Xu hướng mới và tầm quan trọng của vắc xin trong quản lý hen, COPD, sốt xuất huyết, nhiễm trùng ở bệnh lý tự miễn
Trong phiên toàn thể của Hội nghị thường niên 2024 LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM tổ chức tại TP Huế, các chuyên gia đã đề cập những xu hướng mới và nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc xin trong quản lý, phòng ngừa hen, COPD, sốt xuất huyết, và vấn đề nhiễm trùng ở bệnh nhân mắc bệnh tự miễn.
Những điểm mới trong điều trị, quản lý hen của GINA 2024
Mở đầu phiên báo cáo, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM đã “Cập nhật quản lý hen theo GINA năm 2024”.
PGS Tuyết Lan cho biết, GINA công nhận hô hấp ký là cơ bản, tuy nhiên không phải tất cả bệnh nhân đều có thể tiếp cận hô hấp ký đúng thời điểm. Do đó, GINA cho phép sử dụng lưu lượng đỉnh trong 2 tuần để xem xét độ dao động.
Theo đó, lưu đồ GINA 2024 cho phép bác sĩ chọn lựa test thăm dò chức năng hô hấp ban đầu tuỳ vào nguồn lực tại chỗ. Tuy nhiên, phương pháp tốt nhất vẫn là hô hấp ký, có thể sử dụng lưu lượng đỉnh nhưng khi có cơ hội, bác sĩ phải xác nhận lại bằng hô hấp ký.
Năm 2024, GINA nhấn mạnh về hen dạng ho. Chuyên gia chia sẻ, ở một số người lớn và trẻ em, ho là triệu chứng duy nhất, sự thay đổi giới hạn luồng khí có thể không có, trừ khi làm test kích thích phế quản. Một số bệnh nhân sẽ có khò khè và test giãn phế quản dương tính về sau và điều trị với ICS có hiệu quả.
Phó giáo sư đặc biệt nhấn mạnh về hen dạng ho, vì thông thường, những bệnh nhân thuộc nhóm này đều điều trị với bác sĩ tai mũi họng tính đến hàng chục năm. Bệnh nhân sẽ lên cơn cấp do không được chẩn đoán hen trước đó, đặc biệt khi sản phụ lên cơn lâm bồn, bệnh nhân vô cùng nguy hiểm hoặc khi gặp stress. Vì vậy, cần nhấn mạnh với các bác sĩ tai mũi họng, bệnh nhân nào điều trị ho trong thời gian dài không hết, có thể mắc hen dạng ho.
Đối với đánh giá kiểm soát hen, GINA nhấn mạnh, đánh giá không là chưa đủ, phải xem xét các yếu tố nguy cơ trong tương lai: đợt kịch phát, giảm nhanh chức năng phổi và tác dụng phụ của thuốc.
Một vấn đề mới là thoái lui bệnh hen. Chuyên gia cho biết, với các yếu tố tiên lượng về thoái lui hen ở trẻ em độ tuổi đi học, những em nào có các đợt với triệu chứng ít, nhẹ; chức năng phổi tốt hoặc có cải thiện sau điều trị; ít tăng phản ứng phế quản, các em này sẽ có tiên lượng về thoái lui hen mạnh hơn.
Tuy nhiên, các bác sĩ cần nhấn mạnh với bệnh nhân, thoái lui không có nghĩa là chữa dứt, bệnh hen không thể chữa dứt được. Đồng thời, hen thường tái lại, vì vậy, bệnh nhân không nên ngừng thuốc hen. Đối với trẻ em có hen thoái lui, lại tăng nguy cơ suy giảm chức năng phổi nhanh ở độ tuổi trưởng thành, đó là điều nghịch lý. Bên cạnh đó, thoái lui độc lập nhưng có hiệp đồng với việc hút thuốc, có khả năng tắc nghẽn luồng khí dai dẳng nhưng nhẹ hơn ở bệnh nhân không hút thuốc.
Về hen thoái lui ở người lớn, có thể xảy ra ở nhóm người này, có khoảng 15,9% bệnh nhân bị hen ở tuổi trưởng thành có hen thoái lui lâm sàng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tăng phản ứng đường dẫn khí và/hoặc viêm đường dẫn khí ở hầu hết bệnh nhân nhóm này. Do đó, không thể chữa dứt, chỉ có thể điều trị thoái lui.
Phác đồ điều trị hen của GINA năm 2024 vẫn chia làm 3 kiểu điều trị như năm 2023 với ICS-Formoterol làm thuốc cắt cơn là kiểu điều trị ưu tiên. Tuy nhiên, đã có sự điều chỉnh trong kiểu điều trị khi cần ở step 1-2.
Theo đó, GINA công nhận việc sử dụng khi cần không an toàn đối với 6 nhóm bệnh nhân: có triệu chứng mỗi ngày đang hút thuốc; chức năng phổi thấp; mới có đợt cấp hoặc có bệnh sử đợt cấp đe doạ tính mạng; cảm nhận kém đối với tình trạng co thắt phế quản; đáp ứng phế quản tăng mạnh hoặc đang phơi nhiễm với tác nhân kích thích dị ứng theo mùa.
Chuyên gia nhấn mạnh, 6 nhóm bệnh nhân trên cần dùng thuốc hen đều đặn, không được cho bệnh nhân dùng ICS-Formoterol khi cần, rất nguy hiểm. Bác sĩ cần nhận biết được các nhóm bệnh nhân này.
Đối với liều cao Corticosteroid dạng hít, GINA 2024 cho biết, cho dù liều cao, ICS chỉ được dùng ngắn hạn từ 3-6 tháng để giảm nguy cơ bị tác dụng phụ.
Theo ý kiến mới của GINA về FeNO, nhiều chứng cứ về các biomarkers viêm ở bệnh nhân béo phì bao gồm cả FeNO. Nhiều nghiên cứu lớn về việc dùng FeNO để hướng dẫn xử trí hen ở thai phụ không thấy giảm đợt kịch phát hen hay các kết cục chu sinh so với cách chăm sóc thông thường. Nhưng vai trò của FeNO trong thực hành lâm sàng là giúp quyết định điều trị ở bệnh nhân hen nặng.
Về chích ngừa cúm, GINA 2024 khuyến cáo việc bệnh nhân hen trung bình đến nặng chích ngừa cúm hàng năm rất quan trọng. Đây là điều khiến bệnh nhân luôn cảm ơn bác sĩ điều trị về lời khuyên này. Một tổng quan và nghiên cứu gộp cho thấy, chích ngừa cúm làm giảm nguy cơ đợt kịch phát hen, và không có vấn đề gì về tính an toàn đối với chích ngừa cúm có vi khuẩn sống giảm độc lực.
Bên cạnh đó, một điểm mới về chích ngừa của GINA 2024. Trong năm 2023 chỉ nhắc đến cúm nhưng 2024 nhắc thêm về ngừa RSV giúp làm giảm bệnh đường hô hấp trên và dưới kể cả với bệnh nhân hen. Khuyến cáo về phế cầu và nhấn mạnh, bệnh nhân hen nên chích cúm hàng năm và tuân theo lịch tiêm chủng địa phương về phế cầu, ho gà, RSV và COVID-19. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ theo các khuyến cáo y tế của Việt Nam.
Ngày hen toàn cầu năm 2024, GINA đưa ra thông điệp “Giáo dục về hen sẽ tăng sức mạnh và thông tin là chìa khoá”.
Bộ 3 FF/UMEC/VI là chế phẩm có sẵn đầu tiên giúp giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân COPD
Mang đến bộ 3 điều trị toàn diện cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính “Bộ ba FF/UMEC/VI cho mục tiêu điều trị toàn diện cho bệnh nhân COPD”, TS.BS Nguyễn Văn Thọ - Trưởng bộ môn Lao và Bệnh phổi, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, phần lớn bệnh nhân COPD vẫn còn gặp tình trạng đợt cấp.
Nếu bệnh nhân bị từ 2 đợt cấp trở lên so với bệnh nhân không bị đợt cấp, nguy cơ tử vong của bệnh nhân đó có thể tăng lên 1,1 lần; còn nếu bị nhiều đợt cấp, nguy cơ tử vong càng tăng cao. Đặc biệt, chỉ cần 1 đợt cấp phải nhập viện, nguy cơ tử vong tăng lên gấp 1,8 lần so với bệnh nhân không còn đợt cấp.
Theo đó, hiện nay, cần có một liệu pháp mới để giảm đợt cấp của bệnh nhân tốt hơn. Qua đó, GOLD 2024 cho biết, mục tiêu điều trị chính là giảm triệu chứng và nguy cơ đợt cấp cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cải thiện được thể trạng cho bệnh nhân, làm chậm sự tiến triển bệnh và giảm nguy cơ tử vong.
Để đạt được những mục tiêu trên, hiện tại, thay vì sử dụng liệu pháp bộ đôi, sẽ đổi thành sử dụng liệu pháp bộ ba, bao gồm ICS/LABA/LAMA. Theo khuyến cáo của GOLD, nếu bệnh nhân có nhiều triệu chứng và nhiều đợt cấp, sẽ sử dụng bộ đôi LABA/LAMA hoặc phối hợp bộ 3 ICS/LABA/LAMA nếu bạch cầu ái toan trong máu trên 300 con.
Vị chuyên gia đã chứng minh hiệu quả điều trị của bộ 3 ICS/LABA/LAMA qua các nghiên cứu. Cụ thể, theo một nghiên cứu về việc kết hợp chế phẩm từ 3 loại thuốc thuộc nhóm bộ 3 trên, cho hiệu quả kéo dài đủ 24 giờ, khởi phát tác dụng trong vòng 5-7 phút, điều đó giúp bệnh nhân có thể sử dụng 1 lần/ngày, cảm thấy giảm ngay triệu chứng khó thở và tăng khả năng tuân thủ điều trị tốt hơn.
Nghiên cứu FULFIL so sánh bộ 3 dùng 1 lần/ngày với ICS/LABA dùng 2 lần/ngày, cho kết quả, khi kết hợp bộ 3 FF/UMEC/VI đạt được mục tiêu cải thiện làm chậm sự tiến triển của bệnh nhân COPD. Bên cạnh đó, khi điều trị bằng việc kết hợp bộ 3, khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống hơn 1,1 lần so với bộ đôi ICS/LABA; giảm đáng kể tỷ lệ đợt cấp đến 44%.
Đối với những bệnh nhân nhiều đợt cấp, dựa trên một nghiên cứu so sánh giữa bộ 3 FF/UME/VI với bộ đôi LABA/LAMA, cho thấy, FF/UME/VI có tác dụng làm giảm đợt cấp nhiều hơn so với bộ đôi LABA/LAMA. Đặc biệt, đây là chế phẩm đầu tiên chứng minh được khi sử dụng liệu pháp bộ 3 sẽ giảm đợt cấp nhập viện tốt hơn khoảng 34%, từ đó, giảm được tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.
“Đó là lý do GOLD khuyến cáo, ngay từ đầu, nếu bệnh nhân đợt cấp có bạch cầu ái toan trong máu trên 300 con, cần khởi động luôn liệu pháp bộ ba. Còn nếu đang sử dụng liệu pháp bộ đôi, thấy bạch cầu ái toan trong máu trên 100 con, bệnh nhân vẫn còn đợt cấp hay vẫn còn khó thở, cần chuyển qua liệu pháp bộ 3” - TS.BS Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo nghiên cứu IMPACT về hiệu quả của sự phối hợp bộ ba FF/UME/VI, chuyên gia thông tin rằng, liệu pháp bộ ba giúp giảm tỷ lệ đợt cấp từ trung bình đến nặng vượt trội hơn, cải thiện chức năng phổi so với các liệu pháp bộ đôi.
Kể từ khi GOLD 2023 đưa vào chính thức việc điều trị bằng thuốc có thể làm giảm tử vong cho bệnh nhân, đặc biệt, đây là lần đầu tiên, có sẵn một chế phẩm điều trị COPD giảm nguy cơ tử vong.
Điều trị hen với BUD/FOR giúp ngừa cơn, cắt cơn, ngăn cơn hen cấp nặng
Nối tiếp phiên báo cáo với “Phác đồ kiểm soát Hen, xu hướng lựa chọn và áp dụng trong thực hành”, TS.BS Lê Khắc Bảo - Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, năm 2024, tiêu chí chỉ định bậc điều trị trong GINA có sự thay đổi về tiêu chí triệu chứng ban ngày và tiêu chí chức năng hô hấp.
Ba khác biệt then chốt giữa track 1 và track 2 trong GINA là sử dụng FOR/BUD khi cần. Cụ thể, khác biệt 1 và 2 được phân tích qua nghiên cứu SYGMA 1 và SYGMA 2 cho thấy, dùng BUD/FOR để cắt cơn hen, không thua kém cách tiếp cận truyền thống về việc giảm tần suất cơn hen cấp nặng và thời gian đến cơn hen cấp nặng đầu tiên. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu chỉ dùng BUD/FOR khi cần, sẽ không kiểm soát hen tốt và không cải thiện FEV1 tốt như cách dùng ICS nền cộng với SABA khi cần.
Phân tích sự khác biệt thứ 2, vị chuyên gia cho biết, trong đời thực sẽ có các bối cảnh bệnh nhân không thể nhận diện triệu chứng sớm và bệnh nhân không thể sử dụng quá mức hoặc dưới mức liều cần dùng. Nhiều bệnh nhân không phát hiện được triệu chứng để can thiệp điều trị phù hợp. Do đó, yêu cầu khi sử dụng AIR/MART trong kiểm soát hen là liều lượng kháng viêm ICS/FOR phải duy trì đủ mạnh để nền viêm được ức chế tốt và khi triệu chứng viêm nặng hơn, bác sĩ cần can thiệp kịp thời.
Trên thực hành lâm sàng, có đến 1/4 trường hợp có triệu chứng viêm nặng, vì vậy, bác sĩ cần nhận diện tốt nền viêm. Một số trường hợp kiểm soát viêm rất đơn giản, chỉ cần hỏi bệnh sử và dựa vào tiêu chuẩn kiểm soát hen của GINA. Nhưng nếu hen phức tạp, cần dựa vào nhiều yếu tố khác như FeNO, Eosinophils đàm khạc, đánh giá viêm gián tiếp qua test giãn phế quản, dao động PEF, phản ứng tính phế quản BHR. Còn đối với bệnh nhân, cần nhận biết triệu chứng của bản thân để dùng liều linh hoạt.
Đề cập về tiếp cận kiểm soát hen với tiếp cận AIR/MART, bác sĩ nhấn mạnh, liều điều trị viêm nền trên thực hành lâm sàng đủ khi triệu chứng xuất hiện nhỏ hơn 2 lần/tuần. Nếu nhiều hơn 2-7 lần, bác sĩ cần cân nhắc lại về việc tăng liều.
Qua phân tích các nghiên cứu, TS.BS Lê Khắc Bảo nhận định, viêm là cơ chế sinh hen chủ yếu, do đó, cùng ICS/LABA kháng viêm để điều trị kiểm soát nền viêm, cho dù với các điều trị AIR/MART hay điều trị truyền thống, phương pháp này vẫn là then chốt. Không vì sự linh hoạt của ICS/FOR mà quên đi điều trị nền tảng này.
Bên cạnh đó, hen ở mọi mức độ và lứa tuổi đều có nguy cơ cao vào cơn hen cấp nặng, bất chấp điều trị đầy đủ, kéo dài với ICS/LABA. Vì vậy, việc dùng FOR/BUD hay ICS vào lúc bệnh nhân có triệu chứng cấp là thật sự cần thiết, vừa ức chế tốt cơn hen và khi tình trạng nặng lên, cần bổ sung thêm ICS.
Do đó, tiếp cận MART điều trị hen với BUD/FOR vừa ngừa cơn và cắt cơn, giúp ngăn ngừa cơn hen cấp nặng hơn ICS/LABA tiếp cận cổ điển, với điều kiện phải nhận diện đúng thời điểm triệu chứng nặng lên.
Vắc xin TAK-003 bảo vệ >80%, chống lại 4 chủng virus sốt xuất huyết
Trong bài báo cáo “Cập nhật các giải pháp tiến bộ để dự phòng sốt xuất huyết hiệu quả và bền vững”, ThS.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Viện Pasteur TPHCM chia sẻ, toàn cầu có 3,9 tỷ người có nguy cơ mắc sốt xuất huyết và ngày càng tăng. Những năm 2000, tỷ lệ này thấp dần, tuy nhiên, đến khoảng 2010 và 2019, số lượng này tăng lên rất cao.
Sốt xuất huyết lưu hành nhiều tại khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương. Hàng năm, việc chăm sóc và điều trị, dự phòng sốt xuất huyết là gánh nặng y tế đối với các quốc gia trong khu vực này.
Tại Việt Nam, việc theo dõi sốt xuất huyết được bắt đầu từ 1980, theo đó, cứ khoảng 4 năm sẽ có một đợt dịch lớn bùng lên. Số liệu này tập trung lớn tại miền Nam, khu vực sông nước. Tuy nhiên, đến nay, số liệu đã thay đổi, từ những năm 2000 tại Hà Nội tỷ lệ rất thấp, nhưng đến năm 2023 số ca mắc ở Hà Nội cao hơn TPHCM.
Chuyên gia chia sẻ, để kiểm soát sốt xuất huyết toàn diện, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kêu gọi hợp tác đa chiều trong phòng chống sốt xuất huyết, bao gồm: kiểm soát vector, y học chứng cứ, truyền thông, hệ thống giám sát từ trung ương đến địa phương và tiêm ngừa.
Trong đó, công tác tiêm chủng trong bối cảnh kiểm soát vector và vắc xin phải đi song song. Để vắc xin sốt xuất huyết Dengue đạt hiệu quả, WHO đã đưa ra các tiêu chí: có khả năng bảo vệ chống lại cả 4 type huyết thanh của virus sốt xuất huyết; vắc xin phải cung cấp đáp ứng miễn dịch dài hạn chống lại 4 type huyết thanh virus sốt xuất huyết; vắc xin phải có hiệu quả cho cả người sống ở quốc gia có dịch bệnh và du khách ở các quốc gia không có dịch bệnh; vắc xin nên phòng ngừa bệnh bất kể tuổi tác; vắc xin nên ngăn ngừa được sốt xuất huyết bất kể tình trạng phơi nhiễm virus sốt xuất huyết Dengue trước đó.
Điều may mắn, trong quá trình đưa ra các tiêu chí, có rất nhiều loại vắc xin đã được nghiên cứu, cấp phép sử dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế để đạt được những mong muốn như trên.
Chuyên gia thông tin, vắc xin TAK-003, được dựa trên nền type huyết thanh DENV-2. Những loại vắc xin trước đó được nghiên cứu dựa trên khung virus sốt vàng hoặc các khung khác. Vắc xin TAK-003 đã được nghiên cứu đa trung tâm, nghiên cứu tại 13 quốc gia, loại vắc xin này đạt được hết các tiêu chí WHO đưa ra về vắc xin sốt xuất huyết. Vắc xin TAK-003 cho thấy có hiệu lực 80,2% chống ca sốt xuất huyết có triệu chứng được xác định sau 12 tháng.
Bên cạnh đó, vắc xin TAK-003 còn có hiệu lực đến 90,4% chống nhập viện do sốt xuất huyết đến 18 tháng. Có nhiều nghiên cứu dài hơn, cho kết quả loại vắc xin này có hiệu lực chống nhập viện đến tháng thứ 54 nếu chích liều thứ 2.
Một vấn đề quan trọng đối với vắc xin sốt xuất huyết là khả năng gặp nhiều biến cố bất lợi. Tuy nhiên, vắc xin TAK-003 không có khác biệt nhiều so với nhóm giả dược, bệnh nhân vẫn gặp các tình huống sưng nóng, đỏ, đau, phản ứng toàn thân như sốt,… các biến cố xảy ra ở vắc xin TAK-003 cũng không khác biệt theo tình trạng huyết thanh.
Vị chuyên gia cho biết, đến thời điểm hiện tại, nghiên cứu theo dõi đến 54 tháng, hầu như không có ghi nhận những phản ứng bất lợi vượt ngoài dự kiến, không có bệnh sốt xuất huyết nặng ở những người đã tiêm vắc xin. Tuy nhiên, tất cả thông điệp trên còn phải theo dõi dài hạn, khi vắc xin ra thị trường, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục công đoạn ghi nhận dữ liệu.
Vắc xin TAK-003 đã được Việt Nam cấp phép sử dụng vào ngày 14/5/2024 với hiệu quả bảo vệ >80%, chống lại cả 4 chủng sốt xuất huyết, với 2 mũi tiêm, mỗi mũi cách nhau 3 tháng. Đặc biệt, bệnh nhân không cần xét nghiệm trước khi tiêm chủng, tính an toàn được chứng minh trên rất nhiều nghiên cứu. Một số quốc gia trên thế giới đã đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
COPD và nhiễm khuẩn hô hấp dưới xếp TOP 3, 4 nguyên nhân tử vong hàng đầu
TS.BS Lê Khắc Bảo - Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp tục mang đến chủ đề thứ hai “Vắc xin ngừa phế cầu cho bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp mãn tính” tại phiên báo cáo này.
Chuyên gia chia sẻ, “trong nguy sẽ có cơ”, tất cả đều đã trả qua những mất mát từ COVID-19 trong thời gian vừa qua. Nhưng khi nhìn lại, đều phải cảm ơn COVID-19 vì đã đem lại hồi chuông cảnh báo cho các bác sĩ điều trị về giá trị của tiêm ngừa vắc xin.
Vì vậy, không đợi bệnh nhân có bệnh mới bắt đầu tiêm ngừa, bệnh nhân có bệnh mới bắt đầu điều trị, mà cần phải đi sâu vào vấn đề tiêm ngừa. Do đó, các bác sĩ hô hấp nói riêng, không cần biết có chỉ định tiêm ngừa hay chưa mà cần thực hành tiêm chủng.
Đề cập đến vấn đề gánh nặng của phế cầu, bác sĩ cho biết, trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới, chiếm 55% trong tổng số hơn 55 triệu ca tử vong, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm khuẩn hô hấp dưới chiếm hàng thứ 3 và 4. Ở đây có sự liên kết chặt chẽ giữa mắc phế cầu với sự gia tăng gánh nặng bệnh tật của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh hô hấp mạn tính nói chung.
Những người có bệnh nền là bệnh phổi mạn tính, nguy cơ mắc phế cầu nhiều hơn những người mắc bệnh nền khác. Ví dụ, đái tháo đường là bệnh lý làm suy giảm miễn dịch rất nhiều, tuy nhiên, khi so sánh bệnh nhân đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thì người mắc bệnh phổi mạn tính có nguy cơ mắc phế cầu cao hơn.
Trong khi đó, việc tiêm ngừa vắc xin phế cầu PCV13 đã được chứng minh về hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu và các bệnh phế cầu xâm lấn ở bệnh nhân trưởng thành, trong đó, có những người bệnh phổi mạn tính. Còn với vắc xin PPSV23 có hiệu quả trong việc bảo vệ bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính khỏi nguy cơ mắc phế cầu.
TS.BS Lê Khắc Bảo cho rằng, việc tiêm ngừa không chỉ làm giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn giảm gánh nặng của bệnh. Trong trường hợp tiêm phế cầu, sẽ giúp giảm gánh nặng trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giảm nhập viện và giảm đợt cấp của bệnh nhân COPD. Nghĩa là, việc tiêm vắc xin bên cạnh giảm nguy cơ mắc phế cầu, còn giảm được gánh nặng bệnh tật thật sự có trên bệnh nhân COPD.
Về các khuyến cáo trong việc tiêm ngừa phế cầu, vị chuyên gia thông tin, ACIP khuyến cáo tiêm phế cầu ở người từ 19 tuổi trở lên. Cụ thể, nhóm 1 là người từ 65 tuổi, không đòi hỏi có bệnh nền cũng được tiêm ngừa phế cầu; còn nhóm 19-65 tuổi, đòi hỏi kèm theo bệnh nền sẽ được tiêm ngừa phế cầu, trong đó có bệnh COPD.
CDC khuyến cáo tiêm ngừa phế cầu tương tự ACIP, bên cạnh đó, có thêm khuyến cáo tiêm ngừa phế cầu cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khí phế thũng, hen, bệnh giãn phế quản.
Trong thực hành lâm sàng, việc tiêm ngừa vắc xin phế cầu cho người mắc bệnh phổi mạn tính cần tuân thủ các hướng dẫn về loại vắc xin, thứ tự tiêm, khoảng cách giữa các liều khi tiêm phối hợp PCV và PPSV23.
Cụ thể khi tiêm phối hợp PCV và PPSV23, phải tiêm PCV trước, và PPSV23 sau. Khoảng cách tiêm khi phối hợp 2 vắc xin được khuyến cáo là 1 năm sau khi tiêm vắc xin PCV thì tiếp tục tiêm PPSV23 hoặc 2 tháng sau. Trong đó, nếu người bệnh có những bệnh lý làm miễn dịch của họ kém đi, nên tiêm lặp PPSV23 sớm 2 tháng, còn nếu miễn dịch bình thường, nên tiêm PPSV23 sau 1 năm tiêm PCV.
Thời điểm tiêm vắc xin phù hợp trong trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nên tiêm trong giai đoạn ổn định, nghĩa là sau đợt cấp khoảng 28-35 ngày thì có thể tiêm cho bệnh nhân. Đồng thời đảm bảo không có bệnh cấp tính khác đang điều trị và không trong tình trạng đang dùng corticoid toàn thân một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, bệnh nhân COPD là người thường dùng corticoid, do đó, nếu bệnh nhân đang dùng, bác sĩ nên xem xét liều dùng của bệnh nhân, nếu đang dùng liều >20mg prednisone/ngày hoặc >2mg/kg/ngày trong >14 ngày, không nên dùng vắc xin sống giảm độc lực. Bởi vì, nếu dùng vắc xin sống giảm độc lực, không mang lại lợi ích cho bệnh nhân, ngược lại còn gây nguy hiểm.
Vì vậy, cần hoãn tiêm vắc xin sống giảm độc lực ít nhất 1 tháng sau khi ngừng điều trị corticoid toàn thân liều cao trong >14 ngày. Lưu ý, corticoid đường hít không nằm trong chống chỉ định cho tiêm vắc xin.
Còn đối với bệnh nhân vừa mắc bệnh COPD và một số bệnh lý khác đang điều trị ức chế miễn dịch, vắc xin không sống và sống giảm độc lực nên được tiêm trên 2 tuần trở lên trước khi bắt đầu điều trị ức chế miễn dịch nếu có thể. Sau khi điều trị, 3 tháng sau bệnh nhân mới được tiêm ngừa. Riêng nhóm điều trị dùng thuốc kháng tế bào B, nên trì hoãn ít nhất 6 tháng mới được tiêm ngừa.
Viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh Crohn, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn bình thường
Kết thúc phiên báo cáo với chủ đề “Nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ở bệnh nhân có bệnh tự miễn và vai trò của vắc xin”, PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa - Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng cơ hội gặp hầu hết ở các chuyên khoa, đặc biệt trên các bệnh nhân có bệnh lý tự miễn. Đa số, các vấn đề này đều có thể phòng ngừa bằng vắc xin nhưng các bác sĩ trong thời gian qua, ít quan tâm đến vấn đề phòng ngừa và ngăn ngừa bệnh bằng vắc xin cho bệnh nhân có bệnh lý nền.
Bệnh lý tự miễn là bệnh nhận biết về các mô tế bào của cơ thể, thường gặp trong dân số chung chiếm 5-7%, theo thống kê không đầy đủ, có trên 40% bệnh lý tự miễn ở người. Tuỳ theo mức độ tổn thương các cơ quan, bệnh lý tự miễn được chia thành 2 nhóm chính: bệnh lý tự miễn đặc hiệu ở các cơ quan, điển hình là viêm tuyến giáp, viêm gan tự miễn. Bệnh lý tự miễn hệ thống, điển hình như lupus ban đỏ…
Đề cập về vấn đề nguy cơ nhiễm trùng ở người có bệnh lý tự miễn, phó giáo sư giải thích, mặc dù có phản ứng miễn dịch rất mạnh chống lại các thành phần của cơ thể, nhưng người bệnh mắc bệnh lý tự miễn có khiếm khuyết trong vấn đề tự bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh là vấn đề nhiễm trùng.
Khi bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được sử dụng liệu pháp kháng viêm và thuốc ức chế miễn dịch. Đó là lý do chính làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, ngay cả khi bệnh nhân được tiêm phòng vắc xin, một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc xin. Đồng thời, thời điểm sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và thời điểm tiêm vắc xin có thể ảnh hưởng đến hiệu lực bảo vệ của vắc xin.
Theo vị chuyên gia, so với người bình thường, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn thường gặp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh Crohn, đặc biệt, độ tuổi càng cao, nguy cơ nhiễm trùng càng gia tăng. Những loại thuốc điều trị bệnh lý tự miễn, trong đó có corticoid, thuốc sinh học, thuốc điều trị nhắm trúng đích cũng được chứng mình làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tương tự với bệnh zona, khi sử dụng liệu pháp điều trị nhắm trúng đích, thuốc phân tử nhỏ bằng đường uống được chứng minh nguy cơ làm gia tăng zona thần kinh rất cao. Đặc biệt, liệu pháp nhắm trúng đích gần đây được sử dụng phổ biến, kế cả chuyên ngành ung bướu.
Trên thực tế lâm sàng, để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng xảy đến, đòi hỏi người thầy thuốc theo dõi các khía cạnh quá trình điều trị. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, trước khi sử dụng thuốc sinh học, bệnh nhân sẽ được sàng lọc lao tiềm ẩn, viêm gan B, những bệnh lý nhiễm trùng tiềm ẩn tại các cơ quan khác, đồng thời, theo dõi và phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng tại các cơ quan để xử lý kịp thời. Vấn đề quan trọng là phòng ngừa chủ động để quản lý hiệu quả, chi phí thấp, đó là phương pháp tiêm vắc xin, đây là vấn đề thời gian qua chưa có sự quan tâm đầy đủ.
Đối với bệnh nhân có bệnh lý tự miễn, nhiều vấn đề ngần ngại trong hiệu quả bảo vệ của vắc xin đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, mỗi loại vắc xin có một cơ chế khác nhau, có thể bảo vệ, thúc đẩy miễn dịch qua trung gian tế bào và dịch tễ.
Đề cập đến khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ trong việc sử dụng vắc xin cho người lớn có hệ miễn dịch suy yếu không phải do nhiễm HIV. Trong đó, có tiêm phòng cúm, tiêm phòng phế cầu, tiêm phòng zona, tiêm phòng viêm gan B.
Năm 2019, EULAR đã đưa ra khuyến cáo về việc tiêm phòng vắc xin cho bệnh nhân có bệnh lý viêm tự miễn và có khuyến cáo mạnh về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh cúm, phế cầu, viêm gan A, viêm gan B, zona, HPV và một số tác nhân gây bệnh khác.
Cuối cùng, chuyên gia nhấn mạnh những điểm chính từ hướng dẫn ACR 2022 về tiêm phòng cho bệnh nhân có bệnh cơ xương khớp tự miễn (RMD), bao gồm: tiêm vắc xin cho tất cả các bệnh nhân RMD đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; khuyến cáo mạnh cho bệnh nhân RMD>18 tuổi đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; tạm ngưng methotrexate trong hai tuần sau khi tiêm phòng cúm nếu diễn tiến bệnh cho phép...
>>> Những hướng dẫn quốc tế đến thực hành tại Việt Nam về điều trị, quản lý COPD
>>> Những điểm mới trong điều trị hen người lớn, giải pháp kiểm soát bệnh đồng mắc
Hội nghị thường niên 2024 LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM được tổ chức tại Huế trong 2 ngày 24 và 25/5/2024, với tổng 77 bài báo cáo trong 15 phiên khoa học. Bên cạnh đó, hội nghị còn tổ chức 2 buổi workshop và chương trình sinh hoạt mạng lưới ACOCUs nhân sự kiện lần này. Đặc biệt, hội nghị năm nay cũng là kỷ niệm 10 năm thành lập LCH, do đó, trong khuôn khổ hội nghị, LCH cũng đã tổ chức đại hội, bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan Tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM nhiệm kỳ 2024 - 2029. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình