Viêm tai giữa ở trẻ- Không thể coi thường
Mấy ngày nay, khoa TMH lúc nào cũng đông kín. Chỉ sang chồng hồ sơ BS Nguyễn Hoài An, cho biết, phần lớn trẻ nhập viện đều ở tình trạng nặng, phải cấp cứu.
Bệnh nặng vì… thuốc
Cách đây ít phút, BS An vừa tiến hành nạo VA, đặt ống thông khí hai bên tai cho hai bệnh nhân Nguyễn Ngọc Khởi (10 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) và bé Trần Minh Lộc (8 tuổi, Vĩnh Hồ, Hà Nội) đều nhập viện trong tình trạng viêm tai giữa cấp tái phát hai bên.
Hay như trường hợp bé Văn Thanh, 9 tuổi ở Mỹ Đình, Hà Nội nhập viện với lý do viêm tai xương chũm cấp hai bên, biến chứng liệt mặt ngoại biên trái, phải nhập viện để mổ cấp cứu xương chũm trái và đặt ống thông khí hai bên.
Theo BS An, ít phụ huynh biết rằng, viêm tai giữa là hậu quả của bệnh viêm đường hô hấp trên. Bệnh thường xuất hiện sau vài ngày có viêm mũi họng, bệnh nhân có sốt, ho, chảy mũi, có thể bị tiêu chảy và đau tai (đây là một trong những triệu chứng quan trọng của bệnh viêm tai giữa).
Nhiều trường hợp, cha mẹ tự ý mua thuốc theo lời mách bảo, theo thói quen... về tự chữa cho con. Kết cục là trẻ bị càng nặng hơn và khi đưa đi cấp cứu hầu như phải chỉ định mổ.
Khi thấy con em mình bị chảy mủ tai, nhiều cha mẹ đã dùng ôxy già nhỏ. Đây là một sai lầm nghiêm trọng trong việc điều trị tai, bởi khi nhỏ ôxy già vào tai, khả năng hút sạch nước trong tai là rất khó. Ôxy già đọng lại trong tai sẽ gây kích ứng, phù nề niêm mạc, hòm nhĩ (trong trường hợp thủng màng nhĩ), da ống tai.
Với trẻ em, đặc biệt là dưới 2 tuổi, việc sử dụng thuốc nhỏ tai không đúng chỉ định sẽ để lại hậu quả nặng nề là nhiễm độc tai trong, gây điếc không hồi phục. Nhiều trường hợp, trẻ điếc ở tuổi chưa tập nói, sẽ bị câm.
Đặc biệt, quan niệm của nhiều phụ huynh cho rằng cứ viêm tai giữa là dùng kháng sinh toàn thân hoặc nhỏ tai. BS An khẳng định: Đấy là sai lầm bởi đã có nhiều trẻ bị ngộ độc tai trong do chích thuốc kháng sinh. Gia đình không hiểu rằng, viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ.
Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh...), làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.
Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII).
Phải điều trị theo đơn
Để tránh mắc viêm tai giữa, nhất là với trẻ em, BS. Nguyễn Hoài An cho rằng, tốt nhất là phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng cách nâng cao thể trạng chung cho trẻ với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, nhờ đó làm tăng sức đề kháng chung của trẻ.
Khi thời tiết giao mùa sẽ gia tăng trẻ mắc bệnh đường hô hấp, vì thế cần giữ ấm cho trẻ, tránh gió lùa, bảo vệ đường mũi họng cho trẻ. Ngoài ra, nên vệ sinh hàng ngày cho trẻ bằng cách nhỏ dung dịch muối biển hoặc nước muối sinh lý nhằm làm sạch những bụi bẩn trên đường hô hấp, đặc biệt trong những đợt có dịch đường hô hấp trên. Việc này sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp trên.
"Khi thời tiết bắt đầu nóng nực thì trẻ em càng có nhu cầu được bơi lội nhiều trong các bể bơi. Do tiếp xúc với nguồn nước không được sạch sẽ tại các bể bơi này cũng là nguy cơ gia tăng trẻ bị mắc bệnh về tai"- BS An cảnh báo. |
Tuy nhiên, khi thấy con có biểu hiện của bệnh thì phải điều trị theo đơn của bác sĩ và chỉ dùng hạ sốt, giảm đau nếu trẻ bị sốt trên 38 độ C. Tùy giai đoạn của viêm tai giữa, người ta có thể dùng các thuốc nhỏ tai khác nhau. Khi màng tai chưa thủng, trẻ đau tai rất nhiều nên phụ huynh có thể xịt thuốc để giúp trẻ đỡ đau.
Khi tai đã có mủ, lúc đó cần dùng thêm các dung dịch kháng sinh, corticoid tại chỗ sẽ cho hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên không phải kháng sinh nào cũng dùng để nhỏ tai được, có một số loại kháng sinh có thể gây ngộ độc tai trong dẫn tới điếc nặng. Bởi vậy các bậc cha mẹ không nên tự ý mua thuốc về cho con dùng khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
Đặc biệt, khi tai chảy mủ, không được dùng các dạng thuốc viên nghiền ra để thổi vào trong tai, vì chúng chứa tá dược không tan trong nước, không bị hấp thu, gây bít tắc đường dẫn ra của dịch. Dịch sẽ đọng lại trong tai giữa và gây biến chứng ngược vào trong như viêm xương chũm, viêm màng não, viêm mê nhĩ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình