Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tiểu đường - những điều cần biết

Đường huyết là một chỉ số có thể thay đổi trong ngày tùy theo chế độ ăn của mỗi người.

Tinh bột có trong thức ăn sẽ chuyển hóa thành đường glucose và được hấp thu vào cơ thể. Khi bạn ăn vào, lượng đường trong máu sẽ tăng lên và khi cơ thể đói, đường huyết sẽ hạ xuống.

Có những trường hợp đường huyết xuống dưới mức bình thường, người ta gọi là “hạ đường huyết” và ngược lại, có những trường hợp đường huyết vượt mức bình thường - khi đó có khả năng bạn đã bị đái tháo đường.

Ngoài ra, còn có khái niệm “rối loạn dung nạp glucose” dành cho những trường hợp đường huyết vượt quá giá trị bình thường, nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là bị đái tháo đường.

Dân gian thường cho rằng, khi nước tiểu bị kiến bâu vào có nghĩa là bạn đã bị đái tháo đường vì nước tiểu có vị ngọt, kích thích kiến tìm đến. Điều này chưa hoàn toàn chính xác vì có thể bạn dùng thức ăn, thức uống có quá nhiều đường - vượt quá ngưỡng lọc của thận nên đường xuất hiện trong nước tiểu; ngược lại, có những trường hợp bạn đã bị đái tháo đường mà xét nghiệm nước tiểu hoàn toàn không có đường - lý do là đường trong máu của bạn chỉ cao ở mức vừa phải và thận của bạn vẫn còn lọc tốt, không cho lượng đường thải ra qua nước tiểu.

Việc chẩn đoán đái tháo đường chủ yếu vẫn dựa vào đường huyết lúc đói (sau 8 giờ nhịn đói không ăn):

- Người bình thường có mức đường huyết lúc đói từ 80mg/dl - 110mg/dl.

- Nếu chỉ số đường huyết lúc đói nằm trong khoảng 110mg/dl - 126mg/dl thì được gọi là rối loạn đường huyết lúc đói.

- Nếu thử liên tục 3 mẫu cho kết quả e” 126mg/dl (7.0 mmol/L) thì chẩn đoán bị đái tháo đường.

Nếu xét nghiệm đường huyết tại thời điểm bất kỳ có chỉ số trên 200mg/dl (11.1 mmol/L), cộng thêm các triệu chứng của tăng đường huyết (khát, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân) thì có nhiều khả năng đã bị đái tháo đường.

Đái tháo đường có hai dạng: Đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2, việc phân loại này là theo cơ chế bệnh sinh (đái tháo đường phụ thuộc hay không phụ thuộc insulin - một nội tiết tố do tụy tiết ra), chứ không phải type 2 nặng hơn type 1. Bạn cũng đừng suy nghĩ là chỉ khi về già mới bị đái tháo đường để “buông thả” trong cuộc sống hiện tại vì đái tháo đường type 2 “không đợi tuổi”.

Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 2 trên thế giới hiện nay khá cao, nguyên nhân chủ yếu là do lối sống lười vận động, dinh dưỡng không hợp lý và “công nghiệp hóa” cuộc sống của đại bộ phận dân cư. Và điều nguy hiểm nhất là đái tháo đường lại là một trong những yếu tố nguy cơ làm các bệnh tim mạch trầm trọng hơn.

Theo BS Vũ Minh Đức - Khoa Tim mạch Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X