Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Lưu Kính Khương giải đáp về gây mê hồi sức ngoại

Chiều 23/11, BS.CK2 Lưu Kính Khương, BV Nhân dân 115 giải đáp về lĩnh vực gây mê hồi sức với bạn đọc Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.

Đến với chương trình tư vấn trực tuyến tuần này, BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, BV Nhân dân 115 sẽ giải đáp câu hỏi về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực gây mê hồi sức ngoại: gây mê gồm những kỹ thuật nào, thuốc mê có ảnh hưởng đến trí nhớ không, nôn ói sau gây mê…

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Nguyễn Hoàng Quốc Việt - Cần Thơ

Em chào BS.CK2 Lưu Kính Khương ạ,

Trước giờ em thấy nhiều chương trình giao lưu sức khỏe nhưng đối với riêng em có lẽ đây là lần đầu em thấy có chương trình về Gây mê hồi sức. Em cũng học trường y và mới ra trường. Khi đầu quân về bệnh viện có được gợi ý đưa đi đào tạo chuyên ngành Gây mê hồi sức.

Em rất muốn được nghe chia sẻ của bác sĩ về chuyên ngành này.

Em xin cảm ơn anh!

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào em,

Gây mê hồi sức là một chuyên ngành sâu trong y khoa. Trước một bệnh nhân muốn phẫu thuật thì người BS gây mê hồi sức sẽ khám tiền mê đánh giá toàn diện người bệnh gồm bệnh lý hiện tại, bệnh lý đi kèm, tiền sử bệnh lý trước đây, cho làm các xét nghiệm cần thiết, sau khi đã đánh giá, người bệnh có thể gây mê để phẫu thuật.

Sau đó người bệnh sẽ được đưa lên phòng mổ để BS gây mê tiến hành công tác gây mê để phẫu thuật viên có thể phẫu thuật an toàn cho người bệnh.

Một cuộc gây mê bao gồm 4 giai đoạn:

- Tiền mê: là công tác tư vấn tâm lý, giải thích cho người bệnh hiểu quá trình gây mê và phẫu thuật có thể tiến hành đêm trước mổ hoặc trước khi gây mê, đồng thời người bệnh có thể được cho thuốc an thần, chống lo âu, thuốc giảm tiết (đàm nhớt, dịch dạ dày…) nếu cần. Tiền mê nhằm mục đích chuyển bệnh nhân từ trạng thái tỉnh sang trạng thái mê 1 cách nhẹ nhàng.

- Dẫn mê: Lúc này bệnh nhân sẽ được cho thuốc gây mê để đảm bảo độ sâu gây mê cho người phẫu thuật viên có thể tiến hành phẫu thuật. Trong trường hợp gây mê nội khí quản, bệnh nhân có thể được cho thuốc giãn cơ để thuận tiện cho việc đặt nội khí quản và giảm lượng thuốc gây mê, thuốc giảm đau trong lúc mổ.

- Duy trì mê: sau khi bệnh nhân đạt độ sâu gây mê, lúc này sẽ chuyển sang trạng thái duy trì thuốc mê để phẫu thuật viên tiếp tục phẫu thuật cho người bệnh. Giai đoạn này có thể dùng thuốc mê tĩnh mạch hoặc thuốc mê bốc hơi, kèm thuốc giảm đau và giãn cơ nếu cần.

- Tỉnh mê: Sau khi phẫu thuật kết thúc, người bệnh sẽ được ngưng thuốc ngủ, tập thở và chuyển sang phòng hồi tỉnh. Tại đây bệnh nhân sẽ được theo dõi sinh hiệu, oxy máu, tri giác… nếu bệnh nhân tỉnh và đủ điều kiện thì tiến hành rút ống nội khí quản.

Để trở thành một người BS gây mê, sau khi tốt nghiệp BS đa khoa, người BS có thể học chuyên sâu về gây mê các lớp gồm: định hướng chuyên khoa gây mê hồi sức, chuyên khoa 1 gây mê hồi sức hoặc cộng thêm 18 tháng thực hành gây mê, lúc này đã có thể xin chứng chỉ hành nghề về gây mê hồi sức.


Vũ Đức Minh, 28 tuổi - TPHCM

Dạ em chào BS,

Em dự tính phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm để hết bị ra mồ hôi tay. Em nghe nói là phẫu thuật khoảng nửa tiếng nhưng phải ở trong phòng mổ tận 5 tiếng.

Xin BS cho em biết là ở trong đó mình sẽ làm những gì để em chuẩn bị tinh thần được không ạ? Em rất lo lắng, em cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào bạn,

Phẫu thuật cắt hạch giao cảm (thường là qua nội soi) là 1 điều trị chuyên sâu, chuyên ngành ngoại lồng ngực đòi hỏi phải gây mê. Khi vào phòng mổ người bệnh sẽ được làm công tác tiền mê gồm: cho thuốc an thần, chống lo âu, sau đó sẽ được cho thuốc mê và đặt ống nội khí quản để phẫu thuật viên có thể tiến hành phẫu thuật.

Sau khi kết thúc phẫu thuật, người bệnh sẽ được đưa sang phòng hồi tỉnh để tiếp tục hồi sức đến khi bệnh nhân tỉnh sẽ được rút ống nội khí quản. Sau khi rút ống nội khí quản người bệnh sẽ được thở oxy qua mũi và tiếp tục theo dõi dấu hiệu sinh tồn.

Tùy tình trạng người bệnh, BS gây mê sẽ cho ra khỏi phòng hồi tỉnh khi tình trạng ổn, thường khoảng 2-4 tiếng sau khi rút ống nội khí quản. Trên người bệnh được gây mê nội khí quản thường sẽ có tình trạng đau họng sau mổ 1-2 hôm do tác dụng cơ học của ống nội khí quản.


FB H. Ngọc Tín

Xin chào BS,

Tôi chuẩn bị nội soi dạ dày gây mê, nhưng nghe nói là làm “tiền mê”. Vậy tiền mê là gì, xin BS giải thích cho tôi được rõ. Sau khi làm tiền mê thì tôi cần ở lại bệnh viện bao lâu và có cần lưu ý gì không ạ?

Cảm ơn BS rất nhiều! Chúc BS mạnh khỏe, công tác tốt.

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào bạn,

Tiền mê bao gồm công tác tư vấn tâm lý cho người bệnh hiểu được trong quá trình phẫu thuật người phẫu thuật viên và BS gây mê sẽ làm những gì cho người bệnh. Sau khi giải thích rõ, người bệnh sẽ được cho thuốc an thần, chống lo âu, thuốc giảm đau, có thể kèm theo thuốc chống tăng tiết (tăng tiết đàm dãi) nếu người bệnh có tiền sử hút thuốc lá nhiều.

Đối với 1 số bệnh nhân ít lo lắng thì có thể cho thuốc an thần mà thôi, không cần sử dụng thuốc giảm đau vì khi phối hợp thuốc giảm đau thường có nguy cơ gây suy hô hấp.

Do đó sau khi tiền mê thường người bệnh sẽ lưu lại 30-60 phút để theo dõi tình trạng hô hấp, huyết động (mạch, huyết áp), nếu tình trạng ổn định thì người bệnh có thể xuất viện nhưng không được tự lái xe hoặc làm việc khác mà cần nghỉ ngơi (vì có thể bệnh nhân sẽ bị chóng mặt, hơi khó chịu).


Thu Hà - hamarketing…@gmail.com

Cháu chào bác sĩ,

Hôm qua mẹ cháu bị tai nạn gãy chân (gãy xương đùi) cấp cứu, được phẫu thuật và trước đó có gây mê toàn thân. Sau khi tỉnh dậy và về phòng hồi sức, mẹ cháu có biểu hiện nôn ói dù trước đó không ăn gì. Hôm nay mẹ vẫn thỉnh thoảng buồn nôn dù chỉ uống chút sữa.

Mong bác sĩ tư vấn có phải tác dụng phụ của thuốc gây mê không ạ?

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Thu Hà thân mến,

Nôn ói là một biến chứng có thể xảy ra trên bất kỳ bệnh nhân nào trải qua gây mê toàn thân, thường là do tác dụng phụ của thuốc mê, thuốc giảm đau.

Để hạn chế tác dụng phụ này thường BS gây mê sẽ đánh giá tình trạng người bệnh và tiên đoán nguy cơ nôn ói sau mổ để cho thuốc dự phòng. Nếu sau mổ vẫn xảy ra nôn nói thì sẽ cho thuốc chống nôn.


Ngoc Luu - TPHCM 

Chào bác sĩ,

Em đang mang thai 22 tuần hôm qua em có đi cắt 1 phần thịt bị viêm chân răng, bác sĩ có cho em tiêm thuốc gây tê rồi mới cắt, nhưng không cho thuốc uống. Đến bây giờ em vẫn còn lo lắng lắm.

Xin bác sĩ tư vấn là thuốc gây tê có ảnh hưởng đến thai nhi không? Từ hôm qua tới giờ em thấy thai vẫn bình thường. Em xin cám ơn.

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào bạn,

Thuốc tê tại chỗ dùng với liều thấp thường không ảnh hưởng đến mẹ và con, trừ trường hợp lượng thuốc tê quá nhiều có thể gây ngộ độc. Trường hợp này thuốc tê được hấp thu vào máu quá nhanh với lượng lớn mới nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con, do lúc đó có thể gây trụy tim mạch và tử vong.

Với tình trạng của bạn, đã gây tê sau 24g thì thuốc tê đã đào thải hết, không ảnh hưởng đến thai nhi. Mong bạn đừng quá lo lắng, chính nỗi lo lắng của bạn mới là yếu tố ảnh hưởng đến thai.

Quỳnh Chi - chihuynh...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Cho em hỏi mũi tiêm gây tê tuỷ sống trước khi mổ đẻ đau không ạ và gây tê màng cứng giảm đau sau sinh mổ mình có cảm nhận được cái đau nữa không hay khỏi đau ngay ạ? Nếu còn đau thì khắc phục thế nào và đau kéo dài trong bao lâu?

Em cảm ơn bác sĩ!

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào bạn,

Gây tê tủy sống mổ lấy thai thường dùng mũi kim nhỏ 25G-27G nên người bệnh rất ít đau. Gây tê ngoài màng cứng giảm đau đúng kỹ thuật khi sinh thường bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau nữa. Nếu bệnh nhân vẫn cảm nhận đau thì thường BS sẽ tăng liều thuốc tê lên.

Đau thường chỉ xảy ra trong quá trình sinh do sự co bóp của cơ tử cung, căng giãn vùng chậu, tầng sinh môn, sau khi sinh em bé xong thì sẽ hết đau.


Hoàng Võ - hoangvo...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Cho con hỏi về trường hợp của ba con như thế này. Ba con 57 tuổi, bị tai nạn xe máy và bất tỉnh, sau khi cấp cứu hồi sức ba con tỉnh và cũng đã làm các xét nghiệm chụp phim thì không phát hiện gì nghiêm trọng.

Nhưng ba con bị mất trí nhớ tạm thời lúc nhớ lúc quên và đau sau gáy, bị tai nạn nay được 15 ngày rồi) uống thuốc đều đặn nhưng trí nhớ ngày càng giảm, vậy con nên đưa ba khám những gì để rõ hơn? Cảm ơn bác sĩ.

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào em Hoàng,

Chụp phim CT scan cho bệnh nhân chấn thương sọ não mục đích phát hiện máu tụ nội sọ, các tổn thương xương sọ, nhưng có những tổn thương trong não vẫn không phát hiện được bằng CT scan như: chấn động não, phù não mức độ nhẹ, tổn thương sợi trục lan tỏa…, những trường hợp như vậy có thể chụp MRI đánh giá thêm.

Ba em có thể rơi vào tình huống giảm trí nhớ do chấn động não, thường phục hồi sau 3-6 tháng. Em có thể đưa ba đến cơ sở có khoa Nội thần kinh để đánh giá thêm, vì có những bệnh của người già như Alzheimer, sa sút trí tuệ ở người già… có thể xuất hiện sau một chấn động như vậy.


Lê Thị Kim Tuyến - tuyenle…@gmail.com

Chào BS,

Tôi 37 tuổi, đã phẫu thuật đặt nẹp vít xương đòn và lấy nẹp vít ra. 2 ca mổ cách nhau 2 năm rưỡi. Cả 2 lần tôi được gây mê “tiền mê” ạ, còn ở tay là gây tê đám rối thần kinh.

Ca mổ gắn nẹp thì sau khi phẫu thuật, về phòng tôi bị nôn hơn chục lần. Ca mổ thứ 2 thì vừa ra khỏi phòng mổ, tôi đã nôn ngay ở phòng hồi sức, cho đến khi về phòng bệnh tôi vẫn nôn tiếp, tổng cộng chắc gần 20 lần. Các bệnh nhân xung quanh cũng có người bị nôn nhưng tôi là người nôn nhiều nhất.

BS nói nôn như vậy là do tác dụng phụ của thuốc mê. Cảm giác lúc nôn ói rất giống say xe (lâng lâng, hễ cử động đầu là chóng mặt) và tôi cũng bị say xe rất nặng.

Mong BS cho biết, có phải người dễ say xe thì sẽ bị nôn nhiều sau khi gây mê không ạ? Và làm thế nào để hạn chế tình trạng nôn sau gây mê?

Rất mong được BS tư vấn, cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Phẫu thuật kết hợp xương đòn thường chọn phương pháp gây tê đám rối thần kinh hoặc gây tê tại chỗ, chỉ cho thêm thuốc tiền mê khi người bệnh quá lo lắng. Thuốc tiền mê và chất chuyển hóa của thuốc tê có thể gây buồn nôn, nôn sau mổ.

Thường buồn nôn dễ xảy ra trên bệnh nhân nữ, tiền sử say tàu xe, không hút thuốc lá, dùng thuốc gây mê bốc hơi, thuốc giảm đau nhóm morphin… Bạn có thể tham khảo câu hỏi của bạn Thu Hà ở trên.

Hoàng Oanh - TPHCM

Chào bác sĩ,

Em đang mang thai tuần 37. Nghe chị chồng nói khi chuyển dạ sẽ rất đau nên vô cùng lo lắng, vì đây là lần đầu tiên em mang thai và sinh con.

Em lên tham khảo có phương pháp gây tê ngoài màng cứng sẽ không bị đau, nhưng bản thân lại sợ gặp nguy cơ trong lúc sinh. Kính mong bác sĩ tư vấn giúp em. Xin cám ơn bác sĩ.

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào em Hoàng Oanh,

Gây tê ngoài màng cứng giảm đau khi sinh giúp cho người sản phụ sinh nở theo cách tự nhiên, (tạo sự gắn bó tình mẫu tử) nhưng giảm được tình trạng đau do cơn gò tử cung và sự căng giãn của vùng chậu, tầng sinh môn.

Thường những bệnh viện chuyên khoa sâu về sản khoa như Hùng Vương, Từ Dũ, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng thường được các chuyên gia thực hiện thường xuyên và tương đối an toàn nên em không phải lo lắng quá.

Ngoài phương pháp trên, sản phụ có thể lựa chọn phương pháp mổ lấy thai chủ động nhưng phương pháp này không thuận theo sinh lý, có thể có biến chứng, sản phụ có thể đau sau mổ, trường hợp này có thể phối hợp gây tê ngoài màng cứng và giảm đau sau mổ.


Trí Dũng - dungnguyen…@gmail.com

Bác sĩ cho tôi hỏi,

Bố tôi bị ung thư gan giai đoạn cuối. Thời gian này ông rất đau đớn, không ăn uống được gì. Gia đình muốn đưa ông vào Chăm sóc Giảm nhẹ nhưng ông chỉ muốn ở nhà với con cháu. Nhưng nhìn ba luôn trải qua những cơn đau vật vã thực sự rất chua xót.

Xin hỏi bác sĩ liệu bố tôi có thể dùng morphin để giảm đau được không? Thủ tục để mua thuốc như thế nào? Ngoài morphin thì có những phương pháp giảm đau nào khác không ạ? Kính mong bác sĩ tư vấn giúp.

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào bạn Dũng,

Ung thư giai đoạn cuối thường gây đau do khối u chèn ép tại chỗ hoặc đã di căn. Tùy mức độ đau mà có thể phối hợp thuốc giảm đau đa mô thức cho người bệnh, trong đó morphin là thuốc được lựa chọn cuối cùng.

Trên thị trường có miếng dán chứa fentanyl dùng giảm đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, thuốc có tác dụng trong 72h.

Thường các thuốc này được kê toa bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa ung bướu. Ngoài ra, tùy vị trí đau có thể phối hợp các phương pháp gây tê để giảm đau cho người bệnh.


Lê - hoaile…@gmail.com

Chào BS,

Bác em bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Sau ca phẫu thuật thì đã hồi tỉnh. 3 ngày sau đang nằm viện thì bác lên cơn động kinh, được bác sĩ tiêm Phenytoin.

Gia đình có hỏi thì bác sĩ nói đây là triệu chứng thường xảy ra sau chấn thương sọ não. Tối đó bác không ngủ được, cứ trằn trọc hoài. Liệu có phải do thuốc trên gây ra không ạ? Cảm ơn BS!

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào bạn,

Sau chấn thương sọ não thường bệnh nhân có những ổ phát xung điện bất thường trong não gây cơn động kinh và những thay đổi sinh lý. Bác em không ngủ được có thể do thay đổi sinh lý sau chấn thương, còn thuốc Phenytoin dùng để điều trị động kinh thường không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Có thể tập để có lại giấc ngủ sinh lý bình thường hoặc có thể đưa đến BS nội thần kinh tư vấn thêm.


FB Phong S.

Xin chào BS Khương,

Em vừa mổ lấy nẹp vít xương đòn, được gây tê đám rối thần kinh cánh tay. Nhưng em có nghe BS trao đổi với nhau là “Ca này gây tê đám rối thì uổng quá, gây tê tại chỗ là được rồi”. Em không hiểu lắm, BS có thể giải thích giúp em được không ạ? Em cảm ơn BS rất nhiều ạ!

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào anh,

Phẫu thuật xương đòn có thể lựa chọn nhiều phương pháp vô cảm khác nhau như gây tê đám rối thần kinh, gây tê tại chỗ hoặc thậm chí là gây mê.

Trong trường hợp của anh, BS lựa chọn phương pháp gây tê đám rối cũng được nhưng kỹ thuật gây tê đám rối thường khó khăn hơn gây tê tại chỗ, đòi hỏi người gây mê phải nắm vững giải phẫu và kỹ thuật. Câu nói của BS cho thấy BS đang cân nhắc phương pháp gây tê phù hợp cho anh, anh không cần phải lo lắng.

FB Nguyễn Lâm

Chào BS,

Em xin hỏi thuốc gây mê có ảnh hưởng nhiều đến trí nhớ không ạ? Tháng 2 và tháng 7 năm nay em có mổ 2 lần. Bình thường thì em không hay quên nhưng sau khi mổ về có những việc vừa nói xong hoặc người khác vừa nói em không nhớ là mình hoặc người ta nói gì. Trước khi phẫu thuật có chụp CT và DSA. 

Xin hỏi BS tình trạng hay quên này sau bao lâu thì hết, và có cách nào để mau hết tình trạng hay quên này không ạ? Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào em,

Việc em trải qua phẫu thuật 2 lần trong vòng 5 tháng là chuyện bắt buộc thì phải làm để giải quyết tình trạng bệnh của em. Chuyện thuốc mê có ảnh hưởng đến trí nhớ hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định thuốc mê có ảnh hưởng đến trí nhớ, còn chờ nghiên cứu thêm.

Tình trạng hay quên của em cần đến khám BS nội thần kinh để đánh giá, chẩn đoán và có hướng xử trí thích hợp.


Ánh Loan - Q.12, TPHCM

BS cho em hỏi,

Ba em bị cao huyết áp nên dự tính sẽ nội soi gây mê. Nhưng em băn khoăn không biết thuốc gây mê khi nội soi dạ dày và trực tràng có an toàn không ạ? Vì em nghe nói có trường hợp sốc với thuốc mê, nên xin phép hỏi bác sĩ, thuốc gây mê khi nội soi có hay gây ra phản ứng sốc thuốc không ạ? Bệnh nhân có được thử thuốc trước khi tiêm thuốc mê? Rất mong được BS giải đáp ạ.

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào Ánh Loan,

Thuốc gây mê thành phần có chứa lipid có thể gây dị ứng trên bệnh nhân có cơ địa dị ứng, thậm chí có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên, tác dụng trên rất hiếm. Ngoài ra, tác dụng của thuốc là gây giãn mạch, giảm sức co bóp cơ tim, từ đó có thể gây tụt huyết áp ở người bệnh có cơ địa nhạy cảm.

Tuy nhiên khi nội soi gây mê, người BS gây mê sẽ khám, đánh giá toàn diện người bệnh và lựa chọn thuốc mê thích hợp, nhìn chung tương đối an toàn cho người bệnh. Trong trường hợp xảy ra các tác dụng không mong muốn thì BS gây mê cũng có đầy đủ phương tiện thuốc men để xử trí kịp thời cho người bệnh.


FB Tien Tien

Xin chào BS,

Cho em hỏi, việc lựa chọn phương pháp gây mê là BS quyết định hay có cần có sự đồng ý của gia đình không ạ? Bà ngoại em 68 tuổi, vừa bị té, BS đang cho chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật thay khớp háng. Em có nghe nói phẫu thuật này phải gây tê tủy sống hay gây tê ngoài màng cứng.

Em muốn nhờ BS tư vấn giúp em là 2 kiểu gây tê này khác nhau thế nào và cái nào phù hợp với bà em hơn? Bà em có bị cao huyết áp, mỡ máu và tiền đái tháo đường (nghe BS BV quận nói vậy). Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào em,

Khi phẫu thuật người nhà có thể quyết định lựa chọn phương pháp vô cảm cho người bệnh, ví dụ: bệnh nhân có tâm lý lo lắng không muốn gây tê tủy sống có thể lựa chọn phương pháp gây mê nhưng cần có sự đồng thuận của BS gây mê vì mục đích cuối cùng vẫn là lựa chọn phương pháp an toàn nhất cho bệnh nhân.

Đối với trường hợp của bà em, phải được khám, đánh giá thực tế về tình trạng bệnh, thể trạng bệnh lý kèm theo, thuốc đang sử dụng mới có thể lựa chọn phương pháp vô cảm tốt nhất là gây tê tủy sống hay gây tê ngoài màng cứng, hoặc kết hợp cả 2.

Trong trường hợp không thể lựa chọn phương pháp vô cảm tê tủy sống hoặc tê ngoài màng cứng vẫn có thể lựa chọn phương pháp gây mê để phẫu thuật.

 

FB Linda K

Chào BS,

Em xin hỏi về thuốc tê ạ. Tháng trước em phun môi và chân mày. Tháng này em phẫu thuật mí mắt, có gây tê tại chỗ. Hiện giờ em dự tính xóa sẹo lồi, BS nói sẹo lớn quá phải phẫu thuật cắt bỏ, vậy là em phải dùng thuốc tê nữa phải không BS, hay là thuốc mê ạ?

Em cũng thấy lo vì liên tục sử dụng thuốc tê như vậy, nhưng công việc em làm đòi hỏi ngoại hình. Em mong BS tư vấn giúp em làm cách nào để giảm thiểu tác hại của thuốc tê/thuốc mê? Những phẫu thuật này có nên giãn cách trong thời gian bao lâu là hợp lý ạ?

Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Lưu Kính Khương

Chào em,

Em từng phun môi và chân mày, phẫu thuật mí mắt đều sử dụng thuốc tê tại chỗ, thường không ảnh hưởng gì, do đó em có thể tiếp tục gây tê để xóa sẹo lồi.

Việc giãn cách thời gian phẫu thuật bao lâu tùy thuộc vào loại phẫu thuật và tình trạng viêm nhiễm vết mổ (nếu có) là chính chứ thuốc tê tại chỗ thường không ảnh hưởng gì.

Thân mến,

Khoa Gây mê hồi sức ngoại, BV Nhân dân 115

+ Gây mê hồi sức cho phẫu thuật ngoại thần kinh

+ Gây mê hồi sức cho phẫu thuật tim

+ Gây mê hồi sức cho phẫu thuật ghép thận

+ Gây mê hồi sức cho các phẫu thuật nội soi lồng ngực, ổ bụng

+ Các kỹ thuật giảm đau sau mổ: giảm đau ngoài màng cứng, giảm đau bệnh nhân tự kiểm soát, giảm đau đa phương thức

+ Gây mê kiểm soát nồng độ đích

+ Hồi sức cho người bệnh chấn thương sọ não nặng, đa chấn thương

+ Đo và theo dõi áp lực nội sọ

+ Mở khí quản qua da tại giường...


Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X