Hotline 24/7
08983-08983

Khớp gối kêu rạo rạo khi đứng lên ngồi xuống, có phải dấu hiệu thoái hóa?

Câu hỏi

Em chào bác sĩ, Em 28 tuổi. Công việc của em cũng có phần nặng nhọc. Hồi nhỏ em bị đau đầu gối cả 2 bên, sưng, nhưng không đau lắm, thỉnh thoảng mới đau. Dạo gần đây em bị đau đầu phía sau bên phải. Lúc bình thường không sao nhưng lúc nằm kê gối thì đau. Em đi khám bác sĩ bảo em bị thoái hóa đốt sống cổ nhẹ, mới bị, cho em uống thuốc em cũng thấy đỡ đau. Còn 2 đầu gối em thì đứng lên ngồi xuống kêu rạo rạo. Bác sĩ cho em hỏi có phải em bị thoái hóa khớp gối không ạ? Và em dùng sản phẩm Jexmax của Mỹ và Glucosamine sụn cá mập được không ạ? Em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ!

Trả lời
Thoái hóa khớp gối. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Thoái hóa khớp gối. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,

Mới 28 tuổi, thoái hóa khớp gối là hơi sớm, em nên khám với bác sĩ chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình để được chụp đầy đủ Xquang, đánh giá trục chi 2 chân và có hướng điều trị cụ thể như: hướng dẫn tập vận động chủ động sao cho phù hợp và theo dõi cho em.

Còn việc uống thêm thuốc bổ chỉ giúp hỗ trợ thêm cho khớp chứ không phải là cách điều trị tích cực.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Thoái hóa khớp gối là là biểu hiện của thương tổn trên bề mặt sụn khớp, do tác động của nhiều nguyên nhân làm cho bề mặt sụn khớp bị hư.

Thoái hóa khớp gối sẽ gây đau vùng khớp gối, đau nhiều hơn khi đi lại, gấp chân hay khi ngồi xổm thì đứng dậy khó khăn. Nếu để lâu dấu hiệu của thoái hoá khớp trở nên rõ ràng hơn, có thể làm biến dạng khớp gối, chân bị cong, có thể vẹo vào trong, hoặc ra ngoài một cách rõ ràng. Nếu không hỗ trợ điều trị sớm và kịp thời có thể dẫn đến teo cơ và bại liệt.

Thông thường ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị. Trường hợp không đáp ứng thì dùng phối hợp thuốc giảm đau chống viêm không steroid toàn thân (uống hoặc tiêm) hoặc bôi tại chỗ; hoặc dùng corticoid tiêm nội khớp với hiệu quả tương đối tốt. Lưu ý tiêm khớp phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và tiến hành tiêm trong điều kiện vô khuẩn tuyệt đối.

Trong giai đoạn khớp gối không bị sưng, nóng, đỏ, đau có thể áp dụng điều trị thoái hóa khớp gối bằng vật lý trị liệu như làm thư giãn khớp kết hợp với tăng cường sự khỏe mạnh cho gân cơ dây chằng quanh khớp gối. Xoa bóp và tập vận động khớp gối giúp cho khớp gối thư giãn làm cho các mạch máu được giãn nở tốt, giúp cho máu tới nuôi dưỡng vùng thoái hóa tốt hơn.

Điều trị bằng phẫu thuật được đặt ra khi tổn thương rất nặng làm biến dạng khớp, lệch trục khớp,...

Để phòng bệnh thoái hóa khớp gối, bạn cần:

+ Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động:  Không đứng, ngồi và ngủ sai tư thế. Tránh các tư thế phải khom lưng, cúi người, ngồi không đúng… khiến cột sống cong vẹo… lâu dần dẫn đến việc thoái háo khớp.

+ Khi mang vác vật nặng phải từ từ, tuyệt đối tránh các động tác mạnh, đột ngột khiến các khớp phản ứng không kịp thời cũng sẽ dẫn đến tổn thương sụn, gây thoái hóa khớp.

+ Giữ cân nặng ổn định: Tránh tình trạng thừa cân, béo phì

Đặc biệt, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp là theo dõi cơ thể, ngay khi thấy những biểu hiện như đau nhức vùng đầu gối phải đi khám ngay để phát hiện sớm bệnh thoái hóa khớp gối.

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm
Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X