U tủy sống có thể trị khỏi bằng phẫu thuật
Đa số trường hợp u tủy đều phải mổ để giải quyết khối u và giải phóng sự chèn ép.
Thông thường các loại u tân sinh phát triển không ngừng, ngày càng to ra, chèn ép nhiều vào tủy và hệ thống thần kinh nên buộc phải mổ.
Một số loại không phải là u tân sinh nhưng cũng phát triển to ra, chẳng hạn như nang thượng bì hoặc u quái, u mỡ… khi đã có triệu chứng cũng phải mổ lấy u.
Chỉ có các u lympho (lymphoma) đáp ứng nhạy với hóa trị và u tế bào mầm (germinoma) nhạy với tia xạ, còn hầu hết các trường hợp khác đều phải giải quyết bằng phẫu thuật.
Đối với u ở màng cứng ngoài tủy, việc mổ lấy u khá dễ dàng vì chúng thường chỉ dính một phần nhỏ vào các dây thần kinh hoặc màng tủy.
Những trường hợp u màng não tủy dính vào màng tủy ở phía trước, có thể dễ dàng cắt bỏ màng tủy để tránh tái phát, song việc khâu kín nó để tránh dò dịch não tủy ra ngoài rất khó khăn.
Hiện nay, với xu hướng phẫu thuật ít xâm lấn, nhiều tác giả chủ trương chỉ bóc tách cơ một bên, cắt một bên bản sống và sau đó cắt u ra từng mảnh nhỏ để lấy ra khối u trong màng cứng. Nhờ vậy, cuộc mổ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Khối u tủy sống sau khi được phẫu thuật lấy ra. Ảnh: Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn. |
Trong các trường hợp u ngoài màng cứng, việc lấy hết khối u thường khó khăn hơn vì chúng có thể ăn lan ra nhiều hướng khác nhau, hủy xương nhiều, chảy máu nhiều, đặc biệt khi xương bị hủy thì phải nạo sạch, ghép xương rồi cố định nẹp vít…
Cuộc mổ này khá nặng nề. Hơn nữa những ca u ngoài màng cứng thường là di căn, khả năng hồi phục kém, thời gian sống còn lại không dài.
Chính vì vậy bác sĩ phải cân nhắc có nên mổ không. Nếu thấy phẫu thuật không có lợi, nhiều bác sĩ chỉ định hóa trị, xạ trị, dù hầu như không có tác dụng gì mà chỉ giúp người bệnh không cảm thấy bị bỏ rơi.
Đối với các trường hợp u nội tủy, trước đây người ta cho rằng mổ chỉ nhằm giải ép chứ không thể lấy hết khối u. Phần xử lý khối u được giao cho khâu xạ trị. Tuy nhiên càng về sau các bác sĩ nhận thấy xạ trị không những không diệt được khối u mà còn diệt cả phần tủy không bị bệnh, góp phần sinh ra các u khác.
Gần đây vai trò của phẫu thuật trong điều trị u nội tủy mới được xác định một cách đúng đắn. Với sự phát triển của các phương tiện hỗ trợ phẫu thuật và chẩn đoán, việc mổ lấy hết khối u trong tủy không còn là "chuyện viễn vông".
Sau nhiều ca mổ lấy hết u, người ta mới nhận ra rằng đối với u nội tủy có độ ác tính thấp, chỉ cần mổ lấy hết u là triệt để, không cần xạ trị hay hóa trị, khả năng tái phát rất thấp.
Khó khăn lớn nhất trong phẫu thuật u nội tủy là phải đảm bảo mổ lấy hết u mà không làm hư tủy. Đây thực sự là một thách thức rất lớn cho các phẫu thuật viên thần kinh.
Hiện nay, số phẫu thuật viên còn sống trên thế giới mổ thành công trên 100 trường hợp u nội tủy chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên, số bác sĩ đã từng mổ u nội tủy thì nhiều hơn, mỗi người mổ một hoặc vài ca và chỉ cần một trong số các ca đó thành công thực sự (nghĩa là lấy hết u mà bệnh nhân không xấu hơn) cũng xếp vào hàng “top” rồi.
Ngoài tay nghề cùa bác sĩ, sự thành công của ca mổ lấy toàn bộ khối u nội tủy phụ thuộc một phần vào phương tiện.
Đầu tiên cần phả có kính hiển vi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ không thể thành công nếu mổ bằng mắt thường bởi để bóc tách được khối u ra khỏi tủy cần phải phóng đại lên cỡ 16 đến 20 lần.
Hiện nay một số bác sĩ Việt nam có thể giải quyết khá tốt những trường hợp u nội tủy. Các chuyên gia kỳ vọng trong tương lai, nước ta sẽ trở thành một trong một số ít nơi trên thế giới điều trị tốt những khối u này.
Ngoài các trường hợp nêu trên còn có một số ca khá đặc biệt là những u hình quả tạ đôi. Những khối u này thường có một phần nhỏ nàm trong ống sống, chèn ép vào tủy, phần u lớn hơn nằm ở ngoài ống sống, lan vào trong bụng hoặc ngực.
Trước đây người ta phải mổ hai lần để lấy hết các khối u này. Tuy nhiên việc mổ nhiều lần không phải lúc nào cũng suôn sẻ vì trong nhiều trường hợp, khâu cầm máu tại vị trí khối u được cắt ở lần đầu rất khó khăn.
Với những trường hợp này, yêu cầu phải mổ lấy hết khối u trong một cuộc phẫu thuật là rất bức bách. Hiện nay có một kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu này đó là một đường mổ được thực hiện từ phía sau và luồn ra phía trước để lấy hết khối u dù nó nằm trong lồng ngực hay bụng.
Hiện tại Việt Nam đã giải quyết thành công những khối u này mang lại hiệu quả điều trị cao không khác gì các trung tâm lớn trên thế giới.
Tóm lại, ngoài một số rất ít các trường hợp đặc biệt, đa số khối u tủy đều phải cần đến một cuộc mổ để giải quyết u, giải phóng sự chèn ép. Cuộc mổ sẽ dễ dàng nếu u ở trong màng cứng và ngoài màng tủy, sẽ khó điều trị hơn nếu u ngoài màng cứng, đặc biệt khó khăn nếu là u nội tủy.
Theo TS.BS Võ Xuân Sơn - VnExpress
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình