Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh phình động mạch chủ là gì và phương pháp điều trị?

Khi thành động mạch chủ bị yếu, đoạn bị yếu phình to ra được gọi là phình động mạch chủ ngực. Khối phình thường phát triển chậm trong nhiều năm. Phần lớn người bệnh không có biểu hiện gì cho đến khi khối phình lớn gây chèn ép hoặc rỉ máu ra xung quanh.

Động mạch chủ là động mạch chính và lớn nhất trong cơ thể con người, có hình cây gậy, bắt nguồn từ tâm thất trái của tim chạy một vòng chữ U lên ngực trên và kết thúc quanh vùng rốn, nơi nó chia ra làm 2 động mạch nhỏ hơn. Động mạch chủ phân phối máu tới mọi bộ phận của cơ thể qua hệ tuần hoàn

Bệnh động mạch chủ là gì?


Tim bóp máu nuôi cơ thể qua động mạch chủ. Có thể hình dung tim như một máy bơm, còn động mạch chủ là đường ống dẫn nước chính, dẫn máu đi nuôi cơ thể, các mạch máu nuôi các cơ quan quan trọng đều xuất phát trực tiếp từ động mạch chủ. Động mạch chủ ngực là tên gọi của phần động mạch chủ nằm trong lồng ngực. Tương tự, đoạn động mạch chủ nằm trong bụng là động mạch chủ bụng.

Toàn bộ động mạch chủ và các nhánh chính (màu đỏ)

Động mạch chủ ngực được chia làm 3 phần: Động mạch chủ ngực lên là đoạn xuất phát đầu tiên từ tim, nằm phía trước. Quai động mạch chủ là đoạn động mạch chủ ngực tiếp theo đoạn động mạch chủ ngực lên, cho các nhánh nuôi não và hai tay. Động mạch chủngực xuống là đoạn sau phần quai, nằm sát cột sống, dẫn máu xuống bụng và hai chân.

Động mạch chủ bụng cho các nhánh nuôi ruột và các tạng trong bụng, sau đó chia đôi ở ngang rốn để đưa máu nuôi hai chân.

Ai dễ bị bệnh động mạch chủ?


Bệnh động mạch chủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, ở người trưởng thành, nếu có những yếu tố nguy cơ sau, bạn có thể dễ bị bệnh động mạch chủ hơn những người khác:

- Rối loạn chuyển hóa mỡ (còn gọi là mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ).
- Đái tháo đường (tiểu đường).
- Tăng huyết áp (tăng xông, cao máu).
- Thừa cân, béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Lười vận động.

Phình động mạch chủ là gì?


Bình thường, động mạch chủ có dạng hình ống. Khi thành động mạch chủ bị yếu, đoạn bị yếu phình to ra (cân đối hoặc không cân đối), ta gọi là phình động mạch chủ ngực.

Phình động mạch chủ

Phình động mạch chủ biểu hiện như thế nào?


Khối phình thường phát triển chậm trong nhiều năm. Phần lớn người bệnh không có biểu hiện gì cho đến khi khối phình lớn gây chèn ép hoặc rỉ máu ra xung quanh.

Khối phình ở ngực chèn ép các cấu trúc lân cận có thể gây ra: Khàn tiếng, khó nuốt, thở rít.

Biểu hiện thông thường khi khối phình lớn là đau ngực (phình động mạch chủ ngực) hoặc đau bụng, đau lưng (phình động mạch chủ bụng). Nếu khối phình to nhanh, dọa vỡ, rỉ máu hoặc vỡ, biểu hiện sẽ đột ngột: Đau, khó thở, vã mồ hôi, thậm chí chóng mặt, ngất.

Điều trị phình động mạch chủ ngực như thế nào?


Nếu nghi ngờ phình động mạch chủ ngực, bác sĩ sẽ cho bạn chụp phim cắt lớp (MSCT) có cản quang khảo sát toàn bộ động mạch chủ và các mạch máu chính xuất phát từ động mạch chủ.

Nếu bạn được chẩn đoán có phình động mạch chủ, phẫu thuật sẽ được đặt ra khi đường kính khối phình lớn (khả năng vỡ càng cao khi đường kính càng lớn). Khối phình sẽ được cắt bỏ và thay thế bằng một đoạn ống ghép nhân tạo được làm bằng chất liệu đặc biệt để có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể bạn.

Phẫu thuật thay đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo

Đối với phình động mạch chủ ngực lên và quai, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch da vùng trước ngực một đường dọc dài khoảng 20-25cm, cưa xương ức để tiếp cận động mạch chủ. Đối với phình động mạch chủ ngực xuống, bác sĩ sẽ rạch da một đường dài kéo từ bả vai đến ngực bên trái để đi vào lồng ngực. Do đó, sau phẫu thuật, trên người bạn sẽ để lại một vết sẹo tương đối dài.

Các biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật bao gồm: Chảy máu (có thể phải mổ lại cầm máu), suy tạng (gan, thận) sau phẫu thuật do thời gian mổ kéo dài, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng ống ghép, liệt chi, tử vong. Các biến chứng của phẫu thuật động mạch chủ hiện nay ở mức thấp (<10%).

Ngày nay, cùng với tiến bộ của y học, có thêm một phương pháp nhẹ nhàng hơn để điều trị phình động mạch chủ ngực, đó là đặt stent graft (can thiệp nội mạch). Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ ở hai bên đùi vùng bẹn, luồn vào động mạch ở đùi ống dẫn mang ống ghép, đưa lên đoạn phình và bung ống ghép ra, che phủ túi phình từ bên trong, cô lập túi phình với ḍng máu chảy, theo thời gian máu còn lại trong túi phình sẽ đông lại, và nguy cơ vỡ túi phình sẽ không còn.

Stent graft động mạch chủ

Với phương pháp đặt stent graft, bạn sẽ không còn phải mang trên mình một vết sẹo dài, sẽ tránh được những đau đớn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này chỉ áp dụng ở phình động mạch chủ ngực đoạn quai và đoạn xuống, và giá thành còn khá cao.

Các biến chứng của stent graft động mạch chủ bao gồm: Vỡ, bóc tách động mạch chủ; Di lệch stent; Dò máu vào túi phình động mạch chủ; Tắc các nhánh nuôi tạng quan trọng của động mạch chủ.

Các biến chứng của stent graft động mạch chủ hiện nay ở mức thấp: 5-10%.

Lưu ý: Tỉ lệ tai biến và biến chứng thay đổi trên từng bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật sẽ tính toán các nguy cơ này và thông báo đối với từng trường hợp cụ thể.

Theo Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X