Hotline 24/7
08983-08983

Viêm kết giác mạc mùa xuân

“Viêm kết giác mạc mùa xuân” thường hay gặp ở bé trai, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thậm chí bội nhiễm nếu không được xử trí đúng.

Chỉ trong vòng 2 tháng, một bé trai 10 tuổi (ở Hà Nội) đã phải khám mắt đến 2 lần vì chứng đau mắt đỏ. Mẹ cháu bày tỏ băn khoăn với bác sĩ: "Lòng trắng mắt bị đỏ và chảy nước mắt. Cháu còn bị ngứa và chói mắt, ảnh hưởng xấu đến học tập".
 
Qua quá trình khám điều trị cho các ca bệnh, BS Hoàng Cương (BV Mắt T.Ư, Hà Nội) cho biết, bệnh nhân bị viêm kết giác mạc mùa xuân. Bệnh phần lớn xảy ra ở nam thiếu niên, có xu hướng tái phát theo chu kỳ xuân - hè, ảnh hưởng rất lớn đến học tập của các cháu, gây phiền muộn cho các bậc phụ huynh. Bệnh có biểu hiện sưng phù mi - kết mạc, ngứa mắt. Bệnh thể khu trú ở kết mạc (lòng trắng) nhưng cũng có các trường hợp có tổn thương ở lòng đen kèm theo viêm, loét và hoại tử.

Viêm kết giác mạc mùa xuân
Bệnh ở mắt cần đi khám, không nên tự ý dùng thuốc - Ảnh: T.Tùng


Theo kinh nghiệm của bác sĩ, khai thác tiền sử bệnh cho thấy đa phần bản thân các cháu hoặc trong gia đình có biểu hiện dị ứng như chàm, hen suyễn... Triệu chứng cơ bản là ngứa khiến các cháu hay day dụi mắt. Điều này liên quan đến biến chứng loét trợt tại lòng đen (giác mạc). Tổn thương giác mạc khiến trẻ sẽ có cảm giác nóng rát, sợ sáng và chảy nước mắt liên tục.

Nguy hiểm nếu tự ý dùng thuốc

Theo bác sĩ, đáng lo ngại là nhiều người cứ đau mắt là ra hiệu thuốc, tìm mua thuốc theo "đơn" của các nhân viên nhà thuốc không có chuyên môn. Tình trạng này khiến cho bệnh có thể nặng lên, bội nhiễm, ảnh hưởng xấu đến thị lực.
 
Tự mua dùng sẽ kèm theo hệ lụy: biến chứng do dùng thuốc kéo dài gây bệnh glôcôm (thiên đầu thống), loét và hoại tử giác mạc do bội nhiễm nấm - vi khuẩn - vi rút herpes, đục thể thủy tinh. Bởi vậy cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị đúng.
 
Có ý kiến cho rằng có thể điều trị viêm kết mạc mùa xuân bằng phương pháp giải mẩn cảm đặc hiệu, nhưng hiệu quả của phương pháp vẫn còn gây tranh cãi bởi có đến vài trăm loại dị nguyên nên việc xác định chính xác loại dị nguyên nào gây bệnh để điều trị giải mẩn cảm là điều không đơn giản. "May thay bệnh có xu hướng thuyên giảm và thường khỏi hẳn trước tuổi 25", bác sĩ Cương cho biết.
 
Hiện tại, việc điều trị có thể bằng áp lạnh, xạ trị liều thấp, phẫu thuật - là những phương pháp có những chỉ định đặc thù; hay điều trị bằng thuốc. Xử trí giảm các triệu chứng khó chịu bằng tự chườm lạnh sẽ làm đa phần bệnh nhân dịu được cơn ngứa, tránh tối đa việc lấy tay day dụi mắt.
 
AloBacsi.vn
Theo Thanh niên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X