Hotline 24/7
08983-08983

Tỷ lệ bệnh nhân được kê thuốc chống béo phì còn thấp, việc điều trị cần phối hợp đa chuyên khoa

Béo phì làm tăng các biến cố tim mạch, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân được kê thuốc chống béo phì còn thấp, cần xây dựng các phòng khám chuyên về quản lý béo phì và phối hợp đa chuyên khoa. Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo ban cố vấn do Hội Tim mạch học Việt Nam và Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam tổ chức.

Hội thảo Ban cố vấn chủ đề “Béo phì và bệnh tim mạch - Khoảng trống trong thực hành và kỷ nguyên mới trong điều trị Y khoa”
GS.TS.BS Trương Quang Bình - Chủ tịch Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam 

Dự kiến năm 2035 tỷ lệ thừa cân, béo phì trên thế giới có thể lên đến 4 tỷ người

Bức tranh về “Gánh nặng bệnh tật và kinh tế của bệnh béo phì thế giới và Việt Nam” được PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân - Phó chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp Việt Nam mở đầu cho buổi hội thảo ban cố vấn.

Chuyên gia nhấn mạnh: “Béo phì hiện đang gia tăng rất nhanh trên thế giới và Việt Nam. Gánh nặng của béo phì đè nặng lên bệnh tật và cuộc sống. Để giảm béo, xuống cân có rất nhiều biện pháp từ ăn ít calo, tập luyện, và nếu không thành công thì cần dùng đến thuốc, sau đó là phẫu thuật”.

Định nghĩa về béo phì của Tổ chức Y tế thế giới được phó giáo sư đưa ra trong bài trình bày. Theo đó, thừa cân, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe, với BMI> 25 được xem là thừa cân và > 30 gọi là béo phì. Khảo sát tất cả các nước tại châu Á Thái Bình Dương (ngoại trừ Brunei), thừa cân được xác định khi BMI 23, và BMI > 25 là béo phì.

Theo thống kê năm 2020 có 2,6 tỷ người bị thừa cân, béo phì. Dự kiến năm đến 2035 lên đến 4 tỷ người, và con số sẽ không ngừng tăng lên.

PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân - Phó chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp Việt Nam

Chuyên gia có biết có nhiều nguyên nhân gây béo phì bao gồm: ăn uống, môi trường sống, môi trường xã hội, lối sống của bản thân.

Có 2 trường hợp xảy ra khi ăn nhiều, trong đó ăn nhiều và có hoạt động, các năng lượng không bị tích tụ tại mô, tạng mà sẽ tích tụ tại lớp mỡ dưới da. Ngược lại nếu ăn nhiều mà không vận động, năng lượng sẽ tích tụ tại mô tạng như gan, mạch máu, cơ và gây ra bệnh lý, tạo ra nhiều phản ứng trong cơ thể, hình thành mảng xơ vữa, biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc ít nhất là bệnh lý tim mạch.

Đối với nhóm trẻ em, nếu không can thiệp thừa cân, béo phì từ nhỏ, đến khi lớn tuổi, tỷ lệ bệnh lý tim mạch tăng gấp 4-5 lần; đái tháo đường tăng gấp 5 lầnbệnh mạch vành tăng gấp 10 lần so với người bình thường.

Bên cạnh đó, thừa cân béo phì làm tăng tỷ lệ tử vong, tim mạch, mắc bệnh mạch vành cao hơn so với người bình thường, trong đó nguy cơ mắc suy tim có tỷ lệ đến 96% (nếu bệnh nhân có BMI>30).

PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân thông tin, để giảm biến cố tim mạch, ít nhất người bệnh phải giảm được 10% cân nặng so với năm đầu tiên, và giảm 20% cân nặng, 5 năm sau đó biến cố tim mạch mới bắt đầu cải thiện.

Về điều trị thừa cân, béo phì, chuyên gia cho biết, năm 2019 Việt Nam bắt đầu có hướng dẫn điều trị bệnh béo phì. Đầu tiên phải can thiệp lối sống và thay đổi hành vi phù hợp với nhu cầu, sở thích, hoàn cảnh cá nhân và bối cảnh tổng thể về môi trường sống và làm việc của người bệnh. Trường hợp thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập không đạt hiệu quả, phương pháp dùng thuốc đứng hàng thứ hai và cuối cùng là áp dụng phẫu thuật nếu tất cả các phương pháp trước đó không đáp ứng hoặc hiệu quả thấp.

Đối với giảm cân, một người phải duy trì ít nhất 24 tháng giảm cân thành công mới có tiên lượng tốt trong 4 năm sau đó. Tập thể dục, thể thao, tập ít nhất 150 phút mỗi tuần, 3 đến 5 lần một tuần, bắt đầu bằng bài tập cường độ thấp và tăng dn, tập 2-4 lần một tuần.

Đề xuất giải pháp quản lý bệnh béo phì trong tương lai

Nối tiếp phiên báo cáo, TS.BS Trần Hòa - Tổng thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam mang đến chủ đề “Quản lý béo phì và thừa cân: Cách tiếp cận của thế giới và Việt Nam”.

Chuyên gia nhận định béo phì không chỉ là vấn đề của bệnh nhân mà là của tất cả mọi người. “Theo số liệu năm 2022, Việt Nam có tốc độ gia tăng tỷ lệ béo phì đứng số 1 Đông Nam Á. Ngay cả người lớn và trẻ em đều nằm trong nhóm màu đỏ, đó là một điều đáng báo động”, vị chuyên gia thông tin.

 TS.BS Trần Hòa - Tổng thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam

TS.BS Trần Hòa cho biết, béo phì liên quan rất nhiều đến các bệnh lý tim mạch. Ngoài các nguyên nhân tim mạch như xơ vữa, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ, còn rất nhiều bệnh lý tim mạch khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp như suy tim, đặc biệt là các bệnh nhân suy tim EF bảo tồn, hay các bệnh lý thoái hóa van động mạch chủ, rung nhĩ, rối loạn nhịp, rối loạn giấc ngủ, huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu…Đó là chuỗi hậu quả các bệnh lý tim mạch liên quan đến béo phì.

Khi tiếp cận một bệnh nhân béo phì, thừa cân, bác sĩ khuyến cáo cần xác định rõ khi khám lâm sàng bao gồm: đánh giá các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân gây ra béo phì, kiểm tra bệnh nhân có tình trạng viêm hay không, vì đây có thể là cơ chế sinh lý bệnh chính của các bệnh lý tim mạch chuyển hóa ngày nay.

Đồng thời, đánh giá tình trạng tâm thần kinh hay tâm lý người bệnh; đánh giá mỡ tạng bằng chẩn đoán hình ảnh là một trong những mục tiêu chính trong điều trị, đặc biệt ở những bệnh nhân béo phì nặng.

Chuyên gia nhấn mạnh tứ trụ trong điều trị béo phì bao gồm thay đổi lối sống, thuốc giảm cân, phẫu thuậttập luyện. Một điều quan trọng trong tiếp cận bệnh nhân béo phì là tầm soát và xử trí các biến chứng đã xảy ra cho bệnh nhân, đặc biệt là các biến chứng tim mạch như rung nhĩ, suy tim hay bệnh mạch vành.

“Khuyến cáo về điều trị béo phì của Việt Nam dựa trên rất nhiều các khuyến cáo của Canada trong việc thay đổi hành vi và áp dụng hướng dẫn cho xuyên suốt cuộc đời người bệnh. Khi BMI > 27 cần bắt đầu điều trị thuốc nếu bệnh nhân đã kèm theo biến chứng; BMI >30 bắt buộc điều trị bằng thuốc bất kể có hay chưa có biến chứng. Trường hợp bệnh nhân BMI>30, đã có biến chứng nên nghĩ đến vấn đề phẫu thuật vì khi đã có biến chứng sẽ rất khó để điều chỉnh cân nặng của bệnh nhân”, TS.BS Trần Hòa cho biết.

Hiện nay, việc quản lý béo phì tại Việt Nam được tổ chức trong 4 mô hình bao gồm: chương trình quản lý chung về dinh dưỡng; tuyên truyền về dinh dưỡng, lối sống lành mạnh và giảm cân; hướng dẫn điều trị béo phì của Bộ Y tế; quản lý bệnh nhân không lây nhiễm, nhưng béo phì chỉ có một phần thoáng qua trong chương trình này.

Trong bài báo cáo, chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp quản lý bệnh béo phì trong thời gian tới. Ông cho rằng cần phối hợp đa chuyên khoa, tối thiểu như: dinh dưỡng, vật lý trị liệu, ngoại khoa, và các bác sĩ tim mạch, nội tiết… Mỗi một chuyên khoa phải đóng vai trò kết nối, quan tâm, hiểu biết kỹ năng cũng như có các kiến thức về béo phì…

Bên cạnh đó, có thể xây dựng các phòng khám chuyên về quản lý béo phì, phân loại phòng khám tiêu chuẩn, phòng khám tiên tiến và các trung tâm. Trong đó có các chuyên gia được đaog tạo bài bản về chăm sóc, điều trị và quản lý bệnh nhân béo phì; lắp đặt các trang thiết bị phù hợp phục vụ nhu cầu cho bệnh nhân béo phì như: xe lăn, giường bệnh cho trọng lượng >200kg, đường dốc dành cho xe lăn, nhà vệ sinh phù hợp, cửa rộng… Các phương thiện chẩn đoán thích hợp có liên quan như chụp X-quang, siêu âm, CT, MRI, nội soi, đánh giá tim phổi…

Nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP1 giúp hỗ trợ giảm cân và giảm các biến cố tim

Trong hội thảo ban cố vấn lần này, PGS.TS.BS Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng mang đến chủ đề “Vai trò của thuốc trong quản lý thừa cân, béo phì”.

Phó giáo sư thông tin, béo phì là bệnh mạn tính nên điều trị rất khó khăn, thậm chí có thể điều trị cả đời. Theo thống kê, chỉ có khoảng 40% bệnh nhân béo phì được chẩn đoán, trong đó có 20% được điều trị, tỷ lệ được kê thuốc chống béo phì cũng rất thấp.

Đặc biệt tỷ lệ tái tăng cân ở tất cả biện pháp điều trị thường xảy ra sau một thời gian giảm cân. Nguyên nhân có thể do mất động lực; cơ thể thay đổi các đáp ứng hormon làm tăng cân trở lại; kể cả các chế độ ăn, tập luyện, dùng thuốc đều có thể tái tăng cân; việc dùng thuốc trong thời gian dài cũng khiến bệnh nhân khó tuân thủ.

Điều đó phản ánh sự khó khăn trong điều trị béo phì ở phía bệnh nhân và bác sĩ. Bệnh nhân có thể không nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát cân nặng, nhiều quan niệm sai, tác động từ yếu tố môi trường xung quanh, chi phí điều trị cao, và các bệnh kèm theo. Bác sĩ không có thời gian tư vấn giúp bệnh nhân hiểu rõ về vấn đề này, và chưa có hướng dẫn cho các bác sĩ ở các tuyến về quản lý bệnh nhân béo phì.

Chuyên gia nhấn mạnh việc giảm cân mang lại nhiều lợi ích như giảm các chỉ số như huyết áp, mỡ máu, đường huyết… cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ, tình trạng gan nhiễm mỡ…

Phó giáo sư cho biết thêm, việc điều trị một bệnh nhân béo phì cần đánh giá toàn diện, sau đó phân loại giai đoạn để tiên lượng về thời gian điều trị. Hiện nay nhiều bệnh nhân luôn mong muốn giảm cân nhanh, khi gặp bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật luôn, tuy nhiên quá trình điều trị phải cần thời gian lâu dài.

PGS.TS.BS Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Điều trị béo phì hiện nay có 3 phương pháp chính bao gồm: Lap band, Sleeve Gastrectomy, Gastric Bypass. Trong đó, một số cơ sở y tế tại Việt Nam từng áp dụng phương pháp Lap band, còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ở hầu hết tất cả các ca nếu cần phẫu thuật sẽ áp dụng Sleeve Gastrectomy.

Đối với phương pháp dùng thuốc, trong bài báo cáo vị chuyên gia cũng nêu lên vai trò của nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP1 trong điều trị béo phì hiện nay. Nhóm thuốc này chủ yếu tập trung vào giảm nạp năng lượng, giảm khả năng hấp thu năng lượng, giảm thèm ăn, tăng cảm giác chán ăn lên thần kinh trung ương, từ đó giảm cân. Bên cạnh đó còn giảm chỉ số huyết áp, đường huyết, nguy cơ đái tháo đường type 2, giảm rối loạn giấc ngủ và cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh…

Ngoài ra một số nghiên cứu còn cho thấy nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP1 có thể giảm được biến cố tim mạch gộp và tử vong do tim mạch.

“Lưu ý trên lâm sàng, nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP1 có thể gây ra tác dụng phụ là tăng nhịp tim và một số vấn đề đường tiêu hóa trong thời gian đầu điều trị. Nếu sau 3 tháng nếu không đạt hiệu quả giảm cân nặng từ 50% trở lên có thể xem xét ngưng thuốc vì không mang lại lợi ích cho người bệnh. Đặc biệt chú ý lúc nào cũng cần bắt đầu từ liều thấp sau đó tăng dần để không tác dụng phụ lên đường tiêu hóa, bệnh nhân có thể dung nạp”, PGS.TS.BS Trần Quang Nam nhấn mạnh.

Các chuyên gia trong buổi hội thảo ban cố vấn bàn luận sôi nổi các vấn đề về quản lý bệnh béo phì

Hội thảo Ban cố vấn với chủ đề “Béo phì và bệnh tim mạch - Khoảng trống trong thực hành và kỷ nguyên mới trong điều trị Y khoa” diễn ra vào ngày 29/9/2024.

Hội thảo quy tụ 20 chuyên gia về tim mạch, dinh dưỡng, nội tiết là chủ tịch, tổng thư ký từ Hội Tim mạch học Việt Nam, Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam cùng các giám đốc trung tâm, trưởng khoa đến từ các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Viện Tim TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định…

Nội dung hội thảo với 3 bài báo cáo, cùng phần thảo luận sôi nổi từ các vị chuyên gia theo 9 câu hỏi trong bộ câu hỏi survey được khảo sát trước đó xoay quanh vấn đề béo phì, thừa cân. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X