Hotline 24/7
08983-08983

Vết bầm trên da: Chớ coi thường!

Khi không có bất cứ va chạm nào nhưng trên da lại xuất hiện những vết bầm tím, đó có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng.

Nhiều bệnh nhân bị máu bầm dưới da thường chủ quan không đi điều trị. Với những vết bầm thông thường có thể hết sau một thời gian nhưng cũng có trường hợp đó là dấu hiệu cảnh báo những mối nguy hại cho sức khỏe.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bỗng dưng da bầm tím

Một buổi chiều con trai 8 tuổi đi học về, chị Hạnh Nhung (30 tuổi, Q.5, TPHCM) phát hiện trên bắp chân con xuất hiện một vết bầm tím. Tưởng con chơi đùa với bạn rồi vấp ngã nên chị cũng không quan tâm. Vài ngày sau, vết bầm cũng nhạt dần rồi biến mất. Nhưng một thời gian sau, chị lại thấy vết bầm giống như vậy xuất hiện trở lại nhiều lần. Chị thử ấn vào thì không thấy con kêu đau.

Lo sợ con có vấn đề gì về sức khỏe, chị Nhung đưa con tới bệnh viện khám và được bác sĩ kết luận bé bị thiếu một số loại vitamin như B12, vitamin C… khiến cơ thể không sản xuất đủ tiểu huyết cầu hoặc tiểu huyết cầu không đảm bảo vai trò dẫn đến xuất huyết dưới da. Đây là hiện tượng phổ biến, diễn ra tự nhiên do thiếu vitamin, axit folic…

Tuy nhiên, nó cũng có thể là biểu hiện bệnh lý nguy hiểm như bệnh đa hồng cầu, xơ gan... như trường hợp của chị Ngọc Anh (34 tuổi, ngụ ở Bình Dương). Khoảng 3 tháng trở lại đây, trên chân chị thường xuất hiện những đốm tím bầm không rõ nguyên nhân.

Đầu tiên xuất hiện một số đốm nhỏ nhưng càng về sau đốm càng lớn lên và hơi đau mặc dù không xảy ra va chạm gì.

Nghĩ rằng bị thiếu máu chị Ngọc Anh bổ sung thêm sắt, thay đổi chế độ ăn tăng cường bổ máu nhưng tình hình không có biến chuyển. Mấy tháng gần đây vết bầm không chỉ có ở chân tay và lan ra khắp người kèm theo các biểu hiện bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ù tai, mắt mờ, sốt về đêm, rong kinh…. Đến bệnh viện khám, làm các xét nghiệm bác sĩ kết luận chị mắc bệnh đa hồng cầu cần điều trị sớm.

Không nên chủ quan

BS chuyên khoa Da liễu, Bùi Cẩm Trúc, thành viên của Hiệp hội Thẩm mỹ Da Hoa Kỳ, hiện đang sống và làm việc tại TPHCM cho biết: Đối tượng dễ bị bầm tím da nhất là phụ nữ, người già và trẻ em, những vết bầm thường tập trung ở vùng bắp đùi, bắp tay bởi lớp da mỏng hơn nên rất dễ bị tổn thương.

Khi bị chấn thương, các mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ, máu thoát ra ngoài, tụ lại dưới da và hình thành nên máu bầm hay còn gọi là xuất huyết dưới da. Xuất huyết dưới da có thể từng chấm nhỏ li ti, có thể thành từng mảng; do va chạm, cũng có thể tự xuất hiện.

Đầu tiên, có màu đỏ bầm vài ngày sau ngả sang tím, xanh rồi vàng, từ từ nhạt dần… khoảng 5-7 ngày thì lặn. Mảng xuất huyết không nổi gờ trên mặt da, không ngứa, không đau, căng da không mất đi.

Bầm tím trên da có thể chỉ đơn thuần là tổn thương thành mạch sau chấn thương, ngoài ra còn có thể do những nguyên nhân gây rối loạn quá trình đông máu như giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu, rối loạn các yếu tố đông máu hoặc tổn thương thành mạch mắc phải.

Nguyên nhân là do thiếu vitamin, do dùng thuốc hoặc di truyền từ mẹ... Khi cơ thể không sản xuất đủ tiểu cầu hoặc tiểu huyết cầu không đảm đương vai trò thì dù không có va chạm thương tích tình trạng xuất huyết dưới da rất dễ xảy ra.

Xử lý vết bầm đúng cách

Thông thường hiện tượng bầm tím da do va chạm sẽ tự hết sau đó vài ngày. Với các vết bầm nhẹ, chúng ta nên dùng đá chườm lạnh ngay sau va chạm, mục đích là giúp mạch máu co lại, khiến vết thương giảm viêm giảm sưng, giảm chảy máu.

Với những vết bầm máu sau phẫu thuật, chúng ta có thể xịt nước khoáng kết hợp với chườm lạnh cũng giúp giảm sưng và tan máu bầm nhanh hơn.

Sau khi đã đắp nước đá trên vết bầm, bạn có thể yên tâm rằng chỗ bầm sẽ không hiện lên xanh hay tím trong ngày hôm sau đối với trường hợp nhẹ. Với trường hợp nặng, bạn vẫn có thể thấy vết bầm này xuất hiện, nhưng thường nhạt và nhỏ.

Bạn có thể dùng hơi nóng hơ lên để làm vết này tan biến nhanh chóng. Dùng khăn nhúng nước thật nóng, vắt khô rồi đắp lên chỗ bầm; xả lại khi khăn nguội; cứ thế liên tục từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ tùy theo vết bầm lớn hay nhỏ. Hơi nóng có tác dụng làm máu lưu thông qua chỗ bầm nhanh hơn, và vì thế sẽ làm vết bầm tan nhanh hơn.

Sinh tố C cũng là một trong những thuốc làm tan vết bầm rất hiệu nghiệm. Theo nghiên cứu của Đại học North Carolina (Mỹ), những người có ít chất sinh tố C trong cơ thể thường dễ bị bầm hơn và vết bầm cũng lâu tan hơn.

Sinh tố C tạo nên những lớp collagen bảo vệ cơ thể. Những lớp này mỏng hơn ở bàn chân, bàn tay và ở mặt; đó là lý do vết bầm tại các nơi này thường dễ xuất hiện hơn, đậm hơn và lâu tan hơn.

Bên cạnh đó cũng có thể sử dụng thêm thuốc thoa ở ngoài da trên vùng tụ máu cũng giúp tan máu bầm nhanh hơn. Người bệnh không nên lăn trứng gà, xoa dầu nóng lên vết máu bầm. Sự hiểu biết sai lầm này sẽ khiến vị trí chấn thương bị chảy máu nhiều và vết thương viêm nhiễm nặng hơn.

Trong một số trường hợp bầm tím có thể dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Nếu thấy xuất hiện nhiều vết tụ máu dưới da mà không có lý do gì rõ ràng hoặc những vết bầm máu đã tan sau đó cứ bị đi bị lại thường xuyên, chúng ta cần đến ngay các bệnh viện để kiểm tra máu vì có thể có các bệnh lý về rối loạn đông máu cần phải được bác sĩ xác định và điều trị. Không nên coi thường tự mua thuốc uống hoặc bỏ qua.

Theo H.U - Sức khỏe gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X