Hội chứng mắt do máy vi tính
Bạn đã bao giờ gặp rắc rối khi làm việc liên tục với máy vi tính? Bạn có từng nghe nói đến Hội chứng mắt do máy vi tính.
Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này vì e rằng ai trong chúng ta cũng thường sử dụng máy tính.
Nhiều khó chịu và rất phổ biến
Trong thời đại công nghệ thông tin gần như mọi ngành nghề đều phải làm việc với máy tính. Ngồi lâu trước màn hình máy tính, sẽ có những lúc bạn có cảm giác đôi mắt mình như đang bị tra tấn, bỏng rát và thậm chí không thể tiếp tục nhìn vào màn hình được nữa.
Nếu chỉ là chơi game thì bạn có thể tạm ngưng nhưng nếu là công việc thì đâu thể dừng lại khi chưa hoàn thành. Tình trạng này được gọi là Hội chứng mắt do máy vi tính (Computer vision syndrome - CVS), một HC đã và đang ảnh hưởng đến rất nhiều người. Bất kỳ ai phải làm việc hơn 3 giờ mỗi ngày với màn hình máy tính đều nằm trong nhóm nguy cơ mắc CVS.
Trên thế giới, ước tính có khoảng 70 triệu người lao động có nguy cơ mắc CVS. Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Medical Practice and Reviews, các nhà khoa học đã liệt kê các ngành nghề liên quan đến HC này: kế toán, kiến trúc sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư, nhân viên điều khiển ánh sáng, đồ thị viên, nhà báo, người nghiên cứu học thuật, thư ký và sinh viên.
Tất cả đều thuộc nhóm “không thể làm việc nếu không có máy tính”. Tuy nhiên, thống kê này chưa tính đến hàng triệu thanh thiếu niên đang dành hàng giờ đồng hồ chơi game với máy tính.
Theo tính toán, có khoảng 70-90% số người sử dụng máy tính liên tục - dù làm việc hay chơi game - xuất hiện các triệu chứng của CVS, bao gồm các triệu chứng thần kinh như đau đầu mạn tính, các vấn đề xương khớp như đau nhức cổ và lưng...
Một số nghiên cứu đã chứng minh, việc sử dụng máy vi tính hơn 3 giờ mỗi ngày dẫn đến nguy cơ gây ra các vấn đề về mắt, đau thắt lưng, đau đầu căng cơ và stress tâm lý. Trong đó, thường gặp nhất là những than phiền về đôi mắt, phổ biến là nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác bỏng rát, ngứa và đỏ mắt làm cản trở tiến độ làm việc.
Những giải pháp đơn giản
Lý do đầu tiên khiến việc nhìn liên tục vào màn hình làm mắt càng lúc càng khó tập trung là dù không chủ ý, mắt bạn cũng sẽ liên tục tìm cách nghỉ ngơi bằng việc tập trung vào một điểm khác ở phía sau màn hình, sau đó bạn lại cố gắng điều chỉnh mắt tập trung vào màn hình để làm việc.
Sự thay đổi liên tục mức độ tập trung khiến mắt nhanh chóng rơi vào trạng thái kiệt quệ. Một hậu quả “vô thức” khác là bạn luôn giảm hẳn việc chớp mắt khi nhìn vào màn hình máy tính, làm mắt dễ khô và bị kích thích.
Thông thường, chúng ta chớp mắt khoảng 17 lần hoặc hơn trong 1 phút, nhưng khi làm việc với máy tính thì chỉ còn khoảng 12-15 lần/phút. Khoảng cách từ mắt đến màn hình cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng. Để mắt có thể duy trì độ tập trung một cách thoải mái, màn hình nên cách xa mắt khoảng 20-16 inch (50-66cm). Càng gần màn hình, đôi mắt càng phải làm việc căng thẳng hơn.
Khi nhìn thẳng, bạn nên nhìn vào cạnh trên của màn hình. Khoa Nhãn khoa tại ĐH Pennsylvania khuyến cáo, nên để trung tâm màn hình thấp hơn mắt khoảng 10-20cm, mắt sẽ hạn chế việc tiếp xúc với màn hình, nhờ đó sẽ giảm bớt khô mắt và kích thích mắt. Tư thế này còn giúp cổ và vai được giữ ở trạng thái thư giãn.
Một nghiên cứu trên tờ Biotechnology and Health Sciences, khảo sát ở 642 trường dự bị đại học tại Iran, đã chỉ ra: có đến 71% số người được khảo sát ngồi quá gần máy tính và có 2/3 ngồi sai tư thế.
Độ sáng màn hình không thích hợp. Độ tương phản và độ chói càng là vấn đề cần lưu ý. Bạn nên để màn hình sáng hơn môi trường xung quanh. Màn hình quá mờ sẽ khiến mắt phải căng ra để nhìn cho rõ nội dung trên màn hình. Màn hình sáng còn làm đồng tử co lại, giúp mắt có vùng tập trung tốt hơn.
Bạn cần chú ý đến vị trí bàn làm việc, có phương tiện để thay đổi độ sáng trong phòng, hoặc phải khép bớt cửa sổ để hạn chế ánh sáng bên ngoài. Bạn nên sử dụng một màn hình mỏng có miếng dán chống chói để hạn chế độ chói của màn hình. Tuy nhiên, không được sử dụng máy tính trong một căn phòng tối om không có ánh sáng.
Mặt khác, cần đảm bảo kích cỡ chữ thích hợp với độ thị giác và hãy kiểm tra mắt thường xuyên, ít nhất mỗi năm/lần để nắm rõ tình trạng mắt của mình. Điều này là cực kỳ quan trọng với trẻ em và những người trên 40 tuổi thường xuyên sử dụng máy tính, vì độ thị giác thay đổi theo tuổi. Cũng phải chắc chắn màn hình của bạn có độ phân giải đủ cao để rõ nét và luôn giữ màn hình sạch sẽ, không dính nhiều bụi.
Những biện pháp trên là rất quan trọng vì sẽ giải quyết được hầu hết vấn đề liên quan đến CVS. Nếu bạn đã thực hiện đúng mà vẫn xuất hiện những triệu chứng của CVS, các chuyên gia nhãn khoa khuyên, bạn nên thực hiện luật “20-20-20”, nghĩa là sau khi làm việc 20 phút, phải cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn vào một vật gì đó cách xa 20 feet (khoảng 6 mét).
Khi nhận ra mình đã quên chớp mắt, hãy chớp mắt càng nhiều càng tốt để giúp làm ẩm mắt. Nếu mắt vẫn bị khô và ngứa, nên dùng thuốc nhỏ mắt không kê đơn vài lần/ngày. Ngoài ra, cần giữ phòng làm việc không quá khô, không để gió hay quạt thổi thẳng vào mắt.
Nếu tất cả những biện pháp trên không giải quyết được vấn đề của bạn, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay.
Theo Thụ Khê - Phụ nữ TPHCM
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình