Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương: Làm sao giúp người thân cai nghiện rượu?

Dấu hiệu gãy xương sườn, kiêng ăn gì sau đứt đốt tay, trào ngược dạ dày thực quản có nên đi khám, nang giáp có được uống mầm đậu nành, cách cai nghiện rượu... là những vấn đề bạn đọc quan tâm và được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp trong hôm nay.

Phạm T. H. - Khanhh...@gmail.com

Người có tiểu sử nghiện rượu, mỗi lần uống là say khướt, lè nhè chửi bới, đã bị tai biến 1 lần và bỏ rượu được 6 năm. Nhưng nay uống lại, có biểu hiện gần giống như trước.

Chào em,

Nghiện rượu mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe và tinh thần và cả cuộc sống, công việc của người bị nghiện rượu, đồng thời ảnh hưởng lên người thân xung quanh người bị nghiện rượu. Để giúp người bị nghiện rượu cai rượu thì đầu tiên cần có sự ủng hộ, trợ giúp, khuyên nhủ của những người thân trong gia đình.

Người bệnh đã từng nghiện rượu, sau đó qua đợt bệnh nặng thì bỏ rượu được, nay lại tái nghiện thì đầu tiên hết phải tìm hiểu xem nguyên nhân gì khiến cho người bệnh uống rượu trở lại mà quên đi sức khỏe của mình như trước đây. Nguyên nhân có thể từ sự rủ rê của bạn bè, căng thẳng trong gia đình, tự ti bản thân...

Một người trong gia đình chắc chắn không đủ sức lay động được người bệnh đâu, bạn cần sự giúp sức của bố mẹ, anh chị em, cô dì chú bác, con cái, và bạn của người bệnh cùng nhau khuyên nhủ về tác hại của rượu bia, yêu cầu những người bạn nhậu không rủ rê đi nhậu nữa, cho người bệnh đi khám tổng quát để kiểm tra tổng thể, xem ảnh hưởng của rượu lên cơ thể đến đâu rồi, đb là gan mật và bệnh lý thần kinh do rượu.

Khi thấy mình bắt đầu có bệnh do rượu, có thể giúp người nghiện rượu thêm quyết tâm. Hiện nay, thuốc cai rượu trên thị trường có nhóm disulfiram (Abperal, Abstinyl, Espéral, Antabuse…), naltrexon (trong cai nghiện ma túy), Boniancol là được dùng rộng rãi nhất. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe cho người bệnh rồi mới chọn lựa loại thuốc và liều dùng thích hợp, an toàn cho họ. Chuyên khoa cần khám là chuyên khoa Tiêu Hóa.

Bên cạnh đó, khi gửi câu hỏi về AloBacsi, bạn cần ghi rõ câu hỏi muốn hỏi là gì, mối quan hệ với người bệnh ra sao, chứ không nên nêu thông tin chung chung, bạn nhé.

Thân mến.

Mỹ Thơ - Huynhthi...@gmail.com

Thưa bác sĩ, em bị tai nạn giao thông đứt gân gót, đã phẫu thuật được 7 tuần. Nhưng sao vết thương của em vẫn tiết ra dịch vàng đục, kèm theo ngứa ở vết thương. Cho em có sao không ạ?

Chào Mỹ Thơ,

Vết thương 7 tuần mà vẫn chưa lành, còn tiết ra dịch đục kèm theo ngứa thì em phải vào bệnh viện để kiểm tra lại xem vết thương "chưa lành đến đoạn nào".

Nếu vết thương đã lành bên dưới, chỉ còn hở ít ở 2 mép thì khác, còn nếu vết thương còn viêm nhiễm sâu xuống dưới thì phải xử lý khác.

Em đến lại bệnh viện đã phẫu thuật cho em là tốt nhất, hoặc tái khám bệnh viện gần nhà thì đăng ký khám chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình, em nhé.

Bảy - seven...@gmail.com

Chào bác sĩ, tôi bị mệt mỏi thời gian dài, ngủ dậy hay nhức mỏi. Nhức đầu, tim đập nhanh và khó ngủ. Kém tập trung và hay ốm vặt.

Tôi từng đi khám nhiều nơi nhưng kết luận suy nhược thần kinh, lo âu, điều trị tại Bệnh viện Biên Hoà không lành. Vậy tình trạng của tôi nên thăm khám như thế nào để có thể biết bệnh của mình và cần chuẩn bị những gì? Xin cảm ơn.

Chào bạn,

Triệu chứng của bạn gồm 2 nhóm triệu chứng chính, một là mất ngủ, lo âu, nhức đầu, kém tập trung thuộc về nhóm bệnh lý thần kinh - tâm thần, hai là hồi hộp tim đập nhanh thuộc về nhóm nhịp tim học.

Để điều trị được bệnh của bạn thì bác sĩ sẽ cần xác định xem việc mất ngủ lo âu là nguyên nhân dẫn đến hồi hộp tim đập nhanh, hay là hồi hộp tim đập nhanh gây cho bạn lo âu, mất ngủ; và có bệnh lý toàn thân nào gây cùng lúc 2 nhóm bệnh này không. Vì thế, bạn cần khám chuyên khoa Nội tiết - Tim mạch trước để loại trừ bệnh lý tim mạch, nội tiết… gây lo âu mất ngủ.

Tuy nhiên, bạn đã từng khám nhiều nơi và cùng chung một kết quả là suy nhược thần kinh, lo âu thì nhiều khả năng vấn đề của bạn là do tâm sinh bệnh, tức là rối loạn thần kinh - tâm thần gây nên các rối loạn toàn thân.

Do đó, bạn thử khám chuyên khoa Thần kinh tâm thần điều trị một thời gian xem sao, khi đi khám cần đem theo tất cả các xét nghiệm và sổ khám bệnh bạn đã từng kiểm tra và điều trị. Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới.

Tuy nhiên, người bệnh có lo âu bệnh lý hay rối loạn lo âu là khi lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe dọa được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý. Rối loạn lo âu là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh lý tâm thần.

Bạn đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... Và bệnh rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ là một thể nhẹ trong các rối loạn tâm thần nói chung và có thể điều trị được (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu).

Song song đó, bạn nên sắp xếp thời khóa biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý hơn, có thể nghe nhạc giao hưởng để giải stress, hạn chế cafe bia rượu, không hút thuốc lá, tập thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, có lịch nghỉ phép du lịch ngắn hạn, đi chùa, ngồi thiền, yoga... chọn cái nào phù hợp với bản thân bạn nhất và áp dụng, kiên trì.

Thân mến.

Heo Be - heobe...@gmail.com

Em đang cho con bú. Lúc mới sinh em bị tắc tia sữa nhưng giờ đã xẹp. Hôm nay đã 20 ngày, em thấy trong 2 bên nách có hạch không đau. Bên phải 2 hạch, bên trái 1 hạch, ngoài ra ngực em không đau, cũng không sốt. Mong bác sĩ cho biết có phải em bị ung thư không?

Chào em,

Hạch nách xuất hiện trong giai đoạn cho con bú thường nhất là do viêm tắt tuyến sữa. ngực em không đau, không tức, không sốt thì không phải do viêm tắt tuyến sữa rồi.

Em nên đến bệnh viện để kiểm tra, xem hạch này là do đâu, chưa chắc gì là ung thư đâu, như có trường hợp khi có kinh lại cũng tạo hạch ở nách. Tốt nhất là nên đến Bệnh viện Ung Bướu để kiểm tra, loại bỏ tâm lý hoang mang đoán già đoán non ở nhà sẽ giảm sữa mà không giải quyết được việc gì, em nhé.

Thân mến.

Nguyễn T. Y. - Nguyenyen...@gmail.com

Mình bị nang thuỳ phải tuyến giáp 3.6mm, có uống mầm đậu nành được không?

Chào em,

Đậu nành là loại cây họ đậu có chứa hàm lượng protein cao, phytoestrogen - nguồn estrogen thực vật. Đậu nành được sử dụng trong nhiều món ăn của những quốc gia châu Á (như miso, tempeh, đậu hũ...) hoặc làm thành phần của các sản phẩm thực phẩm chức năng. Nghiên cứu về đậu nành và mối liên hệ với tuyến giáp cho thấy, ở những người có sức khỏe tuyến giáp bình thường, ăn đậu nành hoặc bổ sung isoflavone gần như không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên, với người có bệnh lý tuyến giáp thì khác.

Đậu nành chứa goitrogen - một hoạt chất có khả năng thúc đẩy tình trạng phình tuyến giáp như bướu cổ. Việc tiêu thụ lượng lớn đậu nành có thể gây tình trạng kháng tuyến giáp, làm chậm chức năng tuyến giáp và ở một số người có thể “kích hoạt” các bệnh tuyến giáp.

Một số nghiên cứu về đậu nành và tuyến giáp chỉ ra rằng, đậu nành có tác động tiêu cực đến chức năng tuyến giáp, điều này rất dễ xảy ra ở những người bướu tuyến giáp do thiếu iod. Đối với một số bệnh nhân tuyến giáp, đậu nành có thể ức chế khả năng hấp thụ thuốc tuyến giáp của cơ thể.

Cho nên, nếu bạn không bị rối loạn chức năng tuyến giáp, cũng không đang dùng thuốc gì thì vẫn có thể ăn đậu nành nhưng không ăn quá nhiều. Các nghiên cứu cho thấy những tác động tiêu cực của đậu nành xuất hiện khi mọi người tiêu thụ 30mgr Isoflavone mỗi ngày.

Thân mến.

A Tus - tunguyen...@gmail.com

Chào bác sĩ ạ, sao mấy nay em thấy bụng cứ đói là kêu rột rột, lâu lâu ra phân dẻo. Lúc trước em soi đại tràng, bác sĩ nói là viêm bao tử và cho thuốc uống. Em uống được 2 tháng thấy hết đau nên ngưng thuốc. Bác sĩ chẩn đoán là bệnh trào ngược dạ dày, hội chúng ruột kích thích. Tình trạng đó có nên đi khám không ạ?

Chào em,

Triệu chứng mà em miêu tả là tình trạng tăng nhu động ruột, nghĩ nhiều là hội chứng ruột kích thích. Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp, thường gây ra rối loạn tiêu hóa, hay gặp nhất là đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón có liên quan đến thức ăn. Tuy vậy, bệnh không gây ra tổn thương thực thể ở ruột.

Em đã đến bệnh viện khám và được chẩn đoán là bệnh trào ngược dạ dày, hội chúng ruột kích thích. Nếu đã từng nội soi nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, kết quả kiểm tra không có dấu hiệu gì bất thường thì có thể yên tâm là em bị hội chứng ruột kích thích thôi. Dù bệnh này không gây tổn thương ở ruột, nhưng việc điều trị lại rất khó, vì tùy thuộc vào người bệnh là chính, thuốc chỉ hỗ trợ điều chỉnh triệu chứng và loại trừ yếu tố thúc đẩy.

Một số yếu tố liên quan tới hội chứng ruột kích thích như một vài loại thực phẩm nhất định (tùy theo từng người), căng thẳng lo âu, thay đổi nội tiết, một số bệnh lý (viêm nhiễm dạ dày ruột).

Do vậy, em nên tránh lo âu, suy nghĩ căng thẳng, kiểm soát cảm xúc và nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ, nên tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ, rau xanh và hoa quả, nên tập luyện các môn giúp thư giãn như dưỡng sinh, yoga, tẩy giun định kỳ. Nếu vẫn còn khó chịu nhiều, đau bụng nhiều, tiêu chảy, táo bón liên tục, trầm cảm, mất ngủ, lo lắng quá nhiều… thì phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tiêu Hóa.

Nông Văn Hưởng

Có được ăn thịt vịt sau khi bị đứt đốt tay hay không? Cần kiêng ăn những gì?

Chào em,

Theo dân gian thì các loại rau có nhiều mủ hay nước tương, và đồ biển, thịt vịt không tốt cho người mới mổ xong hay có vết thương vì nghĩ là sẽ tạo mủ, khó lành, sẹo lồi... Tuy nhiên, theo bằng chứng khoa học thì điều đó không đúng.

Người có vết thương thì có thể ăn uống bình thường, không kiêng cử gì cả, miễn là thức ăn phải nấu chín uống sạch, rau nên luộc chín để dễ tiêu, những món ăn trước đây gây dị ứng nếu có thì không dùng. Người bệnh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì mới mau lại sức và lành vết thương.

Tuy nhiên, không nên uống rượu bia và hút thuốc lá vì có thể làm vết thương chậm lành, dị ứng, giảm tác dụng thuốc uống đi kèm... Bên cạnh đó, em chú ý uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, nghỉ ngơi, rửa và thay băng vết thương mỗi ngày đúng như bác sĩ dặn và tái khám theo hẹn để kiểm tra lại vết thương, em nhé.

Thân mến.

Trần Quang Huy - huytran...@gmail.com

Chào bác sĩ, cho em hỏi em đi xét nghiệm máu về thì thấy hồng cầu cao. RBC, RDW tăng còn MCV, MCH giảm thì cho em hỏi nguyên nhân do đâu ạ? Bệnh này có nguy hiểm gì không ạ? Em đang rất lo lắng.

Chào Quang Huy,

Trong kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser có chỉ số RBC (red blood cell) là số lượng hồng cầu có trong một đơn vị máu (thường là lít hay mm³), RDW là độ phân bố hồng cầu (red distribution width), khi chỉ số này tăng cho thấy tế bào hồng cầu to nhỏ không đều, thường là có thiếu máu. MCH là nồng độ hemoglobin trung bình của các hồng cầu, MCH giảm cho thấy hồng cầu bị nhược sắc. MCV là thể tích trung bình của hồng cầu, MCV giảm cho thấy hồng cầu bị nhỏ.

Như vậy, vấn đề của em là hồng cầu nhỏ nhược sắc, hồng cầu to nhỏ không đều. Các nguyên nhân gây hồng cầu nhỏ nhược sắc, gồm thiếu sắt (do ăn uống kém, do rối loạn hấp thu, do mất máu rỉ rả do xuất huyết tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, do bia rượu nhiều...), Bệnh máu di truyền (thường hồng cầu rất nhỏ), do viêm nhiễm mạn tính...

Em nên khám thêm ở chuyên khoa Huyết học, tại đây bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân cho em như sắt huyết thanh, ferritin huyết thanh, điện đi hemoglobin… để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp. Đồng thời, em cần ăn đầy đủ dưỡng chất, không uống bia rượu, và tẩy giun.

Thân mến.

Thuan Nguyen - nvtn...@gmail.com

Chào bác sĩ, em 20 tuổi, bị tai nạn lao động do tôn rơi trúng bàn chân phải, bệnh viện khâu khoảng 1 tháng rồi ạ. Ngón chân cái không được thẳng và cảm giác tê như bình thường, không thể ngóc đầu ngón chân cái lên được, chỉ có thể gập xuống thôi ạ. Vậy có vấn đề gì không ạ? Mong bác sĩ giúp đỡ tư vấn giúp em ạ.

Chào em,

Triệu chứng trên cho thấy em đang có vấn đề ở gân cơ duỗi ngón cái, có thể là em đã bị đứt gân cơ này và được khâu lại nhưng chưa phục hồi hoàn toàn, hoặc cũng có thể em bị tổn thương dây thần kinh điều khiển dây thần kinh này.

Dẫu sao em cũng cần đến tái khám lại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình để bác sĩ kiểm tra cho em, hi vọng không phải vấn đề tại thần kinh vì như thế khó hồi phục hơn là do gân cơ, nếu gân cơ đã đứt và được khâu nối lại thì chịu khó tập vật lý trị liệu sẽ có thể hồi phục được tốt hơn.

Thân mến.

Lê Đình Sơn - tranthitr...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, em bị va đập mạnh do gậy và bị đau vùng sườn trái trên bụng, vùng đó bị sưng lên to. Như vậy có bị coi là gãy xương không ạ?

Chào em,

Em cần phải chụp phim Xquang ngực để biết chắn chắn có gãy xương sườn hay không. Vì không thể dựa vào triệu chứng đau và sưng to ở vùng bị va đập mà "coi là gãy xương" được, bị dập mô mềm cũng có triệu chứng này, em nhé.

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X