Hotline 24/7
08983-08983

X-quang phổi: Chẩn đoán bệnh gì? Những ai cần chụp?

Chụp X-quang phổi là gì? Những ai cần chụp X-quang phổi? X-quang phổi có nguy hiểm cho phụ nữ mang thai?... Những vấn đề này sẽ được BS.CK1 Phạm Trần Văn Hội - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Phòng khám Đa khoa Trung tâm Y tế quận Bình Tân TPHCM giải đáp.

1. X-quang phổi là chỉ định bắt buộc trong tầm soát sức khỏe định kỳ

Thưa BS, X-quang phổi được chỉ định trong những trường hợp nào?

BS Phạm Trần Văn Hội trả lời: Sơ lược về lịch sử và khái niệm của X-quang phổi, năm 1895 ông Wilhelm Conrad Roentgen là một giáo sư vật lý người Đức, đã phát hiện ra sự hiện diện của tia X có trong thiên nhiên khắp vũ trụ, tia X có khả năng đâm xuyên và tạo ra điện từ.

Chính ông đã sử dụng tia X để chụp bàn tay của mình và quan sát, đến nay là 128 năm. Tia X hiện được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực khoa học, công nghệ, phát triển các ngành nghề công nghiệp hoá, hiện đại hoá, an ninh quốc phòng, trong đó có y học được áp dụng tia X để chẩn đoán và điều trị bệnh.  

Hiện nay, chụp X-quang phổi là dùng máy X-quang, tia X để chiếu vào lồng ngực, cho ra các hình ảnh cụ thể, giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh.

Phổi làm nhiệm vụ hô hấp cung cấp oxy giúp cơ thể duy trì sự sống, trong vấn đề tiếp xúc hàng ngày, mỗi người có thể tiếp xúc với những người xung quanh, có thể mang mầm bệnh, khi tiếp xúc có thể lây bệnh lý đường hô hấp hoặc tiềm tàng các bệnh truyền nhiễm, phát tán cho cộng đồng tại các văn phòng, trung tâm, xí nghiệp, khu tập thể, dân cư…

Do đó, thông tư số 14 năm 2013 của Bộ Y tế đã quy định, khám sức khỏe tổng quát có rất nhiều hạng mục, trong đó chỉ định X-quang phổi được bắt buộc khi tuyển dụng làm việc, kiểm tra tầm soát sức khỏe định kỳ cho người lao động, cán bộ công chức, viên chức, nhân viên các ngành nghề khác nhau. Như vậy sức khỏe của người lao động sẽ được bảo vệ khi làm việc.

Ngoài ra những người bình thường có thể có các bệnh lý nền tiềm ẩn cần tầm soát như hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, tâm phế mạn, xơ hóa phổi sau các bệnh lý, lao hoặc COVID-19, hay các bệnh lý ung thư, bệnh bụi phổi nghề nghiệp… cũng cần chụp X-quang phổi.

Thực tế hiện nay các tổ chức y tế đã thống kê có trên 70% người đến khám bệnh phát hiện bệnh phổi giai đoạn trễ, tỷ lệ điều trị các bệnh lý ở giai đoạn trễ chỉ khoảng 1-2% trong khi phát hiện sớm, tỷ lệ thành công có thể lên tới trên 30%.

Về chỉ định X-quang phổi, đây là điều cần thiết để thực hiện tầm soát, phát hiện kịp thời, từ đó đưa ra hướng xử trí thích hợp.

2. Trường hợp chống chỉ định với chụp X-quang phổi

Những trường hợp nào chống chỉ định với chụp X-quang phổi? Thai phụ có được chụp X-quang phổi không, thưa BS?

BS Phạm Trần Văn Hội trả lời: Bên cạnh các chỉ định, X-quang phổi có một số chống chỉ định mà bác sĩ cần cân nhắc lựa chọn và luôn đặt lợi ích tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu.

Khi chỉ định X-quang phổi, bác sĩ cần xem xét rủi ro trong quá trình chụp X-quang phổi có thể xảy ra, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn các chống chỉ định cho từng trường hợp khác nhau để phù hợp với bệnh nhân.

Thông thường, X-quang phổi sẽ chống chỉ định trong các trường hợp: bệnh đang diễn tiến rất nặng, nguy kịch phải hồi sức, chảy máu tràn dịch cấp, đái tháo đường trong giai đoạn cấp tính, suy đa tạng, suy gan, suy thận cấp…

Đối với phụ nữ có thai, theo một số nghiên cứu khoa học, từ thời điểm bắt đầu thụ thai đến khi thai được 8 tuần tuổi, nếu tiếp xúc với bức xạ liều cao kéo dài có thể dẫn đến hậu quả trẻ bị dị tật bẩm sinh khi ra đời. Còn đối với thai kỳ từ 8-16 tuần, trẻ sinh ra sẽ bị khuyết tật về thần kinh, trí não.

Tuy nhiên, với liều một lần phơi nhiễm bức xạ liên quan đến chụp X-quang phổi thấp hơn rất nhiều so với bức xạ nền gây ra các rủi ro trên cho mẹ bầu. Nhưng để tránh các rủi ro không đáng có, trước khi chụp X-quang hãy thông tin cho bác sĩ biết về việc bệnh nhân có khả năng có thai, nghi ngờ có thai, theo đó tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ cân nhắc trì hoãn chụp hoặc giảm liều bức xạ để giảm thiểu tối đa nguy cơ gây hại cho thai nhi.

3. Các vấn đề bệnh lý có thể theo dõi và chẩn đoán bằng X-quang

X-quang phổi giúp chẩn đoán hay theo dõi những bệnh gì?

BS Phạm Trần Văn Hội trả lời: X-quang phổi giúp kiểm tra các bộ phận cơ thể khi bệnh nhân cảm thấy đau, có triệu chứng bệnh lý như tim mạch, suy tim, sung huyết… các triệu chứng có thể thể hiện rõ trên phim hoặc bệnh tắc nghẽn mạch máu, hệ thống tuần hoàn phổi, tim, khi đó có thể bơm thuốc cản quang, chụp X-quang để làm nổi bật các điểm tắc nghẽn đó và có thể phát hiện sớm, can thiệp kịp thời.

Bên cạnh đó, X-quang phổi còn giúp phát hiện các bệnh lý cột sống, xương sườn, trong trường hợp loãng xương, gù vẹo, dị tật…

Trường hợp nuốt/ hóc dị vật, bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, lao, ung thư phổi có thể hiển thị trên hình ảnh X-quang ngực.

Về phần mềm, có thể kiểm tra được các mô vú, phát hiện các bệnh lý ung thư, tách phần bụng và phần ngực có thể quan sát thoát vị hoành, các bệnh lý liềm hơi dưới cơ hoành, bệnh lý ngoại đường tiêu hoá…

Hoặc X-quang có thể theo dõi diễn tiến bệnh, điều trị bệnh, theo dõi các bệnh mạn tính.

4. Giải mã hình ảnh X-quang phổi

Phần mô tả X-quang phổi có nốt đặc, nốt mờ… thường là bệnh lý gì?

BS Phạm Trần Văn Hội trả lời: Có thể hiểu đơn giản theo quy ước chuyên môn của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, mô tả các tổn thương trên phim X-quang, máy X-quang có thể tạo ra các chùm tia X chiếu bức xạ cao được các mô tả trong cơ thể hấp thụ ở mức khác nhau.

Các mô dày đặc như xương sẽ chặn hết tia bức xạ, trong khi các mô mềm như mỡ, cơ sẽ chặn ít hơn. Các mô chặn bức xạ cao như xương sẽ hiển thị dưới dạng hình trắng trên nền đen còn các mô mềm, ngăn chặn ít bức xạ hơn được hiển thị theo màu xám như khối u thường dày đặc hơn các mô xung quanh do đó sẽ hiện màu xám dày đặc hơn.

Các cơ quan chủ yếu là không khí như các nhu mô phổi, phế nang thường hiện màu đen trên phim. Các nốt đặc, nốt mờ thường là nhu mô tăng sinh do phù nề, ứ dịch, tiết dịch, tổn thương mô, là một khối bất thường tại vùng có ranh giới rõ ràng hoặc vùng không có ranh giới.

Nếu xuất hiện các nốt đặc trên phim X-quang, bệnh nhân có thể mắc các bệnh lý như viêm phổi, ký sinh trùng, ấu trùng, giun đũa chu du lên phổi… Hay các đường mờ lan tỏa gặp trong các bệnh lý trước đây như bệnh lao, để lại sẹo xơ hóa, co kéo lồng ngực, biến dạng hoặc các thùy phổi, màng phổi có các nốt đầu đen, rõ ranh giới, có thể có kén khí, tràn khí màng phổi hoặc kèm theo tạo hang ranh giới rõ ràng trong trường hợp hang lao đang tiến triển.

Cuối cùng, vấn đề nguy hiểm hơn là đám mờ tạo khối ranh giới rõ hay không rõ, có thể tạo thành một khối u, cần kiểm tra chuyên sâu hơn. 

5. CT-scan được chỉ định khi X-quang phát hiện bất thường không rõ ràng

Trường hợp nào sau khi chụp X-quang phổi sẽ cần chụp thêm CT-scan?

BS Phạm Trần Văn Hội trả lời: X-quang đóng vai trò tầm soát nhanh, chi phí thấp, còn CT-scan chi phí cao hơn, có tính đặc hiệu cao và chuyên sâu.

Khi X-quang có hình ảnh không rõ ràng, nghi ngờ khối u, có sự quan sát và chẩn đoán trực tiếp từ các bác sĩ để chỉ định thêm các CT để chẩn đoán chính xác hơn, đưa ra trường hợp lành tính hoặc ác tính.

Tiên lượng loại trừ, lựa chọn, tuy nhiên vẫn phải kết hợp các triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm sinh hoá, sinh thiết cho một chẩn đoán sau cùng chính xác nhất.

6. X-quang phát hiện được vị trí, hình dạng, kích thước, mức độ xâm lấn của dị vật

Với trường hợp nuốt dị vật, chụp X-quang có giúp xác định được vị trí dị vật?

BS Phạm Trần Văn Hội trả lời: Nuốt dị vật hoặc bị chấn thương do dị vật xâm lấn, chỉ định X-quang là điều cần thiết giúp xác định được vị trí, kích thước, hình dạng, mức độ xâm lấn, mức độ nguy hiểm để có chỉ định can thiệp kịp thời, phù hợp.

X-quang ưu việt mọi lúc, mọi nơi, nhanh, chi phí thấp, ngay cả tuyến y tế cơ sở tại một số địa phương cũng được trang bị máy X-quang.

7. Không có chống chỉ định chụp X-quang liên tục

Với bệnh nhân cần chụp X-quang nhiều lần thì khoảng cách tối thiểu giữa hai lần chụp là bao lâu?

BS Phạm Trần Văn Hội trả lời: Khoảng cách giữa hai lần chụp X-quang không bắt buộc vì trước, trong và sau điều trị có thể chụp liên tiếp nhau trong nhiều ngày.

Ví dụ trường hợp gãy xương cần bó bột, trước đó bệnh nhân phải được chụp X-quang để chẩn đoán, sau đó can thiệp bó bột và tiếp tục chụp X-quang ngay sau đó để kiểm tra mức độ cố định hiệu quả của việc bó bột, hoặc ngay sau khi bó bột phải kiểm tra mức độ lành xương.

Thông thường, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, trung bình sẽ chụp X-quang 1-2 lần/ năm.

8. X-quang cần có chỉ định của bác sĩ và thực hiện tại cơ sở y tế máy móc hiện đại

Nhiều người lo ngại nguy cơ nhiễm xạ khi phải chụp X-quang nhiều lần, điều này có thật sự đáng lo ngại hay không?

BS Phạm Trần Văn Hội trả lời: Vấn đề này không phải việc đáng lo ngại vì mỗi lần chụp X-quang, liều phơi nhiễm bức xạ rất thấp.

Chụp X-quang là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh lâu đời và phổ biến. Ngày nay các nhà khoa học đã có các bước phát triển dựa trên phần mềm vi tính có tính chọn lọc, lược bớt các lỗi kỹ thuật nên rút ngắn được thời gian tiếp xúc và hạn chế cường độ tia X gây rủi ro tác động do chụp X-quang.

Tuy nhiên lợi ích phương pháp này đem lại nhiều hơn so với rủi ro, nhưng nếu không nắm rõ kỹ thuật, quy trình chỉ định không đúng, lạm dụng X-quang nguy cơ rủi ro vẫn có thể xảy ra ở mức cao.

Các rủi ro có thể xảy ra bao gồm tăng nguy cơ ung thư, trung bình mỗi người chụp X-quang 1000 lần hoặc CT 20 lần trong đời có thể dẫn đến 10-20 năm sau sẽ gây ung thư. Như vậy, tiếp xúc với bức xạ cường độ mạnh, nhiều, làm tăng nguy cơ ung thư có thể xảy ra.

Bên cạnh đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, ví dụ một đứa bé đi chụp X-quang, kỹ thuật viên sẽ đeo tạp dề cho bé, còn đối với phụ nữ mang thai khi chụp X-quang cần có chất cản quang. Tuy rất hiếm tình trạng xảy ra dị ứng với các chất cản quang nhưng vấn đề này rất đáng lưu tâm để chống chỉ định.

Mức độ dị ứng thuốc cản quang nhẹ cũng có thể có cảm giác đau, sưng tấy, đỏ tại vị trí tiêm hoặc khi uống có thể gây buồn nôn, mệt mỏi, đây là hiện tượng không cần lo ngại và sẽ hết hẳn sau chụp X-quang vài giờ.

Do đó không được tự ý chụp X-quang mà cần có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn, đồng thời cần lựa chọn các cơ sở y tế có máy móc hiện đại, các thiết bị điện quang cũ khả năng ảnh hưởng của tia X lên cơ thể thuộc nguy cơ cao.

9. Thời hạn lưu trữ phim X-quang là bao lâu?

Phim X-quang phổi có giá trị tham khảo trong bao lâu?

BS Phạm Trần Văn Hội trả lời: Nhiều trường hợp lưu giữ phim X-quang trong nhiều năm không bỏ, tuy nhiên phim X-quang của mỗi cá nhân thông thường có thể giữ trong 2 năm nếu kết quả bình thường.

Nếu kết quả X-quang có tổn thương nên giữ nhiều năm hơn vì đó là cơ sở theo dõi, đánh giá diễn tiễn bệnh hoặc di chứng cần đôi chiếu từng giai đoạn đối với biến chứng mạn tính.

Nếu là cơ sở khám, điều trị bệnh có bệnh lý, kết quả phim có thể giữ nhiều năm để lưu trữ hồ sơ bệnh án hoặc lưu trữ trên hệ thống khám chữa bệnh của bệnh viện có tính pháp lý theo quyết định số 1895 của năm 1997 của Bộ Y tế, hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú lưu trữ ít nhất 10 năm. Một hồ sơ bệnh án tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt có thể lưu trữ đến khoảng 15 năm. Hồ sơ bệnh án bệnh tử vong có thể lưu trữ ít nhất 20 năm.

Với sự lựa chọn tính ưu việt và rủi ro do X-quang, mỗi người nên tầm soát sức khỏe định kỳ hàng năm để chẩn đoán sớm, điều trị bệnh hiệu quả. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X