Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao sau phẫu thuật cắt amidan hoặc nạo VA bé không nói được?

ThS.BS Trần nam Khang - Điều hành khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, một vài ngày đầu sau mổ bé sẽ đau nhiều, dẫn đến tình trạng ăn uống kém và ít nói, ít linh hoạt. Vị trí cắt amidan và nạo VA không liên quan đến phát âm, do đó sau khi bé hết đau vấn đề nói chuyện sẽ phục hồi bình thường.

1. VA, amidan là gì và có vai trò ra sao?

Đầu tiên xin hỏi BS, VA cũng như amidan là gì, chúng có phải là một hay không? Vai trò của VA và amidan đối với cơ thể chúng ta là gì?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Phụ huynh thường nhầm lẫn giữa amidan và VA. Tuy nhiên, đây là 2 cấu trúc, tổ chức khác nhau.

Amidan và VA đều cấu tạo bởi mô lympho tổ chức. Mô lympho này chủ yếu khác nhau ở vị trí, VA thường gọi là amidan vòm, vị trí ở phía sau mũi, còn amidan ở vị trí 2 bên thành họng.

Vai trò của amidan và VA tương tự nhau, đều có tác dụng tạo kháng thể giúp cơ thể bảo vệ chống lại các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm,… xâm nhập tấn công cơ thể.

2. Khi nào nên nạo VA và cắt amidan, có thể thực hiện cùng lúc được không?

Nhiều người quan tâm là khi nào chúng ta nên nạo VA, cũng như cắt amidan và có thể thực hiện 2 thủ thuật này cùng lúc được không?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Chỉ định cắt amidan và nạo VA thường được chia thành 2 nhóm chính:

- Nhóm nhiễm trùng:

+ Những bé có biểu hiện viêm amidan, viêm họng tái đi tái lại thường xuyên trong năm hoặc viêm amidan gây ra biến chứng như áp xe quanh amidan, viêm cầu thận hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

+ Đối với VA những tình trạng như viêm tai giữa, viêm mũi họng tái đi tái lại thường xuyên, ho kéo dài là những chỉ đỉnh cần can thiệp và phẫu thuật.

- Nhóm tắc nghẽn: Amidan, VA có kích thước lớn sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp, gây nghẹt mũi, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng sống của bé.

3. Viêm amidan và VA gây ra những biến chứng nào?

Thưa BS, nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời thì biến chứng của viêm amidan và VA là gì ạ?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Viêm amidan và VA nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây ra các biến chứng như:

- Đối với amidan: Gây áp xe quanh amidan, viêm cầu thận hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, viêm khớp

- Đối với VA: Khi bé bị nghẹt mũi, chảy mũi lâu ngày không được điều trị bé sẽ phải thở bằng mũi kéo dài, dẫn đến biểu hiện bộ mặt VA. Hoặc tắc nghẽn đường thở lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm bé kém phát triển, nặng hơn là sau này dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, hô hấp.

4. Vì sao sau cắt amidan hoặc VA trẻ không nói rõ?

Sau khi trẻ cắt amidan hoặc VA nhưng bị ú ớ thì có đáng lo không thưa BS?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Khi chúng ta phát âm, nói chuyện là vị trí thanh quản (2 dây thanh). Amidan và VA là vị trí ở vùng mũi, vùng họng, không có tác dụng tạo ra phát âm.

Thứ nhất, sau khi mổ xong, các bé thường có biểu hiện đau nên ít nói hơn so với bình thường.

Thứ hai, khi mổ cắt một mô lớn như amidan hoặc VA to thì vấn đề cộng hưởng âm trong vùng vòng miệng sẽ thay đổi, từ đó làm tiếng nói có thể khác so với bình thường. Tuy nhiên giọng nói này thường trong 1 - 2 tháng sau sẽ phục hồi.

5. Nên nạo VA và cắt amidan như thế nào?

Thưa BS, nên nạo VA và cắt amidan bằng cách nào? Nhiều người được tư vấn thực hiện bằng dao lạnh thì với trẻ nhỏ nên thế nào ạ?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có nhiều phương pháp để phẫu thuật cắt amidan và nạo VA như:

- Phương pháp truyền thống (không sử dụng nhiệt) như sử dụng thòng lọng.

- Phương pháp hiện đại như sử dụng dao điện, Coblator hoặc dao Plasma.

Với những phương tiện hiện đại này sẽ giúp bé hạn chế đau, hạn chế chảy máu và phục hồi tốt hơn sau mổ.

Về Coblator là một trong những phương pháp đang được triển khai tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bằng cách sử dụng sóng cao tần giúp bé có thể cầm máu, hạn chế tình trạng đau và hồi phục sau mổ.

6. Trước phẫu thuật cắt amidan và nạo VA cần lưu ý những gì?

Trước phẫu thuật cắt amidan và nạo VA chúng ta cần chuẩn bị và lưu ý những điều gì thưa BS?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Đối với những trường hợp phẫu thuật cắt amidan và nạo VA sẽ lưu ý những vấn đề như sau:

- Nếu bé bị nhiễm trùng sẽ điều trị ổn trước khi phẫu thuật.

- Bé sẽ được tư vấn phương pháp phẫu thuật, hẹn và đưa ra chế độ chăm sóc, ăn uống trước khi mổ.

- Người nhà cần sắp xết thời gian phẫu thuật, thông thường bé sẽ được về trong ngày.

7. Sau nạo VA và cắt amidan cần có chế độ dinh dưỡng thế nào cho bé?

Sau nạo VA và cắt amidan cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào cho các bạn nhỏ ạ?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Chăm sóc sau mổ là một trong những vấn đề phụ huynh thường quan tâm.

Đối với nạo VA và cắt amidan là vị trí đi qua đư

ờng ăn uống của bé, do đó chế độ ăn cần lưu ý nhiều hơn:

- Sau phẫu thuật ngày đầu tiên sẽ uống sữa.

- Ngày thứ hai sẽ ăn cháo.

- Vài ngày sau, khi bé bớt đau, bớt khó chịu và vết mổ phục hồi tốt lúc đó sẽ chuyển sang chế độ ăn đặc hơn như sữa chua, váng sữa, những loại thực phẩm mềm.

- Sau 2 tuần, bé sẽ phục hồi, vết mổ lành tốt và có thể ăn uống trở lại bình thường.

8. Sau mổ amidan và nạo VA thường xảy ra các biến chứng gì, khi nào cần quay lại bệnh viện?

Có những nguy cơ, biến chứng như thế nào sau phẫu thuật amidan và nạo VA? Dấu hiệu nào phụ huynh cần lưu ý để đưa trẻ quay trở lại bệnh viện ngay ạ?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Sau phẫu thuật cắt amidan và nạo VA, các biến chứng thường gặp nhất là chảy máu. Biến chứng này thường xuất hiện vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 sau phẫu thuật.

Nguyên nhân có thể do chế độ ăn hoặc tình trạng nhiễm trùng các vết mổ dẫn đến các giả mạc bị bong tróc gây ra tình trạng xuất huyết.

Khi thấy bé nôn ra máu hoặc chảy máu vùng mổ phải đưa trẻ đến tái khám ở cơ sở y tế gần nhất để có được phương pháp can thiệp, cầm máu kịp thời.

9. Chi phí nạo VA cho trẻ ra sao?

Thưa BS, chi phí nạo VA cho trẻ là bao nhiêu ạ?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chi phí nạo VA cho bé khoảng 5.500.000 - 6.000.000 đồng/ca, tùy vào phương pháp phẫu thuật của bé. Đây là chi phí chưa có BHYT.

Đối với những bé có BHYT (bé dưới 6 tuổi được hưởng BHYT) thì chi phí này sẽ khoảng từ 2.000.000 - 2.500.000 đồng/ca.

Ngoài chi phí này, nếu người nhà chọn thêm các gói dịch vụ, đưa bé vào tận phòng mổ, giường chăm sóc trước mổ và sau mổ để có chỗ nghỉ ngơi cho gia đình thì chi phí sẽ cao hơn.

10. Bé hơn 1 tuổi thường bị viêm amidan có nên cắt bỏ không?

Một bạn đọc hỏi là con em được hơn 1 tuổi nhưng thường bị viêm amidan thì có nên cắt bỏ không?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Độ tuổi chỉ định phẫu thuật cắt amidan là những bé trên 3 tuổi.

Trường hợp này bé chỉ hơn 1 tuổi (độ tuổi còn rất nhỏ), nếu cắt amidan sớm nguy cơ chảy máu sau mổ sẽ cao. Bên cạnh đó, ý thức của bé chưa tốt, không thể phát hiện tình trạng chảy máu sau mổ, từ đó dẫn đến phát hiện muộn, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sau này.

Vì vậy, nên cố gắng điều trị nội khoa và can thiệp khi bé đủ tuổi hoặc tái đi tái lại thường xuyên.

11. Nạo VA bé xong có tái phát không?

Sau khi nạo VA, bé sẽ không tái phát tình trạng này nữa đúng không thưa BS?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Phẫu thuật nạo VA sẽ lấy toàn bộ mô VA, do đó đối với những bác sĩ có kinh nghiệm và tay nghề cao thì tỷ lệ tái phát sẽ rất thấp.

12. Bé lười và cũng không chịu nói sau cắt amidan là do đâu, có nguy hiểm không?

BS ơi, con em lười và cũng không chịu nói sau cắt amidan là do bé còn đau đúng không ạ, có nên đưa bé đi khám không? Có phải lúc cắt amidan BS đã cắt nhầm vào bộ phận nào khác khiến bé bị mất chức năng nói không?

ThS.BS Trần Nam Khang trả lời: Sau khi cắt một phần trong cơ thể bé thường có biểu hiện đau. Một vài ngày đầu sau mổ bé sẽ đau nhiều, dẫn đến tình trạng bé ăn uống kém và ít nói, ít linh hoạt.

Trong những trường hợp này, đầu tiên phụ huynh có thể cho bé uống thuốc giảm đau như Hapacol, Paracetamol.

Thứ hai là cho bé uống nước nhiều hơn, giúp vết mổ phục hồi tốt hơn.

Vị trí cắt amidan và nạo VA không liên quan đến phát âm, do đó sau khi bé hết đau vấn đề nói chuyện sẽ phục hồi bình thường.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X