Hội thảo ban cố vấn: Nhìn nhận những thách thức và đề xuất hướng giải quyết bệnh béo phì, giảm gánh nặng bệnh tim mạch
Hội thảo ban cố vấn do Hội Tim mạch học Việt Nam và Phân Hội Xơ vữa động mạch Việt Nam tổ chức, quy tụ 20 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch, dinh dưỡng, nội tiết về tham dự, bàn luận các vấn đề xoay quanh bệnh béo phì - một "đại dịch" trong xã hội hiện nay, cùng sự ảnh hưởng của nó và bệnh tim mạch lên sức khỏe cộng đồng.
Béo phì trở thành "đại dịch" trong xã hội
Hội thảo diễn ra vào ngày 29/9/2024 tại TPHCM với chủ đề “Béo phì và bệnh tim mạch - Khoảng trống trong thực hành và kỷ nguyên mới trong điều trị Y khoa”.
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của 20 chuyên gia về tim mạch, dinh dưỡng, nội tiết thuộc Hội Tim mạch học Việt Nam, Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam có thể kể đến như: GS.TS.BS Trương Quang Bình - Chủ tịch Phân Hội Xơ vữa Động mạch Việt Nam; TS.BS Trần Hòa - Tổng Thư ký Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam… và PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân - Nguyên giám đốc Viện Tim TPHCM; PGS.TS.BS Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cùng các giám đốc trung tâm, trưởng khoa đến từ các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Viện Tim TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện FV, Viện Tim Tâm Đức…
Phát biểu tại buổi hội thảo, GS.TS.BS Trương Quang Bình cho biết, béo phì đã trở thành một "đại dịch" trong xã hội, tất cả các bệnh viện và các phòng mạch tư có số lượng bệnh nhân béo phì đến thăm khám tăng lên rất nhiều. Việc kiểm soát cân nặng hay giảm bớt kilogam cho bệnh nhân trở về mức thừa cân hay mức lý tưởng là điều rất khó khăn, vì có nhiều rào cản như: thiếu phương tiện hỗ trợ bệnh nhân trở về mức cân nặng bình thường...
“Hội thảo hôm nay sẽ bàn về vấn đề béo phì đang ở xã hội như thế nào và có ở mức báo động không? Cách tiếp cận bệnh nhân béo phì thế nào? Những rào cản khi tiếp cận bệnh nhân béo phì là gì? Và giới thiệu các giải pháp để giải quyết vấn đề béo phì của từng cá nhân bệnh nhân và chiến dịch toàn bộ cho cộng đồng. Đó là thông điệp chính của buổi hội thảo để từ đó áp dụng vào cơ quan làm việc”, GS.TS.BS Trương Quang Bình nhấn mạnh mục đích và thông điệp buổi hội thảo ban cố vấn.
Nội dung buổi hội thảo với 3 bài báo cáo tập trung vào vấn đề béo phì diễn ra trong một buổi sáng. Trong đó, bài thứ nhất của PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân nói về “Gánh nặng bệnh tật của bệnh béo phì thế giới và Việt Nam”.
Bài báo cáo thứ hai do TS.BS Trần Hòa trình bày, đề cập đến vấn đề “Quản lý béo phì và thừa cân: Cách tiếp cận của thế giới và Việt Nam”. Bài báo cáo thứ ba tập trung giới thiệu “Vai trò của thuốc trong quản lý thừa cân và béo phì” do PGS.TS.BS Trần Quang Nam trình bày.
Ngoài ra, tại buổi hội thảo các chuyên gia đã cùng thảo luận dựa trên 9 câu hỏi trong bộ câu hỏi survey được khảo sát trước đó xoay quanh vấn đề béo phì như: Một ngày có bao nhiêu bệnh nhân khám tại khoa phòng của bác sĩ? Trong đó có bao nhiêu % bệnh nhân béo phì thừa cân (BMI>23kg/ m²)? Những bệnh nhân béo phì/ thừa cân tại khoa phòng của bác sĩ họ thường có những yếu tố nguy cơ tim mạch nào được chẩn đoán? Những yếu tố nào bác sĩ cân nhắc khi quyết định điều trị giảm cân cho bệnh nhân béo phì kèm yếu tố nguy cơ tim mạch? Khi nào bác sĩ sẽ chỉ định thuốc cho bệnh nhân béo phì có kèm bệnh lý tim mạch (bao gồm rối loạn lipid máu)?...
Thách thức và đề xuất hướng giải quyết bệnh béo phì
Cuối buổi hội thảo, GS.TS.BS Trương Quang Bình đã nêu bật vấn đề, khi kinh tế phát triển, tỷ lệ bệnh nhân bị béo phì có chỉ số BMI > 25 tăng lên rất nhiều, thậm chí tương lai có thể tăng đến 27, 30… Vị chuyên gia nhấn mạnh đây là vấn nạn cần giải quyết.
Giáo sư đưa ra những thách thức gặp phải khi giải quyết bệnh béo phì như: Bệnh nhân chưa có nhận thức về cân nặng; chưa có nhu cầu giảm cân hoặc không đủ điều kiện để giảm cân. Đối với bác sĩ, kiến thức về béo phì chưa có; thời gian không đủ vì khám rất nhiều bệnh trong một ngày; chưa có phương tiện hỗ trợ các bác sĩ trong điều trị béo phì cho bệnh nhân. Các bệnh viện chưa đủ cơ sở vật chất, chưa quan tâm đến điều trị béo phì để thành lập đơn vị chuyên khoa. Đặc biệt giá thuốc còn quá cao, chuyên gia đề xuất công ty dược nên có các chính sách đặc biệt cho Việt Nam.
Qua đó, GS.TS.BS Trương Quang Bình nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức về béo phì, tác động trên nhiều bác sĩ về cả nội khoa và ngoại khoa về tầm quan trọng của căn bệnh này. Để làm được điều này phải tổ chức nhiều hội thảo giúp các bác sĩ biết đến nhiều hơn.
Song song đó, phải thuyết phục nhà trường để đưa điều trị béo phì vào đào tạo; tác động và truyền thông vào cộng đồng để làm tăng nhận thức về bệnh béo phì; đưa ra đồng thuận từ các hội, nhà trường để có chung một tiếng nói.
Phía bệnh viện, những cơ sở có điều kiện nên thành lập các đơn vị để đánh giá, điều trị bệnh béo phì. "Lưu ý khi thành lập các đơn vị điều trị béo phì cần có các chuyên gia về dinh dưỡng, tập luyện, tâm lý, thẩm mỹ, tim mạch… những người này phải có đam mê và tâm huyết trong việc giúp người bệnh tuân thủ điều trị béo phì, hướng đến đạt BMI < 25" - chuyên gia đề cập.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình