Zona thần kinh: Điều trị đúng thời điểm, kiêng cữ đúng cách
Điều trị sớm zona thần kinh có thể giúp bệnh khỏi nhanh hơn và hạn chế, tránh các biến chứng liên quan đến thính giác, thị giác… Nhất là với những bệnh nhân là người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và chưa tiêm chủng.
1. Các yếu tố kích hoạt bệnh zona thần kinh bùng phát
- Được biết, bệnh zona thần kinh là do sự tái hoạt của virus gây bệnh thủy đậu. Vậy đâu là những yếu tố kích hoạt virus tái hoạt động, thưa BS
Bệnh zona (hay còn gọi giời leo) là kết quả của sự tái hoạt động của virus gây bệnh thủy đậu - herpes zoster (varicella-zoster virus hoặc VZV). Virus này sau khi gây bệnh thủy đậu sẽ nằm yên trong hạch rễ thần kinh, thậm chí là đến hàng chục năm, khi có cơ hội sẽ tái bùng phát và gây bệnh zona.
Tuy nhiên, không phải ai đã từng nhiễm varicella-zoster virus cũng đều chắc chắn bị zona. Người ta thấy rằng, nếu làm phản ứng huyết thanh thì có khoảng 90% người lớn có bằng chứng nhiễm virus này, song chỉ có khoảng 0,15 - 0,3% mắc zona, hằng năm có thêm 0,2% người mắc mới.
Tỷ lệ mắc ở người lớn cao hơn người trẻ. Ở người trẻ, bệnh thường lành tính, ít khi để lại di chứng. Ở người lớn, bệnh dễ trầm trọng, thường để lại di chứng.
Các yếu tố kích hoạt virus “thức giấc” bao gồm:
- Suy giảm miễn dịch (suy giảm về thần kinh và thể lực, người già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, các bệnh về máu, đái tháo đường…)
- Bệnh tạo keo (đặc biệt là bệnh lupus ban đỏ)
- Stress, căng thẳng
- Điều trị ung thư, HIV/AIDS
Virus lây nhiễm vào các dây thần kinh và di chuyển qua các con đường thần kinh để biểu hiện trên da dưới dạng phát ban đau đớn
- Zona thần kinh có lây không, thưa BS?
Tiếp xúc với mụn nước của người bệnh có thể gây lây nhiễm virus varicella-zoster, nhất là những người chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng. Thay vì bị zona, những người này lại mắc bệnh thủy đậu. Con đường lây truyền của zona thần kinh bao gồm:
● Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh: Virus trú ngụ trong những mụn nước phồng rộp mọc lên trên cơ thể người bệnh. Do đó, chỉ cần tiếp xúc rất nhỏ với bệnh nhân cũng có thể khiến dịch tiết từ các mụn nước này dính vào người bình thường và lây nhiễm bệnh.
● Dùng chung đồ cá nhân với người bệnh: Virus sẽ phát tán ra khăn mặt, cốc nước, gối, chăn màn… mà người bệnh sử dụng. Bởi vậy, khi dùng chung đồ đạc cá nhân với người bị bệnh, nguy cơ bạn bị lây bệnh là rất cao.
- Triệu chứng điển hình cảnh báo bệnh zona thần kinh là gì ạ?
Tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng, bệnh zona có thể xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trong cơ thể.
● Triệu chứng đầu tiên của zona thường là tăng cảm giác da hoặc cảm giác đau ở 1 phía của cơ thể. Những cảm giác da có thể gặp là ngứa, căng, bỏng, nhức dai dẳng hoặc đau sâu, đau nhói.
● Thông thường thì sau khi cơn đau xuất hiện được 1-3 ngày các dải ban mụn nước sẽ nổi lên, tấy đỏ, phồng lên ở ngay vị trí đau. Mụn nước này thường đi dọc theo đường dây thần kinh, tại các vị trí ở mặt, lưng, thắt lưng, cổ, vùng giữa các xương sườn… Sau đó nó sẽ tụ mủ và đóng vảy trong 10-12 ngày.
● 2 - 3 tuần sau, ban sẽ biến mất và vảy rơi ra và có thể để lại sẹo.
Như vậy, thông thường, triệu chứng đau xuất hiện trước thương tổn da. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, bệnh zona rất dễ nhầm lẫn với chứng đau nửa đầu, bệnh tim và phổi, bệnh lý ngoài khoa hoặc cột sống, dẫn đến việc điều trị bị chậm trễ.
Ngay cả ở giai đoạn mọc mụn nước cũng không dễ phân biệt với nhiễm Herpes, viêm da tiếp xúc do cây cỏ, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, viêm quầng, chốc dạng bọng nước… Do vậy, tốt nhất là nên đi khám, gặp bác sĩ để có chẩn đoán phù hợp và có chỉ định điều trị sớm.
Bệnh zona thường biểu hiện dưới dạng một dải mụn nước hoặc phát ban ở một bên cơ thể
2. Điều trị zona đúng thời điểm, dùng thuốc đúng liệu trình
- Khi nào người bệnh zona cần đến gặp bác sĩ ạ?
Như đã nói ở trên, bạn cần đi khám, gặp bác sĩ nếu:
● Bạn bị đau hoặc nổi ban thành 1 dải ở một phía của cơ thể. Nếu bạn nghĩ bạn bị Zona, đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì những thuốc kháng virus chỉ hiệu quả khi được sử dụng sớm.
● Nếu vết ban và vết phồng nổi lên ở mũi hoặc gần mắt, bạn cần phải đi khám ngay lập tức vì virus có thể lan đến mắt làm tổn thương mắt và mù.
● Bạn cũng cần phải đến khám càng sớm càng tốt nếu bạn đang có những bệnh làm suy giảm sức miễn dịch của cơ thể. Nhờ đó bạn có thể tránh được những biến chứng.
Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu dưới đây bạn nên đến phòng cấp cứu:
● Bệnh Zona kèm với sốt cao hoặc mệt mỏi.
● Vết phồng lan ra những khu vực khác của cơ thể.
- Zona thần kinh có điều trị dứt điểm được không, thưa BS?
Chưa có cách điều trị triệt để bệnh zona, một số thuốc thuốc kháng virus và hỗ trợ khác có thể rút ngắn thời gian của virus và giảm các triệu chứng khó chịu.
Thông thường, ban và đau trong zona thần kinh có thể khỏi sau từ 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể kéo dài lâu hơn và thậm chí là tái phát ở người lớn tuổi, đặc biệt là trên 50 tuổi, hoặc có bệnh trầm trọng. Mục tiêu điều trị là làm liền tổn thương, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng cho người bệnh.
- Điều trị zona thần kinh, thuốc gì hiệu quả, thưa BS?
Việc dùng thuốc chữa zona cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, với trường hợp không biến chứng và ở người có miễn dịch bình thường, điều trị toàn thân bằng thuốc kháng virus như acyclovir, valacyclovir và famciclovir càng sớm càng tốt, vì nó có hiệu quả nhất khi bắt đầu trong vòng 72 giờ sau khi phát ban zona xuất hiện. Sau thời gian này, thuốc kháng virus vẫn có thể hữu ích nếu mụn nước mới xuất hiện.
Trong đó, ưu tiên Acyclovir do tương đương về hiệu quả và tối ưu chi phí điều trị. Acyclovir có tác dụng nhanh lành vết thương, giảm số tổn thương mới và giảm đau sau zona. Liều dùng 800mg x 5 lần/ngày trong 7-10 ngày.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm; giảm đau, kháng viêm, an thần, sinh tố nhóm B liều cao. Nếu bệnh nhân đau cấp có thể uống thêm thuốc giảm đau thần kinh phối hợp như gabapentin hoặc pregabalin trong thời gian từ 1-3 tuần.
Khi tổn thương da ướt, tiết dịch nhiều, bạn nên bôi các chế phẩm dạng dung dịch như jarish, dalibour, dung dịch kháng sinh. Khi tổn thương da khô hơn có thể bôi kem acyclovir. Nếu nhiễm trùng dùng thêm mỡ kháng sinh như foban, bactroban.
Acyclovir có sẵn dưới dạng viên nén, với hàm lượng 400mg và 800mg
Lưu ý, hiện nay, tình trạng bệnh nhân tự điều trị bằng các loại thuốc nam, các phương pháp dân gian như đắp lá cây, đậu xanh… hay mua thuốc ở các quầy thuốc diễn ra phổ biến. Điều này dẫn đến thực tế đã ghi nhận, nhiều bệnh nhân khi đến khám đã ở giai đoạn nặng hoặc đã có biến chứng, nhất là biến chứng đau thần kinh sau zona hay bội nhiễm.
Do đó, cần khuyến cáo rằng, khi xuất hiện các triệu chứng hoặc có vấn đề bệnh lý trên da, hãy đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa Da liễu để được bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời, tránh áp dụng các biện pháp truyền miệng dẫn đến hậu quả khó lường.
3. Kiêng cữ đúng cách khi bị zona thần kinh
- Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, theo bác sĩ, người bệnh lưu ý những điều gì khi sinh hoạt tại nhà ạ?
Ngoài việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tại nhà người bệnh zona cần lưu ý:
● Không được gãi vì có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát và có thể để lại sẹo. Thuốc kháng histamin có thể giúp giảm ngứa.
● Dùng băng ép ngâm nước lạnh băng vào tổn thương rỉ mủ trong khoảng 20 phút khoảng 7, 8 lần/ngày để làm dịu bớt cơn đau và làm khô tổn thương. Nó còn giúp lấy bớt vảy ra ngoài và giảm khả năng bị nhiễm trùng. Ngưng sử dụng băng ép khi tổn thương đã khô giúp cho những vùng da xung quanh không trở nên khô và ngứa.
● Giữ cho khu vực sang thương được sạch sẽ bằng xà bông nhẹ và nước. Mặc quần áo rộng để tránh bị thương thêm khi quần áo tiếp xúc với tổn thương. Tránh những tiếp xúc da-chạm-da với những người chưa từng bị thủy đậu, đang bệnh, hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Không nên gãi khi bị zona thần kinh
- Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh zona thần kinh cần lưu ý những gì? Nên ăn gì và kiêng gì?
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh zona thần kinh cần chú ý, các thực phẩm nên ăn bao gồm:
● Thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C, B6, B12 và kẽm để tăng cường sức đề kháng.
● Thực phẩm giàu lysine có trong sữa, cá, các loại đậu, pho mai
● Bổ sung đầy đủ 2 lít nước/ ngày, khoáng chất, dưỡng chất
Các thực phẩm cần hạn chế gồm có:
● Thực phẩm giàu chất béo khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn và tổn thương lâu lành hơn.
● Rượu bia, chất kích thích làm giảm hệ thống miễn dịch, khiến virus lây lan mạnh hơn.
● Ngũ cốc, các sản phẩm được chế biến từ socola, yến mạch, mầm lúa mì, dừa… khiến virus bùng phát mạnh và gây tổn thương sâu
● Không ăn quá nhiều đường, gia vị, muối, tiêu, bột ngọt để vết thương nhanh lành.
● Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo, muối và chất bảo quản.
● Tốt nhất nên tránh một số loại hải sản dễ gây dị ứng như tôm, cua, sò, nghêu, hàu, ốc…
- Phòng bệnh zona thần kinh, cách nào khả thi, thưa BS?
Để phòng bệnh zona thần kinh, chúng ta cần xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao hợp lý; tiêm vắc xin ngừa thủy đậu; dự phòng ở người giảm miễn dịch và mắc bệnh lý mạn tính; luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình