Hotline 24/7
08983-08983

Lỡ có bầu khi đang điều trị giun sán, ảnh hưởng thế nào đến thai nhi?

Bạn đọc AloBacsi hỏi về: ù tai sau khi tụt huyết áp, lỡ có bầu khi đang điều trị giun sán, mổ hạch nách, nang giáp, chỉ số HDL trong máu...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

Ngọc Ý - ngoc…@gmail.com

Chào BS,

Khoảng 1 tháng trước em bị chóng mặt, ói kèm theo ù tai trái, đi khám BS chẩn đoán em bị tụt huyết áp.

Khoảng 1 tuần sau hiện tượng chóng mặt không còn nhưng ù tai thì đến nay vẫn chưa hết. Xin BS cho biết em bị bệnh gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tụt huyết áp là một trong những nguyên nhân gây chóng mặt, ói, và ù tai. Thế nhưng sau khi điều chỉnh huyết áp về bình thường mà em vẫn còn ù tai, đặc biệt là ù tai chỉ 1 bên thì em cần phải khám lại tại chuyên khoa Tai mũi họng, kiểm tra kỹ hơn các vấn đề sau: tại sao em lại bị tụt huyết áp (do ói nhiều mất nước hay do nguyên nhân khác) và có bệnh lý gì ở tai hay bệnh toàn thân gây ra ù tai không (thiếu máu, rối loạn tiền đình, bệnh lý tai giữa - tai trong…).

Vì thế em cần khám chuyên khoa Tai mũi họng sớm, BS sẽ soi ống tai và màng nhĩ, khám tổng quát, xét nghiệm kiểm tra, từ đó sẽ có thể xác định được nguyên nhân và điều trị thích hợp thì em sẽ mau khỏe mà đón Tết an lành.

Ngoài ra, em cần ăn uống đầy đủ chất, uống đủ nước trong ngày, không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai hoặc đưa vật lạ vào tai; tránh stress, cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; tránh nơi có tiếng ồn lớn.


Hoành Thuận - hoangthuan…@gmail.com (hỏi tiếp)

Câu tư vấn trước: Vết mổ nối xương đòn ra máu bầm có nguy hiểm không BS?

Cảm ơn BS nhiều.

Hiện giờ thì vết mổ đã liền da rồi.Giờ em đang tập cử động, nhưng chỉ giơ tay lên được thấp, nếu giơ lên gần ngang ngực thì bắp tay rất đau, giống như bị kéo căng.

Có phải em bị co cứng cơ đó do lâu không vận động không ạ? Em nên làm gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Sau một thời gian bất động, sẽ có hiện tượng cứng khớp tạm thời, gây khó khăn khi vận động. em nên kiên trì tập cử động, bắt đầu từ các bước tập gồng cơ, tăng dần lên các bước giơ tay trước sau, dạng tay, khép tay, xoay tay. Khi nào đau thì nghỉ rồi hãy tập tiếp.

Nếu việc tập khó khăn quá thì em có thể đến các trung tâm hướng dẫn tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để được hỗ trợ thêm.

Trong trường hợp tập tay 2 tuần mà không cải thiện nhiều, tay vẫn đau và hạn chế cử động thì em cần khám lại tại ck chấn thương chỉnh hình, em nhé.


Quốc Nam - nam…@yahoo.com

Chào BS,

Tôi khám HDL chỉ số 0.9 mmol/L, vậy tôi có bệnh gì không thưa BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Một bộ xét nghiệm kiểm tra cholesterol máu (mỡ máu) bao gồm Cholesterol toàn phần, LDL, HDL, Triglyceride.

Trong đó, chỉ số HDL Cholesterol còn gọi là “cholesterol tốt”, là một chất đạm nhầy, nặng, có tỷ trọng khá cao, đặc biệt có khả năng lấy những cholesterol dư thừa trong thành mạch máu về gan để chuyển hóa, giảm nguy cơ tai biến, nhồi máu cơ tim. Vì là cholesterol tốt nên chỉ số HDL mà thấp thì sẽ tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch.

Để giúp tăng HDL trong máu thì người bệnh cần duy trì chế độ ăn lành mạnh (ăn uống hạn chế dầu mỡ và các chất nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật, da mỡ động vật, các món chiên xào... tăng cường chất xơ, rau xanh), không uống bia rượu và không hút thuốc lá và quan trọng nhất là tập thể dục.

Sau 6 tháng xét nghiệm kiểm tra lại, nếu HDL vẫn thấp thì em nên gặp BS chuyên khoa Tim mạch để được tư vấn thuốc điều trị thích hợp. Thân mến.


H. N. - mon…@gmail.com

Xin chào BS,

Con dạo giờ rất là buồn vì bị áp lực về gia đình, không tìm được tiếng nói chung. Con rất sợ bản thân mình bị trầm cảm, nhưng không thể tâm sự với ai được cả. Trong gia đình vì cách nhau nhiều thế hệ nên việc hiểu nhau khá khó.

Nhiều lúc con đã cố gắng hiểu mà không được. Ngày càng làm con xa cách hơn với gia đình, khiến cho khó khăn trong tất cả, kể cả bữa ăn.

Quá áp lực nên trong vòng nửa năm con đã không có kinh. Có đôi khi con lại suy nghĩ biếng ăn, khi ăn không cản được.

Tầm khoảng tháng 9 năm nay con đã bị áp lực từ mẹ nên đã rạch tay mình, nhưng cũng tự mình vượt qua. Mẹ con đi nói xấu con ở ngoài biến con thành đứa con mất dạy, hỗn hào. Với tình trạng này con thể chịu đựng được nữa. BS làm ơn giúp con cho con lời khuyên đi ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em chia sẻ thì BS không nghĩ em bị trầm cảm, nhưng em sẽ có khả năng sẽ phát triển thành bệnh trầm cảm trong tương lai gần.

Bởi vì hiện tại em đang chịu áp lực quá lớn từ phía gia đình, áp lực này tác động lên cả tinh thần lẫn thể chất của em, gây rối loạn kinh nguyệt, rối loạn ăn uống, và đỉnh điểm nhất là đẩy em đến hành động tự tử.

Nếu việc này tiếp tục kéo dài thì em sẽ đổ bệnh và trầm cảm thật, ảnh hưởng lên việc học, quan hệ xã hội, tương lai, và xấu nhất là tự tử khi không vượt qua được.

Giải quyết vấn đề thì phải giải quyết từ tại gốc, kiếm 1 người chia sẻ với em chỉ là phần ngọn, em cần phải trình bày vấn đề của em cho mọi người trong nhà, hoặc là thầy cô em tin tưởng, hay nói cách khác là hãy kêu cứu, trong nhà chắc chắn sẽ có người thương em, hay đơn giản là do mọi người chưa nhìn ra được tình trạng của em nên có động thái như vậy. Hãy dũng cảm cứu lấy mình, em nhé.


Ngọc Long - long…@yahoo.com

Chào BS,

Tình trạng của tôi hiện nay như sau: tôi bị cao huyết áp và thoái hóa đốt sống cổ, hiện đang dùng thuốc Concor, Exforge và Rosuvastatin được 6 tháng.

Dạo gần đây tôi hay bị choáng, nặng đầu, đau râm ran vùng đầu, mỗi lần bị như vậy thì mắt nhìn mờ, tay bị tê, cảm giác muốn té xỉu, đo huyết áp thì 130/80, nằm nghỉ một lát thì đỡ, đặc biệt là triệu chứng thường xảy ra vào buổi chiều tối.

Xin hỏi BS là tôi bị gì và nên đi khám ở đâu?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

“Cảm giác muốn té xỉu” của người bị bệnh tăng huyết áp là một triệu chứng nguy hiểm và người bệnh cần phải đến bệnh viện để kiểm tra lại sớm. Việc kiểm tra bao gồm thử đường huyết, kiểm tra mạch, huyết áp nhiều lần chứ không chỉ 1 trị số huyết áp, kiểm tra xem có bất thường gì ở não hay không…

Với tình trạng này, bạn cần khám tại bệnh viện đa khoa, có chuyên khoa Tim mạch (đăng ký khám khoa này trước) và chuyên khoa Nội thần kinh là tốt nhất, ưu tiên bệnh viện gần nhà và nơi đăng ký BHYT, bạn nhé.


Nguyễn Văn H. - nguyenvan…@gmail.com

BS ơi,

Vợ em đang điều trị sán lá gan được 10 ngày thì có quan hệ trước 2 ngày rụng trứng mà không dùng biện pháp tránh thai (cho xuất ra ngoài). Hai vợ chồng em đang lo lỡ dính bầu thì có bị ảnh hưởng gì đến thai nhi không?

Mong BS tư vấn giúp, em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các loại thuốc tẩy giun và trị sán thông thường là những loại có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi (nguy cơ nhóm C) và phải ngưng 1 tháng trước khi có thai. Tuy nhiên, thai nhi có nguy cơ nhóm C vẫn không phải 100% (100% có nghĩa là chắc chắn thai có vấn đề và phải bỏ thai), vì vậy em không nên suy nghĩ nhiều.

Cho dù có lo lắng thì việc lỡ uống thuốc là chuyện đã rồi, không thể thay đổi. Hơn nữa, khi quan hệ, em xuất tinh ngoài thì khả năng dính bầu là vẫn có nhưng khá thấp.

Hai em nên theo dõi kỹ xem có dính bầu hay không, bằng việc dùng que thử thai sau quan hệ từ 7-10 ngày. Trong trường hợp có thai thì cần khám và theo dõi định kỳ với BS khoa Sản, làm các xét nghiệm, nhất là trong thời kỳ 12 tuần đầu, xem có dị tật, bất thường gì không.


Ngọc Cường - cuong…@gmail.com

Thưa BS,

Bác tôi được chẩn đoán là carcinoma tuyến biệt hóa trung bình, là ung thư giai đoạn nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Cường,

Trước hết, tôi xin chia buồn cùng với gia đình em, bởi vì bác em bị carcinoma tức là ung thư dạng biểu mô, biệt hóa trung bình nghĩa là mức độ biệt hóa của tế bào ung thư, trong đó tế bào ung thư biệt hóa trung bình thì có tiên lượng xấu hơn so với loại biệt hóa cao.

Tuy nhiên, mức độ biệt hóa của tế bào ung thư chưa đủ để biết được giai đoạn của bệnh, BS phải kiểm tra xem khối u xâm lấn tại chỗ tới đâu, di căn hạch nào rồi, có di căn xa chưa thì mới đánh giá được giai đoạn của bệnh và đưa ra hướng điều trị thích hợp cho người bệnh, em nhé.

Thân mến.


Bạn đọc tên Hùng - hau…@gmail.com

BS ơi,

Quanh lưỡi và trong cuống họng cháu nỗi nhiều hạt đỏ li ti, lưỡi cháu khi ma sát thì có đau, cuống họng khi nuốt nước bọt thì đau. Cháu bị 3 hôm rồi. Không biết cháu bị gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp thì BS hướng nhiều đến bệnh cảnh viêm họng kèm viêm lưỡi cấp. Những tác nhân gây ra bệnh lý này là virus, vi khuẩn, chất kích thích (thuốc lá, rượu, chất cay, thức ăn uống quá nóng); mẫn cảm (với thuốc đánh răng, chất màu thực phẩm), trào ngược dạ dày thực quản…

Em cần khám BS Tai mũi họng để được kiểm tra, xác định nguyên nhân và đánh giá cơ địa, tiền sử dị ứng thuốc, bệnh lý đi kèm để chọn lựa thuốc điều trị thích hợp, em nhé.

Song song đó, em cần vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (nhưng không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas.


Nguyễn Hòa - hoa…@gmail.com

Chào BS,

Tôi đi siêu âm và được chẩn đoán như sau:

- Tổn thương khưu trú trái trên thùy phải, có nang giáp KT 8 mm

- Trực dưới thùy phải có nhân giáp echo kém

- Bờ không đều, có vôi hóa KT 10 mm

- Thùy phải có nang giáp dạng tổ ong KT 7mm

Theo BS tuyến giáp tôi có vấn đề gì và nên khám ở đâu? Cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Kết quả siêu âm tuyến giáp cho thấy em có nang giáp ở thùy phải và hình ảnh của chúng hơi “xấu”. Những nhân giáp lành tính thường “đẹp” (không vôi hóa, bờ tròn đều, mật độ đồng nhất, không tăng sinh mạch máu…). Còn những nhân giáp xấu (bờ không đều, có vôi hóa, dạng tổ ong…) có nghĩa là những nhân này có khả năng là không lành tính.

Nhưng chỉ dựa vào siêu âm tuyến giáp thì không đủ để kết luận chắc chắn bản chất của các nhân này là lành hay ác được, em cần phải khám BS chuyên khoa Ung bướu và chuyên khoa Nội tiết, làm xét nghiệm chức năng tuyến giáp, chọc hút dịch nang bằng kim nhỏ tìm tế bào ác tính… để chẩn đoán xác định và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Em có thể đến khám tại BV Ung Bướu, BV đa khoa có chuyên khoa Nội tiết, ưu tiên khám tại nơi đăng ký BHYT và gần khu vực sinh sống.


Kim Tuyen - phamkim…@icloud.com

Em nhờ BS tư vấn ạ,

Em 34 tuổi, bị nổi hạch ở nách 4 cục, qua thời gian em có dùng thuốc mà không hết, BS chỉ định mổ, mà em mổ nay 1 tháng mà hạch vẫn chảy nước vàng, đi khám lại BS nói bị tạo đường rò nên kêu mổ lại.

Từ khi mổ đến giờ tay em không thẳng ra được vì lúc duỗi thẳng ra rất đau, giống như bị căng dây chằng vậy.

Em không biết sao, mong BS cho em lời khuyên ạ. Em mổ ở bệnh viện tư ở Bình Dương, xin cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các hạch nách của em sau khi mổ vẫn còn đường rò nên chảy nước, vẫn còn viêm nên em duỗi thẳng tay sẽ bị đau. Với những loại hạch sau mổ mà có đường rò thì nên kiểm tra xem có phải lao hạch hay không.

Tôi không rõ bệnh viện nơi em mổ đã kiểm tra loại trừ lao hạch cho em chưa, kết quả sinh thiết hạch có chưa và thế nào, em nên liên hệ hỏi phía bệnh viện, đồng thời, nếu em có nhu cầu điều trị nơi khác thì em có thể đến kiểm tra thêm tại bệnh viện chuyên khoa Ung bướu, bệnh viện đa khoa như BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, BV ĐH Y dược…


T. L. - nguojngok…@gmail.com

Chào BS,

Em 22 tuổi, hiện đang đi làm, em thường không tập trung vào bất cứ chuyện gì, luôn tưởng tượng trong đầu ra 1 câu chuyện rồi tự độc thoại 1 mình, khi có người xung quanh thì em lại độc thoại trong đầu (nhiều lúc em không thể kiểm soát được bật ra tiếng nhưng bản thân em lại không hay biết về điều này).

Lắm lúc em lại hay cười 1mình mà bản thân em cũng không ý thức được. Em thường suy nghĩ tiêu cực chán nản, trong đầu em luôn có một giọng nói bảo rằng mọi người ghét em, em là đứa vô dụng, không thể tiếp xúc được với mọi người dù em rất cố gắng.

Em không thích ra ngoài, sợ đám đông, cảm thấy ở một mình an toàn hơn. Mỗi khi ra đường em phải bịt mặt lại vì em sợ ánh nhìn của người khác (dù em biết là chẳng có ai nhìn mình).

1 năm trở lại đây tư duy của em rất chậm chạp, ví dụ khi có người hỏi em 1 chuyện gì đó em phải suy nghĩ rất lâu mới hiểu người đó nói gì, nhưng lại không biết trả lời thế nào. Khả năng tiếp thu của em rất chậm.

Không biết em có bị tâm thần không? Mong BS giúp em với!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em đã tìm đến với chúng tôi và chịu mở lòng chia sẻ những vấn đề “kỳ lạ, khó hiểu” của bản thân mình để tìm cách thoát ra. Quả thật hiện tại em đang có những rối loạn về mặt tâm lý, tâm thần.

Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Hơn nữa, bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được, nhiều trường hợp điều trị khỏi.

Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần loại nào, mức độ ra sao thì BS chuyên khoa Tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác và tầm soát các bệnh lý tổn thương thực thể (như bệnh về nội tiết, thần kinh…) mới định bệnh được và điều trị thích hợp.

Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu). Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là BV Nguyễn Tri Phương, ĐH Y dược... em có thể tham khảo thêm.

Thân mến.


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X