Khi nào nên cắt amidan, AloBacsi ơi?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Vài ngày trước cháu có dấu hiệu bị ho khan và sốt nhẹ. Sang ngày hôm sau thì cổ họng cháu thấy đau, khô và khó nuốt. Sáng nay cháu có đi đến bệnh viện để khám thì bác sĩ chuẩn đoán là bị viêm amidan mạn tính. Lúc khám bác sĩ có nội soi và nói cháu có nhiều mủ nhưng không có nói bị sưng gì hết. Bác sĩ có kê cho cháu toa thuốc và hẹn tuần sau quay lại để cắt amidan. Thật sự cháu rất lo lắng và không hề muốn cắt chút nào. Vì nghe nói cắt amidan có khả năng làm thay đổi thanh quản, biến đổi giọng nói. Mà cháu lại đang kiếm tiền bằng chính giọng hát. Theo bác sĩ cháu có nên đi cắt không ạ? Nếu không cắt thì còn có phương pháp điều trị nào khác mà không làm thay đổi đến thanh quản không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu. Chân thành cảm ơn bác sĩ. Đây là toa thuốc bác sĩ tại bệnh viện kê cho cháu: 1. (Amoxicilin 875mg) Trimoxtal 875/125 2. (Alpha Chymotrypsin 4.2mg) alphachymotrypsin-bvp 4 3. (Paracetamol 500mg) tatanol 500mg (Trần Thịnh - 21 tuổi - TPHCM)
Trả lời
Chào bạn,Theo như bạn mô tả thì khả năng bạn bị viêm amidan hốc mủ trên nền viêm amidan mạn tính.
- Viêm amidan hốc mủ là tình trạng nhiễm trùng amidan cấp tính cần điều trị với kháng sinh, kháng viêm từ một tuần đến 10 ngày.
Nếu không được điều trị kịp thời có thể bị các biến chứng như viêm tấy quanh amidan, mưng mủ quanh amidan làm cho người bệnh nuốt đau dữ dội, há miệng hạn chế và giọng nói thay đổi.
Trẻ em khi bị viêm amidan có thể bị biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm khí - phế quản… , đặc biệt viêm amiđan do liên cầu trùng có thể gây biến chứng sốt thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận, nhiễm trùng máu, choáng nhiễm độc tố (trẻ sốt cao, tiểu ít, khó thở, tụt huyết áp đột ngột, suy thận, suy hô hấp, ngưng thở).
- Viêm amidan mạn tính là tình trạng nhiễm trùng tiềm tàng, dai dẳng của amiđan và dễ bị tái phát. Thể bệnh này thường gặp ở người lớn và trẻ lớn, triệu chứng “nghèo nàn”, không rầm rộ như viêm cấp. Người bệnh chỉ than phiền nóng rát họng, nuốt vướng, hôi miệng, đau tai, sờ thấy hạch cổ, hạch dưới hàm, hạch góc hàm và mệt mỏi mạn tính…
- Cắt amidan là phương pháp điều trị hữu hiệu khi đúng chỉ định, nhằm loại bỏ tổ chức amidan không còn vai trò bảo vệ cơ thể, mà nó trở thành một “ổ nhiễm trùng” hoặc nơi ẩn náu và chứa đầy các mầm bệnh (vi khuẩn, siêu vi khuẩn, vi nấm…) hoặc amidan quá to gây bít tắc đường thở, đường tiêu hóa hoặc nghi ngờ ung thư amidan.
Mặc dù, có thể cắt amidan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưngthường chỉ nên cắt cho trẻ lớn hơn 5 tuổi. Ngoại lệ, trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt khi phẫu thuật là chỉ định tuyệt đối.
- Chỉ định cắt amidan trong các trường hợp sau:
+ Amidan quá phát gây bít tắc đường thở, đường tiêu hóa
+ Nghi ngờ ung thư amidan.
+ Viêm amidan tái phát cấp hơn 6 lần trong một năm, hoặc 3 lần mỗi năm trong 2 năm.
+ Viêm amiđan tái phát cấp do liên cầu trùng tan huyết Bêta nhóm A ở người có kèm theo bệnh van tim hậu thấp hoặc ở trẻ có kèm theo tiền sử thường bị sốt cao co giật.
+ Viêm amiđan mạn tính hoặc viêm amiđan tái phát cấp ở người mang mầm bệnh Liên cầu trùng mà không đáp ứng điều trị bằng thuốc.
+ Viêm amiđan mạn tính đã được điều trị nội khoa tích cực nhưng người bệnh vẫn đau họng dai dẳng, viêm đau hạch cổ , hơi thở hôi.
+ Mưng mủ quanh amiđan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
+ Viêm amiđan gây biến chứng viêm cầu thận hoặc gây mưng mủ hạch cổ.
- Trường hợp của bạn cần điều trị hết đợt kháng sinh, tái khám để bác sĩ đánh giá lại bạn có nằm trong các chỉ định cắt amidan ở trên không nhé.
Thân ái.
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình