Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang ký kết hợp tác với các bệnh viện lớn về đột quỵ
Ngày 19/4/2025, tại Hội nghị khoa học "Mạng lưới cấp cứu đột quỵ Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp cận đa ngành và điều trị toàn diện người bệnh đột quỵ não", Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang đã ký kết hợp tác chuyên môn, đào tạo và nghiên cứu khoa học với Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực nâng cao chất lượng cấp cứu và điều trị đột quỵ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp người dân được tiếp cận kỹ thuật điều trị tiên tiến ngay tại địa phương.
Mở rộng năng lực chuyên sâu trong điều trị đột quỵ
Chia sẻ tại lễ ký kết, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: “Lễ ký kết hôm nay là một cam kết tiếp tục triển khai những kỹ thuật mới hơn, phức tạp hơn trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ như điều trị túi phình, đặt stent nội sọ, điều trị huyết khối tĩnh mạch... Đặc biệt, khu vực miền Tây rất cần nhiều bệnh viện tuyến tỉnh có thể can thiệp huyết khối 24/7 để bệnh nhân được điều trị sớm nhất”.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, việc phát triển mạng lưới cấp cứu đột quỵ tại Đồng bằng sông Cửu Long mang lại lợi ích rất lớn cho người dân: “Nhiều bệnh nhân phải di chuyển xa để được điều trị, làm mất đi thời gian vàng. Tôi đánh giá cao nỗ lực của An Giang khi có tới 4 trung tâm đột quỵ đạt chuẩn của Hội Đột quỵ Thế giới”.
Sau lễ ký kết, các hoạt động chuyển giao kỹ thuật và đào tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các bệnh viện đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ, và đặc biệt là điều trị dự phòng đột quỵ, giúp mạng lưới vận hành nhịp nhàng và hiệu quả”.

Về phía đơn vị chủ nhà, BS.CK2 Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng thông qua hợp tác này, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện sẽ được đào tạo bài bản, nâng cao năng lực chuyên sâu trong cấp cứu đột quỵ. Song song đó, việc đồng bộ hóa thiết bị chuyên sâu như CT, MRI, CT perfusion sẽ giúp tối ưu hóa thời gian chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân”.

Tăng cường nhận biết và xử trí đột quỵ
Bên cạnh việc phát triển chuyên môn, mạng lưới cấp cứu đột quỵ tại An Giang còn chú trọng công tác truyền thông cộng đồng. Theo ghi nhận, Sở Y tế tỉnh đã triển khai truyền thông dấu hiệu nhận biết đột quỵ FAST qua hệ thống loa phát thanh, đài truyền hình, báo chí địa phương và dán poster trên xe cứu thương của Hội Chữ thập đỏ.
Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội thần kinh - Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang tiếp nhận từ 15-20 ca đột quỵ, một con số mà theo BS.CK2 Hà Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh - Đột quỵ đánh giá là “rất khủng khiếp”. Bác sĩ nhấn mạnh: “Điều này đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược phòng ngừa và xây dựng cơ sở điều trị đột quỵ tốt nhất”.


Nhờ đẩy mạnh truyền thông và nâng cao chuyên môn, số ca điều trị can thiệp đột quỵ tại An Giang gia tăng rõ rệt. Tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang, số ca điều trị can thiệp đạt 425 ca vào năm 2024, so với 102 ca năm 2022. Tỷ lệ chuyển tuyến cũng giảm từ 9,9% (2022) xuống còn 4,3% (2024).
Thành tựu này cho thấy những nỗ lực không ngừng của ngành y tế tỉnh nhà trong cuộc chiến với căn bệnh đột quỵ - nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu hiện nay.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình