Hotline 24/7
08983-08983

Ứng phó sao với rối loạn tâm lý hậu COVID-19?

Những tin tức ảm đạm về dịch COVID-19, các đợt giãn cách xã hội kéo dài, hạn chế giao tiếp với mọi người xung quanh, không được đến trường,… khiến cả người lớn lẫn trẻ em dễ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý hậu COVID-19. Làm sao để ứng phó với tình trạng này? Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 175 sẽ giải đáp trong bài viết sau đây.

1. Rối loạn tâm lý hậu COVID-19 là gì?

Gần đây, cụm từ “hậu COVID-19” được nhắc đến rất nhiều, trong đó có cả vấn đề về tâm lý. BS có thể cho biết rối loạn tâm lý hậu COVID-19 bao gồm những tình trạng cụ thể nào không ạ?

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca: Hậu COVID-19 là tình trạng mà nhiều người đang mắc phải và đã được đánh giá bởi Tổ chức Y tế Thế giới. Theo đó, ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp khác nhau như: cách ly, nhiễm bệnh, hoặc những lo lắng do các khủng hoảng của COVID-19 gây nên.

COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác nhau:

Đối với những người bình thường: Đối tượng này thường bị ảnh hưởng tâm lý bởi giãn cách xã hội, những thông tin tiêu cực về COVID-19 như: số ca nhiễm bệnh tăng cao, các trường hợp bệnh nặng, số ca tử vong…

Theo những nghiên cứu ở Mỹ - nước đã trải qua và chịu nhiều tổn thất từ dịch COVID-19, các rối loạn tâm thần tại cộng đồng tại Mỹ được đánh giá qua các số liệu cụ thể như sau:

  • Stress:10,8%.
  • Trầm cảm: 5,9%.
  • Các rối loạn lo âu: 6%.
  • Rối loạn giấc ngủ: 2,3%.
  • Một số người bị loạn thần. Đặc biệt, có một số trường hợp tự sát do ảnh hưởng của việc giãn cách.

Đối với những người nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh: đối tượng này sẽ gặp tình trạng rối loạn về mặt tâm lý, tâm thần nặng nề hơn rất nhiều. Bởi những tổn trên cơ thể khi bị bệnh sẽ làm rối loạn hoạt động của tế bào não.

Theo các nghiên cứu tại Ý (năm 2020) cho thấy, những người sau khỏi bệnh COVID-19 vẫn còn mệt mỏi, khủng hoảng về mặt lý (28%), rối loạn lo âu (40%), rối loạn trầm cảm (31%) và ám ảnh cưỡng chế (2%).

Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, sau khi bị nhiễm COVID-19, tình trạng mệt mỏi của cơ thể có thể lên đến 63%, rối loạn lo âu chiếm 22%, rối loạn giấc ngủ khoảng 26%.

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 175

Mới đây, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM cũng công bố tỷ lệ rối loạn trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng như sau:

  • Stress: 7%,
  • Trầm cảm: 2%
  • Rối loạn lo âu: 53,3%.

Với những trường hợp nhiễm COVID-19 rất nặng, phải sử dụng các phương tiện hỗ trợ như máy thở, tỷ lệ rối loạn chiếm phần cao hơn:

  • Rối loạn lo âu: 66,7%.
  • Trầm cảm: gần 60%.

Rõ ràng, sự tác động của COVID-19 đã để lại hậu quả rất lớn về mặt tâm lý với những người đã mắc COVID-19.

Không chỉ vậy, rối loạn tâm lý còn có thể xảy ra ở những người bình thường, dù là nam hay nữ, người già hay người trẻ đều có thể gặp vấn đề hậu COVID-19.

Ở Việt Nam, tuy chưa có nhiều nghiên cứu về mặt xã hội do ảnh hưởng của việc giãn cách, nhưng các nhà nghiên cứu về xã hội học và tâm thần học cũng đánh giá rằng, các vấn đề trong đại dịch lần này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân.

2. Đối tượng dễ bị rối loạn tâm lý hậu COVID-19?

Vậy những ai thuộc nhóm dễ bị rối loạn tâm lý hậu COVID-19 ạ, thưa BS?

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca: Những nhóm người sau sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19:

Nhóm nhân viên y tế: người tham gia tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là tham gia vào những trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Cụ thể:

  • Dễ bị ám ảnh về những bệnh nhân mà họ không cứu được.
  • Lo âu mình sẽ bị nhiễm bệnh hoặc là trung gian lây bệnh cho những người xung quanh.
  • Có thể bị rối loạn giấc ngủ và những rối loạn khác.

Nhóm những người mắc COVID-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng:

  • Bị tổn thương do bệnh lý gây nên.
  • Sợ bị xã hội đánh giá, kết tội mình là người mang lại bệnh tật cho người khác.
  • Lo lắng về sự hồi phục bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.

Nhóm trẻ em: Trẻ em cũng sẽ dễ bị rối loạn tâm lý do ảnh hưởng giãn cách xã hội. Đặc biệt, những trẻ vì COVID-19 mà phải mất cha, mất mẹ, thậm chí mất cả cha lẫn mẹ là nhóm trẻ có nguy cơ tổn thương tâm lý nặng nhất.

Nhóm người già, người có bệnh nền: Nhóm người này không chỉ có thể bị tổn thương về tính mạng mà còn sa sút trí tuệ nếu mắc COVID-19. Một số trường hợp do sử dụng thuốc không được thường xuyên cũng có thể ảnh hưởng xấu đến bệnh nền và dẫn đến nhiều hậu quả khác.

Nhóm người thất nghiệp, giảm hoặc mất thu nhập trong đợt dịch.

3. Vì sao trẻ em bị rối loạn tâm lý trong dịch COVID-19?

Nhiều người cho rằng trẻ em là lứa tuổi vô tư, vô lo, vậy vì sao trẻ vẫn bị rối loạn tâm lý trong dịch COVID-19, thưa BS?

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca: Có thể thấy rằng, đại dịch COVID-19 là thời kỳ làm thay đổi tất cả các hoạt động của trẻ.

Trẻ em thường hiếu động nên cần thoả mãn những sở thích của mình, đặc biệt là những mối quan hệ trong quá trình học tập như được đến trường, được giao lưu với thầy cô, bạn bè… Nhưng giờ đây, khi có dịch COVID-19, giãn cách xã hội làm cho trẻ em không thể thực hiện được những mong muốn của mình.

Hơn nữa, việc học trực tuyến tại nhà là một phương pháp mới nên phần nào đó cũng đem lại nhiều khó khăn cho trẻ. Đặc biệt, trẻ sẽ có nguy cơ mắc chứng nghiện các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại.

Bên cạnh đó, trẻ em vẫn có thể mắc bệnh COVID-19 nên cũng sẽ lo sợ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt là sợ mất người thân.

Do đó, trẻ em cũng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng về mặt tâm lý trong đợt dịch này.

4. Cần làm gì khi bị rối loạn tâm lý hậu COVID-19?

Một số F0 khỏi bệnh cảm thấy tâm lý mình bị thay đổi sao khi bị COVID-19. Họ thắc mắc rằng điều này sẽ tự trở lại bình thường sau vài tháng, vài năm, hay đây là một dấu hiệu nghiêm trọng cần phải điều trị? Nhờ BS tư vấn thêm về vấn đề này ạ.

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca: Như đã nêu ở trên, “hậu COVID-19” là một yếu tố tất yếu. Những rối loạn này do bệnh gây nên. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, sức khoẻ của chúng ta vẫn có thể trở lại như trạng thái bình thường trước đây. Điều này phụ thuộc vào mức độ tổn thương, yếu tố tâm lý, những rối loạn, phương pháp điều trị của từng người.

Với những trường hợp rối loạn nhẹ và có khả năng tạo lập những cân bằng mới, thì sẽ có thể sớm hồi phục được vấn đề về tâm lý.

Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ hồi phục không hoàn toàn và có thể để lại một vài rối loạn tâm lý như ám ảnh cưỡng chế (gặp ai cũng sợ bị bệnh, làm bất cứ điều gì cũng sợ bị nhiễm bệnh).

Muốn cải thiện được tình trạng rối loạn tâm lý hậu COVID-19, bản thân mỗi người F0 phải đánh giá xem mình đang ở trạng thái nào:

  • Có lo lắng không?
  • Có buồn rầu không?
  • Có rối loạn giấc ngủ hay có những nghi ngờ mà mình thấy không hợp lý không?...

Theo đó, chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp đối phó cho từng người:

  • Ngừng xem những thông tin ảm đạm về COVID-19.
  • Giảm bớt những hoạt động tiêu cực liên quan đến mạng xã hội.
  • Tập thể dục, yoga.
  • Chuyển những lo lắng của mình sang những công việc khác như chăm sóc cây cói, làm việc nhà…
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
  • Chú trọng đến giấc ngủ.
  • Chia sẻ, tâm sự với người thân, bạn bè.

Nếu áp dụng những phương pháp này, chúng ta sẽ sớm vượt qua được trạng thái rối loạn tâm lý hậu COVID-19. Do đó, những người F0 cần có những phương án tích cực để thoát khỏi tình trạng tâm lý. Đặc biệt, họ phải thích nghi với điều kiện mới là cùng chung sống với dịch trong thời gian tới.

Trong trường hợp vẫn không giải quyết được những rối loạn tâm lý sau khi áp dụng những biện pháp trên, chúng ta nên tìm đến bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn cụ thể hơn.

Ngoài ra, một số trường hợp sẽ cần đến các cơ sở y tế để được khám bệnh và chữa trị:

  • Bị mất ngủ kéo dài, khi ngủ mơ thấy ác mộng hoặc có những hành vi trong không phù hợp trong giấc ngủ. Khi ngủ dậy, cơ thể vẫn thấy mệt mỏi.
  • Luôn trong trạng thái lo âu quá mức, suy nghĩ nghĩ nhiều, mất tập trung làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong công việc.
  • Có các trạng thái mệt mỏi mãn tính, không lý tưởng trong lao động sáng tạo. Đây cũng có thể là một dấu hiệu của trầm cảm.
  • Thay đổi cảm xúc quá mức: dễ cáu gắt, nóng giận, nhỏ nhen…
  • Có những suy nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu không thoát ra được làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Các trường hợp áp dụng hướng dẫn điều trị tại nhà về mặt tâm lý không hiệu quả.

5. Cải thiện tình trạng rối loạn tâm lý hậu COVID-19 khi ở nhà như thế nào?

Những người rối loạn tâm lý hậu COVID-19 khi ở nhà thì có thể làm những gì để cải thiện tình trạng của mình ạ?

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca: Những người bị ảnh hưởng do “hậu COVID-19” có thể áp dụng một số biện pháp như sau:

Đánh giá tình trạng cảm xúc của mình hiện tại. Đặc biệt, nên chú ý đến những dấu hiệu báo động rối loạn như: lo âu, căng thẳng, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi…

Tự trấn an bản thân mình rằng COVID-19 vẫn có thể điều trị được. Đặc biệt, hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh, nếu kết hợp với việc thực hiện tốt khuyến cáo 5K thì chúng ta có thể sống chung với COVID-19. Việc mất bình tĩnh chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề chứ không giải quyết được gì. Do đó, nếu những suy nghĩ của mình vượt quá giới hạn của sự lo lắng thì cần được điều tiết lại để có nhận thức đúng đắn về dịch bệnh. Không nên thái quá vấn đề vì điều này đôi khi sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bản thân.

Thay vì lo lắng, hãy chuyển sang làm một công việc khác. Ví dụ, chúng ta không nên xem các thông tin liên quan tiêu cực liên quan đến đại dịch mà có thể thay thế bằng việc xem phim, video hài hước, hoặc làm việc nhà… Điều này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi vòng luẩn quẩn của rối loạn tâm lý.

Tập hít thở sâu: việc hít thở đặc biệt tốt hơn đối với những người F0. Hít thở sâu vừa giúp chúng ta thư giãn về mặt tâm lý, vừa giúp hồi phục chức năng của hô hấp. Theo đó, chúng ta nên hít thở đều, chậm và tìm nơi thoáng mát, sạch sẽ để luyện tập. Sau khi hết giãn cách, chúng ta có thể ra công viên để luyện tập vì nơi có nhiều cây xanh sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Tập thể dục: với những người đã hoặc không mắc bệnh thì việc tập thể dục đều mang lại giá trị. Theo đó, chúng ta tập đều đặn, vừa với sức của mình.

Có thể tập thêm yoga, thiền: để làm giảm suy nghĩ bất thường về tâm lý.

Giữ tinh thần lạc quan vui vẻ. Bên cạnh đó, nên chuẩn bị một tinh thần lạc quan để trở lại với cuộc sống “bình thường mới”, tức phải sống chung với dịch bệnh bằng những biện pháp phòng bệnh và phát triển kinh tế.

Ăn uống khoa học: nên ăn đủ dinh dưỡng, không bỏ bữa. Việc tạo không khí trong bữa ăn gia đình cũng là một biện pháp để giải toả tâm lý.

Ngủ đủ giấc: ngủ đủ giấc không chỉ giúp giải quyết về sức khoẻ đơn thuần mà còn giúp phòng ngừa trạng thái stress. Sau khi hết giãn cách, chúng ta có thể gặp nhiều vấn đề khác khiến bản thân bị stress chứ không chỉ riêng vấn đề COVID-19. Stress có thể sinh ra khi chúng ta bắt đầu trở lại môi trường, quay lại công việc cùng những điều kiện khác.

Liên lạc với bác sĩ điều trị bệnh mãn tính về tâm lý: để được chia sẻ, hướng dẫn dự phòng điều trị, cũng như giải quyết các vướng mắc mà bản thân đang gặp phải.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X