Hotline 24/7
08983-08983

Rò luân nhĩ ở trẻ: Nên phẫu thuật trước khi xảy ra biến chứng

Theo BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, rò luân nhĩ nếu không có hướng điều trị hợp lý sẽ gây biến chứng áp xe và tái phát nhiều lần. Vì vậy, việc phẫu thuật chủ động sẽ tốt nhất cho bé, nên can thiệp khi bé đủ điều kiện (trên 12 tháng tuổi và trên 10kg).

1. Rò luân nhĩ ở trẻ là gì và có nguy hiểm không?

Xin hỏi BS, rò luân nhĩ ở trẻ là vấn đề như thế nào và tình trạng này có nguy hiểm không thưa BS?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Rò luân nhĩ là một tật bẩm sinh ở trẻ và thường xuất hiện từ tuần thứ 6 của thai kỳ do bất thường cung mang.

Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu bị viêm, tái đi tái lại nhiều lần, nhất là ảnh hưởng đến thẩm mĩ của trẻ.

2. Vì sao trẻ bị rò luân nhĩ và mẹ bầu cần làm gì để tránh tình trạng này?

Thưa BS, nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này ở trẻ nhỏ và mẹ bầu cần tránh điều gì để bé không bị rò luân nhĩ ạ?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Rò luân nhĩ do bất thường bẩm sinh và có nhiều tố gây ra như:

- Quá trình sử dụng thuốc của thai kỳ (thuốc propylthiouracil điều trị cường giáp). Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng loại thuốc này.

- Di truyền nên không thể can thiệp, chỉ có thể theo dõi, chăm sóc, điều trị sau khi sinh trẻ.

3. Rò luân nhĩ có các triệu chứng nào?

Triệu chứng thường gặp của bệnh rò luân nhĩ là gì để ba mẹ có thể biết và đưa con em đi khám kịp thời thưa BS?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Rò luân nhĩ sẽ có một lỗ nhỏ ở trước tai, dân gian thường hợi là “lỗ tai con”.

Triệu chứng đa phần là tiết ra chất bã, có mùi hôi như mụn, thường không viêm, tuy nhiên có những trẻ rò luân nhĩ gây viêm, gây sưng và gây đau.

Khi có những dấu hiệu bất thường nào ảnh hưởng đến bé như đau và sưng thì nên đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

4. Rò luân nhĩ thường xảy ra ở những trẻ nào?

Vậy những trẻ nào dễ gặp phải tình trạng rò luân nhĩ, có khi nào trẻ lớn mới bị rò luân nhĩ không thưa BS?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Rò luân nhĩ là tình trạng bẩm sinh nên đã có từ khi sinh ra, không phải trẻ lớn mới mắc phải.

Tùy vào nguy cơ như di truyền hoặc mẹ dùng thuốc cường giáp khi mang thai.

5. Điều trị bệnh rò luân nhĩ như thế nào?

Vậy điều trị bệnh rò luân nhĩ như thế nào, cũng như hiện nay có những phương pháp nào để điều trị tình trạng này thưa BS?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Rò luân nhĩ là đường rò bẩm sinh và có 2 cách để điều trị:

- Can thiệp phẫu thuật chủ động ngay khi trẻ chưa bị viêm.

- Phẫu thuật sau khi có một đợt viêm đường rò luân nhĩ.

Nên can thiệp chủ động, cắt bỏ đường rò vì trong quá trình sinh hoạt xuất tiết sẽ gây mùi hôi và mặc cảm cho trẻ, cũng như khi bị viêm, áp xe sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bé.

Đối với những trẻ không chủ động mổ ngay ban đầu nếu bị viêm, áp xe thì tình trạng tái phát sau mổ rất cao. Để hạn chế tình trạng này nên phẫu thuật cắt bỏ đường rò sớm khi trẻ lớn hơn 12 tháng tuổi và trên 10kg, đủ đủ điều kiện gây mê.

Trường hợp bé viêm không thể phẫu thuật ngay được phải điều trị nội khoa. Khi đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ điều trị các kháng sinh, kháng viêm và giảm đau cho bé.

Nếu có những bất thường như gây viêm, đau, chảy mủ thì nên điều trị nội. Nếu không có các vấn đề này chỉ cần vệ sinh lỗ rò luân nhĩ cho trẻ.

6. Phẫu thuật rò luân nhĩ bao lâu sẽ khỏi?

Nhiều phụ huynh quan tâm đến vấn đề phẫu thuật rò luân nhĩ thì bao lâu sẽ khỏi và khi đó có để lại lại sẹo cho bé không thưa BS?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Về phẫu thuật rò luân nhĩ, hiện nay Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã thực hiện mổ trong ngày.

Sáng bé được làm hồ sơ, xét nghiệm máu cần thiết. Sau đó phẫu thuật và đến chiều cùng ngày có thể ra về.

Với vết mổ này bé cần chăm sóc vết thương tại cơ sở y tế để tránh nhiễm trùng và cắt chỉ sau 7 ngày.

7. Cách vệ sinh lỗ rò luân nhĩ trước và sau phẫu thuật

Vậy cách vệ sinh lỗ rò luân nhĩ trước và sau phẫu thuật như thế nào thưa BS?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Trước khi phẫu thuật, đường rò sẽ xuất tiết ra chất bã. Để hạn chế tình trạng viêm, không nên sờ hoặc nặn (nhiều trẻ hay đụng vào chất bã), sẽ dễ gây viêm nhiễm và nhiễm trùng. Chỉ cần dùng tăm bông (có thể làm ướt bằng nước muối sinh lý), lăn nhẹ bề mặt ngoài để vệ sinh.

Sau khi phẫu thuật, cần sát khuẩn, rửa vết thương ở cơ sở ý tế để đảm bảo nguyên tắc vô trùng, vô khuẩn, hạn chế nhiễm trùng vết mổ.

8. Các biện pháp phòng ngừa viêm nhiễm lỗ rò luân nhĩ

Nhờ BS chia sẻ một vài lưu ý về các biện pháp phòng ngừa viêm nhiễm lỗ rò luân nhĩ ạ.

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Các biện pháp phòng ngừa rò luân nhĩ:

- Không nên sờ hoặc nặn, dùng tay đè mạnh vào lỗ rò.

- Nên vệ sinh bằng tăm bông.

- Phụ nữ mang thai nên hạn chế tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ như thuốc điều trị cường giáp. Khi sử dụng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

9. Phụ huynh cần làm gì để tránh tình trạng rò luân nhĩ cho trẻ?

Cuối cùng, nhờ BS đưa ra một vài lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh trong việc phòng tránh tình trạng rò luân nhĩ ở trẻ ạ?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Đầu tiên, đây là bệnh bẩm sinh, khổng phải lớn mới xuất hiện. Tình trạng này liên quan đến yếu tố di truyền của ba mẹ hoặc do mẹ khi mang thai sử dụng thuốc cường giáp. Vì vậy, khi sử dụng thuốc propylthiouracil điều trị cường giáp phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Thứ hai, rò luân nhĩ không ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên sẽ gây mặc cảm cho trẻ, tiết mùi hôi, viêm nhiễm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không có hướng điều trị hợp lý sẽ gây biến chứng áp xe rò luân nhĩ và tái phát nhiều lần. Đường rò luân nhĩ bám vào màng sụn nên khi gặp áp xe sẽ không thể điều trị dứt điểm mà phải phẫu thuật.

Thứ ba, nên phẫu thuật chủ động để tốt nhất cho bé, can thiệp khi bé đủ điều kiện (trên 12 tháng tuổi và trên 10kg).

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X