Hotline 24/7
08983-08983

Vận động và chơi trò chơi trí tuệ có ích cho điều trị rối loạn nhận thức

Suy giảm trí nhớ là hội chứng phổ biến trong xã hội hiện nay. Không chỉ vậy, tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa và xuất hiện ngày một nhiều hơn. Vậy phải làm gì để điều trị suy giảm trí nhớ và ngăn ngừa những biến chứng của bệnh? Mời bạn đọc AloBacsi tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây với sự tư vấn của ThS.BS Võ Văn Tân - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM.

1. Mất trí nhớ chỉ là một biểu hiện của rối loạn nhận thức

Nhờ BS giải thích rõ hơn, thế nào là rối loạn nhận thức? Vì sao tình trạng này xảy ra với những người trung niên nhiều hơn?

ThS.BS Võ Văn Tân trả lời: Rối loạn nhận thức được định nghĩa là một tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần làm ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tập trung và khả năng làm việc, học tập.

Từ định nghĩa này, có thể thấy rằng ngoài trí nhớ, rối loạn nhận thức còn bao gồm cả khả năng tập trung và tiếp thu. Trí nhớ chỉ là một phần trong rối loạn nhận thức. Theo nhiều thống kê trên thế giới, có 2 - 10% người trên 65 tuổi mắc bệnh. Đặc biệt, sau 85 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên gần 25%.

2. Ba biểu hiện cảnh báo rối loạn nhận thức thường gặp nhất

Xin hỏi BS, đâu là các triệu chứng cảnh báo rối loạn nhận thức? Trong đó, triệu chứng nào là điển hình nhất?

ThS.BS Võ Văn Tân trả lời: Nhận thức là một quá trình gồm 4 giai đoạn: tiếp thu kiến thức, mã hóa, lưu trữ và truy xuất thông tin. Khi một người bị rối loạn nhận thức, triệu chứng ban đầu là hay quên, đặc biệt là mất trí nhớ gần. Họ có thể nhớ được những chuyện từ lâu nhưng chuyện vừa xảy ra lại không nhớ được.

Biểu hiện thứ hai là giảm khả năng tập trung. Một người có thể ngồi đọc sách hoặc chơi cờ 30 phút đến 2 giờ liên tục nhưng khi mắc bệnh, họ cảm thấy chán chỉ sau 15 phút.

Thứ ba, khả năng tiếp thu kiến thức mới, khả năng học tập của người bệnh bị giảm sút.

ThS.BS Võ Văn Tân cho biết, 3 triệu chứng thường gặp nhất của rối lian j nhận thức là hay quên, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng tiếp thu kiến thức mới

Rối loạn nhận thức nếu không được phát hiện và điều trị thì người bệnh phải đối diện với những hậu quả gì, thưa BS?

ThS.BS Võ Văn Tân trả lời: Rối loạn nhận thức có thể được xem là giai đoạn đầu của sa sút trí tuệ, điển hình là alzheimer. Khi có một trong 3 dấu hiệu sớm nêu trên, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám tìm nguyên nhân.

Trong nhiều trường hợp sa sút trí tuệ, rối loạn nhận thức là biểu hiện của những căn bệnh thứ phát như trầm cảm, mất ngủ hoặc liên quan đến nội tiết tố như suy giáp, cường giáp.

3. Kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm để điều trị, dự phòng rối loạn nhận thức

Điều trị rối loạn nhận thức nên bắt đầu từ đâu, thưa BS?

ThS.BS Võ Văn Tân trả lời: Khi một bệnh nhân có những triệu chứng của rối loạn nhận thức, nên nhanh chóng đến gặp chuyên gia. Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử để tìm nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là dự phòng. Những bệnh nhân có bệnh lý nội khoa đi kèm như tăng huyết áp, tiểu đường... buộc phải kiểm soát tốt các vấn đề này Những bệnh nhân trầm cảm phải điều trị tốt chứng trầm cảm.

Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân rất trẻ, chỉ khoảng 20 - 40 tuổi, đã có biểu hiện rối loạn lo âu. Mất ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức, khả năng tập trung của bệnh nhân.

4. Các phương pháp cải thiện trí nhớ cho người bị rối loạn nhận thức

Rối loạn nhận thức khiến người bệnh giảm tập trung, suy giảm trí nhớ. Xin hỏi BS, người bệnh có thể làm gì để cải thiện tình trạng “nhớ nhớ, quên quên”?

ThS.BS Võ Văn Tân trả lời: Điều trị rối loạn nhận thức được chia thành 2 nhóm: không dùng thuốc và dùng thuốc.

Ở nhóm không dùng thuốc, điều bệnh nhân cần làm là vận động, dành thời gian đi bộ khoảng 3 cây số hoặc 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao rèn luyện trí nhớ như đánh cờ cũng có tác dụng cải thiện tình trạng bệnh.

Thứ hai, có thể tham gia các câu lạc bộ dành cho bệnh nhân rối loạn nhận thức hoặc các buổi sinh hoạt cộng đồng. Người bệnh nên áp dụng phương pháp đọc sách, ghi nhớ và kể lại câu chuyện đã đọc.

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc cải thiện trí nhớ cho bệnh nhân. Những bệnh nhân bị rối loạn nhận thức giai đoạn đầu có thể dùng thuốc hỗ trợ hoặc điều trị như piracetam, ginkgo biloba...

5. Bệnh nhân COVID-19, người từng mất người thân trong đại dịch dễ bị ảnh hưởng đến nhận thức

Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc, dường như sau khi trải qua đại dịch COVID-19, tình trạng nhớ trước quên sau của họ xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Xin hỏi BS, liệu có mối liên hệ nào giữa COVID-19 với tình trạng suy giảm nhận thức?

ThS.BS Võ Văn Tân trả lời: Có 2 cơ chế trực tiếp khiến COVID-19 có liên quan đến tình trạng rối loạn nhận thức. Thứ nhất, bệnh nhân bị stress sau đại dịch, từ đó ảnh hưởng đến nhận thức. Thứ hai, có giả thuyết cho rằng virus tấn công lên não gây ra nhiều ảnhh hưởng.

Những nhóm người có khả năng cao bị mắc rối loạn nhận thức sau COVID-19 là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nằm ở các khoa Hồi sức tích cực và người từng chứng kiến người thân tử vong do COVID-19.

6. Thuốc Ginkgo biloba phải được chỉ định và kê toa

Xin hỏi BS, loại thuốc nào thường được dùng để điều trị rối loạn nhận thức?

ThS.BS Võ Văn Tân trả lời: Một số thuốc thông dụng là ginkgo biloba, piracetam... Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều sản phẩm ginkgo biloba.

Đối với các sản phẩm không cần kê đơn, ginko biloba được gọi là thực phẩm chức năng. Chỉ có ginkgo biloba EGb761 được phê duyệt là thuốc có tác dụng và có hiệu quả điều trị. Thuốc thì phải được chỉ định và kê toa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X