Uống nhiều nước không "chữa" được thiểu ối
Không ít bà bầu cho rằng, uống nhiều nước, đặc biệt là nước dừa… để có nhiều ối.
Nhiều bác sĩ khẳng định, uống nước đủ (từ 1-2 lít nước/ngày) trong thai kỳ là cần thiết nhưng đây không phải là nguồn cung cấp nước ối chính cho thai nhi.
Theo BS Lê Tiểu My, BV Mỹ Đức (TPHCM), tăng cường uống nước chỉ là ‘liệu pháp tâm lý’ cho các bà bầu, bởi nước uống vào, sau vài giờ sẽ được đào thải qua đường tiểu chứ không phải ‘biến’ thành nước ối.
BS Lê Tiểu My cho biết, nước ối là một yếu tố quan trọng, giúp nuôi dưỡng phôi thai trong giai đoạn đầu, tạo môi trường cho thai phát triển, bảo vệ thai tránh khỏi những va chạm, sang chấn, nhiễm trùng... Trong lúc chuyển dạ, nước ối tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn. Sau khi vỡ ối, tính nhờn của nước ối bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi được sinh ra dễ hơn.
Trong thai kỳ, bác sĩ có thể đo lượng nước ối có đủ hay không thông qua siêu âm. Thai 16-41 tuần, bình thường AFI (chỉ số ối) khoảng chừng 12-16, đây là trị số trung bình.
Bình thường, lúc thai khoảng 36 tuần, thể tích nước ối khoảng 1 lít, trong vài ngày trước khi sinh, lượng nước ối sẽ giảm đi khoảng 100-200 ml. Trong một vài trường hợp, thể tích giảm nhiều so với lượng trung bình này, đôi khi chỉ còn vài 5-10ml, được gọi là vô ối. Tuy nhiên, rất ít khi một thai kỳ bình thường bị giảm ối sớm, nhưng nếu có thì đó không phải là một tin tốt cho các bà bầu, trừ trường hợp nước ối giảm trước thời điểm sinh chừng 1-2 tuần thì bớt lo ngại hơn.
Các rủi ro liên quan đến thiểu ối (nước ối ít) phụ thuộc vào tuổi thai. Thiểu ối xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kỳ thường có tiên lượng xấu. Nếu thiểu ối trong 3 tháng giữa, thai nhi có nguy cơ dị tật thai cao. Còn nếu xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ có khả năng thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng, thai chết lưu. Ngoài ra, thiểu ối làm tăng nguy cơ suy thai và đẻ khó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiểu ối như: Các bất thường nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh, thai chậm phát triển, rỉ ối; các vấn đề từ bánh nhau: Nhau bong, hội chứng truyền máu song thai; hoặc trường hợp thai phụ mắc cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường… Ngoài ra, cũng có những trường hợp bị thiểu ối vô căn (không rõ nguyên nhân).
Hiện chưa có một phương pháp hiệu quả nào trong điều trị thiểu ối. Thông thường, trong quá trình siêu âm, nếu phát hiện thiểu ối và thai nhi có bất thường, tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể đưa ra cách xử trí phù hợp. Với phương pháp “truyền dịch” cũng chỉ áp dụng trong lúc chuyển dạ để tránh chèn ép dây rốn. Còn lại, trong thai kỳ, việc truyền vào buồng ối sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, vỡ ối, sanh non nên khó áp dụng.
Nói chung, để giữ gìn thai nhi và sức khỏe của mẹ, thai phụ cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, đặc biệt nên chú ý khám thai định kỳ.
Với thai phụ mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc gặp vấn đề về nhau thai, thường có nguy cơ bị thiếu nước ối cao, nên cẩn trọng và thăm khám định kỳ.
Trong quá trình mang thai, nếu thấy ra dịch âm đạo nhiều, bất thường, thai phụ phải báo cho bác sĩ, vì đây có thể là tình trạng rỉ ối, khiến lượng nước ối bị giảm dần. Riêng trường hợp nước ối giảm sau 34 tuần, thai phụ cần được kiểm tra tim thai thường xuyên, đồng thời nên tham vấn ý kiến bác sĩ về khả năng mổ lấy thai sớm hơn dự định.
Theo Hải Minh - Phụ nữ Việt Nam
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình