Ung thư đại - trực tràng: Phát hiện sớm, 90% là chữa khỏi
“Cho tới giờ phút này, tôi có thể vẽ được bức tranh về cuộc chiến chống ung thư với mảng màu hồng”, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng khẳng định.
Phát hiện sớm, dễ điều trị
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, ung thư đại - trực tràng (UTĐ-TT) hay còn gọi là ung thư ruột già thường gặp ở người trên 40 tuổi, triệu chứng thường ít được chú ý như táo bón, tiêu chảy, nặng hơn nữa là thiếu máu, tắc ruột, đi ngoài có máu tươi…
Có thể phát hiện sớm bằng cách soi và thăm khám trực tràng bằng ngón tay. Đối với ung thư đại tràng, cần sự tư vấn của bác sĩ để quyết định soi đại tràng bằng ống mềm polyp, các tổn thương nghi ngờ. Nếu cần thì bác sĩ cắt một mẩu mô nhỏ để thử lành - ác.
Không phải để trấn an, nhưng ngay đầu buổi tư vấn, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã cho biết, UTĐ-TT là một loại ung thư ngăn ngừa hiệu quả, dễ phát hiện bệnh sớm và điều trị khỏi hoàn toàn.
Người bình thường tuổi từ 45 trở lên nếu thấy có những triệu chứng kể trên cần đi khám để được phát hiện và tư vấn kịp thời. UTĐ-TT có yếu tố di truyền cao hơn những loại ung thư khác khoảng 20%. Với trình độ phát triển của y học hiện đại, nếu bệnh UTĐ-TT được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi là hơn 90%.
Bằng kinh nghiệm thực tế nhiều năm điều trị, BS Trần Nguyên Hà chia sẻ, vì đây là loại bệnh ở khu vực tương đối “nhạy cảm”, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra do người bệnh ngại đi khám, đến khi phát hiện thì bệnh đã nặng: “Không phải ai có nguy cơ cao cũng mắc bệnh, nhưng nên quan tâm thăm khám thường xuyên vì chi phí làm các xét nghiệm bệnh này không cao và có trong danh mục bảo hiểm y tế”.
“Bệnh tùng khẩu nhập”
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến UTĐ-TT, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết, bệnh chủ yếu liên quan đến thói quen ăn uống mà người xưa hay nói là “bệnh tùng khẩu nhập” (bệnh theo miệng mà vào).
Theo giáo sư, người Âu - Mỹ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người châu Á do phương Tây có thói quen ăn nhiều đạm như thịt động vật (đặc biệt là thịt đỏ), nhiều chất béo như phômai, sữa, ít ăn rau quả và các chất xơ.
Ngoài ra, theo BS Trần Nguyên Hà, các yếu tố có thể là cơ hội dẫn đến UTĐ-TT bao gồm: người có người thân bị bệnh này, có tiền sử gia đình đa polyp, bản thân từng bị một số bệnh mãn tính đường ruột như viêm loét đại tràng, nghiện bia rượu… UTĐ-TT cũng thường xảy ra với phụ nữ từng bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung.
Đặc biệt, BS Hà lưu ý, bệnh trĩ hiếm khi là nguyên nhân gây ra UTĐ-TT nhưng có thể đồng hành với ung thư nếu gặp những yếu tố nguy cơ trên. Tốt nhất, khi gặp các triệu chứng liên quan thì nên đi khám ở chuyên khoa tiêu hoá.
Ngoài chế độ ăn uống “sạch” (nhiều rau củ, chất xơ, ít đạm động vật), theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, sự tập luyện thể dục thể thao đều đặn hàng ngày không chỉ làm giảm cân mà còn là yếu tố tích cực cho sức khoẻ nói chung và tránh được ung thư nói riêng. Cần tránh bia rượu và thuốc lá vì đó là những tác nhân hiệp lực tạo nên nhiều nguy cơ ung thư.
Nếu mọi người biết quan tâm đến sức khoẻ chính mình thì việc phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh UTĐ-TT là hoàn toàn có thể. Ngay cả người đã điều trị ung thư này mà bị tái phát thì cơ hội chữa khỏi cũng vẫn cao.
AloBacsi.vn
Theo Kim Yến, Như Thuần - Sài Gòn Tiếp Thị
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình