Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Xử trí thế nào khi trẻ bị sốt do mọc răng?

Bé mọc răng thường sốt, biếng ăn, bỏ bú, quấy khóc... khiến cha mẹ lúng túng và lo lắng - BS Trịnh Ngọc Bình sẽ giúp bạn hiểu và chăm sóc bé đúng cách khi sốt do mọc răng - qua buổi tư vấn chiều 1/3.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình. Ảnh: Viết Hưởng

BS Trịnh Ngọc Bình chăm chú đọc từng câu hỏi của bạn đọc gửi về - Ảnh: Viết Hưởng

NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu 1:

Trẻ mọc răng vào thời điểm nào và kéo dài trong bao lâu, thưa bác sĩ? Thứ tự các răng mọc như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

* Thời điểm trẻ mọc răng:

Mọc răng đánh dấu bước phát triển quan trọng của bé trong giai đoạn chuyển từ bú mẹ sang ăn dặm. Thông thường, bé sẽ mọc chiếc răng đầu tiên khi được 6 tháng tuổi và đến lúc 3 tuổi bé sẽ có hàm răng hoàn thiện bao gồm 20 chiếc răng sữa (10 chiếc răng hàm trên và 10 chiếc răng ở hàm dưới).

Thời gian mọc răng của bé khác nhau về thể chất, một số bé 4-5 tháng đã mọc răng, nhưng cũng có nhiều bé tới 9-10 tháng mới bắt đầu xuất hiện chiếc răng đầu tiên. Điều này là bình thường nên bố mẹ đừng quá lo lắng, bé mọc răng muộn là do bé thiếu calci nên bố mẹ cần cung cấp đầy đủ calci cho bé là được. Trẻ mọc răng trong vòng 1 năm đầu đời thì phát triển bình thường.

* Thứ tự mọc răng của trẻ:

Răng bé sẽ mọc theo trình tự nhất định như sau:

- Răng cửa thứ nhất hàm dưới mọc lúc 6 tháng rưỡi. Răng cửa thứ nhất hàm trên mọc lúc 7 tháng rưỡi.

- Răng cửa thứ hai hàm dưới mọc lúc 7 tháng. Răng cửa thứ hai hàm trên mọc lúc 8 tháng.

- 4 răng cửa bên hàm dưới và hàm trên mọc lúc 8-10 tháng.

- Răng hàm thứ nhất hàm dưới và hàm trên mọc khi bé được 12 - 16 tháng.

- Răng nanh hàm dưới và hàm trên mọc trong giai đoạn từ 16 - 20 tháng.

- Răng hàm thứ hai hàm dưới và hàm trên mọc khi bé được 20 - 32 tháng.

- Răng sữa bắt đầu được thay thế bằng răng vĩnh viễn khi trẻ lớn từ 7-8 tuổi. Khi trẻ 12 tuổi thì răng sữa hoàn toàn được thay hết. Thay vào đó là 28 chiếc răng vinh viễn. Do đó, vào thời điểm này bố mẹ nên đưa bé đến nha sĩ khám răng để bé có được một hàm răng đều đẹp.

Thân mến.

BS Trịnh Ngọc Bình khám chữa bệnh cho người dân trong chuyến khám bệnh từ thiện tại Tiền Giang do AloBacsi tổ chức. Ảnh: Viết Hưởng

Câu 2:

Những dấu hiệu và biểu hiện gợi ý trẻ đang mọc răng gồm những gì và thường kéo dài trong bao lâu, có cần phải đến bác sĩ không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

* Những dấu hiệu trước khi trẻ mọc răng:

- Chảy dãi: Khi mọc răng bé sẽ chảy nước dãi nhiều hơn bình thường do bị kích thích.

- Nổi ban quanh miệng và cằm: Khi bé chảy nước dãi quá nhiều, lượng nước dãi này có thể tiếp xúc với da mặt, miệng và nhiều khi chãy xuống cổ gây ra nổi mẩn.

- Ho: Khi nước dãi quá nhiều trong miệng làm cho bé khó chịu, cũng có thể dẫn tới tình trạng ho

- Sốt (từ 38 đến 38,5 độ).

- Hay quấy khóc.

- Khó ngủ: Đau nướu có thể khiến bé khó ngủ.

- Bé hay cắn: Khi bé mọc răng thì những chiếc răng đâm xuyên qua nướu răng khiến nướu bị sưng, viêm có khi bị loét, bé có cảm giác khó chịu, ngứa nướu tại chổ răng mọc nên bé sẽ thích cắn bất cứ những gì mà  bé có thể cắn được.

- Chán ăn: Sự khó chịu, đau nướu, đau họng sẽ khiến bé làm biếng ăn.

- Bé bị tiêu chảy một ít mà dân gian là "tướt".

Các dấu hiệu trên thường xảy ra trong thời gian trước khi răng nhú lên 3-4 ngày và 3-4 sau khi nhú răng mọc lên.

Trong trường hợp bé sốt cao trên 39 độ, ho nhiều, tiêu chảy nhiều... thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ.

Trẻ sốt cao trên 39 độ rất nguy hiểm, cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Câu 3:

Tại sao trẻ lại sốt khi mọc răng? Thường xảy ra đối với những răng nào ạ? Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách hạ sốt khi trẻ mọc răng? Làm sao để phân biệt sốt do mọc răng và sốt do bệnh khác, thưa bác sĩ? Sốt mọc răng có cần đi bệnh viện không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

- Bé bị sốt: Khi mọc răng, hệ miễn dịch của bé sẽ bị thay đổi nên bé dễ bị sốt.

- Răng nào mọc bé cũng bị sốt.

* Cách hạ sốt khi bé mọc răng:

- Với trẻ 6 tháng tuổi, mẹ nên tăng số lần ăn sữa mỗi ngày cho trẻ, còn với những trẻ lớn hơn thì việc bổ sung thêm nước như nước chín để nguội, nước hoa quả cũng làm cho bé hạ sốt. Lấy khăn mềm nhúng nước ấm lau cho bé.

- Cho bé tắm với nước ấm: Pha nước ấm, sau đó mẹ đặt bé nhẹ nhàng vào trong bồn tắm có nước ấm, lúc này mẹ có thể massage cơ thể bé để bé có cảm giác thoải mái, quên đi sự khó chịu trong người.

- Cho bé ở phòng thoáng mát và mặc quần áo mỏng, dễ hút mồ hôi.

- Cho bé uống nhiều sữa, nước sôi để nguội.

- Nếu bé sốt 38.5oC trở lên, có thể dùng Paracetamol để hạ sốt, liều lượng từ 10 đến 15mg/kg cân nặng, cứ 4 giờ uống một lần.

- Ngoài ra, khi bé sốt cao, quấy khóc, bỏ ăn kèm theo các triệu chứng như phát ban, tiêu chảy, ho... nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám và có cách điều trị thích hợp.

- Khi bé bước vào giai đoạn mọc răng, nướu sưng căng có thể khiến nhiệt độ cơ thể của bé cao hơn bình thường một chút. Bên cạnh dấu hiệu cáu kỉnh, khó ăn, khó ngủ, hay quấy khóc, phát ban, thích cắn các vật xung quanh, trẻ sốt mọc răng có một số dấu hiệu như hắt hơi hoặc ho, bé bị tiêu chảy, nôn. Sốt do mọc răng thường không cao. Nếu sốt cao hơn 39oC và tiêu chảy, bé có thể đang bị một bệnh nào khác mà không phải sốt do mọc răng. Do đó, hãy đưa con đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Thân mến.

Câu 4:

Khi trẻ sốt đau do mọc răng, một số thông tin cho rằng có thể cho bé ăn trái cây ướp lạnh, giúp xoa dịu lợi và giảm đau, hạ sốt, theo bác sĩ làm như vậy có đúng không? Ngoài ra còn có cách nào nữa để giảm đau, hạ sốt mà không dùng thuốc?



Cho bé ăn trái cây ướp lạnh có giúp xoa dịu lợi và giảm đau cho bé không? Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Khi trẻ sốt đau do mọc răng, có thể cho bé ăn trái cây ướp lạnh, đều này sẽ giúp bé xoa dịu lợi và giảm đau, hạ sốt, nhưng hạn chế dùng vì nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe bé.

* Để giảm đau, hạ sốt cho bé mà không dùng thuốc:

- Thay đổi chế độ ăn bằng bột, sữa hoặc cháo loãng cho bé.

- Giữ vệ sinh răng miệng cho bé: Cho bé uống nước lọc sau khi ăn, rửa tay sạch và dùng đầu ngón tay quấn khăn mềm chà nhẹ lên nướu răng bé; làm thường xuyên và nhiều lần trong ngày.

- Không để bé tiếp xúc với những đồ chơi sắc bén, vì có thể bé sẽ “nhai” làm tổn thương đến nướu bé.

- Khi bé sốt có thể lau người cho bé bằng nước ấm. Nước ấm sẽ giúp cơ thể thoát nhiệt, giảm sốt nhanh hơn. Mặc quần áo cho bé rộng, mỏng  thoải mái và hút mồ hôi.

Câu 5:

Tại sao trẻ bị tiêu chảy khi mọc răng vậy ạ? Trường hợp này điều trị tại nhà như thế nào, nhờ bác sĩ hướng dẫn ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Trong quá trình mọc răng của bé, lượng enzyme tiết ra cùng nước dãi nhiều hơn bình thường, khi trẻ nuốt vào sẽ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, giai đoạn mọc răng cũng chính là thời điểm mà các thói quen sinh hoạt của bé bị thay đổi. Bé ăn ít hơn, bú mẹ ít hơn khiến đường ruột bé bị thay đổi gây tiêu chảy.

* Cách xử trí tại nhà bé bị tiêu chảy do mọc răng:

- Vệ sinh sạch sẽ răng miệng cho bé bằng khăn mềm, đồng thời rửa chân tay sạch sẽ cho con. Đối với bé mặc tã thì nên thường xuyên lau giữ cho mông bé luôn khô thoáng, tránh để vi khuẩn xâm nhập vào.

- Không để bé ngậm hay cắn tay và  những đồ vật lạ, đồ chơi mà bé thể cầm nắm. Tất cả dụng cụ nấu ăn phải được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong suốt quá trình chế biến món ăn cho bé. Thực phẩm mua về phải đảm bảo an toàn vệ sinh, nên nấu bổ sung những món ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, nhiều chất xơ để bé mau phục hồi sức khỏe, đồng thời nâng cao hệ miễn dịch của bé.

- Cho bé sử dụng men vi sinh để cải thiện tình trạng tiêu chảy cũng như kích thích trẻ ăn nhiều hơn trong giai đoạn này (bởi thời kỳ mọc răng, nướu răng bị ngứa nên bé chán ăn).

- Phòng bé phải thoáng mát; vệ sinh chăn, nệm sạch sẽ.

Nếu áp dung các biện pháp trên mà bé vẫn bị tiêu chảy thì nên đưa bé đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi khám và điều trị tốt hơn.

BS Trịnh Ngọc Bình (trái) và BTV Ánh Phương đang tư vấn trực tuyến cho các bậc phụ huynh có con nhỏ bị sốt khi mọc răng. Ảnh: Viết Hưởng.

Câu 6:

Trẻ mọc răng thường chảy nước miếng nhiều, hay đưa tay vào miệng, vậy cha mẹ cần giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Để bé có một hàm răng chắc khỏe đẹp trong suốt cuộc đời, ngay từ ban đầu thì việc chăm sóc răng miệng của bé là rất cần thiết.

Trẻ mọc răng thường chảy nước dãi và hay đưa tay vào miệng, vì vậy bạn nên thường xuyên rửa tay cho bé, dùng khăn nhúng nước ấm lau nhẹ nhàng nướu của bé, vài lần mỗi ngày.

Khi răng sữa em bé vừa mọc, nên tập cho bé biết sử dụng bàn chải đánh răng với đầu nhỏ tròn và lông mềm để đánh răng cho bé. Từ khi bé mọc răng đến khi bé 18 tháng tuổi, nên chải răng bé bằng nước sạch, sau mỗi lần uống sữa hay sau các bữa ăn.

Bé trên 18 tháng tuổi: dạy cho bé cách đánh răng, cho bé dùng kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé. Khi lấy kem đánh răng vào bàn chải đánh răng cho bé, chỉ cần dùng một lượng ít và dạy cho bé biết nhổ kem đánh răng ra sau mỗi lần đánh răng.

Cha mẹ nên đánh răng trước mặt bé để bé bắt chước làm theo.

Để các loại kem đánh răng ngoài tầm với của bé, vì có một số bé có thể ăn kem đánh răng để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Thân mến.


Câu 7:

Khi mọc răng, trẻ thường quấy khóc, giai đoạn này ba mẹ nên chăm sóc bé như thế nào trong việc ăn uống, ngủ nghỉ? Nếu nuông chiều quá thì có tốt không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Chế độ dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn mọc răng cần đầy đủ 4 nhóm (chất bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất), chế biến hợp lý và những món bé thích, nấu loãng cho bé dễ nuốt, chia nhỏ làm nhiều bữa ăn vì bé đang bị đau nướu, và nhất là các chất có nhiều canxi như lòng đỏ trứng, tôm, cua, cá, các loại rau và trái cây giúp bé có mầm răng chắc khỏe. Tránh làm đau thêm nướu răng bé nên chế biến cho bé ăn những thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu như: bột, hoặc cháo loãng, đặc biệt là sữa và các chế phẩm từ sữa cung cấp nhiều canxi tốt cho sự phát triển xương, răng.

- Không nên cho bé ăn đồ quá nóng hay quá lạnh, vì nó không tốt cho sự phát triển của răng.

- Giữ vệ sinh răng miệng tốt cho bé: Trong quá trình mọc răng, bé sẽ bị sưng, nứt nướu, bị chảy nước bọt nhiều nên vệ sinh răng miệng cho bé thật tốt, thường xuyên lau sạch miệng bằng khăn mềm, cho bé uống nước lọc và làm sạch nướu sau khi cho bé bú hoặc ăn dặm. Nên làm thường xuyên nhiều lần trong ngày.

- Không nên nuông chiều bé quá vì sẽ tạo thói quen không tốt cho bé về sau.

 Câu 8:

Sau khi răng sữa mọc, khi nào bé bắt đầu đánh răng bằng bàn chải? Chọn bàn chải và kem đánh răng cho bé cần lưu ý điều gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Từ khi bé mọc răng sữa nên dạy cho bé cách đánh răng bằng bàn chải, nên lựa bàn chải lông mềm, phù hợp với từng lứa tuổi của bé.

Cha mẹ nên bắt đầu hướng dẫn bé sử dụng bàn chải đánh răng từ lúc bé bắt đầu mọc răng sữa. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Tránh cho bé dùng bàn chải cứng và có kích thước lớn dễ làm cho bé đau và chảy máu sau mỗi lần đánh răng.

Cho bé dùng kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé. Khi lấy kem đánh răng vào bàn chải đánh răng cho bé, chỉ cần dùng một lượng ít và dạy cho bé biết nhổ kem đánh răng ra sau mỗi lần đánh răng.

 Câu 9:

Nếu trẻ chậm mọc răng thì do nguyên nhân nào và cần cho bé ăn những món gì giúp mau mọc răng? Nếu răng mọc sớm thì có sao không thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Điều cần quan tâm là phát hiện sớm các trường hợp chậm mọc răng có liên quan đến thiếu dinh dưỡng, thiếu canxi, còi xương do thiếu vitamin D... để kịp thời cải thiện chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ cho phù hợp.

Bé chậm mọc răng thường do thiếu dinh dưỡng nhất là canxi để phát triển các mầm răng.

* Các món ăn giúp cung cấp nhiều canxi cho bé:

Bé nhỏ thì nguồn thức ăn chính của trẻ là sữa. Sữa là loại thức ăn giàu canxi và dễ hấp thu nhất.

Sữa là loại thức ăn giàu canxi và dễ hấp thu nhất. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Một chất nữa cần thiết cho sự hấp thụ canxi là vitamin D. Vitamin D có nhiều trong chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa,…). Vì vitamin D là loại vitamin tan trong dầu nên khi chế biến thức ăn cho bé cần bổ sung chất béo (dầu mỡ, mè, đậu phộng,..) thì cơ thể bé mới hấp thu được.

Trong chế độ ăn hàng ngày của bé luôn cung cấp đầy đủ 4 nhóm: chất bột (ngũ cốc), vitamin và khoáng chất (rau xanh, các loại trái cây), chất đạm, nhất là đạm động vật và chất béo: mỗi chén thức ăn của bé phải thêm 1-2 muỗng dầu ăn tốt nhất là dầu mè.

Có một số ít bé khi mọc răng sớm trước 6 tháng tuổi là do bé được bổ sung nguồn canxi, vitamin D đầy đủ khi mẹ đang mang thai và quá trình chăm sóc bé sau khi sinh. Cha mẹ nên yên tâm. Tuy nhiên, bé mọc răng sớm cha mẹ vẫn nên tiếp tục bổ sung canxi cho bé.

Câu 10:

Bác sĩ ơi, bác sĩ có thể giúp em không ạ? Bé em 6 tháng rồi nhưng cho bé ăn dặm bé không há miệng ra gì cả, mỗi lần cho ăn cứ cúi gằm xuống rồi cáu khóc. Vậy em nên ngưng cho ăn vài ngày rồi thử lại hay em vẫn tiếp tục? Mong bác sĩ giúp em với ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình:

Bạn thân mến,

Trong trường hợp này, bạn vẫn cho bé ăn bình thường, không nên ngưng, nếu bé ăn ít thì cho bú thêm sữa để bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng cho bé.

Ngoài ra, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám tìm ra nguyên nhân bé không chịu ăn để xử lý kịp thời (vì có nhiều nguyên nhân khiến bé không há miệng khi ăn dặm, cáu khóc… chẳng hạn như bé bị đau họng, đau răng, bé không thích mùi vị của món ăn…).

Chúc bé con luôn khỏe mạnh và ngoan.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về cách xử trí khi trẻ bị sốt do mọc răng giúp các bậc phụ huynh có con nhỏ hiểu rõ, thực hành điều trị đúng cách, xóa tan những lo âu khi gặp phải tình huống này.

Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo vào thứ hai ngày 4/3/2019.

Trân trọng.

(Thực hiện: 1/3/2019)

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X