hậu môn nên mỗi lần đi tiểu tiện không vệ sinh đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi trùng cư trú, gây viêm nhiễm.
Nhiều trường hợp, các bác sĩ chuyên khoa phát hiện bé gái bị viêm nhiễm do quần lót để bẩn, do dị vật nhét vào lúc chơi nghịch, hoặc do đỉa, vi khuẩn bám vào khi bơi lội ở ao hồ,… Ở một số trẻ vị thành niên viêm nhiễm do tạp khuẩn, nấm do quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh.
Với các em trai, việc vệ sinh thân thể lại càng không được bố mẹ để ý, theo cách nghĩ "con trai thì quan trọng gì, để cả tuần vẫn… sạch".
Vì thế, khi trưởng thành, cánh đàn ông càng không ý thức được việc mình cũng là tác nhân gây bệnh cho người yêu, cho vợ từ việc ít quan tâm vệ sinh vùng kín, không có biện pháp phòng ngừa, an toàn trong quan hệ tình dục.
Trong các bệnh viêm nhiễm ở nữ giới thì viêm âm đạo và viêm cổ tử cung chiếm nhiều nhất. Từ các viêm nhiễm dẫn đến gây vô sinh, thai ngoài tử cung, sảy thai, đẻ non, thai chết lưu, thai nhẹ cân, viêm phổi trẻ sơ sinh, mù loà, viêm gan B, ung thư cổ tử cung, tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS…
Hiện nay, có nhiều người lạm dụng sử dụng nước rửa vệ sinh hàng ngày mà không hiểu rõ tính chất cũng như chất lượng của sản phẩm. Dung dịch vệ sinh phụ nữ phải được hiểu là không phải thuốc trị bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng dung dịch vệ sinh để thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo.
Một số thành phần của thuốc có chất sát khuẩn mạnh dễ gây viêm âm đạo. Bản thân các dung dịch là hóa chất, dùng nhiều quá sẽ không tốt cho cơ thể và làm mất cân bằng sinh thái môi trường âm đạo. Khi sử dụng thuốc rửa phụ khoa, nếu thấy vùng kín bị nóng rát, đỏ bất thường và khó chịu, bạn nên ngưng sử dụng ngày và đến bác sĩ.
Cách vệ sinh đúng |
- Rửa bộ phận sinh dục bằng nước sạch từ trước ra sau, dưới vòi hoa sen hoặc dùng gáo dội. - Không ngâm bộ phận sinh dục trong chậu. - Không cho tay vào ngoáy rửa âm đạo. - Không dùng chung khăn tắm và quần lót. - Không sử dụng thường xuyên thuốc đặt, thuốc rửa có chất diệt trùng, sát khuẩn mạnh (vì nó sẽ diệt luôn cả vi khuẩn thân thiện, làm loạn khuẩn). - Thay quần lót hàng ngày, dùng hàng cotton, mềm, thấm nước được, phơi nơi khô ráo có ánh nắng. - Thường xuyên thay băng vệ sinh và rửa sạch sẽ, nhất là trời nắng nóng. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình