Hotline 24/7
08983-08983

Viêm mũi dị ứng - vấn đề gây “nghẹt thở” mỗi khi giao mùa

Mỗi khi giao mùa ghé thăm, mũi của bạn lại “đông cứng” vì nghẹt, chảy nước mũi, gây ngứa và hắt hơi tràng dài. “Thủ phạm” gây ra tình trạng này có thể là viêm mũi dị ứng.

1. Vì sao viêm mũi dị ứng dai dẳng, hay tái phát?

Nếu người bệnh cơ xương khớp được ví như “cỗ máy” dự báo thời tiết, thì với người viêm mũi dị ứng cũng không kém cạnh, khi tình trạng nhảy mũi, hắt hơi diễn ra liên tục, báo hiệu một mùa mới lại đến.

Nếu bạn bị viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch phản ứng một cách thái quá đối với một số chất thông thường (gọi là dị nguyên), cơ thể lập tức sẽ xảy ra hiện tượng phản ứng dị ứng. Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc phải viêm mũi dị ứng. Tình trạng này có thể xảy ra theo mùa, nhất là vào các thời điểm thời tiết thay đổi hoặc cũng thể xảy ra quanh năm.

Trong đó, viêm mũi dị ứng theo mùa là tùy thuộc vào thời tiết từng mùa xuất hiện các loại dị nguyên trong gió như phấn hoa, nấm mốc phát triển gây bệnh. Viêm mũi dị ứng quanh năm tức là mùa nào cũng có thể bị viêm mũi dị ứng do có liên quan đến một số dị ứng nguyên phổ biến nhất là con mạt nhà, bụi, lông súc vật nuôi trong nhà nhất là lông của mèo, chó, một số mỹ phẩm, sơn, …

Một số dị nguyên đưa đến viêm mũi dị ứng

Thực tế, viêm mũi dị ứng đang ngày càng phổ biến, chiếm 10-15% dân số, do mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, tác động của công nghiệp hóa ồ ạt. Cho đến nay, các chuyên gia đánh giá, viêm mũi dị ứng là thách thức của y học vì liên quan đến di truyền miễn dịch, gen - những vấn đề mà y học hiện đại vẫn chưa có giải pháp toàn diện để sửa chữa cho một cá thể hết cơ địa dị ứng.

Câu nói “lai nhai như tai mũi họng” là để nói những căn bệnh như viêm mũi dị ứng thường xuyên tái phát, với những người nhạy cảm, chỉ cần một yếu tố tác động sẽ như “cò súng” có thể bật dị ứng bất kỳ lúc nào. Đây là bản chất của dị ứng, dai dẳng suốt đời” - chuyên gia nói.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gia tăng gánh nặng chi phí cho người bệnh. Theo một thống kê, bệnh nhân viêm mũi dị ứng có mức tăng gấp đôi chi phí thuốc và gấp 1,8 lần số lần khám sức khỏe so với các bệnh nhân khác.

Bên cạnh đó, người bệnh còn đối diện với nhiều biến chứng như viêm xoang cấp và mạn tính, viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa và liên quan mật thiết với bệnh hen suyễn. Đặc biệt, nghẹt mũi - triệu chứng nổi bật nhất ở bệnh viêm mũi dị ứng có liên quan đến rối loạn giấc ngủ, một tình trạng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần, như trầm cảm, lo lắng và lạm dụng rượu.

2. Cũng nghẹt mũi, hắt hơi: Làm sao nhận diện viêm mũi dị ứng và viêm xoang?

Hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi… là những triệu chứng của viêm mũi dị ứng (Ảnh minh họa)

Triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là cơn nhảy mũi, hắt hơi hàng tràng, mắt đỏ và ngứa, khô họng, ngạt mũi, chảy mũi nước trong, thường kèm theo những bệnh như hen phế quản, viêm kết mạc mắt do dị ứng, polyp mũi,…

Số cơn xuất hiện trong ngày tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Bệnh có thể nhẹ hay nặng, cách hồi hay dai dẳng, mức độ nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày nhưng mức độ nặng - dai dẳng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động, học tập, gây rối loạn giấc ngủ dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Những triệu chứng này khiến người bệnh rất dễ nhầm với viêm xoang. Tuy nhiên, về bản chất bệnh, viêm mũi dị ứng mang tính cơ địa và có yếu tố di truyền, trong khi đó viêm xoang có bệnh sinh do nhiễm siêu vi, vi trùng và rối loạn các chức năng sinh lý bình thường của mũi xoang như giảm độ thông thoáng lỗ thông xoang, rối loạn chức năng lông chuyển hay chất lượng của sự chế tiết nhầy.

Hơn nữa, mặc dù hai bệnh này đều có chung 2 triệu chứng giống nhau là gây chảy mũi và nghẹt mũi, song vẫn có sự khác biệt dựa trên các biểu hiện khác nhau. Trong khi người bệnh viêm mũi dị ứng thường xuyên hắt hơi, ngứa mũi liên tục không kiểm soát được, chảy nước mũi loãng, trong suốt không mùi thì triệu chứng thường nhất của viêm xoang lại là đau vùng mặt kèm theo chảy dịch mũi màu vàng xanh, đặc quánh và tràn xuống họng, gây giảm khứu giác, ngửi kém.

Ngoài ra, viêm mũi dị ứng thường gây ngứa họng, ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt kèm theo ngứa tai, còn viêm xoang thể khiến người bệnh đau đầu, đau tai, buốt vùng mũi, ho héo dài, hơi thở có mùi hôi.

3. Để viêm mũi dị ứng không còn là nỗi ám ảnh khi giao mùa

Viêm mũi dị ứng rất hay tái phát, cách tốt nhất để ngăn ngừa điều này là tránh tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các chất gây dị ứng không phải lúc nào cũng dễ phát hiện và có thể sản sinh ngay cả trong ngôi nhà sạch sẽ nhất.

Vì vậy, việc điều trị viêm mũi dị ứng đóng vai trò quan trọng, làm gia tăng chất lượng sống. Các loại thuốc thường được sử dụng điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm antihistamine, thuốc chống xung huyết, corticoid, thuốc làm bền tế bào mast, anti-cholinergic, kháng leukotriene và điều trị miễn dịch.

Điều trị viêm mũi dị ứng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Nếu viêm mũi dị ứng nhẹ, người bệnh thường có thể tự điều trị bằng các thuốc OTC (thuốc không kê đơn) với sự tư vấn của dược sĩ. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cần tới bác sĩ để được khám bệnh trực tiếp.

Corticoid dạng xịt chứa Budesonide có thể mua tại các nhà thuốc, được ưa dùng nhờ hiệu quả, khá an toàn, dung nạp tốt, ít tác dụng phụ hơn so với corticoid dạng uống (Ảnh minh họa)

Hầu hết các trường hợp, điều trị nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng như hắt hơi, nghẹt mũi, hoặc chảy nước mũi. Trong đó, nhóm thuốc corticoid thường được lựa chọn sử dụng, với 2 dạng chính là uống và xịt, dạng tiêm chủ yếu dùng ở bệnh viện.

So với dạng uống thì corticoid dạng xịt ưa chuộng hơn cả, được xem là phương pháp điều trị các thể của viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất, giúp giảm hầu hết các triệu chứng như nghẹt mũi, ngứa niêm mạc mũi… Hơn nữa, do tác dụng chủ yếu tại mũi, ít bị hấp thụ vào máu nên hạn chế các tác dụng phụ thường gặp ở corticoid dạng uống như cao huyết áp, tăng đường huyết, tăng nguy cơ đái thái đường, loãng xương, loét dạ dày,…

BS khuyến cáo, ngày nay, corticoid có rất nhiều loại, trong đó khi lựa chọn nên ưu tiên sử dụng loại sinh khả dụng toàn thân thấp nhất, khả năng hấp thu vào máu ít, chỉ tác dụng tại chỗ ngay tại mũi, như vậy sẽ hạn chế ít tác dụng phụ, chẳng hạn như corticoid dạng xịt chứa Budesonide.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, để viêm mũi dị ứng không còn là nỗi ám ảnh khi giao mùa ghé thăm, người bệnh nên giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm ướt; vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm. Lưu ý, không để vật nuôi vào phòng ngủ.

Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Hạn chế đến mức tối đa hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi. Cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường. Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh cần giữ ấm cơ thể (mặc ấm) nhất là vùng cổ, mũi.

Chương trình này được tài trợ bởi công ty Johnson & Johnson Việt Nam.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X