Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu phát hiện ung thư xương sớm không nên bỏ qua

Rối loạn di truyền là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư xương. Điều đó giải thích tại sao ung thư xương xuất hiện ở người trẻ từ 12-20 tuổi.

Gần đây, một bé gái 8 tuổi (Trà Vinh) bất ngờ phát hiện mắc bệnh ung thư xương sau nhiều lần ngã gãy chân khiến nhiều người bất ngờ và lo ngại. Căn bệnh này có thể xảy ra với bất cứ ai và khó phát hiện do yếu tố di truyền.

Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh ung thư xương

Ung thư xương là dạng ung thư mô xương (sarcome) bao gồm ung thư xuất phát từ tế bào tạo xương, tế bào tạo sụn, tế bào mô liên kết của xương. Đây là dạng bệnh hiếm gặp (chiếm khoảng 0,5%) trong các bệnh ung thư. Bệnh nhân ung thư xương thường xuất hiện ở đầu trên và đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu trên xương cánh tay, xương chậu, xương bả vai.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, rối loạn di truyền là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư xương. Rối loạn này là tác nhân bên trong của cơ thể, liên quan đến quá trình phân bào có gen biến dị. Điều đó giải thích tại sao ung thư xương xuất hiện ở người trẻ từ 12-20 tuổi, là độ tuổi xương phát triển mạnh. Khoảng thời gian này rất ngắn nên không thể có nguyên nhân môi trường ngoài kịp tác động và phát sinh ung thư.

Đau là triệu chứng khởi đầu hay gặp nhất. Người bệnh sẽ xuất hiện dấu hiệu đau mơ hồ trong xương, sau đó, đau rõ từng đợt ngắn, liên tục, dùng thuốc giảm đau không bớt, càng trì hoãn điều trị càng đau.

Mắc bệnh ung thư xương, chân bé gái sưng to hơn cả người. Ảnh: BH.
Mắc bệnh ung thư xương, chân bé gái sưng to hơn cả người. Ảnh: BH.

Triệu chứng khối u có thể xuất hiện trước, đồng thời hoặc sau biểu hiện đau. U khởi đầu là một đám sưng, chắc, nổi gồ mặt da, bờ không rõ, nắn không đau. Về sau, u to nhanh, gây biến dạng, xâm lấn phần mềm, đau khi khám, u tân tạo mạch, da ấm nóng hơn nơi khác. Hình ảnh lâm sàng giai đoạn này dễ làm cho bác sĩ nhầm ung thư xương với viêm xương tủy cấp. Giai đoạn muộn hơn, u phá vỡ da, gây chảy máu, bội nhiễm.

Bệnh nhân xanh xao, môi tái, sốt liên miên, bạch cầu cao, nhiễm độc, kém ăn, mất ngủ, rên la, có thể gặp triệu chứng gãy xương bệnh lý.

“Ung thư tiêu hủy xương, gãy xương tự phát gây nên điểm đau chói và mất vận động. Một số trường hợp gãy xương do ngã nhẹ, có thể nhầm gãy xương do chấn thương nếu thầy thuốc không chú ý các triệu chứng phối hợp. Ngoài ra còn có hạch vùng do di căn”, BS Tiến nói.

Bệnh ung thư xương có chữa được không?

Ung thư xương có thể chữa được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và có liệu trình điều trị thích hợp. Nguyên tắc chung là phối hợp phẫu thuật và hóa chất (hóa trị). Điều trị hóa chất (hóa trị) đóng vai trò chủ yếu trong việc thay đổi bộ mặt tiên lượng của ung thư xương. Xạ trị cũng có hiệu quả trong một số thể bệnh của ung thư xương.

Bác sĩ Tiến cho biết về phẫu thuật ung thư xương ở chi, cần suy xét để lựa chọn hướng điều trị dựa trên từng trường hợp (yếu  tố tuổi, giai đoạn bệnh, hoàn cảnh kinh tế, điều kiện kỹ thuật, mức độ đáp ứng của ung thư xương với hóa chất), để lựa chọn 1 trong 3 chỉ định là cắt chi phối hợp với hóa trị sau mổ, hóa trị trước mổ phối hợp với phẫu thuật bảo tồn chi, hóa trị trước mổ, nếu đáp ứng không tốt sẽ cắt chỉ.

Các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có biểu hiện đau nhức xương khớp dù chỉ mơ hồ, phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được thăm khám, xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác trẻ mắc bệnh gì, từ đó đưa ra phương thức điều trị thích hợp.

Theo Zing

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X