Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ: Thắp sáng hy vọng cho bệnh nhân đột quỵ

Sau 18 tháng chờ đợi, sáng ngày 20/2/2019, Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (hay còn gọi là Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ) chính thức tổ chức lễ khánh thành, đi vào hoạt động, đánh dấu một chặng đường thắp sáng hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân đột quỵ tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến dự lễ khánh thành có lãnh đạo Trung ương và địa phương cùng 100 khách mời là các giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế trong nước, quốc tế. Đặc biệt nhất là sự hiện diện của 200 người dân từ TPHCM và 13 tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL. Đây đa số là những người từng được TS.BS Trần Chí Cường - Người sáng lập Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cứu sống.
 
 
 
Hơn 300 khách mời là lãnh đạo Trung ương và địa phương, chuyên gia y tế trong - ngoài nước cùng người dân từ TPHCM và 13 tỉnh ĐBSCL

“S.I.S Cần Thơ sẽ là đầu tàu cấp cứu đột quỵ cho các tỉnh miền Tây”

Trong dịp này, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế cũng đã trao “Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” cho đại diện của bệnh viện.

Ông Quang cho biết: “Để có được bệnh viện khang trang, hiện đại như hôm nay với chuyên khoa mũi nhọn độc đáo: Đột quỵ - Tim mạch là sự đầu tư, nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể bệnh viện. Từ đây, bệnh viện chính thức bước vào hoạt động, mang đến cho người dân Cần Thơ nói riêng,13 tỉnh thành ĐBSCL nói chung một sự lựa chọn mới, được hưởng các dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý”.

Ông cũng hy vọng trong tương lai, bệnh viện sẽ là đầu tàu cấp cứu đột quỵ cho các tỉnh miền Tây. Và để làm được điều đó, bệnh viện cần liên tục nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn, tăng cường kết nối liên viện, không để trường hợp bệnh nhân đột quỵ phải đến TPHCM và nguy kịch vì thời gian di chuyển quá dài…
 
 
Ông Nguyễn Huy Quang (phải) trao “Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” cho TS.BS Trần Chí Cường
 
Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu, can thiệp đột quỵ, tim mạch đầu tiên tại ĐBSCL có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 500 tỉ đồng, quy mô 200 giường, được đầu tư trang thiết bị hiện đại tương đương các bệnh viện đột quỵ hàng đầu thế giới.

Có thể kể đến như: Máy siêu âm cao cấp chẩn đoán tim bẩm sinh, chụp CT 128 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla có thể chụp mạch máu não mà không cần bơm thuốc tương phản trị giá hơn 40 tỷ đồng, máy chụp mạch máu xóa nền DSA tích hợp chức năng chụp CT thế hệ mới chuyên sâu cho can thiệp đột quỵ. Ngoài ra, còn có hệ thống phòng mổ Hybrid hiện đại chuẩn quốc tế, được trang bị kính hiển vi, hệ thống Monitor trung tâm theo dõi bệnh nhân 24/24, hệ thống tổng đài kỹ thuật số Call-center cấp cứu đột quỵ, xe cứu thương chuyên dụng với đầy đủ máy thở máy sốc tim, phương tiện cấp cứu như một phòng cấp cứu di động…

Đặc biệt, phòng DSA của bệnh viện được trang bị hiện đại tương đương với các nước đi đầu về can thiệp thần kinh đột quỵ trên thế giới như Thụy Sỹ, Mỹ, Thái Lan...

Đầu tiên là hệ thống đầu đèn thế hệ mới có tác dụng giảm được lượng tia X, giúp bệnh nhân và bác sĩ hạn chế tiếp xúc quá nhiều với loại tia này. Ngoài ra, với chất lượng hình ảnh tốt hơn, đặc biệt là thế hệ màn hình mới nhất, độ rộng và zoom nhỏ nhất để có thể quan sát được hình ảnh tốt nhất. Sàn epoxy không có đường ron, giúp giảm khả năng nhiễm khuẩn cho người bệnh.

Không khí vô trùng tại phòng DSA được trang bị như tại phòng mổ. Hơn nữa, các trang thiết bị bổ trợ như máy gây mê có tuần hoàn giúp đẩy khí mê cặn hoặc khí mê thải của bệnh nhân ra ngoài phòng mổ để tránh tình trạng bác sĩ hít những thuốc mê đó lâu ngày có thể gây bệnh nghề nghiệp như tăng men gan, xơ gan.
 
 
TS.BS Trần Chí Cường xúc động chia sẻ trong buổi lễ khánh thành
 
Tôn chỉ hoạt động của bệnh viện là hết lòng vì người bệnh. Do đó, khi đầu tư bất kỳ trang thiết bị nào, vị truyền trưởng của S.I.S luôn đặt người bệnh làm trung tâm.

TS.BS Trần Chí Cường xúc động chia sẻ: “Từ một bãi đất trống, sau 18 tháng bệnh viện đã hiện hữu tại mảnh đất này. Với quy mô hiện tại bệnh viện có thể đáp ứng 200 bệnh nhân nội trú một ngày. Người bệnh khi nghe đến từ quốc tế thường nghĩ chi phí cũng sẽ rất cao nên thường ngại ngùng. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định, chữ quốc tế trong Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ được hiểu theo một theo một nghĩa khác, mang hàm ý là làm việc, điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chúng tôi mời những chuyên gia đầu ngành trên thế giới về đây để thực hành chứ hoàn toàn không liên quan đến giá cả. Chúng tôi sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân với mức hỗ trợ tốt nhất, phục vụ cho mọi nhu cầu, nhiều đối tượng khác nhau và sẽ không để bệnh nhân nghèo phải quay về vì không có tiền điều trị. Thời gian sắp tới, bệnh viện sẽ liên kết với BHYT, BHXH để người bệnh được thanh toán bảo hiểm giống như các bệnh viện khác”.

Theo lời nhận xét của các bệnh nhân đầu tiên điều trị nội trú, phòng bệnh tại Bệnh viện Quốc tế S.I.S Cần Thơ được thiết kế như khách sạn, không có cảm giác “khó ở” như các bệnh viện thường thấy, tạo cảm giác thoải mái như ở nhà. Những khóm hoa tươi được bác sĩ Cường cất công bứng gốc từ tận quê nhà đặt dọc khuôn viên bệnh viện làm không khí nơi đây đã giảm bớt sự căng thẳng vốn thường trực ở các bệnh viện, giúp người bệnh có niềm tin hơn trong thời gian điều trị.

Ngoài ra, để rút ngắn được thời gian chờ kết quả của bệnh nhân, bệnh viện còn đầu tư hệ thống vận chuyển mẫu bằng khí nén tự động hoàn toàn. Nếu với cách truyền thống, các mẫu máu sẽ mất khoảng 30 phút để đến phòng xét nghiệm thì với hệ thống này chỉ mất 3 giây và kết quả được trả ngay “online” về nơi cho chỉ định.

Bên cạnh xe cấp cứu hiện đại đạt chuẩn quốc tế, trị giá 1 tỷ đồng, điểm khác biệt hiếm có của bệnh viện là được đầu tư 3 ca nô để cấp cứu bằng đường thủy cho các bệnh nhân trong khu vực miền Tây.

Việc đưa ca nô cấp cứu bệnh nhân đột quỵ và tim mạch đã được tính toán kỹ, bởi không chỉ Cần Thơ mà các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình sông nước chằng chịt, việc cấp cứu đường sông bằng ca nô sẽ giúp bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện kịp thời, nhất là các trường hợp bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ: Điểm dừng chân mới của hội thảo quốc tế

Trong tương lai, bệnh viện sẽ là điểm dừng chân của các hội thảo quốc tế về tim mạch, đột quỵ và còn được kỳ vọng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chuyên sâu, nghiên cứu giảng dạy, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán điều trị đột quỵ cho bác sĩ trong và ngoài đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

“Đối với nhiều người khi đào tạo cho học trò thì sẽ giữ lại một chút cho bản thân mình khác biệt nhưng với tôi thì không. Tôi muốn sẽ có nhiều bác sĩ chuyên sâu, chất lượng cao về lĩnh vực này trên toàn thế giới để có thể cứu được nhiều người hơn” - bác sĩ Cường chia sẻ.

Có câu nói “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Hiểu được triết lý này, đồng thời mong muốn cung cấp những điều kiện điều trị tốt nhất cho người bệnh, bác sĩ Cường đã mời các chuyên gia đầu ngành làm cố vấn cao cấp và khám chữa bệnh theo lịch của bệnh viện như: GS.TS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội điện quang Y học hạt nhân Việt Nam, TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, TS.BS Đỗ Nguyên Tín - Chuyên gia can thiệp tim mạch - Tim mạch Nhi - BV Nhi đồng 1, TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Chuyên gia Cơ xương khớp, TS.BS Lê Trọng Phi - Phó giám đốc Viện Tim bẩm sinh (ĐH Hamburg, Đức) - Cha đẻ của ngành can thiệp Tim bẩm sinh Việt Nam…

Nhờ có sự hỗ trợ đặc biệt này, bệnh viện sẽ thúc đẩy các chuyên khoa chưa phát triển thật mạnh tại miền Tây như phẫu thuật cơ xương khớp kỹ thuật cao, can thiệp tim bẩm sinh, chẩn đoán sớm ung thư, điều trị rối loạn nhịp tim bằng đốt điện cao tầng…

Khi hay tin TS.BS Trần Chí Cường cùng cộng sự dựng nên bệnh viện chuyên sâu điều trị đột quỵ, bệnh nhân là người vui mừng, hào hứng nhất.

Điển hình như ông Mai Hữu Đức (58 tuổi, Cần Thơ). Nhìn cuộc sống của ông Đức hiện tại có thể sinh hoạt, chơi thể thao như người bình thường, không ai có thể tin được ông đã trải qua cơn thập tử nhất sinh cách đây 5 năm.

Ông Đức cho biết: “Chỉ trong vòng 1 năm rưỡi, tôi bị đột quỵ tận 3 lần. Còn nhớ lần thứ 3 đó, tôi đang làm việc thì đột nhiên bị tê chân, yếu nửa người bên trái, chỉ 5 giây sau đó là ngã xuống bất động. Tôi được chẩn đoán đột quỵ hẹp nặng động mạch giữa não trái, 90% máu không lưu thông được. Năm đó khi gặp được bác sĩ Cường, mặc dù được điều trị bằng kỹ thuật mới ở Việt Nam vào thời điểm đó nhưng tôi tin tưởng lắm. Rủi ro lớn nhưng tôi chấp nhận “liều luôn”. Nhờ đó, đến nay, sau khi được bác sĩ Cường can thiệp đặt stent thì tôi hoạt động khỏe re, nửa bên trái đạt tới 95% không còn yếu ớt, cầm đồ rớt liên tục như trước nữa”.

Hiếm có vị bác sĩ nào chiếm được lòng tin của người bệnh như bác sĩ Cường. Dù ở TPHCM hay chuyển về Cần Thơ thì người bệnh đều không ngại đường xa tìm đến ông. Có người ở tận Quảng Ngãi, Hà Nội, Nha Trang, vượt cả chuyến tàu đêm, rồi chặng đường dài trên xe khách.
 
 
Năm 2006, ông Phạm Văn Hoài bị đột quỵ và may mắn được TS.BS Trần Chí Cường kịp thời cứu chữa. Nay hay tin Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ ông rất vui mừng vì từ nay những bệnh nhân bị đột quỵ sẽ không còn phải vượt chặng đường xa đến TPHCM mới được cứu chữa
 
Ông Phạm Văn Hoài (64 tuổi, Vĩnh Long) - bệnh nhân đột quỵ được TS.BS Trần Chí Cường cứu sống năm 2006 chia sẻ: “Nhờ bác sĩ Cường điều trị 12 năm trước chứ nếu không giờ tôi cũng khó nói, cà lăm, thậm chí đến đôi đũa rớt cũng không lượm được. Vì vậy, khi nghe bác sĩ Cường mở bệnh viện thì rất mừng. Thứ nhất là có thể giúp được người dân miền Tây, thứ 2 là giúp cho những người bị đột quỵ nặng như tôi có điều kiện đến gần kỹ thuật cao, điều trị kịp thời, cơ hội sống cao hơn vì không phải đi xa nữa”.

Ông Hoài hay ông Đức là một trong những trường hợp may mắn được quay trở lại cuộc sống bình thường sau đột quỵ. Đâu đó ngoài kia vẫn còn hàng ngàn ca không có “phép màu” như thế.

Vì vậy, giờ đây khi Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S chính thức hoạt động, bệnh nhân đột quỵ, tim mạch ở Cần Thơ nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung không nhất thiết phải đi đến TPHCM hoặc sang nước ngoài để điều trị. Với sứ mệnh “cứu tinh cho người bệnh đột quỵ”, bệnh viện sẽ là hy vọng, là nơi mang đến cuộc sống thứ 2 cho những bệnh nhân không may gặp phải căn bệnh nguy hiểm này.
 
 
TS.BS Trần Chí Cường cùng các cộng sự Công Ty TNHH Đầu Tư Y Tế Việt Cường - những người cùng chung chí hướng, tâm huyết xây dựng bệnh viện chuyên sâu cấp cứu điều trị đột quỵ
 
 
 
 
Khách mời tham quan bệnh viện sau khi cắt băng khánh thành sáng 20/2/2019. Trong ảnh là đại diện Siemens - đơn vị đã cung cấp trang thiết bị máy móc hiện đại và hỗ trợ vay vốn ưu đãi với tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng cho Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ.

Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X