Lần đầu tiên hội nghị Nghiên cứu Chấn thương khu vực châu Á và Chấn thương sọ não tổ chức tại Việt Nam
Diễn đàn uy tín về cấp cứu chấn thương nói chung và chấn thương sọ não nói riêng lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, đón nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước làm chủ tọa và báo cáo khoa học.
“Hội thảo nghiên cứu chấn thương khu vực châu Á (PATOS) và chấn thương sọ não (TBI)” diễn ra trong 2 ngày (11 và 12/4/2024) tại Bệnh viện Thống Nhất, quy tụ hơn 250 bác sĩ đến từ 65 bệnh viện trên cả nước, cùng giảng viên và sinh viên từ 5 trường đại học có đào tạo ngành y. Điều này cho thấy sự quan tâm của các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương, từ các viện thực hành đến các cơ sở đào tạo ngành y trên cả nước đối với lĩnh vực cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu chấn thương.
Trong đó, ngày đầu tiên, chương trình hội thảo hoạt động sôi nổi với 4 chuyên đề, đem đến 14 bài báo cáo được trình bày bởi các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm về lĩnh vực này tại Việt Nam, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Nội dung Phiên 1 tập trung bàn luận Nghiên cứu về chấn thương và đăng nhập vào hệ thống nghiên cứu chấn thương. Phiên 2 đề cập đến Khái niệm phát triển hệ thống chăm sóc chấn thương. Phiên 3 mang đến góc nhìn toàn diện về Chuẩn mực và hệ thống chấn thương các nước trên thế giới. Cuối cùng Phiên 4 chia sẻ về Xây dựng hệ thống chăm sóc chấn thương và Mạng lưới nghiên cứu lâm sàng Việt Nam.
Ngày thứ hai của hội nghị hứa hẹn đầy màu sắc với workshop chủ đề “Sự xuất sắc của Châu Á trong chăm sóc chấn thương trước viện (Asian EPIC) trong chấn thương sọ não”. Thông qua chương trình này giúp những người tham gia có thể hiểu và thực hiện 8 khía cạnh liên quan đến việc việc chăm sóc chấn thương sọ não (TBI) trước viện cho người lớn và trẻ em bao gồm: dịch tễ học, sinh lý bệnh, mục tiêu quản lý trước viện, thực hành quản lý đường thở trước viện, thực hành quản lý tình trạng thiếu oxy trước viện, thực hành thông khí trước viện, thực hành quản lý huyết áp trước viện và quản lý nhóm chuyên khoa của TBI.
ThS.BS Lê Bảo Huy - Chủ tịch PATOS Việt Nam - Trưởng phòng Đào tạo Bệnh viện Thống Nhất nhìn nhận, hội nghị mang đến nhiều kiến thức mới về các nghiên cứu về chấn thương và xây dựng hệ thống chăm sóc chấn thương các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích chính là nghiên cứu, cập nhật thông tin mới nhất, kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cấp cứu chấn thương trong khu vực châu Á và cũng là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về gánh nặng chấn thương hiện nay ở Việt Nam. Đồng thời, qua đó sẽ cập nhật nghiên cứu chấn thương về phòng ngừa, điều trị và kết quả cũng như tập trung vào nghiên cứu về cách cứu chữa và kỹ năng xử lý cấp cứu chấn thương sọ não (TBI)” - ThS.BS Lê Bảo Huy cho biết.
Tại hội nghị, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nhấn mạnh, hiện nay ngành y tế đã nhận thấy tầm quan trọng và chú trọng hơn đến lĩnh vực cấp cứu ban đầu nhưng vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm về đào tạo, thực hành cũng như nghiên cứu lĩnh vực này.
“Nghiên cứu về kết cục của cấp cứu chấn thương khu vực châu Á đã triển khai hơn 10 năm do đơn vị nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc mà giáo sư Sang Do Shin làm chủ nhiệm đã triển khai đến pha 3 với sự tham gia của hơn 12 nước châu Á đã đạt nhiều kết quả hữu ích trên toàn diện, góp phần xây dựng chiến lược chăm sóc cấp cứu chấn thương nhằm cải thiện kết cục của bệnh nhân chấn thương.
Từ năm 2015, Bệnh viện Thống Nhất tham gia mạng lưới nghiên cứu này và trở thành đơn vị nghiên cứu chính tại Việt Nam với 28.641 ca trên tổng số 32.406 ca trong cả nước” - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ thông tin.
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh bày tỏ sự trân trọng trước những hỗ trợ từ Tổ chức PATOS trong việc cử các bác sĩ tham gia báo cáo tại Hội nghị PATOS hằng năm, cũng như đào tạo chuyên sâu, dài hạn lĩnh vực này. Những kiến thức mà bác sĩ học được đã góp phần cải thiện chăm sóc chấn thương.
“Chúng tôi hy vọng hội thảo lần này sẽ lan tỏa, phát triển mạng lưới nghiên cứu về lĩnh vực cấp cứu chấn thương nói riêng và nghiên cứu về các lĩnh vực khoa học nói chung. Việc nghiên cứu sử dụng dữ liệu PATOS sẽ góp phần to lớn cho cơ sở dữ liệu nhằm hoạch định chiến lược và thúc đẩy hệ thống chăm sóc, cấp cứu chấn thương tại Việt Nam có thể hiệu quả và phát triển tốt hơn nữa” - PGS.TS.BS Lê Đình Thanh bày tỏ.
GS.TS.BS Sang Do Shin - Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Chủ tịch PATOS CRN cho biết hội thảo là cơ hội thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa hai nước, là cơ hội để cung cấp y bác sĩ công tác tại khoa cấp cứu trong bệnh viện và nhân viên cấp cứu ngoại viện.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình