Bé 9 tháng tuổi mất nước nặng và rối loạn ý thức vì uống oresol pha quá đặc
Thời gian gần đây, tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trẻ vào cấp cứu do tiêu chảy cấp. Điển hình là bé trai 9 tháng tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng mất nước nặng và rối loạn ý thức.
Trước đó, trẻ được chẩn đoán mắc tiêu chảy cấp và được chỉ định điều trị tại nhà. Tuy nhiên, gia đình đã pha Oresol không đúng tỷ lệ (chỉ sử dụng nửa gói Oresol với 70ml nước thay vì pha thuốc với 200ml nước đun sôi để nguội như hướng dẫn).
Trẻ vào khoa Cấp cứu và Chống độc trong trạng thái li bì, rối loạn ý thức. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao).
Ngay lập tức trẻ được các bác sĩ điều trị bù dịch và điều chỉnh rối loạn điện giải. Ngày 27/12, sau hơn 1 tuần điều trị theo phác đồ, sức khỏe của bé ổn định, được ra viện.
BS.CK2 Nguyên Tân Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng hơn 3 lần/ngày. Đây là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển.
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường do virus như Rotavirus, Enterovirus, Norovirus, Adenovirus,… Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: vi khuẩn, ký sinh trùng, vệ sinh kém, ăn các thức ăn thức ăn không bảo đảm, do dùng thuốc hoặc dị ứng,…
Triệu chứng nổi bật của bệnh là tình trạng mất nước, mỗi trẻ có với các dấu hiệu khác nhau như: khát nước, nôn, đi ngoài, môi khô, mắt trũng, sụt cân, tùy theo các mức độ. Trong tình trạng nặng có thể gây rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích, nhiễm khuẩn,… thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong.
Cách phòng ngừa tiêu chảy cấp cho trẻ
- Cho trẻ bú mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu sau sinh.
- Luôn cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, không kiêng khem quá mức.
- Rửa tay cho trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng trước ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sạch, không phóng uế bừa bãi, rác thải để đúng nơi quy định.
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ; cho trẻ uống một số vắc xin như rotavirus, tả.
Theo các bác sĩ, đối với trẻ em không phải trường hợp tiêu chảy nào cũng phải nhập viện, với trẻ ở mức độ nhẹ, gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: trẻ sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, trẻ nôn và đi ngoài nhiều lần trong ngày hoặc có biểu hiện khát nước, ăn uống kém, bỏ bú, phân có máu, bụng chướng, quấy khóc,… cha mẹ cần cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình