Hotline 24/7
08983-08983

Việt Nam: Cứ 5 người rung nhĩ sẽ có 1 người rối loạn chức năng thận

Đây là một trong những thông tin mà PGS.TS.BS Hồ Huỳnh Quang Trí - Viện Tim TPHCM - Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TPHCM đã đề cập đến trong bài báo cáo tại phiên 2 của Hội nghị Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành lần thứ 6 (tổ chức tại Cần Thơ).

Stent ra đời để điều trị cho những trường hợp nội khoa không hiệu quả

Tập trung vào vấn đề “Điều trị hẹp động mạch nội sọ (ICAD) cân bằng giữa nội khoa và stenting”, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: “Hẹp động mạch nội sọ là một trong những vấn đề lớn ở Việt Nam, cũng như các nước châu Á. Theo thống kê ở châu Âu, tỷ lệ hẹp động mạch nội sọ hoặc các bệnh lý tổn thương nội sọ chỉ 8 - 10%, còn Việt Nam các trường hợp điều trị đột quỵ thiếu máu não liên quan đến các bệnh lý mạch máu của hệ thần kinh chiếm đến 50%”.

Nếu loại trừ những nguyên nhân về tim mạch như rung nhĩ, đa hồng cầu, các vấn đề liên quan đến hình thành mảng xơ vữa thì hẹp động mạch nội sọ là một vấn đề rất lớn trong việc chẩn đoán nguyên nhân và điều trị đột quỵ.

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Theo chuyên gia, Aspirin làm giảm khoảng 60% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tái phát trong 6 tuần, lợi ích lớn nhất được ghi nhận ở những bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ nhẹ. Phòng ngừa thứ phát dài hạn sau TIA và đột quỵ thiếu máu, Aspirin không có tác dụng đáng kể đối với nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của đột quỵ thiếu máu sau 12 tuần.

Có rất nhiều nghiên cứu đã công bố về sự phối hợp giữa Clopidogrel với Aspirin sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ nhồi máu não tái phát, cũng như giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân.

“Kháng kết tập tiểu cầu kép, cũng như tất cả các thuốc kháng kết tập tiểu cầu nói chung đều mang đến hiệu quả tích cực cho bệnh nhân. Do đó, chúng ta phải lưu ý trong các phác đồ điều trị luôn luôn phải sử dụng kháng kết tập tiểu cầu” - TS.BS Trần Chí Cường nhận định.

Với một liệu trình kháng kết tập tiểu cầu có tái phát, nếu không hiệu quả với những thuốc đầu tay là Clopidogrel và Aspirin thì phải cho bệnh nhân xét nghiệm CYP2C19, tuy nhiên rất ít bệnh viện triển khai xét nghiệm này. Do đó, TS.BS Trần Chí Cường đề nghị nên thực hiện thêm xét nghiệm CYP2C19 nếu điều trị nội khoa bằng các kháng kết tập tiểu cầu thông thường không hiệu quả.

Hội nghị thu hút hơn 200 lãnh đạo, báo cáo viên, y bác sĩ đến từ các bệnh viện trong và ngoài nước

Theo những con số cộng gộp, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân hẹp nội sọ vẫn phải chấp nhận tỷ lệ từ 14 - 20% bệnh nhân hẹp nặng động mạch nội sọ có tỷ lệ đột quỵ tái phát trong 1 năm. Chính vì vậy, stent đã ra đời để điều trị cho những trường hợp nội khoa không hiệu quả, với điều kiện là mạch máu lớn hơn 2mm.

Trong trường hợp tại phòng DSA nếu hút huyết khối, kéo huyết khối, nong bóng,... mà vẫn không hiệu quả thì vẫn còn “cứu cánh” là Rescue Stenting. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã thực hành giống như các nước trên thế giới là điều trị stent cấp cứu trong giai đoạn nhồi máu não cấp tái thông thất bại. Với sự phối hợp này có thể nâng cao tỷ lệ thành công của tái thông mạch máu não lên đến 95%.

TS.BS Trần Chí Cường kết luận: “Với bệnh lý hẹp mạch nội sọ (ICAD), điều trị bằng thuốc vẫn là lựa chọn hàng đầu, tối ưu nội khoa bên cạnh vấn đề kiểm soát yếu tố nguy cơ như tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu,… Đáng lưu ý, phải theo dõi bệnh nhân thật kỹ nếu một liệu trình điều trị sau 3 tháng không hiệu quả cần đánh giá lại vấn đề kháng Clopidogrel. Đối với trường hợp điều trị đột quỵ tái phát lần 2, các mạch máu lớn là nguyên nhân thì có thể xem xét chỉ định đặt stent. Hy vọng trong tương lai các nước châu Á sẽ cho thế giới thấy rằng đây là bệnh lý có thể kiểm soát tốt”.

Tại Việt Nam cứ 5 người rung nhĩ sẽ có 1 người rối loạn chức năng thận

PGS.TS.BS Hồ Huỳnh Quang Trí - Viện Tim TPHCM - Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TPHCM đã cập nhật các kiến thức hữu ích xoay quanh vấn đề “Kháng đông trên bệnh nhân rung nhĩ kèm suy thận: Không chỉ là dự phòng đột quỵ”.

Theo dữ liệu Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ (AF) chỉ khoảng 1% dân số chung. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân này có rất nhiều bệnh đồng mắc, cụ thể: 56,9 - 80,2% bệnh nhân có tăng huyết áp; khoảng 30% có bệnh mạch vành; tùy nghiên cứu, tỷ lệ đái tháo đường dao động từ 15 - 44%; đáng lưu ý, 22,2% có rối loạn chức năng thận ở các mức độ khác nhau.

Như vậy, tại Việt Nam cứ 5 người rung nhĩ sẽ có 1 người rối loạn chức năng thận, trên thế giới tỷ lệ này còn cao hơn. Theo các nghiên cứu nước ngoài thấy rằng, 64% bệnh nhân rung nhĩ có rối loạn chức năng thận (định nghĩa là khi lọc cầu thận ước tính dưới 60). Ở người bệnh rung nhĩ việc rối loạn chức năng thận có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ, xuất huyết, cũng như tử vong.

PGS.TS.BS Hồ Huỳnh Quang Trí - Viện Tim TPHCM - Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Dược TPHCM

Chuyên gia lưu ý: “Khi sử dụng NOAC mặc dù không phải theo dõi xét nghiệm đông máu INR nhưng điều đó không có nghĩa là dùng thuốc mà không cần theo dõi bệnh nhân. Phải theo dõi sát chức năng thận ở những bệnh nhân sử dụng NOAC. Cảnh giác với tổn thương thận cấp liên quan kháng đông, đặc biệt ở những bệnh nhân sử dụng kháng vitamin K. Bên cạnh đó, cần hẹn bệnh nhân tái khám thường xuyên và phát hiện các yếu tố nguy cơ tim mạch, bệnh đồng mắc mới xuất hiện. Cần đánh giá định kỳ các yếu tố nguy cơ xuất huyết”.

Khuyến cáo 2023 của Mỹ cho thấy, bệnh nhân sử dụng NOAC nên được đánh giá chức năng thận định kỳ. Nếu CrCl > 60ml/phút thì đánh giá mỗi 6 tháng; CrCl 30 - 60ml/phút cần đánh giá mỗi 3 tháng; CrCl < 30ml/phút phải đánh giá mỗi 1 - 2 tháng.

Bệnh thận mạn/rối loạn chức năng thận thường gặp ở bệnh nhân rung nhĩ. Bên cạnh đó, bệnh thận mạn có liên quan với tăng gánh nặng đột quỵ lẫn gánh nặng xuất huyết ở bệnh nhân rung nhĩ.

Kết quả của các nghiên cứu bản lề cho thấy, NOAC vượt trội kháng vitamin K về hiệu quả dự phòng đột quỵ và đồng thời không tăng nguy cơ xuất huyết ở bệnh nhân có rối loạn chức năng thận.

Ở người bệnh rung nhĩ việc rối loạn chức năng thận có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ, xuất huyết, cũng như tử vong

“Bên cạnh ảnh hưởng trên đột quỵ và xuất huyết, cần chú ý đến tác động của thuốc kháng đông trên chức năng thận. Các dữ liệu liên tục được công bố cho thấy Rivaroxaban có ảnh hưởng thuận lợi trên chức năng thận của người bệnh rung nhĩ. Rivaroxaban được các chuyên gia Việt Nam khuyến cáo là một trong những lựa chọn ưu tiên cho người bệnh rung nhĩ có rối loạn chức năng thận” - PGS.TS.BS Hồ Huỳnh Quang Trí nhấn mạnh.

Tiếp nối là bài báo cáo “Tỷ lệ và đặc điểm phình mạch não chưa vỡ trong cộng đồng phát hiện bằng MRI 3T Lumina tại S.I.S Cần Thơ” của BS Nguyễn Dương Quốc Anh - Bệnh viện S.I.S Cần Thơ. Qua nghiên cứu, BS cho biết tỷ lệ phình động mạch não trong cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửa Long khá cao (khoảng 8%), hầu hết nằm ở vị trí động mạch cảnh trong. Bệnh nhân có thành viên trực hệ mắc phình động mạch não hoặc nữ giới, người càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc phình động mạch não sẽ càng cao.

BS Nguyễn Dương Quốc Anh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Tiếp nối là bài báo cáo “Tỷ lệ và đặc điểm phình mạch não chưa vỡ trong cộng đồng phát hiện bằng MRI 3T Lumina tại S.I.S Cần Thơ” của BS Nguyễn Dương Quốc Anh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Qua nghiên cứu, BS cho biết tỷ lệ phình động mạch não trong cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửa Long khá cao (khoảng 8%), hầu hết nằm ở vị trí động mạch cảnh trong. Bệnh nhân có thành viên trực hệ mắc phình động mạch não hoặc nữ giới, người càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc phình động mạch não sẽ càng cao.

ThS.BS Nguyễn Trân Trân - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Với bài báo cáo “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, đặc điểm hẹp tắc mạch máu não và đa hình gen CYP2C19*2, CYP2C19*3 ở bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ”, ThS.BS Nguyễn Trân Trân - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ kiến nghị, cần có nghiên cứu lớn hơn, nghiên cứu hồi cứu, can thiệp và theo dõi kết quả điều trị trên bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xét nghiệm đa hình gen CYP2C19*2, CYP2C19*3 trước khi sử dụng Clopidogrel.

BS.CK2 Huỳnh Quốc Sỹ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Tập trung vào vấn đề “Kết quả điều trị nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết tại S.I.S cần thơ”, BS.CK2 Huỳnh Quốc Sỹ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, điều trị tiêu sợi huyết (rTPA) liều thấp ở bệnh nhân nhồi máu não không tắc mạch lớn là hiệu quả và an toàn. MRI 3T khảo sát não giúp phát hiện các vi xuất huyết, tổn tương não khác tốt giúp hạn chế các biến chứng điều trị rTPA. Bệnh nhân nhồi máu não cấp không tắc mạch lớn điều trị rTPA liều thấp thì tuổi, NIHSS, GSC; tình trạng chuyển dạng xuất huyết, nhồi máu não tiến triển là yếu tố tiên lượng cho khả năng hồi phục sau 90 ngày.

>>> Hội nghị Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành lần thứ 6

>>> Phải có đơn vị đột quỵ, điều trị dự phòng tái phát mới đạt hiệu quả

>>> Liệu pháp SGLT2i giúp bệnh nhân đái tháo đường type 2 mới mắc ngăn chặn biến chứng suy tim, suy thận

>>> Bệnh nhân nhồi máu cơ tim chụp mạch vành không thấy tắc nghẽn, không phải vào nhầm khoa

Hội nghị Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ (Stroke Intervention School) lần thứ 6 do Liên Chi hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cùng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức với chủ đề “Cập nhật Chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành”.

Chương trình diễn ra trong 3 ngày (13 - 15/6/2024) thu hút hơn 200 lãnh đạo, báo cáo viên, y bác sĩ đến từ các bệnh viện trong và ngoài nước. Hội nghị bao gồm 16 phiên hội thảo chính với 55 bài báo cáo được chọn lọc kỹ lưỡng từ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế được báo cáo bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Thông qua đó, cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn hữu ích cho các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, ngoại thần kinh, chẩn đoán hình ảnh và cấp cứu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X