Vai trò của vitamin D trong điều trị và phòng ngừa loãng xương
Trong điều trị loãng xương, vitamin D có vai trò quan trọng nhưng chỉ bổ sung vitamin D hay chỉ uống canxi mỗi ngày là chưa đủ mà cần có các thuốc đặc trị loãng xương, giúp cải thiện mật độ xương. PGS.TS.BS. Cao Thanh Ngọc - Trưởng Khoa - Khoa Nội Cơ Xương Khớp, BV Đại học Y Dược TP. HCM, Chủ Tịch Liên Chi Hội Bệnh Tự Miễn Cơ Xương Khớp TP.HCM cho biết hiện nay đã có những viên thuốc phối hợp 2 thành phần này, giúp bệnh nhân loãng xương tuân thủ điều trị tốt hơn.
1. Vitamin D có vai trò gì trong cơ thể và cần thiết như thế nào với sức khỏe xương khớp?
Đầu tiên, xin PGS cho mọi người được biết, vitamin D có vai trò gì trong cơ thể chúng ta và cần thiết như thế nào với sức khỏe xương khớp, đặc biệt là người mắc bệnh loãng xương ạ?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Vitamin D có vai trò giúp cơ thể hấp thụ canxi ở ruột và đi vào xương để khoáng hóa xương (làm xương chắc khỏe).
Bên cạnh vai trò liên quan đến hấp thụ canxi, vitamin D còn có vai trò trong những hoạt động của tế bào thần kinh, cũng như hoạt động của cơ bắp giúp cho hoạt động của cơ.
Bên cạnh đó, vitamin D cũng có vai trò liên quan đến hệ miễn dịch, được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp phòng chống các virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Đối với xương, vitamin D càng quan trọng hơn vì giúp cho xương chắc khỏe. Bên cạnh đó, vitamin D còn có vai trò trong phòng ngừa té ngã, đặc biệt là ở người cao tuổi khi bị loãng xương sẽ rất dễ gãy xương. Nghiên cứu chứng minh rằng, người bổ sung vitamin D đầy đủ sẽ giảm nguy cơ té ngã.
2. Bệnh nhân bị loãng xương thì có phải do thiếu vitamin D?
Theo BS nói, vitamin D có vai trò quan trọng trong sức khỏe xương. Vậy trong trường hợp bệnh nhân bị loãng xương thì có phải do bệnh nhân thiếu vitamin D không và có những triệu chứng nào gợi ý để biết là mình thiếu vitamin D không ạ?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Không phải thiếu vitamin D sẽ dẫn đến loãng xương vì có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, một người bị thiếu vitamin D thì nguy cơ loãng xương chắc chắn sẽ cao hơn.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin D rất cao. Vitamin D được tạo ra chủ yếu nhờ ánh nắng mặt trời, do đó chúng ta thường nghĩ rằng ở những nước thiếu ánh nắng mặt trời như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bắc Âu,… sẽ bị thiếu vitamin D nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là khi thực hiện nghiên cứu ở các nước nhiệt đới như Việt Nam vẫn thấy tỷ lệ thiếu vitamin D rất cao.
Tỷ lệ này có sự khác nhau giữa các nghiên cứu. Nhìn chung, tỷ lệ thiếu vitamin D ở miền Bắc khoảng 40%, nhưng ở miền Nam khoảng từ 20 - 25%. Gần như ai cũng bị thiếu vitamin D ở mức độ từ nhẹ đến nặng và tỷ lệ đủ vitamin D rất thấp.
Để biết có thiếu vitamin D hay không cần thực hiện xét nghiệm. Vì khi thiếu vitamin D ở mức độ nhẹ hoặc trung bình hoặc có những trường hợp thiếu nặng nhưng vẫn không có triệu chứng hoặc chỉ có một vài biểu hiện như tóc khô, móng tay dễ gãy,… tuy nhiên những triệu chứng này không đặc hiệu cho tình trạng thiếu vitamin D.
3. Điều trị loãng xương có bắt buộc bổ sung vitamin D?
Như vậy, trong điều trị loãng xương, việc bổ sung vitamin D là bắt buộc và cần thiết với tất cả người bệnh loãng xương hay những trường hợp nào mới cần ạ?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Rất nhiều người nghĩ rằng điều trị loãng xương chỉ cần uống canxi hay vitamin D là đã đủ. Thực tế không phải vậy.
Để điều trị loãng xương cần phối hợp không dùng thuốc (chế độ ăn uống, tập luyện thể thao) và dùng thuốc.
Trong dùng thuốc có 2 nhóm: Một là bổ sung canxi, vitamin D cho bệnh nhân. Hai là thuốc đặc trị loãng xương để tập trung vào cơ chế của loãng xương. Loãng xương là do xương tạo ra ít hoặc bị hủy quá nhiều nên khi điều trị phải tăng khối lượng xương (tạo xương nhiều hơn) nên cần sử dụng các thuốc tăng tạo xương hoặc ức chế quá trình hủy xương (giảm tình trạng mất xương) bằng cách sử dụng thuốc ức chế quá trình hủy xương.
Tỷ lệ người thiếu vitamin D rất nhiều nên gần như các trường hợp bác sĩ sẽ cho bổ sung canxi và vitamin D với liều khuyến cáo để đảm bảo đủ canxi và vitamin D.
Thuốc đặc trị loãng xương giống như một người thợ xây nhà, còn canxi là xi măng mà vitamin D là cốt, thép. Phải có bộ 3 này mới tạo nên một ngôi nhà, một bộ xương vững mạnh.
Tuy nhiên một số người có chế độ ăn uống, tắm nắng đầy đủ canxi và vitamin D thì có thể không bổ sung. Nhưng số người này chiếm rất ít, nên gần như trường hợp nào bác sĩ cũng phải bổ sung canxi và vitamin D cho bệnh nhân, lúc đó điều trị loãng xương mới đạt được hiệu quả tối ưu.
4. Mỗi ngày lượng vitamin D cần thiết là bao nhiêu và có giống nhau cho mọi người?
Trong điều trị loãng xương, mỗi ngày lượng vitamin D cần thiết là bao nhiêu và có giống nhau cho mọi người không, thưa BS?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Nhu cầu vitamin D ở người lớn bình thường có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính, và các yếu tố khác như tình trạng sức khỏe hoặc mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Theo khuyến nghị của các tổ chức y tế:
- Từ 19 - 70 tuổi cần khoảng 600 - 800 IU/ngày.
- Đối với trẻ em đang tuổi lớn, người trên 70 tuổi, đặc biệt là những người bị loãng xương thì nhu cầu vitamin D sẽ cao hơn để giúp hấp thụ canxi tốt hơn, khoảng 800 - 1.000 IU/ngày.
Tuy nhiên, nhu cầu vitamin D không giống nhau đối với mỗi người. Ví dụ, một người thích uống sữa, phơi nắng, vận động ngoài trời thì hàm lượng vitamin D trong người sẽ nhiều hơn và nhu cầu bổ sung bằng thực phẩm hay thuốc men sẽ giảm đi. Ngược lại, đối với những người sợ ra nắng, khi đi ra ngoài trang bị kín thì vitamin D sẽ không được tổng hợp và chiến lược bổ sung phải nhiều hơn.
5. Vitamin D có ở đâu?
Bên cạnh bổ sung vitamin D bằng thuốc, người bệnh loãng xương có thể tận dụng nguồn vitamin D từ tự nhiên trong những nguồn nào?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Vitamin D đi vào cơ thể từ 2 nguồn: Một là tự tổng hợp từ những tiền chất của vitamin D ở dưới da, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, các chất này sẽ chuyển hóa thành vitamin D. Do đó, nếu muốn có vitamin D phải phơi nắng.
Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy, phơi nắng vào lúc giữa trưa khoảng 11 - 12 giờ (bóng thấp nhất) thì khả năng chuyển hóa thành vitamin D mới nhiều. Nhưng giờ này ít người ra đường nên nguồn tổng hợp từ ánh nắng mặt trời sẽ không cao.
Hai là vitamin D sẽ có nguồn từ những thực phẩm bổ sung như các sản phẩm từ động vật, thực vật.
Các nghiên cứu cho thấy, những nguồn từ ánh nắng mặt trời hay từ thực phẩm sẽ không đầy đủ, đặc biệt là đối với những người loãng xương cần đảm bảo nhu cầu vitamin D nên phải bổ sung thêm thuốc/thực phẩm bổ sung vitamin D.
Thuốc có rất nhiều nguồn, có thể uống viên chứa vitamin D đơn thuần hoặc vitamin D phối hợp với các vitamin khác hoặc thuốc phối hợp giữa canxi và vitamin D.
Hiện nay, trong điều trị loãng xương để tạo sự thuận tiện cho người bệnh đã có các thuốc đặc trị loãng xương có phối hợp với vitamin D, giúp bệnh nhân không phải uống quá nhiều thuốc mà vẫn đảm bảo được nhu cầu vitamin D.
6. Sử dụng thuốc đặc trị loãng xương cần lưu ý gì?
Ở phần trước, BS có nhấn mạnh việc phối hợp thuốc đặc trị loãng xương cần uống kèm với vitamin D. Vậy có những điểm nào cần lưu ý trong quá trình điều trị loại thuốc này không, thưa BS?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Một số viên thuốc phối hợp giữa thuốc đặc trị loãng xương và vitamin D sẽ giúp người bệnh thuận tiện hơn, chỉ cần uống 1 viên đã được bổ sung và có thể kết hợp thêm chế độ ăn, từ đó số lượng thuốc uống sẽ giảm. Vì điều trị loãng xương cần có thời gian khoảng vài năm, nên khi giảm số lượng thuốc sẽ giúp bệnh nhân tuân thủ hơn.
Khi phối hợp thuốc, gần như các nhà sản xuất đã đưa liều vitamin D đầy đủ nhu cầu của một người, đặc biệt là những bệnh nhân loãng xương. Do đó, khi sử dụng các thuốc này phải theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
7. Uống quá nhiều vitamin D sẽ dẫn đến hậu quả ra sao?
Vậy nếu trường hợp người bệnh vô tình uống quá nhiều vitamin D thì có dẫn đến những hậu quả gì không và có bị ngộ độc vitamin D không, xin BS cho mọi người được biết để an tâm ạ? Hàm lượng vitamin D trong viên phối hợp trên thị trường bao nhiêu?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Có rất nhiều thực phẩm chức năng bổ sung vitamin (không chỉ vitamin D) được gửi từ nước ngoài về hoặc mua trong nước,… Người bệnh uống các thuốc này với mong muốn đảm bảo đầy đủ nguyên tố vi lượng trong cơ thể như vitamin D và các vitamin khác.
Dù thiếu hay thừa đều không tốt, mà cần cần bổ sung đủ, vừa phải theo đúng khuyến cáo. Nhu cầu vitamin D sẽ khác nhau theo từng đối tượng, tuy nhiên nhìn chung sẽ khoảng 600 - 1.000 đơn vị/ngày.
Trên thị trường có các viên thuốc phối hợp canxi với khoảng 100 đơn vị vitamin D, nên một người uống 2 viên/ngày thì chỉ được 200 đơn vị vitamin D, đặc biệt nếu người đó ăn uống không đầy đủ và không phơi nắng thì gần như nồng độ vitamin D cung cấp cho cơ thể sẽ không đủ.
Nhưng người bệnh cũng không thể uống 4 - 5 viên canxi/ngày để đảm bảo đủ vitamin D, nên đôi khi phải cân nhắc lại hàm lượng vitamin D.
Trong điều trị loãng xương có sản phẩm vừa phối hợp thuốc đặc trị loãng xương với vitamin D liều cao hơn. Ví dụ, viên thuốc đó uống 1 tuần/lần nhưng hàm lượng vitamin D có thể là 2.800 hoặc 5.600 đơn vị cho 1 tuần. Nhờ vậy việc ăn uống, vận động, phơi nắng, phối hợp thêm thuốc gần như sẽ đảm bảo đủ vitamin D, không lo ngại phải bổ sung thêm dẫn đến quá liều.
Nếu uống quá nhiều vitamin D sẽ có tình trạng dư thừa và dẫn đến ngộ độc. Tuy nhiên liều gâp ngộ độc thì rất cao như trên 10.000 đơn vị/ngày trong thời gian dài. Khi đó có thể xảy ra triệu chứng ngộ độc cấp tính như người bệnh buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn có thể rối loạn nhịp tim,… do liên quan đến tăng canxi máu.
Còn ngộ độc lâu ngày sẽ dẫn đến ngộ độc mãn tính gây đau cơ, yếu cơ hoặc lắng đọng canxi rất nhiều làm thay đổi cấu trúc xương và rất nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến ảnh hưởng chức năng thận.
Do đó, khi sử dụng vitamin D phải đúng theo khuyến cáo.
8. Những lưu ý khi bổ sung vitamin D cho người bệnh loãng xương
Cuối cùng, nhờ BS tổng kết một số điểm cần lưu ý trong việc bổ sung vitamin D trên người bệnh loãng xương cho khán thính giả xem chương trình hôm nay dễ nhớ ạ!
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Xét về điều trị loãng xương và các yếu tố liên quan đến vitamin D cần lưu ý:
- Điều trị loãng xương không chỉ có canxi, vitamin D mà cần có thuốc đặc trị loãng xương, bộ 3 này phải luôn đi cùng với nhau.
- Dù Việt Nam là quốc gia có ánh nắng quanh năm nhưng vẫn có tỷ lệ thiếu vitamin D cao, nên không thể cho rằng mình đã đủ vitamin D và không cần bổ sung.
- Cần bổ sung canxi, vitamin D và thuốc đặc trị loãng xương theo đúng khuyến cáo của bác sĩ, từ 800 - 1.000 đơn vị vitamin D/ngày, tương đương 5.600 đơn vị vitamin D/tuần. Trên thị trường có các viên thuốc phối hợp đủ 5.600 vitamin D nên khi sử dụng sẽ không lo lắng thiếu vitamin D. Trường hợp lượng vitamin D đưa vào thấp hơn thì cần cân nhắc bổ sung qua chế độ ăn, phơi nắng giữa trưa.
- Tái khám đều đặn, định kỳ để bác sĩ xem triệu chứng và đánh giá đã bổ sung đủ hay thiếu hoặc thừa và điều chỉnh phù hợp.
9. Thuốc đặc trị loãng xương, canxi và vitamin D là bộ 3 không thể thiếu
Tôi cần sử dụng vitamin D cùng với thuốc điều trị loãng xương của tôi như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Đối với một người bị loãng xương sẽ có bộ 3 thuốc không thể thiếu là thuốc đặc trị loãng xương, canxi và vitamin D.
Đối với người loãng xương nhu cầu vitamin D khoảng 800 - 1.000 đơn vị/ngày. Nên cần tìm hiểu viên thuốc bổ sung vitamin D của mình đã đủ liều lượng hay chưa để có thể tăng cường chế độ ăn, vận động ngoài trời.
Trường hợp viên canxi bổ sung chưa đủ, nhưng không thể uống thêm các chế phẩm chứa nhiều vitamin D, cũng như không thể đi ra đường phơi nắng thì phải tìm cách bổ sung bằng cách biện pháp như uống thêm các viên có chứa vitamin D hoặc viên phối hợp để đảm bảo hàm lượng vitamin D, canxi và thuốc đặc trị loãng xương theo đúng liều lượng khuyến cáo, như vậy việc điều trị mới hiệu quả.
10. Làm thế nào để biết không bị dư vitamin D trong quá trình điều trị?
Tôi đang điều trị loãng xương và bác sĩ có kê vitamin D, kèm theo tôi có phơi nắng, tôi đang lo lắng không biết có dư vitamin D không vì tôi đọc trên mạng thấy dư vitamin D ngộ độc. Làm thế nào để biết rằng tôi không bị dư vitamin D trong quá trình điều trị?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Một số người thờ ơ với bệnh của mình nhưng cũng có những người rất quan tâm đến sức khỏe. Để chắc chắn không bị thiếu vitamin D nên đến bệnh viện khám để bác sĩ cho làm xét nghiệm.
Trường hợp thừa vitamin D rất ít xảy ra, trừ khi người bệnh cố ý hoặc không biết. Vì các viên canxi, vitamin D trên thị trường cung cấp một lượng tương đối thấp, có những viên 500mg canxi nhưng chỉ có 125 đơn vị vitamin D và bệnh nhân chỉ uống 1 - 2 viên/ngày.
Hoặc uống các viên bổ sung cũng không bị thừa vì giới hạn ngộ độc của vitamin D rất cao, phải trên 10.000 đơn vị kéo dài trong nhiều ngày.
Liều cho phép là từ 800 - 1.000 đơn vị vitamin D/ngày nhưng trong trường hợp uống 2.000 đơn vị vitamin D/ngày cơ thể vẫn dung nạp được, không gây ngộ độc, nên đa số sẽ thiếu nhiều hơn thừa.
11. Thực phẩm nào người loãng xương cần tránh?
Thưa PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc, thực phẩm nào người loãng xương cần tránh ăn không?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Đối với người bệnh loãng xương không quan trọng việc lựa chọn thực phẩm mà khuyến cáo bệnh nhân nên có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cân đối như các bệnh lý khác, không có chế độ kiêng khem đặc biệt.
Tuy nhiên có một số lưu ý mà người bệnh loãng xương nên hạn chế:
- Một số thực phẩm có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi hoặc đào thải canxi ra khỏi cơ thể như sản phẩm chứa quá nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh,… nên phải hạn chế nhưng không bắt buộc kiêng tuyệt đối.
- Photpho trong các thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm có gas sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu canxi nên khuyến cáo không nên sử dụng quá nhiều.
- Hoặc những người uống quá nhiều rượu bia sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng và gây té ngã.
- Cà phê có thể làm tăng đào thải canxi, nếu sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến lượng canxi trong cơ thể.
12. Quá trình điều trị loãng xương sẽ kéo dài trong bao lâu?
Tôi xin hỏi PGS cụ thể hơn về thời gian điều trị. Quá trình điều trị loãng xương sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu ạ?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Không giống với bệnh nhiễm trùng, ví dụ bệnh viêm họng chỉ uống thuốc vài ngày hoặc 1 tuần. Hay đối với một số bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường gần như người bệnh phải uống thuốc suốt đời. Đối với loãng xương, người bệnh sẽ uống thuốc dài hơn các bệnh nhiễm trùng nhưng không phải uống thuốc suốt đời mà sẽ có mốc thời gian.
Các bác sĩ sẽ chia thời gian điều trị loãng xương theo từng đối tượng. Ví dụ, mức độ loãng xương nhẹ (chưa từng gãy xương) thì khi sử dụng thuốc uống sẽ kéo dài khoảng 5 năm và sau đó ngưng thuốc nếu bác sĩ kiểm tra thấy đáp ứng điều trị tốt.
Đối với trường hợp loãng xương nặng (loãng xương có kèm theo gãy xương, mật độ xương rất thấp, người lớn tuổi, suy yếu…) thời gian điều trị có thể kéo dài lên đến 10 năm. Trong quá trình điều trị bác sĩ sẽ theo dõi, đo mật độ xương, đánh giá nguy cơ gãy xương để quyết định lúc nào người bệnh sẽ ngưng thuốc, lúc nào sẽ tiếp tục điều trị.
Nhìn chung là 5 năm đối với trường hợp nhẹ và 10 năm đối với các trường hợp rất nặng.
13. Các chương trình nào giúp bệnh nhân loãng xương tuân thủ điều trị?
Tại Việt Nam, có những chương trình hoặc nguồn lực nào hỗ trợ bệnh nhân loãng xương trong việc tuân thủ điều trị và cải thiện sức khỏe xương không?
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Trong quá trình điều trị loãng xương, tuân thủ điều trị rất quan trọng. Ví dụ, mỗi tháng cần uống 4 viên thuốc thì phải uống đủ, nếu chỉ uống 2 viên sẽ không đạt hiệu quả.
Có rất nhiều chương trình từ cá nhân đến tập thể, cộng đồng để giúp người bệnh hiểu được tầm quan trọng của điều trị loãng xương và duy trì điều trị như:
- Tại Việt Nam, các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ để sử dụng đúng liều. Đối với các công ty, nhà sản xuất dược phẩm sẽ phát các tờ ghi chú để người bệnh đánh dấu ngày uống thuốc để bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn.
- Có các chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân như video, bài tư vấn, các chương trình truyền thông do bác sĩ tư vấn để hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì, uống thuốc đúng, đủ, thường xuyên.
- Các hội thảo tổ chức cho bác sĩ để hướng dẫn bác sĩ cách giúp bệnh nhân tuân thủ.
Khi người bệnh có xương chắc khỏe, không bị gãy xương sẽ giảm gánh nặng cho bản thân, những người xung quanh và cả xã hội. Vì người bị gãy xương sẽ đau đớn và người thân trong gia đình phải chăm sóc, bác sĩ phải dành thời gian chăm sóc cho những bệnh có thể phòng ngừa được.
Cảm ơn PGS.TS.BS. Cao Thanh Ngọc - Trưởng Khoa - Khoa Nội Cơ Xương Khớp, BV Đại học Y Dược TP. HCM, Chủ Tịch Liên Chi Hội Bệnh Tự Miễn Cơ Xương Khớp TP.HCM và Công ty Gigamed đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.
Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt. Chương trình sẽ gồm 15 số phát sóng, tập trung xoay quanh vào 4 chuyên khoa Thần kinh - Tim mạch - Hô Hấp - Cơ xương khớp. Mỗi chương trình với một chủ đề riêng biệt nhưng thiết thực, nhằm chia sẻ bí quyết, phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện cùng các chuyên gia hàng đầu từ 2 miền Nam - Bắc. Đây là kỳ phát sóng cuối cùng của chuỗi chương trình. Cảm ơn Quý khán giả luôn đồng hành theo dõi trong suốt 15 kỳ phát sóng và hẹn gặp lại Quý khán giả ở những chương trình lần sau. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình