Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao mệt mỏi nhưng không thể vào giấc ngủ?

Buồn ngủ nhưng không ngủ được là một một dạng rối loạn giấc ngủ khá phổ biến hiện nay. Tình trạng này nếu bị tiếp diễn trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh, công việc và chất lượng cuộc sống. ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh – Đơn vị rối loạn giấc ngủ, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, người bệnh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để có những hướng khắc phục phù hợp

1. Khó đi vào giấc ngủ có thể trở thành mất ngủ mãn tính

Xin hỏi BS, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buồn ngủ nhưng lại không ngủ được? Đây có được xem là biểu hiện của mất ngủ?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh trả lời: Về mặt khoa học, nếu bị quá nhiều kích thích như lo lắng, bận tâm suy nghĩ nhiều, căng thẳng nhiều trong ngày, thần kinh sẽ giống như một sợi dây bị kéo căng. Làm việc quá muộn, không dứt khỏi những suy nghĩ về công việc sẽ dẫn đến tình trạng thể chất mệt mỏi nhưng không thể đi vào giấc ngủ.

1/3 thời gian trong cuộc sống được dành để ngủ. Khi chúng ta ngủ, các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, được đưa về mức cơ bản, nhẹ nhàng nhất để tiêu hao ít năng lượng nhất và phục hồi thể chất.

Khi quá căng thẳng, chúng ta sẽ cần một khoảng thời gian để cân bằng lại thể chất. Nhưng vì chưa kịp cân bằng lại nên dù thấy rất mệt mỏi, chúng ta vẫn không thể ngủ được. Trong thời gian ngắn, tình trạng này được xem là mất ngủ cấp.

Nhưng nếu kéo dài hơn nữa, những vấn đề tâm lý sẽ xuất hiện. Stress, hội chứng lo âu, tiền trầm cảm, trầm cảm dẫn đến giảm chất lượng giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài trên 3 tháng sẽ trở thành mất ngủ mãn tính.

Chúng ta cần phải quản lý công việc cũng như có phương pháp giải tỏa căng thẳng giúp cơ thể nhẹ nhàng hơn, dễ đi vào giấc ngủ hơn.

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh – Đơn vị rối loạn giấc ngủ, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

2. Nhận diện các bệnh tâm lý thông qua biểu hiện

Làm sao để nhận diện phân biệt rõ ràng các tình huống khó đi vào giấc ngủ do bệnh lý, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh trả lời: Một người có tính cách dễ lo âu hoặc một người có biểu hiện thờ ơ, mất dần các hứng thú với sở thích có thể mắc hội chứng lo âu, tiền trầm cảm.

Trầm cảm có thể được tầm soát thông qua bảng câu hỏi đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần và dễ dàng nhận ra được tình trạng của người bệnh.

3. Giải tỏa tâm lý để cải thiện chất lượng giấc ngủ

Có cách nào để giúp những người bị mất ngủ, buồn ngủ nhưng không ngủ được có được một giấc ngủ trọn vẹn hơn, ngủ sâu hơn, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh trả lời: Phải điều trị từ gốc! Khi nhận thấy bệnh nhân có hội chứng lo âu, chúng ta có thể trò truyện để họ hiểu rõ hơn về tình trạng của mình. Điều trị bằng thuốc cũng giúp ích. Khi tâm lý được giải tỏa, chất lượng giấc ngủ cũng sẽ được cải thiện.

Rối loạn giấc ngủ đi theo các vấn đề tâm lý, sức khỏe tinh thần chứ không phải một bệnh lý nguyên phát. Khi giải quyết bệnh lý nguyên phát, rối loạn giấc ngủ sẽ từ từ cải thiện.

Bệnh nhân có thể đi bộ nhẹ nhàng 30 phút sau bữa ăn, ngâm chân bằng nước nóng hoặc uống tim sen, sữa nóng trước khi ngủ. Những việc này giúp họ có tâm lý tốt cũng như có một giấc ngủ tốt hơn.

4. Những thói quen nào làm giảm chất lượng giấc ngủ?

Những người khó ngủ cần tránh thói quen xấu hay những hành động nào để không ảnh hưởng đến giấc ngủ, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh trả lời: Trong y văn có đề cập đến 1 việc giúp chúng ta ngủ tốt hơn là thu xếp giấc ngủ đúng. Một số người có thói quen nằm xem tivi sau khi ăn và vô tình thiếp đi một lúc. Điều này dẫn đến việc khó vào giấc khi đến giờ ngủ.

Xem những nội dung như phim kinh dị, phim hành động sẽ dẫn đến kích thích thần kinh, khó đi vào giấc ngủ.

Nhiều đèn, nhiều âm thanh trong không gian ngủ cũng ảnh hưởng đến những người nhạy cảm. Lướt mạng, chơi game quá khuya cũng là thói quen xấu làm giảm chất lượng giấc ngủ.

5. “Đếm cừu” ít có tác dụng với những người có nhiều lo lắng

Xin hỏi BS, “đếm cừu” có phải là phương pháp hiệu quả để giúp chúng ta dễ đi sâu vào giấc ngủ không?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh trả lời: Đếm cừu là một phương pháp dân gian đã có từ lâu nhưng hiệu quả mang lại không cao. Cơ chế của phương pháp này là đánh lạc hướng những suy nghĩ, lo lắng để đưa cơ thể vào trạng thái sẵn sàng đi vào giấc ngủ. Phương pháp này thường ít hiệu quả với những người có nhiều lo lắng.

Những phương pháp khác mà chúng ta có thể thử áp dụng là uống sữa nóng trước khi ngủ, ngâm chân bằng nước ấm trước khi ngủ,...

6. Áp dụng đồng thời nhiều phương pháp cải thiện rối loạn giấc ngủ

Những biểu hiện, tình trạng nào là dấu hiệu báo động bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để can thiệp kịp thời, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh trả lời: Để cải thiện tình trạng khó ngủ, chúng ta nên áp dụng đồng thời nhiều phương pháp.

Chúng ta nên có chế độ ăn uống hợp lý. Trong rau xanh có serotonin, magie B6 là những tiền chất để tạo hormone tốt cho giấc ngủ. Vì vậy nên ăn nhiều rau xanh.

Có thể áp dụng các phương pháp dân gian để giảm lo lắng như ngâm chân, uống sữa nóng trước khi ngủ, đi bộ nhẹ nhàng khoảng 30 phút,...

Như vậy, để thu xếp giấc ngủ tốt hơn cần có những phương pháp đa chiều. Những phương pháp kể trên đều giúp chúng ta có một giấc ngủ tốt hơn.

Nếu những phương pháp đa chiều này vẫn chưa thể giúp cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ, các bạn nên đi thăm khám để được bác sĩ hỗ trợ bằng các phương pháp thay đổi hành vi, thảo dược. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân mất ngủ và giải quyết nguyên nhân này, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X