WHO đạt thỏa thuận "về nguyên tắc" ứng phó đại dịch sau 3 năm đàm phán
Sau gần 3 năm thương thảo, ngày 12/4/2025, các quốc gia thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đạt được một thỏa thuận "về nguyên tắc" cho hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm tăng cường phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Phát biểu ngay sau phiên thảo luận kéo dài gần 24 giờ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh bước tiến này và gọi đây là “tín hiệu rất tốt” và “khoảnh khắc lịch sử phi thường đang được tạo nên”. Ông nhấn mạnh thỏa thuận này là “món quà tuyệt vời dành cho con cháu chúng ta”.
Cột mốc quan trọng trước kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới
Thỏa thuận vừa đạt được là kết quả của tiến trình đàm phán kéo dài từ tháng 12/2021 đến nay, nhằm xây dựng một khung pháp lý toàn cầu giúp thế giới chủ động hơn trước các tình huống y tế khẩn cấp như đại dịch COVID-19.
Bà Anne-Claire Amprou - Đồng Chủ tịch Cơ quan đàm phán liên chính phủ của WHO và là Đại sứ Pháp về y tế toàn cầu, cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc”. Tuy chưa công bố chi tiết nội dung, nhưng bà Amprou khẳng định đây là bước đệm quan trọng để hoàn tất dự thảo hiệp ước và trình lên kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới tại Geneva, Thụy Sĩ.
Các đại biểu tham dự đã dành nhiều phút vỗ tay nhiệt liệt sau khi đồng thuận được thông qua - một khoảnh khắc được mô tả là đầy cảm xúc sau thời gian dài thương lượng và bất đồng.
Trong quá trình đàm phán, phần lớn nội dung dự thảo hiệp ước đã được các nước đồng thuận. Tuy nhiên, một số điều khoản quan trọng như chia sẻ công bằng vắc xin, phương pháp xét nghiệm và điều trị vẫn còn gây tranh cãi. Những điểm này sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong các phiên họp tiếp theo, trong đó gần nhất là cuộc gặp vào ngày 15/4 tại Geneva.
Giới chuyên gia đánh giá, việc đạt được thỏa thuận về nguyên tắc chính là tín hiệu cho thấy cam kết hợp tác toàn cầu sau những bài học đắt giá từ đại dịch COVID-19. Việc xây dựng một hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý là bước đi chưa từng có trong lịch sử WHO, mở ra kỳ vọng về một hệ thống y tế toàn cầu phản ứng hiệu quả, công bằng và minh bạch hơn khi đại dịch mới xuất hiện.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình