Hotline 24/7
08983-08983

“Việt Nam hay có tai nạn chấn thương nhưng thiếu trung tâm cấp cứu chấn thương đặc thù”

Đây là một trong những ý kiến quan trọng của chuyên gia được nêu bật tại “Hội thảo nghiên cứu chấn thương khu vực châu Á (PATOS) và chấn thương sọ não (TBI)” tổ chức tại Bệnh viện Thống Nhất diễn ra trong ngày 11/4/2024.

Chấn thương vẫn đang là gánh nặng đối với Việt Nam

BS.CK2 Lê Phước Đại - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM mở đầu bài báo cáo về “Gánh nặng chấn thương và nghiên cứu tại Việt Nam” bằng nhận định: “Không nơi nào giống như Việt Nam!”. Tại Việt Nam, xe máy chiếm đại đa số trong các phương tiện lưu thông trên đường. Tai nạn thường xảy ra khi người điều khiển say xỉn hoặc vượt quá tốc độ cho phép.

“20 năm trước, không ai đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhưng hiện nay, mọi người đều đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống” - BS nhận xét.

Theo số liệu của Bộ Y tế, giai đoạn 2011 - 2020, có hơn 15.000 trường hợp tử vong do chấn thương giao thông đường bộ, chiếm 44% tổng số ca tử vong do chấn thương. Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 120.000 ca chấn thương, tương đương hơn 300 ca mỗi ngày. Trong đó, chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 76%. Chấn thương do tai nạn lao động, do các vụ bạo lực cũng rất phổ biến ở Việt Nam.

Trả lời cho câu hỏi “Tại sao chấn thương là gánh nặng?”, BS Lê Phước Đại cho biết những bệnh viện nhỏ, bệnh viện tuyến dưới ít quan tâm đến chấn thương vì tốn kém quá nhiều và rất phức tạp. Điều trị chấn thương phải tuân thủ các bước: Cầm máu, cấp cứu trước viện, sau đó mới xem xét có cần chuyển tuyến hay không.

BS Lê Phước Đại - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: "Chấn thương vẫn đang là gánh nặng đối với Việt Nam".

Điều quan trọng nhất khi cấp cứu chấn thương là cầm máu. Trường hợp bệnh nhân cần 20 - 30 phút mới tới được viện sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cầm máu tốt. Cấp cứu trước viện phải cố gắng cầm máu tại chỗ tạm thời”. BS Lê Phước Đại cũng cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy có ngân hàng máu, có thể huy động chế phẩm máu chỉ trong 20 phút thay vì phải mất hơn 2 tiếng như bình thường.

Ngoài ra, cấp cứu chấn thương còn cần đội ngũ phẫu thuật viên nhiều chuyên khoa, phòng mổ sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mọi lúc và khu vực riêng cho chấn thương với đầy đủ thiết bị cấp cứu cũng như ê-kíp đã được đào tạo chuyên môn.

Trên cả ba miền chỉ có Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ là có trung tâm chấn thương cấp 1. Nếu bệnh nhân ở các khu vực lân cận sẽ được vận chuyển bằng xe cấp cứu đến những trung tâm cấp cứu, những trường hợp ở xa hơn hay ở các huyện đảo sẽ được chuyển viện bằng máy bay trực thăng.

Kết thúc bài báo cáo, BS.CK2 Lê Phước Đại - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: “Cần rất nhiều tài nguyên để thành lập và duy trì cấp cứu chấn thương”. Đó cũng là lý do mà chấn thương vẫn đang là gánh nặng đối với Việt Nam.

Việt Nam thiếu nhiều nhân sự đội ngũ chấn thương

Chia sẻ thêm về “Hệ thống chăm sóc chấn thương tại Việt Nam”, ThS.BS Nguyễn Vinh Anh - Bộ môn Hồi sức cấp cứu - Chống độc, Đại học Y dược TPHCM cho biết, quy trình xử trí chấn thương gồm các bước: Xử trí trước viện, xử trí khoa cấp cứu, phẫu thuật chấn thương, dân số đặc biệt và quản lý dữ liệu.

ThS.BS Nguyễn Vinh Anh cho biết, ngoại trừ một số bệnh viện lớn, khoa cấp cứu ở những bệnh viện tuyến dưới hoặc tỉnh lẻ chỉ có bác sĩ đa khoa mà không có bác sĩ chuyên khoa xử trí chấn thương. Đây là sự khác biệt lớn giữa bệnh viện trung tâm và các bệnh viện ngoại thành, bệnh viện tuyến thấp hơn.

Dữ liệu từ Bệnh viện Việt Đức năm 2021, khi khảo sát trên 200 ca chấn thương sọ não, tỷ lệ tử vong khoa cấp cứu là 24,5%. Đối với ngưng tim ngoại viện, chỉ có 0,9% còn sống với chức năng thần kinh tốt. Đây thực sự là những con số đáng báo động.

Về lý do ngừng tim khi tiếp nhận cấp cứu, có 6 lý do chính là: xuất huyết không kiểm soát, đường thở không đảm bảo, tràn khí màng phổi áp lực, chấn thương sọ não nghiêm trọng, bồi hoàn dung dịch tinh thể lớn và tăng kali máu không kiểm soát.

ThS.BS Nguyễn Vinh Anh - Bộ môn Hồi sức cấp cứu - Chống độc, Đại học Y dược TP.HCM

ThS.BS Nguyễn Vinh Anh nhận định: “Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có hệ thống điều phối, quản lý các trường hợp chấn thương cấp cứu như các nước bạn. Quyết định đến bệnh viện nào, nhập viện lúc nào hoàn toàn tùy thuộc vào người nhà hoặc bản thân bệnh nhân”.

Trong cấp cứu chấn thương có những thời điểm “vàng” liên quan trực tiếp đến sống còn của bệnh nhân. Có đến 42,3% trường hợp được bù dịch không đủ. Con số này phần nào phản ánh toàn cảnh bức tranh cấp cứu trước viện ở Việt Nam.

Liên quan đến đội ngũ chấn thương, theo tình hình thực tế ở Việt Nam, ở khoa cấp cứu tuyến tỉnh, đa phần là các bác sĩ đa chuyên ngành. Ở khoa cấp cứu tuyến trung tâm, các ca cấp cứu được xử trí bởi bác sĩ cấp cứu. “Chúng ta không có chuyên khoa chấn thương. Nhiều bệnh nhân được phẫu thuật bởi các bác sĩ chưa được đào tạo chuyên về chấn thương” - ThS.BS Nguyễn Vinh Anh nói.

ThS.BS Nguyễn Vinh Anh nhận xét: “Việc thu thập và truy cập dữ liệu về bệnh nhân cấp cứu do chấn thương vẫn còn nhiêu hạn chế. Thông qua những dữ liệu này có thể hiểu được bức tranh toàn cảnh về cấp cứu chấn thương tại Việt Nam từ đó có phương pháp chữa trị tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Xây dựng hệ thống chăm sóc chấn thương tại Việt Nam cần sự phối hợp từ nhiều nguồn lực

Đem đến góc nhìn toàn diện về “Xây dựng hệ thống chăm sóc cấp cứu chấn thương tại Việt Nam”, ThS.BS Lê Bảo Huy - Trưởng phòng Đào tạo Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, Chủ tịch PATOS Việt Nam đề cập: “Tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Mỗi ngày có khoảng 3.600 nạn nhân nhập viện do chấn thương và 90 người tử vong, 1/3 trong số đó là do tai nạn giao thông”.

ThS.BS Lê Bảo Huy nêu thực trạng cơ sở y tế phân bố không đồng đều tại các địa phương. Trong hệ thống y tế Việt Nam hiện nay có 4 cấp bậc: Bệnh viện tuyến trung ương (47 bệnh viện), bệnh viện tỉnh (419 bệnh viện), bệnh viện quận (684 bệnh viện) và cuối cùng là trạm y tế. Đa phần bệnh viện lớn tập trung tại các thành phố, trong khi ở nông thôn thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực.

Việt Nam thường xuyên có tai nạn dẫn đến chấn thương nhưng lại thiếu trung tâm cấp cứu chấn thương đặc thù. Chỉ có 1 - 2 cơ sở cấp cứu chấn thương hạng 1 được đặt ở các thành phố lớn. Điều này khiến một lượng lớn bệnh nhân đổ về các bệnh viện hạng 1 trong khi mức độ chấn thương chưa đủ nghiêm trọng, tạo áp lực lớn cho bệnh viện tuyến đầu.

Để giải quyết tình trạng này, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều trạm vệ tinh cấp cứu 115 và tăng cường đội ngũ cấp cứu ngoại viện. Ghi nhận gần đây cho thấy có khoảng 20% các ca cấp cứu được đưa vào từ đội cấp cứu ngoại viện. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Về cơ sở vật chất, tỷ lệ số lượng xe cấp cứu trên 100.000 dân ở Hà Nội chỉ có 0,2 và TPHCM là 0,25, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực châu Á như Seoul (1,2), Kuala Lumpur (0,6)...

Để xây dựng hệ thống cấp cứu chấn thương trên toàn quốc, vai trò của các bác sĩ cấp cứu là rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó cần có sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo. Thông qua hội nghị này, chúng tôi hy vọng có sự tham gia từ nhiều nguồn lực khác nhau” - Chủ tịch PATOS Việt Nam nhấn mạnh.

ThS.BS Lê Bảo Huy - Trưởng phòng Đào tạo Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, Chủ tịch PATOS Việt Nam

Theo chuyên gia, việc cần thiết hiện nay là thành lập hệ thống cấp cứu chấn thương toàn quốc để đảm bảo tiêu chuẩn dữ liệu cũng như có nguồn tài chính phù hợp và giảm bớt các rào cản pháp lý. Quân y có nguồn lực dồi dào, thường xuyên được huấn luyện. Quan hệ quân dân thắm thiết là nền tảng để phối hợp, chia sẻ cơ sở hạ tầng nghiên cứu, dữ liệu và phương pháp huấn luyện.

“Xây dựng hệ thống cấp cứu chấn thương tại Việt Nam còn nhiều thách thức, vẫn đang trong quá trình xây dựng và hội nhập. Một lần nữa tôi nhấn mạnh vai trò của các cấp quản lý. Sự giám sát và chỉ đạo của chính phủ có thể giúp tối ưu hóa nguồn lực, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo và huấn luyện, thúc đẩy họp tác quốc thế trong quá trình xây dựng một trung tâm điều phối chăm sóc chấn thương” - ThS.BS Lê Bảo Huy - Trưởng phòng Đào tạo Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, Chủ tịch PATOS Việt Nam tổng kết.

Hội thảo nghiên cứu chấn thương khu vực châu Á (PATOS) và chấn thương sọ não (TBI)lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, diễn ra trong 2 ngày (11 và 12/4/2024) tại Bệnh viện Thống Nhất, quy tụ hơn 250 bác sĩ đến từ 65 bệnh viện trên cả nước, cùng giảng viên và sinh viên từ 5 trường đại học có đào tạo ngành y.

Trong đó, ngày đầu tiên, chương trình hội thảo hoạt động sôi nổi với 4 chuyên đề, đem đến 14 bài báo cáo được trình bày bởi các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm về lĩnh vực này tại Việt Nam, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Ngày thứ hai của hội nghị hứa hẹn đầy màu sắc với workshop chủ đề “Sự xuất sắc của Châu Á trong chăm sóc chấn thương trước viện (Asian EPIC) trong chấn thương sọ não”. Thông qua chương trình này giúp những người tham gia có thể hiểu và thực hiện 8 khía cạnh liên quan đến việc việc chăm sóc chấn thương sọ não (TBI) trước viện cho người lớn và trẻ em.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X