Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao giun sán gây ra hội chứng thận hư và phòng ngừa bằng cách nào?

Giun sán thường xuất hiện ở đường tiêu hóa. Vậy bằng cách nào giun sán có thể tấn công và gây ra hội chứng thận hư? Làm sao để nhận diện kịp thời và phòng ngừa căn bệnh này? Tất cả những thắc mắc này đã được BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Bình Dân giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Hội chứng thận hư có giống với suy thận?

Đầu tiên nhờ BS cho biết hội chứng thận hư là như thế nào, và có giống với suy thận không?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Suy thận là tình trạng mất chức năng của thận, như mất chức năng lọc chất độc, thải nước, cân bằng điện giải; cũng như những chức năng nội tiết do thận tiết ra.

Còn hội chứng thận hư là tình trạng thận không giữ được đạm, gây thất thoát đạm qua nước tiểu, từ đó làm giảm Albumin trong máu, gây tình trạng thiểu niệu và bệnh nhân sẽ bị phù. Khi mất Albumin như vậy, cũng sẽ bị mất những kháng thể trong cơ thể và bệnh nhân sẽ dễ bị tình trạng nhiễm trùng.

2. Nguyên nhân nào gây ra hội chứng thận hư?

BV Bình Dân thường tiếp nhận bệnh nhân bị hội chứng thận hư do những nguyên nhân gì ạ?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Hội chứng thận hư được chia thành 2 nhóm nguyên nhân. Một là vô căn, nghĩa là sẽ không tìm được nguyên nhân. Hai là thứ phát, nghĩa là sẽ phát hiện được nguyên nhân gây bệnh.

Đầu tiên, thường gặp nhất là hội chứng thận hư do bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư từ đại tràng, phổi hoặc ung thư từ tiền liệt tuyến… Bệnh ung thư có thể sẽ đi chậm hơn so với hội chứng thận hư hoặc có thể hội chứng thận hư sẽ xuất hiện sớm trước đó vài năm, sau đó mới phát hiện ra tình trạng bệnh ung thư. Nguyên nhân thứ hai là tình trạng các bệnh lý miễn dịch, nhiều nhất là bệnh Lupus ban đỏ. Nguyên nhân thứ ba là tình trạng bệnh nhân bị nhiễm các ký sinh trùng hoặc nhiễm viêm gan B, C, HIV.

Gần đây, tình trạng mắc hội chứng thận hư do nhiễm giun sán được phát hiện và bắt gặp rất phổ biến.

3. Giun sán gây hội chứng thận hư như thế nào?

Giun sán ở đường tiêu hóa, bằng cách nào giun có thể gây nên hội chứng thận hư (đường tiết niệu)?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Trứng của giun sán nằm bên ngoài môi trường như đất, có thể đi vào trong cơ thể người do ăn những thức ăn bị nhiễm giun sán. Hoặc giun sán có thể đi vào trong cơ thể qua đường da do bệnh nhân tiếp xúc với đất.

Bệnh nhân có thể bị nhiễm do ăn thịt động vật có chứa giun sán mà không được nấu chín kỹ. Sau khi nhiễm, trứng sẽ vào trong cơ thể và chuyển thành ấu trùng, và ấu trùng sẽ lan đến tất cả các cơ quan. Một số các cơ quan hay gặp là lan đến gan, phổi, não và một số trường hợp lan đến thận gây nên tình trạng hội chứng thận hư.

4. Hội chứng thận hư bắt nguồn từ những loại giun nào?

Thường thì những giun nào gây ra hội chứng thận hư cho người bệnh?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Trường hợp giun sán gây hội chứng thận hư hay gặp nhất là nhiễm giun lươn, nhiễm Toxocara từ chó mèo, sán máng và những ký sinh trùng khác có thể gặp. Ví dụ như là Toxoplasma hoặc là bệnh sốt rét cũng có khả năng gây nên hội chứng thận hư.

5. Làm cách nào phát hiện hội chứng thận hư do giun sán?

Bằng cách nào các BS phân biệt tình trạng mất protein qua nước tiểu > 3 g protein/ngày do tổn thương cầu thận kèm theo phù và giảm albumin máu này do giun sán mà không phải nguyên nhân khác?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Nguyên tắc chung, chúng ta sẽ tìm nguyên nhân trước và sẽ loại trừ từng tình trạng, ví dụ như ung thư hoặc những bệnh lý miễn dịch. Sau đó, kiểm tra triệu chứng ở những nhóm bệnh nhân. Ví dụ như ngứa, phát ban hoặc đau bụng, rối loạn tiêu hóa hay một số trường hợp bệnh nhân khó thở do giun sán.

Ngoài ra, nếu trong công thức máu eosinophil tăng cao sẽ nghĩ đến tình trạng giun sán và có thể điều trị thử để xem các đáp ứng.

6. Hội chứng thận hư được điều trị thế nào, có khó khăn gì không?

Điều trị hội chứng thận hư do giun sán có khó không, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Điều trị triệu chứng thận hư do giun sán sẽ tùy thuộc vào mức độ tình trạng nhiễm giun. Nếu nhiễm giun lan trên một số các cơ quan, ví dụ như não, mắt hoặc là nhiễm giun lươn ở giai đoạn nặng toàn phát khắp cơ thể thì rất khó để điều trị. Khi điều trị triệu chứng thận hư do nhiễm giun sán, một số trường hợp sẽ đáp ứng rất tốt. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải sử biện pháp ức chế miễn dịch.

7. Thiếu máu mạn tính ở người bị hội chứng thận hư được khắc phục thế nào?

Người bệnh hội chứng thận hư do giun sán có tình trạng thiếu máu mạn tính, sau khi loại trừ nguyên nhân gây bệnh là giun sán thì tình trạng thiếu máu cần được khắc phục như thế nào, nhờ BS hướng dẫn?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Khởi đầu chúng ta sẽ điều trị giun sán. Khi tình trạng thiếu máu, suy thận được cải thiện, thì tình trạng thiếu máu cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, để nhanh hồi phục tình trạng thiếu máu có thể bổ sung thêm sắt cho bệnh nhân.

8. Độ tuổi nào dễ bị hội chứng thận hư do giun sán?

BS có thể kể về một số ca bệnh hội chứng thận hư do giun sán đáng chú ý mà BV Bình Dân đã điều trị gần đây? (Ví dụ bệnh nhân nhỏ tuổi nhất, lớn tuổi nhất, cơ địa đặc biệt, bệnh chồng bệnh khó tìm ra nguyên nhân do giun…)

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Gần đây, Bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận nhiều ca hội chứng thận hư do giun sán và thường nhất là nhiễm giun từ chó mèo, thứ hai là nhiễm giun lươn. Độ tuổi nào cũng có thể nhiễm bệnh.

Tại Bệnh viện Bình Dân, những bệnh nhân được phát hiện, sau khi điều trị giun sán tình trạng hội chứng thận hư đã cải thiện rất nhanh.

Ngày nay, nhiễm giun do Toxocara từ chó và mèo gặp rất nhiều. Chúng ta có thể phòng ngừa tình trạng này bằng cách xổ giun cho chó, mèo định kỳ, cũng như có nơi đi vệ sinh cho chó mèo và phải cẩn thận trong quá trình tiếp xúc.

9. Phòng ngừa hội chứng thận hư do giun sán bằng cách nào?

Để phòng ngừa hội chứng thận hư do giun sán, chúng ta cần lưu ý gì, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Để phòng ngừa hội chứng thận hư do giun sán thì phải phòng ngừa tình trạng nhiễm giun. Ngoài ra, phải nhận biết, phát hiện tình trạng nhiễm giun để điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa tình trạng nhiễm giun, chúng ta phải cẩn thận trong vấn đề ăn uống, đặc biệt là với những loại rau sống hoặc những loại động vật có khả năng nhiễm giun, ví dụ như ốc nấu chưa chín kỹ để diệt trứng hoặc các loại ấu trùng. Thứ hai là tình trạng nhiễm giun lươn, do tiếp xúc với đất bị nhiễm các ký sinh trùng, chúng ta phải cẩn thận hơn.

Khi có triệu chứng, ví dụ như ngứa, nổi sần ở da hoặc rối loạn về tiêu hoá, đau bụng, tiêu chảy và táo bón xen kẽ thì chúng ta cần nghĩ đến tình trạng nhiễm giun để phát hiện và điều trị kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X