Viêm bàng quang kẽ khác thế nào so với viêm bàng quang cấp, viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn?
BS.CK1 Vũ Anh Tuấn cho biết có rất nhiều bệnh nhân đến điều trị bệnh viêm bàng quang kẽ tại phòng khám Niệu nữ Bệnh viện Bình Dân từng điều trị nhiều năm ở các bệnh viện tuyến dưới với chẩn đoán viêm bàng quang cấp, viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn. Vậy phân biệt những bệnh lý này thế nào?
1. Viêm bàng quang kẽ kéo dài ít nhất trên 6 tuần thậm chí vài năm
Thưa bác sĩ, nhiều người hay nghĩ các triệu chứng như đau vùng chậu, đi tiểu nhiều lần, nóng rát khi đi tiểu và sau khi đi khám bệnh thì được bác sĩ xác định là viêm bàng quang kẽ. Như vậy viêm bàng quang kẽ là bệnh gì và có khác các bệnh lý viêm đường tiết niệu như thế nào?
BS.CK1 Vũ Anh Tuấn - Khoa Niệu nữ, Niệu chức năng Bệnh viện Bình Dân trả lời: Viêm bàng quang kẽ là tình trạng viêm cục bộ tại bàng quang liên quan đến tất cả các dây thần kinh hướng tâm (dây thần kinh cảm nhận được cảm giác mắc tiểu, đau từ bàng quang về não bộ). Các dây thần kinh cục bộ tại bàng quang có nhiệm vụ dẫn truyền cảm giác từ niệu mạc bàng quang đến cơ chóp bàng quang. Cơ chế bệnh sinh này rất quan trọng dẫn tới triệu chứng của bệnh nhân viêm bàng quang kẽ.
Đặc trưng của viêm bàng quang kẽ là triệu chứng đau, bệnh nhân xuất hiện cảm giác đau vùng hạ vị. Bên cạnh đó người bệnh có triệu chứng rối loạn đi tiểu như tiểu gấp, tiểu buốt. Khi xét nghiệm nước tiểu thường xuất hiện máu trong nước tiểu, người bệnh có thể có tiểu máu đại thể hoặc vi thể.
Triệu chứng của bệnh viêm bàng quang kẽ kéo dài ít nhất trên 6 tuần. Dựa trên các đặc trưng của bệnh cho thấy những khác biệt so với viêm đường tiết niệu thông thường. Trong đó các đặc điểm giống là có rối loạn đi tiểu, đau, tiểu máu. Riêng viêm bàng quang kẽ có triệu chứng kéo dài, tối thiểu trên 6 tuần, thậm chí một số trường hợp đến bệnh viện khám tình trạng đã kéo dài nhiều năm.
Ngoài ra, viêm bàng quang kẽ còn là một trong những nguyên nhân đau vùng chậu mạn ở nữ giới, khi các bác sĩ khám, tầm soát, không tìm thấy các tác nhân nào cụ thể gây viêm bàng quang thì đó là viêm bàng quang kẽ.
2. Phân biệt viêm bàng quang kẽ và viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn
Như vậy làm thế nào phân biệt được viêm bàng quang kẽ và viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn? (chẩn đoán phân biệt).
BS.CK1 Vũ Anh Tuấn trả lời: Viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn thường gặp nhất ở nữ giới là tình trạng viêm bàng quang cấp. Để chẩn đoán phân biệt giữa viêm bàng quang kẽ và viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ dựa trên thăm khám lâm sàng và làm xét nghiệm.
>>> Điều trị viêm bàng quang kẽ: tập sàn chậu, uống thuốc, bơm thuốc, can thiệp, phẫu thuật
Về lâm sàng, thứ nhất đối với bệnh sử, đặc điểm của bệnh nhân viêm bàng quang kẽ có bệnh sử rất dài, thường kéo dài tối thiểu trên 6 tuần hoặc nhiều năm. Còn đối với viêm đường tiết niệu thông thường (viêm bàng quang cấp), bệnh thường diễn ra ngắn hạn với các triệu chứng rối loạn đường tiểu, đau buốt diễn ra rầm rộ ngay tức thì.
Thông thường những bệnh nhân viêm bàng quang cấp có thể điều trị với kháng sinh khoảng 1-2 tuần, triệu chứng sẽ lùi, bệnh cải thiện và khỏi bệnh. Viêm bàng quang cấp song song với những đợt viêm cấp bình thường sẽ có đợt bệnh nhân tái phát lại. Riêng viêm bàng quang kẽ, các triệu chứng chồng lấp lên nhau nhưng khi điều trị giống viêm bàng quang cấp triệu chứng không cải thiện.
Bên cạnh đó trong viêm bàng quang kẽ không có tác nhân gây nhiễm khuẩn. Khi làm xét nghiệm thử nước tiểu, viêm bàng quang cấp có phát hiện vi trùng, vi nấm, tác nhân gây bệnh còn viêm bàng quang kẽ hoàn toàn âm tính, không có vi trùng trong nước tiểu, chỉ có một lượng nhỏ máu vi thể.
Một số trường hợp khó bác sĩ sẽ tiến hành nội soi bàng quang, nếu không phát hiện bất thường trong bàng quang, không có dị vật, sỏi, u bướu… thỉnh thoảng có vết loét trong bàng quang, đây là vết loét hunner - dấu hiệu đặc trưng của viêm bàng quang kẽ.
Tóm lại, viêm bàng quang kẽ là một chẩn đoán loại trừ, khi bệnh nhân tới phòng khám bác sĩ sẽ tìm hết tất cả các tác nhân có thể gây viêm bàng quang như tác nhân nhiễm khuẩn, sỏi, về dị vật, u bướu… Nếu không thấy tác nhân gây viêm bàng quang, các trường hợp đó được chẩn đoán viêm bàng quang kẽ.
|
Viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn (viêm bàng quang cấp ở nữ) |
Viêm bàng quang kẽ |
Triệu chứng |
Rối loạn đi tiểu, đau hạ vị. |
Rối loạn đi tiểu, đau hạ vị kéo dài ít nhất trên 6 tuần. |
Xét nghiệm nước tiểu |
Có vi trùng, vi nấm |
Không có vi trùng, chỉ có một lượng nhỏ máu vi thể |
Nội soi bàng quang |
Có thể có dị vật, sỏi, u bướu. |
Không có dị vật, sỏi, u bướu. Thỉnh thoảng có vết loét trong bàng quang (vết loét hunner) |
Điều trị |
Đáp ứng với điều trị với kháng sinh khoảng 1-2 tuần. |
Điều trị giống viêm bàng quang cấp triệu chứng không cải thiện |
3. Tránh thực phẩm chứa kali, đồ kích thích gây trầm trọng triệu chứng viêm bàng quang kẽ
Những nguyên nhân nào có thể có liên quan hoặc làm trầm trọng tình trạng viêm bàng quang kẽ?
BS.CK1 Vũ Anh Tuấn trả lời: Đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh và xác định yếu tố cụ thể gây ra bàng quang kẽ. Mặc dù viêm bàng quang kẽ và viêm bàng quang cấp đều có các triệu chứng rối loạn đi tiểu, đau chồng lấp lên nhau, tuy nhiên viêm bàng quang kẽ là tình trạng viêm không do vi khuẩn. Do đó một số nghiên cứu thấy rằng triệu chứng viêm bàng quang kẽ xảy ra do lớp nhầy bảo vệ bề mặt bàng quang bị tổn thương vì nhiều nguyên nhân.
Cụ thể một số nguyên nhân gây ra sự phá vỡ hàng rào niệu mạc (lớp nhầy bảo vệ bàng quang) có thể do người bệnh từng bị viêm nhiễm kéo dài, chấn thương niệu dục, thực hiện các phẫu thuật tại vùng bàng quang gây ra tổn thương các lớp niêm mạc bề mặt. Một số trường hợp khác cũng gây ra tình trạng tổn thương lớp niêm mạc bề mặt như: người bệnh có thói quen nhịn tiểu kéo dài, người bệnh bị viêm lớp biểu mô dưới bàng quang.
Đặc biệt, đối với người bệnh viêm bàng quang kẽ nhận thấy có sự xâm nhập của tế bào viêm mạn tính vào lớp thần kinh chi phối cảm giác bàng quang dưới niêm mạc, đồng thời có sự xâm nhập của tế bào mast (một tế bào viêm trong bàng quang).
Một nguyên nhân khá hiếm gặp là viêm các dây thần kinh cảm giác bị chi phối trong bàng quang ở các tủy sống (còn gọi là viêm dây thần kinh).
Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể gây phá vỡ hàng rào niệu mạc là sự xuất hiện của chất kali trong nước tiểu, loại chất này làm kích thích gây viêm và đau dây thần kinh chi phối cảm giác bàng quang, tổn thương cơ chóp bàng quang.
Do đó đối với những người bệnh chẩn đoán viêm bàng quang kẽ, khuyến nghị chế độ ăn hạn chế các thực phẩm chứa nhiều kali. Ngoài ra, một số chất kích thích thông thường làm trầm trọng tình trạng viêm bàng quang kẽ, ví dụ như các thực phẩm chứa cồn, thức ăn, thức uống chua cay, thuốc lá, cà phê đều gây ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm bàng quang kẽ.
4. Ba triệu chứng phổ biến của viêm bàng quang kẽ
Theo kinh nghiệm điều trị của bác sĩ, người bệnh thường than phiền, khó chịu nhất với triệu chứng nào của bệnh lý này?
BS.CK1 Vũ Anh Tuấn trả lời: Triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân đến thăm khám viêm bàng quang kẽ là đau và rối loạn đi tiểu, trong đó thường gặp nhất là tiểu gấp và tiểu nhiều lần.
Thứ nhất, triệu chứng đau: Các cơn đau thường âm ỉ, bộc phát và đau ở vùng xương mu (vùng trên bàng quang). Cơn đau này do viêm phù nề bàng quang gây ra, tình trạng đau tăng dần khi người bệnh mắc tiểu hoặc nhịn tiểu lâu, giảm nhẹ khi đi tiểu.
Cường độ đau có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, khi người bệnh gần đến chu kỳ kinh sẽ đau hơn, hay tâm lý căng thẳng cũng làm cho cơn đau tăng lên.
Ngoài ra, triệu chứng đau không chỉ xuất hiện ở vùng xương mu, nhiều trường hợp bệnh nhân mô tả bị đau dọc đường niệu đạo, cơn đau khó chịu, chỉ có thể ngồi ôm bụng và không làm được việc khác.
Một số bệnh nhân đau đến trầm cảm, mất ngủ. Đó là các tác động của cơn đau gây ảnh hưởng đến người bệnh.
Thứ hai, triệu chứng tiểu gấp: Bệnh nhân viêm bàng quang kẽ có tình trạng tiểu gấp, khi bệnh nhân mắc tiểu sẽ không thể nhịn tiểu, thôi thúc đi tiểu. Do đó khi mắc tiểu bệnh nhân phải đi ngay nếu không sẽ bùng phát lên cơn đau dữ dội, làm họ không thể trì hoãn. Đặc biệt là viêm bàng quang kẽ ở người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ có thể kèm theo tình trạng són tiểu hoặc tiểu không kiểm soát.
Thứ ba, triệu chứng tiểu nhiều lần: Một người bình thường tiểu 5-7 lần/ngày, riêng bệnh nhân viêm bàng bang kẽ do bị kích thích bàng quang nhiều lần, người bệnh luôn muốn đi tiểu, một ngày có thể đi tiểu từ 10-20 lần thậm chí hơn. Thực tế một số trường hợp có thể đi tiểu một ngày lên đến 30-40 lần, tình trạng này có thể nói là “làm bạn với toilet”.
Do đi tiểu nhiều lần nên người bệnh viêm bàng quang kẽ rất sợ uống nước, tuy nhiên vẫn có cảm giác mắc tiểu.
5. Viêm bàng quang kẽ không điều trị đúng sẽ ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân
Nếu không được điều trị hoặc điều trị sai do nhầm với viêm đường tiết niệu do vi khuẩn thì người bệnh có thể gặp phải những biến chứng nào?
BS.CK1 Vũ Anh Tuấn trả lời: Có rất nhiều bệnh nhân đến điều trị bệnh viêm bàng quang kẽ tại phòng khám Niệu nữ Bệnh viện Bình Dân - phòng khám chuyên sâu về điều trị bệnh lý viêm bàng quang kẽ. Các trường hợp đến khám đều từng điều trị nhiều năm ở các bệnh viện tuyến dưới.
Đối với viêm bàng quang, vấn đề thường gặp nhất là sử dụng kháng sinh rất nhiều và kéo dài trong nhiều năm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh, dễ dẫn đến kháng thuốc, từ đó gia tăng chi phí không cần thiết.
Khi sử dụng kháng sinh lâu dài hoặc các thuốc giảm đau không đúng sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định về chức năng gan thận của người bệnh.
Bên cạnh đó nếu điều trị không đúng, các triệu chứng của viêm bàng quang kẽ không thuyên giảm. Đặc trưng của viêm bàng quang kẽ là triệu chứng đau và rối loạn đi tiểu, nếu đau kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người bệnh.
Cụ thể, cơn đau làm người bệnh cảm thấy bứt rứt, khó chịu, ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng, đặc biệt đối với người bệnh viêm bàng quang kẽ, sợ quan hệ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hôn nhân, ngoài ra còn ảnh hưởng mối quan hệ đồng nghiệp.
Tóm lại viêm bàng quang kẽ nếu không được điều trị đúng dễ dẫn đến tình trạng người bệnh nhìn nhận cuộc sống một cách u tối.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình