Hotline 24/7
08983-08983

Phát động hiến tặng mô, tạng tại TPHCM: Món quà vô giá cuối cùng được gửi lại cho cuộc đời giữa lằn ranh sinh tử

Nối tiếp thành công của Lễ Phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động tại Hà Nội, ngày 30/12/2024, tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức Lễ Phát động "Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi".

Tham dự Lễ Phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" có nhiều đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh các sở, ban, ngành tại TPHCM và Trung ương; các cơ sở y tế; các ca sĩ, diễn viên, hoa hậu, người nổi tiếng...

Tham dự Lễ Phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" tại TPHCM có: Bà Đào Hồng Lan - UVBCH TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; bà Liễu Thúy Anh - UVBCH TW Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; bà Trần Thị Trung Chiến - Nguyên UVBCH TW Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam.

Ngoài ra còn có nhiều đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành tại TPHCM và Trung ương; các cơ sở y tế; các ca sĩ, diễn viên, hoa hậu, người nổi tiếng tham dự chương trình.

Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh Trong năm 2024, việc thực hiện thành công các ca ghép tạng cũng là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất của ngành Y năm 2024

Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu chỉ đạo: “Trải qua 32 năm kể từ khi Việt Nam thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992, ngành Y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, thể hiện phương châm “đi sau về trước.

Trong những năm qua, ngành Y tế phối hợp với các bộ ngành, địa phương đã có những cố gắng, nỗ lực rất đáng được ghi nhận để từng bước nâng cao năng lực công tác hiến, ghép tạng tại Việt Nam. Từ đó đem đến niềm tin, hy vọng, cơ hội về cuộc sống mới cho hàng nghìn người bệnh, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn”.

Năm 2024, số ca được chẩn đoán chết não (đến ngày 13/12/2024) là 189 ca, gấp gần 6 lần so với 34 ca được chẩn đoán chết não trong năm 2023; số bệnh nhân hiến tạng sau chết năm 2024 là 38 ca - đây được coi số ca hiến tạng cao kỷ lục của Việt Nam tính đến nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhấn mạnh, triết lý "Cho đi là còn mãi" tuy giản dị nhưng thấm đẫm tinh thần nhân ái đã trở thành ngọn lửa truyền cảm hứng cho hàng triệu trái tim. Đó là khi ánh sáng của hy vọng được thắp lên từ sự ra đi của một người để nhiều cuộc sống khác được tiếp tục.

Phát biểu khai mạc Lễ Phát động, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến những cá nhân, tổ chức đã và đang góp phần lan tỏa phong trào hiến tặng mô, tạng. Đây là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình yêu thương và trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Đặc biệt, không thể không nhắc đến gia đình của những người hiến tạng. Trong khoảnh khắc đau thương nhất, họ đã chọn lòng nhân ái để vượt qua nỗi đau, biến mất mát thành món quà. Quyết định của họ là nguồn cảm hứng và nguồn động lực mạnh mẽ để phong trào hiến mô và ghép tạng ở Việt Nam ngày càng lan tỏa”.

Bên cạnh đó, cần phải ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ, chuyên gia y tế, những người biến giấc mơ của hàng ngàn bệnh nhân thành hiện thực, mang đến cơ hội được tiếp tục sống, tiếu tục yêu thương.

Cuối cùng, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cảm ơn các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ đã dùng ngòi bút, giọng nói, hình ảnh... để kể lại những câu chuyện chạm đến trái tim, đánh thức lòng trắc ẩn, gợi ý thức trách nhiệm trong từng người dân Việt Nam. Các tổ chức, cơ quan, cá nhân đã kiên trì vận động, tuyên truyền để làm cho phong trào hiến tặng mô, tạng trở nên phổ biến hơn, được xã hội đón nhận và trân trọng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, hiến tặng mô, tạng hoàn toàn phù hợp với triết lý từ bi của Phật giáo cũng như tinh thần bác ái của người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Hiến mô, tạng và giác mạc là một sự chuyển giao quyền được tiếp tục sống. Bố thí nội tài là chủ trương của Đức Phật. Hiến mô, tạng là hành động từ bi cụ thể, giúp nhiều người khác vượt qua nỗi đau. Chúng tôi mong đồng bào Việt Nam, anh chị em Phật tử hưởng ứng phong trào, mạnh dạn phát tâm để sự sống của mình hoặc của người thân được chuyển tiếp sang cho 6 - 8 người khác”.

Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ: "Hiến tặng mô, tạng là cơ hội cuối cùng để chúng ta trao tặng món quà vô giá, cứu sống những người đang đứng giữa lằn ranh sinh tử. Chúng ta cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp xã hội để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Cho đi là còn mãi”. Hãy cùng nhau phá vỡ những nỗi sợ hãi, những rào cản tâm lý, những định kiến xã hội, để phong trào hiến mô, tạng thực sự trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam".

Giáo hội Phật giáo Vệt Nam là một trong các tổ chức tiên phong trong phong trào hiến tặng mô, tạng. Tại TPHCM, chùa Giác Ngộ dẫn đầu với hơn 8.000 người đăng ký hiến mô, tạng trong mười năm qua (2014 - 2024), chiếm khoảng 8% tổng số người đăng ký trên toàn quốc.

Bạn Phạm Anh Thư (21 tuổi), một bệnh nhân ung thư may mắn được ghép phổi và ông Nguyễn Xuân Khu, người quyết định hiến tạng của con trai bị tai nạn giao thông để cứu nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
Nghệ sĩ piano Nguyễn Ngọc Quang nhìn thấy những phím đàn qua giác mạc được ghép từ năm 3 tuổi, gửi tặng đến chương trình ca khúc "Nếu một mai tôi bay lên trời".
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến tặng quà cho đại diện người được ghép tạng và đại diện gia đình người hiến tạng chết não

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 đến 12 ca hiến tạng sau khi chết. Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam.

Để đạt được số ca hiến gọi là kỷ lục ở giai đoạn này, bên cạnh công tác truyền thông, các bệnh viện cần đẩy manh công tác tư vấn, vận động tại bệnh viện, thành lập tổ tư vấn để vận động tới gia đình khi phát hiện có bệnh nhân chết não tiềm năng. Điều đặc biệt cần sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, chung tay ủng hộ việc hiến tặng mô, tạng sau chết. Cần sự hoàn thiện về pháp luật để nguồn hiến mô, tạng phát triển trong thời gian tới.

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi"
Các đại biểu điền đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng ngay tại chương trình.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Lễ Phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" đã nhận được hơn 60 lá đơn đăng ký, góp phần lan tỏa sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của hành động hiến mô, tạng cứu người. Đây cũng là một biểu tượng sáng ngời của lòng nhân ái trong cộng đồng. 

Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam trao giấy khen cho Vietnam Airlines, Phòng CSGT TP Hà Nội, TPHCM, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì những đóng góp trong công tác vận chuyển mô, tạng
Từ trái sang: Bà Ngô Thị Ngọc Hoa - Tổng Giám đốc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Tây trong nghi thức ký kết hợp tác

Tại Lễ Phát động "Đăng ký tặng hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi" diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) sáng 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất:

1. Đề xuất Chính phủ ban hành Ngày Hiến tạng Quốc gia là ngày 20/5 hàng năm (ngay sau ngày Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng 19/5/2024).

2. Các bộ ngành liên quan, các ban ngành đoàn thể, cơ quan truyền thông, báo chí phối hợp cùng Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền vận động người dân đăng ký hiến tặng mô tạng qua Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.

3. Bộ Y tế xây dựng chính sách cho hoạt động truyền thông, tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng; đảm bảo nguồn lực thực hiện điều phối hiến, lấy, vận chuyển, ghép mô, tạng cho người bệnh.

4. Các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động đăng ký hiến mô, tạng trong bệnh viện; chủ động phát hiện các ca chết não tiềm năng để từng bước xây dựng văn hóa hiến mô, tạng trong bệnh viện.

5. Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ, đề xuất với Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác để phù hợp với yêu cầu thực tiễn ngay trong năm 2025.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, Thành phố sẽ đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, tạo các điều kiện thuận lợi tiến hành công tác vận động hiến tặng mô, tạng tại TPHCM

Đáp lại chỉ đạo từ Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định: “Thành phố sẽ tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động và sẽ có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy công việc rất ý nghĩa nhưng cũng rất khó khăn này. Nhân đây, chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan, ban ngành, các tầng lớp nhân dân của TPHCM tích cực tham gia công tác này”.

Đồng thời, TP sẽ chỉ đạo ngành y tế, các cơ quan có liên quan trực tiếp cũng như là các ngành, các cấp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và cơ quan điều phối hiến tạng, các cơ quan chuyên môn để triển khai công việc này được đồng bộ, hiệu quả, kịp thời. UBND TP xin cam kết với lãnh đạo Trung ương sẽ đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, tạo các điều kiện thuận lợi tiến hành công việc này tại TPHCM.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X