Ung thư xương: Điều trị và phòng ngừa
Ung thư xương là bệnh lý hiếm gặp nhưng tỷ lệ mắc đang ngày một tăng lên. Hiện nay ở Việt Nam, ung thư xương đã trở thành một căn bệnh có thể được chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
1. Tổng quan về ung thư xương là gì?
Tình trạng các tế bào trong xương tăng trưởng, phát triển bất thường dẫn đến sự hình thành của một hoặc nhiều khối u ác tính tại đây gọi là ung thư xương. Trường hợp này được gọi là ung thư xương nguyên phát (ít gặp hơn so với ung thư xương di căn từ những cơ quan khác đến). Bệnh được chia thành nhiều loại khác nhau nhưng không quá phổ biến. Trong đó, một số loại thường gặp có thể kể đến như:
- Sarcoma xương: thường xảy ra ở đầu gối và cánh tay
- Sarcoma sụn: hầu hết xuất hiện ở xương chậu, đùi và vai
- Ung thư có tính chất gia đình Ewing Sarcoma (ESFTs): thường xuất hiện ở dọc xương sống, xương chậu, cẳng chân hay cánh tay
- Ngoài ra còn một vài loại khác như u tế bào khổng lồ ác tính, sarcoma nội mô mạch máu, u tế bào ngoại mạch ác tính,…
Bên cạnh đó, tương tự những loại ung thư khác, bệnh cũng gồm 4 giai đoạn là:
- Giai đoạn I: Khối u chỉ giới hạn ở xương, không di chuyển sang những khu vực khác trong cơ thể
- Giai đoạn II: Các tế bào khối u bắt đầu phát triển mạnh hơn trước, nhưng vẫn giới hạn tại xương
- Giai đoạn III: Có thể tìm thấy 2 - 3 khối u trên cùng một đoạn xương
- Giai đoạn IV: Ung thư xương di căn đến các bộ phận khác, chẳng hạn như phổi hoặc gan.
2. Nguyên nhân gây ra ung thư xương
a. Ung thư xương nguyên phát
Người bệnh có thể bị ung thư nguyên phát bắt đầu từ xương, còn lại, bệnh nhân ung thư xương thứ phát, do các tế bào ung thư của các cơ quan khác trong cơ thể di căn tới. Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân nào gây ra tình trạng ung thư xương nguyên phát. Một số bệnh nhân ung thư xương lớn tuổi là do bị bệnh Paget xương. Đây là một tổn thương có sự phát triển bất thường của tế bào xương.
b. Nguyên nhân ung thư xương do yếu tố di truyền
Theo thống kê các yếu tố di truyền có thể gây ra bệnh ung thư xương.
- Trong gia đình có người từng mắc hội chứng Li - Fraumeni: Những người mắc hội chứng này có đặc điểm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau của cơ thể. Trong đó, bao gồm ung thư xương, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư máu…
- Trong gia đình có người mắc hội chứng Rothmund - Thomson: Mắc hội chứng này có đặc điểm tầm vóc người lùn đi, làm xuất hiện những biến đổi của xương, gây phát ban và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương.
- Những trẻ em bị mắc u nguyên bào võng mạc di truyền cũng có nguy cơ cao bị mắc bệnh ung thư xương.
Ngoài ra, thống kê còn cho thấy, xạ trị đôi khi cũng có liên quan đến tình trạng ung thư xương.
c. Những nguyên nhân khác gây ra ung thư xương
Những người bị rối loạn gene ức chế ung thư P53 cũng có nguy cơ cao bị ung thư xương.
Những người bị chấn thương mạn tính ở đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư xương.
3. Triệu chứng của ung thư xương là gì?
Người bị ung thư xương thường có những dấu hiệu và biểu hiện như:
- Đau từ trong xương: Triệu chứng này là chủ yếu, chiếm đến 85-95% trường hợp ung thư xương. Lúc đầu có thể đau ít, sau đó cơn đau tăng dần lên và đau liên tục.
- Vị trí xuất hiện khối u sưng lên: Khối u thường có dạng hình cầu, hình thoi, mật độ từ chắc cho đến cứng, ranh giới rõ, di động kém, nằm ở sâu. Một số vị trí thường gặp là đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu trên xương cánh tay, đầu trên xương đùi, xương chậu, xương bả vai,…
- Xương yếu làm giới hạn khả năng vận động, nếu nặng có thể dẫn đến biến chứng gãy xương -bệnh lý
- Các tổn thương phần mềm xung quanh vị trí có khối u như teo cơ, sưng nề,…
- Mệt mỏi
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Xem thêm: Những dấu hiệu ung thư xương phổ biến nhất
4. Chẩn đoán phát hiện ung thư xương
a. Khám lâm sàng
Khi bệnh nhân đến phòng khám do bị đau xương, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và kiểm tra chỗ bị đau trước khi thực hiện các xét nghiệm khác.
Bác sĩ sẽ xem xét các vết sưng hoặc khối u nếu có và đặt một vài câu hỏi như: người bệnh có gặp khó khăn khi chuyển động vùng đau xương không, hoặc loại cơn đau mà người bệnh trải qua (đau liên tục hay gián đoạn) hay có điều gì làm cho cơn đau trở nên tệ hơn không
Sau khi được kiểm tra, bác sĩ có thể chỉ định các chẩn đoán hoặc xét nghiệm sâu hơn để xác định các vấn đề trong xương.
b. X-quang
Chụp X-quang là một kỹ thuật sử dụng bức xạ để chụp hình xương bên trong cơ thể. X-quang có thể phát hiện các tổn thương xương do ung thư hoặc xương mới đang phát triển do ung thư. Nó cũng có thể xác định xem các triệu chứng có phải do nguyên nhân khác gây ra hay không, chẳng hạn như gãy xương.
c. Sinh thiết
Cách chính xác nhất để chẩn đoán ung thư xương là lấy một mẫu xương bị ảnh hưởng để xét nghiệm, cách này được gọi là sinh thiết.
Sinh thiết có thể xác định chính xác loại ung thư xương bệnh nhân mắc phải và giai đoạn của ung thư.
Có hai cách sinh thiết thường sử dụng:
- Sinh thiết lõi: Tùy thuộc vào vị trí của xương, bệnh nhân có thể được gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân). Mẫu mô được lấy bằng cách sử dụng một cây kim mảnh đưa vào xương.
- Sinh thiết mở: Người bệnh được gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật rạch một đường ở xương bị ảnh hưởng để lấy một mẫu mô.
Nếu kết quả sinh thiết xác nhận hoặc gợi ý ung thư xương, người bệnh sẽ có thể cần thêm các xét nghiệm để đánh giá mức độ lan rộng của ung thư.
d. Chụp cộng hưởng từ MRI
Chụp MRI sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm. Đây là một cách hiệu quả để đánh giá kích thước và sự lan rộng của bất kỳ khối u ung thư nào trong hoặc xung quanh xương.
e. Chụp CT
Chụp CT liên quan đến việc chụp một loạt tia X và sử dụng máy tính để ghép chúng lại thành hình ảnh ba chiều (3D) chi tiết về cơ thể. Thường được sử dụng để kiểm tra xem ung thư đã lan đến phổi chưa.
f. Xạ hình xương
Xạ hình xương cung cấp thông tin chi tiết hơn về bên trong xương so với chụp X-quang. Để thực hiện xạ hình xương, một lượng nhỏ chất phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch. Các vùng xương bất thường sẽ hấp thụ phóng xạ với tốc độ nhanh hơn xương bình thường và sẽ hiển thị trên hình ảnh.
g. Sinh thiết tủy xương
Nếu loại ung thư xương mắc phải là Ewing sarcoma, có thể thực hiện sinh thiết tủy xương để kiểm tra xem ung thư đã lan đến tủy xương chưa.
5. Điều trị ung thư xương
Ung thư xương là một bệnh lý có thể chữa được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời. Bệnh có thể được điều trị theo nhiều cách, có thể kết hợp các phương pháp với nhau để có kết quả tốt nhất. Lựa chọn điều trị tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh cũng như thể trạng chung của người bệnh.
- Phẫu thuật: Khối u được cắt bỏ với những kỹ thuật ngoại khoa đặc biệt. Lựa chọn này tốn nhiều thời gian để hồi phục sau mổ. Có thể phẫu thuật cắt u cục bộ rộng hoặc phẫu thuật cắt chi tối thiểu hay phẫu thuật đoạn chi/tháo khớp, tái tạo chi giả,…
- Hóa trị: Phương pháp này sử dụng thuốc kháng ung thư để tiêu diệt hoặc kìm hãm tế bào ung thư. Bác sĩ thường sẽ đề nghị kết hợp các loại thuốc với nhau. Hóa trị có thể áp dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật bảo tồn hay phẫu thuật triệt để hoặc sử dụng sau phẫu thuật với vai trò hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ác tính vi thể còn sót lại.
- Xạ trị: Kỹ thuật này sử dụng tia bức xạ có năng lượng cao để diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường dùng kết hợp với phẫu thuật. Nó có thể có hại cho bệnh nhân sau điều trị và có thể gây nhiều tác dụng phụ.
6. Các biện pháp phòng ngừa ung thư xương
Hầu hết các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư xương (chẳng hạn như tuổi tác, một số bệnh về xương và yếu tố di truyền) đều không thể thay đổi được.
Ngoài việc tiếp xúc với bức xạ (trong quá trình xạ trị), không có nguyên nhân gây ung thư xương nào liên quan đến lối sống hoặc môi trường, vì vậy tại thời điểm hiện tại không có cách nào để phòng ngừa các bệnh ung thư xương.
Người bệnh cần tìm hiểu nhiều thông tin hơn về căn bệnh này sẽ giúp tự tin hơn để đối mặt với nó. Cần tìm hiểu những nguồn thông tin chính xác như tham khảo ý kiến bác sĩ, internet, báo, phương tiện truyền thông khác, hoặc xin hỗ trợ từ bác sĩ.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình