Hotline 24/7
08983-08983

Cai nghiện ma túy bằng methadone tăng nguy cơ loạn thần?

Một số chuyên gia y tế lo ngại, người nghiện ma túy tổng hợp dùng methadone có thể tăng nguy cơ loạn thần. Do đó, cần sàng lọc người nghiện trước khi áp dụng chương trình dùng methadone.

Điều trị methadone chỉ phát huy hiệu quả thực sự khi được lồng ghép trong giải pháp tổng thể

Tăng nguy cơ loạn thần?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương nhận định: “Hiện, chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc dùng methadone cai nghiện cho các đối tượng sử dụng ma túy truyền thống và ma túy tổng hợp (hàng đá, thuốc lắc, aphetamin…) làm tăng mức độ nghiện. Tuy nhiên, nếu sử dụng cho đối tượng nghiện ma túy tổng hợp lâu ngày sẽ dễ dẫn tới tình trạng loạn thần muộn, hay hiện tượng teo não, người bệnh sống và hành động theo ảo giác. Lúc này người bệnh cần được điều trị thuốc chuyên khoa tâm thần”. Theo ông Hùng, với bệnh nhân nghiện ma túy tổng hợp, hiện chưa có thuốc điều trị dứt điểm, chủ yếu điều trị an thần kết hợp điều trị bằng liệu pháp tâm lý.

Liên quan đến vấn đề này, BS Nguyễn Thị Tuyết Mai, phụ trách cơ sở điều trị methadone quận Hai Bà Trưng cho biết: Bệnh nhân tại đây cũng có một số ít người dù đang điều trị methadone nhưng vẫn sử dụng ma túy đá. Khi sử dụng các chất gây nghiện khác, bệnh nhân thường thay đổi hành vi và có dấu hiệu loạn thần. Trung tâm sẽ phối hợp với người nhà đưa bệnh nhân đi điều trị tại bệnh viện tâm thần. Sau điều trị dứt điểm tâm thần, bệnh nhân mới tiếp tục được quay trở lại điều trị methadone. Thực tế, những trường hợp như vậy không nhiều và chính bệnh nhân cũng thấy sợ, thường không tái sử dụng loại ma túy khác nữa”.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, dù người nghiện chất dẫn thuốc phiện vẫn là chủ yếu, song đáng ngại là đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng. Riêng với nhóm ma túy tổng hợp có trên 600 loại, tạo nên nhiều thách thức với công tác điều trị. Hiện, chưa có thuốc điều trị với ma túy tổng hợp, mà chỉ có thể điều trị bằng tâm lý để thay đổi hành vi. Khả năng điều trị, thoát nghiện với ma tuý tổng hợp hết sức khó khăn.

Sàng lọc để điều trị hiệu quả


Ths. Nguyễn Thị Minh Tâm, Phòng Giảm thiểu tác hại, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Methadone là chất thay thế được dùng trong điều trị các chất dạng thuốc phiện, nhằm giảm thèm muốn và khóa tác động của ma túy truyền thống từ từ và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Methadone cũng là chất gây nghiện, tuy nhiên trong y tế, chất này được sử dụng làm thuốc điều trị. Và nó chỉ có tác dụng trong điều trị với các chất gây nghiện thuộc nhóm ma túy truyền thống như: Thuốc phiện, heroin, codein, moóc-phin… Năm 2008, có 6 cơ sở điều trị nghiện bằng methadone, đến tháng 6/2017, đã tăng lên 294 đơn vị, song nhiều nơi vẫn quá tải.

"Theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH, Việt Nam hiện có hơn 200 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, tuy nhiên phần đông trong số đó là người nghiện heroin. Tại các cơ sở cai nghiện của Bộ LĐ,TB&XH, có tới 60-70% người nghiện đang cai có sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá. Do Bộ Y tế chưa ban hành được phác đồ điều trị đặc hiệu, nên công tác cai nghiện cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Biện pháp cai nghiện hiện nay chủ yếu là tư vấn, giáo dục, nâng cao kỹ năng sống, tăng cường sức khỏe."

Ông Lê Đức Hiền
Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ,TB&XH


Còn theo BS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, để được vào chương trình điều trị methadone các bệnh nhân đều được sàng lọc kỹ càng. Qua các xét nghiệm nếu dương tính với các chất gây nghiện dòng thuốc phiện và đã từng nhiều lần cai nghiện không thành công… bệnh nhân mới được đưa vào điều trị methadone.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng, những giá trị, hiệu quả của điều trị methadone đã được thực tế chứng minh và khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là cần xem xét để hoàn thiện chương trình điều trị. Nếu điều trị methadone mà hàng ngày chỉ đơn giản cho uống thì quá dễ dàng, chỉ mang lại một số hiệu quả trước mắt. Còn muốn “điều trị duy trì, giảm liều tiến tới ngừng điều trị” như  quy định của Chính phủ thì phải thực hiện tổng thể, công phu nhiều giải pháp, chính sách cụ thể về các vấn đề quản lý, tâm lý, xã hội với đối tượng này. Làm được như vậy mới không để lại những hậu quả, đó là nghiện methadone, tử vong do methadone, thế hệ con cái bị ảnh hưởng sức khỏe do bố, mẹ dùng methadone...

Từ khuyến cáo của các nhà khoa học Mỹ và thực tế  điều trị methadone, cần sớm điều chỉnh, bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật về methadone với những nội dung, giải pháp về quản lý, tâm lý, xã hội, kinh tế ngoài biện pháp y tế. Lúc đó, điều trị methadone mới thực sự là “giải pháp vàng”. “Do vậy, cũng cần cân nhắc thấu đáo, cứ tiếp tục mở rộng điều trị methadone với cách làm hiện nay hay phải quan tâm đến chất lượng, làm đâu chắc đó, thực sự là điều trị methadone bài bản rồi mới mở rộng”, ông Hiền nói.

Theo Vũ Anh - Giao thông

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X