Hotline 24/7
08983-08983

Vai trò của vitamin đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ

Tình trạng thiếu hụt các vi chất có thể để lại hậu quả rất nặng nề cho trẻ. Việc bổ sung đầy đủ các vitamin, đặc biệt là vitamin tan trong chất béo không những giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ, mà còn hỗ trợ phát triển tối ưu về chiều cao, giảm nguy cơ mắc bệnh.

1. Tỷ lệ trẻ em được cung cấp đủ và thiếu vitamin hiện nay ra sao?

Thực tế cho thấy, các bậc phụ huynh thường quan tâm bổ sung vitamin cho trẻ lớn hơn ở độ tuổi từ 0 - 12 tháng. Xin hỏi BS, tại nước ta, tỷ lệ trẻ em được cung cấp đủ và thiếu vitamin cụ thể ra sao? Đặc biệt là trên trẻ nhỏ, từ sơ sinh đến dưới 1 tuổi ạ?

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai trả lời: Chúng ta thường quan tâm nhiều đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ em như suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, còn một vấn đề khác đang diễn ra và nhận được rất nhiều sự quan tâm đó là thiếu vi chất dinh dưỡng.

Tình trạng này rất khó nhận biết thông qua các biểu hiện bên ngoài. Đôi khi không nhận thấy đâu là vấn đề cần giải quyết ngay nhưng vẫn đang tìm ẩn bên trong và để lại hậu quả rất nặng nề.

Hiện nay, những vấn đề thiếu vi chất đang có ý nghĩa sức khỏe ở cộng đồng Việt Nam như thiếu vitamin A cận lâm sàng. Năm 1993, chương trình vitamin A lần đầu tiên đã được triển khai ở Việt Nam, với giải pháp hằng năm cho trẻ uống vitamin A liều cao 2 lần/năm. Chỉ sau 1 năm đã giải quyết được rất nhiều vấn đề thiếu vitamin A lâm sàng.

Tuy nhiên, từ năm 1994 đến nay (3 thập kỷ đã trôi qua) vấn đề thiếu vitamin A cận lâm sàng (trong huyết thanh) vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe ở cộng đồng tại Việt Nam.

Năm 2015, tỷ lệ thiếu vitamin A cận lâm sàng trên toàn quốc đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 13,2%. Kết quả mới nhất Viện Dinh dưỡng công bố từ cuộc tổng điều tra vi chất năm 2020, tỷ lệ này đã xuống mức trung bình khoảng 8,9% đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thiếu các vi chất khác như thiếu vitamin D, thiếu chất khoáng quan trọng (thiếu máu, thiếu sắt, kẽm, iod). Đặc biệt đối với trẻ em, nhất là trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời.

Trong giai đoạn từ khi bà mẹ mang thai đến khi em bé sinh ra dưới 2 tuổi vấn đề thiếu các vitamin, đặc biệt là vitamin A, vitamin D rất cần được quan tâm.

Gần đây, các bậc phụ huynh quan tâm nhiều đến tình trạng bổ sung vitamin K2 cho bé để bé có thể phát triển tối ưu nhất về chiều cao và có tình trạng dinh dưỡng tốt nhất, ít mắc bệnh nhất.

2. Vitamin nào thường bị thiếu và ít nhận được sự quan tâm nhất, nguyên nhân do đâu?

Trong đó, những loại vitamin nào là thường bị thiếu và ít nhận được sự quan tâm nhất nhưng lại rất cần thiết cho trẻ nhỏ, thưa BS? Theo BS, tình trạng thiếu hụt này là do đâu?

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai trả lời: Vitamin D là vi chất dinh dưỡng đến ít nhất từ các từ các thực phẩm mỗi ngày. Một chế độ ăn trung bình mỗi ngày chỉ cung cấp được khoảng 10 - 20% nhu cầu vitamin D. Các phần trăm còn lại dđến từ da của chúng ta tổng hợp vitamin D3 thông qua sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Phụ nữ sau sinh thường ở trong nhà nên ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì vậy việc tổng hợp vitamin D rất hạn chế. Em bé ít khi được ra ngoài tắm nắng nên việc tổng hợp vitamin D càng khó khăn hơn.

Nhu cầu vitamin D cho trẻ từ sau sinh đến 12 tháng là 400 đơn vị/ngày. Đôi khi các bậc phụ huynh không để ý vì cho rằng bổ sung qua thực phẩm đã đủ nên không bổ sung thêm các chế phẩm,… dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D. Tỷ lệ thiếu vitamin D ở nước ta hiện nay từ 50 - 60% kể cả người trưởng thành.

Nguyên nhân gây thiếu vitamin, đầu tiên nguồn cung cấp vitamin đến từ thực phẩm (vitamin A, vitamin E, vitamin K2,…) nếu không có chế độ ăn đủ về mặt số lượng, cân đối về mặt chất lượng, đa dạng về mặt thực phẩm sẽ rất khó để cung cấp đầy đủ các vitamin cho bé.

Thứ hai, vấn đề cung đủ nhưng cơ thể bé không hấp thu vẹn tròn. Ví dụ, các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K nếu cho trẻ ăn chế độ ăn không đủ chất béo để làm dung môi hòa tan, việc hấp thu sẽ khó khăn.

Thứ ba là trẻ có bệnh lý về đường tiêu hóa. Ví dụ, vi khuẩn ở đường ruột, đặc biệt là ruột già có thể sản sinh ra vitamin K2. Nhưng vì một bệnh lý nào đó được chỉ định sử dụng kháng sinh, dẫn đến bị tiêu chảy, làm ảnh hưởng quá trình hấp thu.

Thứ tư, do cách cung cấp của mẹ dẫn đến không trẻ không được hấp thu đầy đủ. Ví dụ, vitamin tan trong chất béo, thông thường các sản phẩm bổ sung sẽ hướng dẫn nhỏ trực tiếp vào miệng cho bé trước, sau hoặc trong bữa ăn. Đôi khi có những phụ huynh bận rộn nên nhỏ vitamin này vào bình sữa để bé uống. Tuy nhiên, những vitamin tan trong chất béo, rất nhẹ, có tỷ trọng thấp nên sẽ nổi và bám vào thành bình, thành cốc dẫn đến trẻ không nhận được đầy đủ các vitamin.

Nguyên nhân thứ năm, trong những giai đoạn sinh lý đặc biệt hoặc một số bệnh lý hoặc trong giai đoạn tăng trưởng mà bé có nhu cầu cao hơn nếu không đáp ứng được nhu cầu đó sẽ dẫn đến thiếu hụt các vitamin.

3. Biểu hiện nào cho thấy trẻ nhỏ thiếu các vitamin quan trọng như vitamin A, vitamin D3, vitamin K2 và vitamin D?

Những biểu hiện nào cho thấy trẻ nhỏ (từ 0 - 12 tháng tuổi) thiếu các vitamin quan trọng như A, D3, K2 và D, thưa BS? Nhờ BS mô tả kỹ hơn về các triệu chứng điển hình như đổ mồ hôi trộm, khô mắt, rụng tóc… (làm sao để phân biệt với các tình trạng khác thường gặp ở trẻ sơ sinh)?

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai trả lời: Để nhận biết các dấu hiệu thiếu vitamin A, vitamin D rất khó vì các biểu hiện sẽ thông qua đáp ứng, mỗi một bé là một cá thể riêng biệt nên đáp ứng sẽ khác nhau.

Vitamin A tốt cho mắt, võng mạc và giữ toàn vẹn biểu mô (niêm mạc đường tiêu hóa, niêm mạc đường hô hấp, cấu trúc biểu mô của da) nếu thấy con hay lỡ loét, ốm vặt đó là những rào cản đầu tiên của cơ thể bé để bảo vệ trước sự tác động của vi khuẩn. Do thiếu hụt vitamin A nên sự toàn vẹn của biểu mô không còn dẫn đến nhiễm khuẩn hô hấp, rối loạn tiêu hóa đây cũng là nguyên nhân làm trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.

Hoặc bé chậm lớn là biểu hiện của chậm tăng cân do không đủ năng lượng trong chế độ ăn hay không đủ nguyên liệu để tăng cao. Ví dụ, vitamin A thường đề cập đến vai trò đối với mắt, nhưng muốn con cao, tối ưu tiềm năng tăng trưởng chiều cao mà không cung cấp đủ vitamin A sẽ không thể tăng trưởng chiều cao cho đúng như chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy trẻ chậm tăng cân nhưng không quan tâm nhiều đến chiều cao, chỉ khi thiếu vài cm mới bắt đầu quan tâm.

Vitamin A còn liên quan đến hệ miễn dịch, vì vậy bổ sung vitamin A đã được tiến hành 2 lần/năm cho các bé. Mục tiêu lớn nhất là giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Vấn đề khô mắt lâm sàng giải quyết rất nhanh chóng, chỉ khoảng 1 năm. Nhưng để cải thiện tăng trưởng, giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ mắc bệnh là lợi ích rất lớn, nhất là trong những năm tháng đầu đời của bé.

Vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi từ chế độ ăn, đi từ ruột vào máu. Trong 2 thập kỷ vừa qua rất nhiều công trình khoa học nói về tác động, hiệu quả của vitamin D và những vấn đề nếu thiếu vitamin D. Đôi khi phụ huynh chỉ cho con uống vitamin D mà không quan sát dẫn đến thiếu vitamin D. Từ đó, gây ăn không ngon, ngủ trằn trọc, rụng tóc vành khăn, chậm lớn, kém tăng trưởng chiều cao, còi xương, thiếu canxi…

Thiếu vitamin K2 chưa được mô tả nhiều. Có 2 dạng vitamin K: Vitamin K1 liên quan đến các chức năng đông máu; Vitamin K2 liên quan đến chuyển canxi từ máu vào trong xương, thiếu vitamin K2 khi xét nghiệm canxi sẽ thấy canxi huyết tăng. Vai trò của vitamin K2 là hoạt hóa osteocalcin có tác dụng chuyển canxi từ máu vào xương nhưng thông thường ở dạng bất hoạt, khi có tác động của vitamin K2 mới chuyển sang dạng hoạt động để vận chuyển canxi từ máu vào trong xương.

Nếu có cả 3 vitamin A, D và K2 ở mức tương đối để giúp cho trẻ đáp ứng, bù vào phần còn thiếu trong chế độ ăn hằng ngày để giúp bé có đầy đủ các vitamin là vấn đề quan trọng để trẻ tăng trưởng tối ưu.

Với các vitamin A, D và K2 là vitamin tan trong chất béo nên cần dung môi để dễ hấp thu, đặc biệt là dung môi dầu, liên kết đôi như vitamin E. Vừa đáp ứng nhu cầu vitamin vừa hoạt động như một chất chống oxy hóa.

4. Trẻ nhỏ nào cần bổ sung vitamin và nguyên tắc khi lựa chọn sản phẩm bổ sung các loại vitamin là gì?

Các bậc phụ huynh thường dè chừng trong việc lựa chọn bổ sung vitamin cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS đề cập rõ hơn:

- Những trẻ nhỏ nào cần bổ sung vitamin, nhất là A, D3, K2 và E ạ?

- Những nguyên tắc cần nhớ khi lựa chọn sản phẩm bổ sung các loại vitamin này cho trẻ nhỏ là gì?

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai trả lời: Thứ nhất, vitamin A, D3, K2 đa số được bổ sung từ lúc sơ sinh vì lúc đó bé ở trong nhà, không có điều kiện ra ngoài hoạt động vui chơi nên tình trạng cung cấp đầu đủ vitamin D rất khó khăn.

Thứ hai, bé được nuôi dưỡng từ sữa mẹ. Đây là nguồn thực phẩm hoàn hảo nhất, tốt nhất đối với các bé trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên qua kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp. Theo kết quả nghiên cứu năm 2020 của Viện Dinh dưỡng vẫn có 16% bà mẹ nuôi con bằng dòng sữa thiếu vitamin A. Chính vì vậy, đã có chương trình bổ sung vitamin A, mỗi bà mẹ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh đều được bổ sung 1 liều vitamin A 200.000 đơn vị để giúp sữa mẹ có đầy đủ vitamin A nhất, giúp bé tăng trưởng.

Đối với những trẻ không được bú sữa mẹ hoặc mẹ không được bổ sung vitamin A sau sinh là trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A.

Tất cả các trẻ đều nên bổ sung vitamin D vì sau sinh trẻ không có cơ hội để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp vitamin D được bổ sung tốt nhất. Những tháng đầu tiên của cuộc đời tốc độ tăng cao của trẻ lớn chỉ sau 9 tháng trong bụng mẹ.

Trong 9 tháng mang thai, trẻ dài ra khoảng 50cm (hơn 5cm/tháng). Trong 3 đầu tiên của cuộc đời bé có thể tăng từ 3,5 - 4,5cm/tháng. Trong khi đó, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tổng hợp vitamin D rất hạn chế nên sau sinh, đa số trẻ đều được uống vitamin D bổ sung.

Sau sinh, tất cả các bé đều được tiêm vitamin K1 để phòng xuất huyết não, nhưng vitamin K2 cũng cần được bổ sung để trẻ sử dụng tối ưu nguồn canxi từ sữa mẹ.

Đối với trẻ hay bị ốm vặt cho thấy khả năng miễn dịch của trẻ không được tốt, trẻ chậm tăng trưởng như thiếu hụt chiều cao, chậm lớn, biếng ăn rất cần bổ sung vitamin A, D, K2.

Trẻ bị sởi, tiêu chảy,.. sau một đợt nhiễm trùng nặng nề rất cần được quan tâm để bổ sung vitamin tan trong chất béo.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các sản phẩm chứa vitamin và khoáng chất. Để lựa chọn sản phẩm phù hợp cho bé cần xác định bé thiếu chất gì để lựa chọn sản phẩm có chứa hoạt chất đó để bổ sung; Chú ý đến hàm lượng của hoạt chất trong sản phẩm để phù hợp với liều lượng, nhu cầu; Nguồn gốc, xuất xứ từ nhà sản xuất tin cậy; Chọn vitamin đến từ hoạt chất tự nhiên; Sản phẩm phải được cấp phép của các cơ quan quản lý có thẩm quyền; Tham khảo từ các phụ huynh khác đã sử dụng; Liều lượng uống; Sản phẩm không mùi, không vị sẽ thích hợp nhất.

Phần 2: Bổ sung vitamin cho trẻ, vì sao cần lựa chọn sản phẩm được chứng minh lâm sàng?

Trân trọng cảm ơn PGS.TS.BS Lê Bạch MaiNhãn hàng Welkids - Biovagen đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X